Quá trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nc ta hiện nay có nhưng hệ quả nào

2 câu trả lời

Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của nông nghiệp, nông thôn không những không giảm sút, mà có những nét mới, cao hơn so với vai trò trước đây. Vai trò mới này xuất hiện từ chính xã hội công nghiệp và thành thị hiện đại. Bên cạnh những vai trò có tính truyền thống trước đây, nông nghiệp, nông thôn còn có vai trò trong việc thỏa mãn những nhu cầu mới xuất hiện từ chính xã hội công nghiệp và nền văn minh công nghiệp, từ yêu cầu phát triển bền vững và lấy con người là mục tiêu của sự phát triển.

Bài học, kinh nghiệm của những thành công trong phát triển nông nghiệp và nông thôn ở một số nước phát triển rất có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thực hóa hình ảnh thể hiện vai trò, vị trí mới của nông nghiệp, nông thôn ở các nước đang phát triển là quá trình lâu dài và phức tạp. Lâu dài vì trình độ hiện tại của nông nghiệp còn thấp kém và giữa nông thôn và đô thị còn có sự chênh lệch lớn. Phức tạp vì vừa phải định hình cái tương lai, vừa phải cải tạo cái hiện hữu và vấp phải những cản trở từ tính thủ cựu vốn có của một bộ phận dân cư nông thôn. Và, để hiện thực được điều đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Có thể thấy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa được coi là một quy luật có tính phổ biến trong phát triển của tất cả các quốc gia. Còn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một bộ phận hợp thành của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nằm trong tổng thể quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, song vị trí đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng sâu rộng cả về kinh tế và xã hội, cũng như những đặc thù của khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên những nét đặc thù về mục tiêu, nội dung, con đường, bước đi và các giải pháp thực hiện quá trình này, bởi thành công ở khu vực này có tác động tạo nền tảng và thúc đẩy nhanh, có hiệu quả và bền vững tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngược lại, sự trục trặc trong khu vực này chắc chắn sẽ gây nên những tác động tiêu cực khôn lường cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Thực tế nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á và Đông Á trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997 - 1998 và kinh nghiệm của ngay chúng ta sau khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã chỉ ra bài học cực kỳ quan trọng là: nông nghiệp, nông thôn là bàn đạp khi phát triển ổn định, chỗ dựa an toàn khi khủng hoảng. Bài học này càng có ý nghĩa với Việt Nam chúng ta khi có đến 70% dân số vẫn sinh sống ở khu vực này.

Mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời đại ngày nay là chuyển nông nghiệp, nông thôn từ trạng thái của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phân tán, manh mún, trình độ kỹ thuật, năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, thủ cựu kiểu tiểu nông sang trạng thái của nền kinh tế công nghiệp và văn minh công nghiệp có chứa đựng những yếu tố nhất định của nền kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ.

Với vị trí trọng yếu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc xác định đúng vai trò, vị trí, mục tiêu và các giải pháp chiến lược thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ có ý nghĩa với việc tạo sự chuyển biến về chất các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, mà còn có ý nghĩa chung với toàn bộ sự phát triển của đất nước.

Trong 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn coi “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định: Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn. Đồng thời, khẳng định ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta

Có thể thấy, nội dung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bao hàm hai vế. Vế thứ nhất, đó làcông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Ở vế thứ hai, đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ở nông thôn.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc phát triển lực lượng sản xuất phải được thực hiện đồng bộ ở cả các yếu tố vật chất và yếu tố con người. Song, trong sự giới hạn về nguồn lực và với điểm xuất phát thấp, cần lựa chọn được nội dung trọng tâm mang tính đột phá và nội dung mang tính hỗ trợ, nội dung mang tính điều kiện.

Với mục tiêu tổng quát và lâu dài của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại, Đảng ta đã đưa ra những chủ trương và giải pháp lớn sau:

- Phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp;

- Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn;

- Xây dựng đời sống văn hóa - xã hội và phát triển nguồn nhân lực;

- Các giải pháp về quy hoạch, khoa học - công nghệ, đất đai, tài chính, tín dụng, lao động và việc làm, thương mại và hội nhập kinh tế.

Xét tổng quát, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn những năm qua bao hàm những nội dung cơ bản sau đây:

- Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và tính chất phát triển lực lượng sản xuất ở nông thôn; huy động sự tham gia chủ động, rộng rãi và có hiệu quả của mọi lực lượng trong xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn;

- Xây dựng nền kinh tế thị trường văn minh thay thế cho nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ mang nặng tính chất tự cung tự cấp của những người tiểu nông;

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại đủ điều kiện đáp ứng các nhu cầu của sản xuất và đời sống vật chất - văn hóa của dân cư, có thuần phong mỹ tục, lối sống với bản sắc nông thôn được hài hòa với nền văn minh công nghiệp và văn minh trí tuệ và môi trường sinh thái trong lành;

- Xây dựng con người mới ở nông thôn bảo đảm được các yêu cầu: có tri thức làm chủ quá trình hoạt động của mình; có tính cộng đồng cao; năng động đổi mới và tiếp thu cái mới; tư duy, lối sống văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của người dân nông thôn...

Quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với các đặc điểm khác nhau. Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, quá trình thực hiện CNH, HĐH thời gian qua cũng đang bộc lộ những hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và chậm được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, hệ thống hạ tầng cơ sở còn chậm phát triển.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm