Phân tích khổ 3 Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm Giúp mình với ạ !

2 câu trả lời

Nền văn học Việt Nam giai đoạn năm 1945-1975 là nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, bên cạnh các đề tài “lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” thì các đề tài xây dựng đất nước, hoặc ca ngợi đất nước cũng được nhiều tác giả chọn đưa vào tác phẩm của mình mới những vần thơ, lời văn chân thành tha thiết, thấm đẫm hào khí dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng chọn cho mình đề tài đất nước, giữa những năm tháng cuộc chiến đấu của nhân dân đang vào lúc cao trào sục sôi máu lửa. Thế nhưng Nguyễn Khoa Điềm không đặt nặng trong tác phẩm của mình màu sắc tuyên truyền, không ồn ào, rộn rã mà ông cho riêng cho mình một chất giọng êm dịu, thiết tha, gần gũi và thân thuộc. Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn đất nước bằng một cách rất riêng, bằng một cảm xúc mới lạ giữa thời chinh chiến “hoa lửa”, ông nhìn nhận Tổ quốc từ những điều giản dị, từ những con người rất đỗi bình thường. Sử dụng thành công giọng thơ mang tính triết luận trữ tình, đặc biệt là sự kết hợp với các chất liệu văn hóa dân gian lấy từ vốn hiểu biết rộng lớn của nhà thơ về văn hóa ngàn đời của dân tộc. Tất cả đã tạo nên một Đất Nước với vẻ giản dị, thân thương, Đất Nước của nhân dân, một Đất Nước bước ra từ những câu chuyện kể, những truyền thuyết, những phong tục tập quán của 4000 năm văn hiến tự hào.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”

Trong trích đoạn Đất Nước, đầu tiên tác giả đi vào phân tích và làm rõ vấn đề Đất Nước có từ bao giờ. Trong 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra rằng Đất Nước đã có từ rất lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết, với những câu chuyện cổ tích đã có từ những ngày xửa, ngày xưa. Câu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi cho chúng ta nhớ đến sự tích Trầu Cau, khơi gợi lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ấy là tình nghĩa anh em sâu đậm, tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung. Không chỉ vậy từ hình ảnh miếng trầu bà ăn tác giả còn gợi lại những cái phong tục đẹp của nhân dân ta ấy là tục ăn trầu nhuộm răng có có từ thuở vua Hùng dựng nước và giữ nước. Cùng với sự tích Trầu Cau, thì qua câu thơ “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” tác giả lại tiếp tục gợi nhắc chúng ta nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng vô cùng quen thuộc, gợi nhắc về truyền thống yêu nước, bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Như vậy, có thể thấy rằng Đất Nước hình thành từ nền tảng là tình nghĩa sâu nặng của dân tộc, thế nhưng Đất Nước chỉ có thể lớn lên khi nhân dân ta có được tinh thần yêu nước, có được lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ nước. Đi từ những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết xa xưa thì tác giả lại tiếp tục chỉ ra Đất Nước có từ rất lâu đời, bắt đầu từ những thuần phong mỹ tục. “Tóc mẹ thì bới sau đầu”, nhắc người đọc nhớ lại phong tục búi tóc thành búi tóc tròn, thấp sau gáy của các bà, các mẹ thời xưa. Mà dù cho đã qua hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, mấy chục năm trời Pháp thuộc, thế nhưng cho đến khi Nguyễn Khoa Điềm viết Trường ca Mặt đường khát vọng, búi tóc ấy vẫn giữ cho mình dáng vẻ ban đầu không đổi, vẫn kiên cường trụ vững sau gáy của người phụ nữ Việt Nam. “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, chính là đại diện cho truyền thống coi trọng tình nghĩa vợ chồng, càng trong những thử thách, gian lao thì vợ chồng lại càng trở nên thương yêu và gắn kết bền chặt với nhau hơn. 

Thứ ba nữa, Đất Nước có từ rất lâu đời được hình thành cùng với tiến trình phát triển của con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường. “Cái kèo cái cột thành tên”, từ chỗ con người ta sống tạm bợ trong những hang đá thô sơ, từ nhân dân ta đã bắt đầu chủ động hơn trong cuộc sống biết xây dựng nên các mái nhà che mưa, che nắng cho mình. Rồi “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần, sàng”, ta cũng thấy được từ cái chỗ nhân dân ta sống phụ thuộc vào thiên nhiên với công việc hái lượm bấp bênh, thì người Việt Nam đã bắt đầu biết đến nền văn minh lúa nước, biết tạo ra hạt thóc hạt gạo làm lương thực chính để phục vụ cuộc sống. Và cuối cùng sau khi dùng ba ý trên để trả lời cho câu hỏi Đất Nước có từ khi nào, tác giả đã chốt lại bằng câu thơ “Đất Nước có từ ngày đó”, “ngày đó” là ngày những truyền thuyết, cổ tích ra đời, là ngày chúng ta có thuần phong mỹ tục, là ngày mà chúng ta biết trồng tre diệt giặc, cũng là ngày bà con người Việt Nam ta biết dựng nhà, trồng lúa. Có thể nói Đất Nước mà Nguyễn Khoa Điềm gợi lại thông qua các chất liệu văn hóa dân gian lâu đời của dân tộc đã đem đến cho người đọc những xúc cảm gần gũi, thân thuộc và bình dị, để lại trong tâm hồn con người cảm giác tha thiết và gắn bó vô cùng.

“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”

Sau câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ, Nguyễn Khoa Điềm lại tiếp tục khai thác hình tượng Đất Nước ở câu hỏi “Đất Nước là gì?”. Ông không trả lời khái niệm này theo cách của các nhà khoa học mà là dưới cương vị của một nhà thơ, dùng lối chiết tự, tách Đất Nước thành hai thành tố là “Đất” và “Nước” để mà định nghĩa, giúp người đọc có được cách hiểu chính xác nhất, đầy đủ nhất về khái niệm Đất Nước. Về phương diện địa lý Nguyễn Khoa Điềm ví ““Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm” là không gian gần gũi, thân thuộc đối với mỗi người trong cuộc sống đời thường. Rồi “Đất Nước là nơi ta hò hẹn/Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, tác giả đã hợp hai thành tố lại thành “Đất Nước” theo thời gian anh và em lớn dần lên, nếu trước đây anh và em là hai cá thể và Đất Nước cũng tách riêng ra thì bây giờ anh và em đã hợp lại thành một cặp tình nhân “hò hẹn” và Đất Nước trở thành một cái không gian riêng tư, thầm kín cho tình yêu của lứa đôi. Không chỉ thế “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc...Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ” lại cho ta thấy Đất Nước ở một dáng vẻ khác, nếu ở trên ta thấy một Đất Nước nhỏ bé dung dị thì tới những câu thơ này ta lại thấy Đất Nước mang một dáng vẻ kỳ vĩ và lớn lao được đo bằng sải cánh của con chim phượng hoàng bay về núi bạc, được đo bằng sự mênh mông, rộng lớn của biển khơi. Và cuối cùng dù đi đâu về đâu thì phượng hoàng cũng phải về núi, cá ngư ông thì phải vùng vẫy ở biển và dân tộc Việt Nam thì phải đoàn tụ ở nơi có tên là Đất Nước. Như vậy có thể tóm gọn lại Đất Nước chính là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương. 

“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Về phương diện thời gian lịch sử, tác giả đã trả lời cho câu hỏi Đất Nước là gì bằng một cái nhìn bao quát suốt chiều dài thời gian lịch sử để đưa ra một câu trả lời chính xác nhất. Trong quá khứ đó là một Đất Nước thiêng liêng và lớn lao, khi tác giả gợi nhắc về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, gợi nhắc về giống nòi cao quý của dân tộc ta, vốn là con rồng cháu tiên. Đồng thời còn gợi nhắc về truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông, mở ra triều đại đầu tiên của nước ta, triều đại vua Hùng tục truyền kéo dài đến 18 đời. Kèm với đó là những lời dặn dò chân thành tha thiết, phải biết kế tục hương hỏa, duy trì nòi giống dân tộc, phải đứng lên mạnh giữ gìn non sông gấm vóc, và luôn nhớ về nguồn cội của mình với tấm lòng thành kính, trân trọng. 

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”

Trong hiện tại, Đất Nước hiện lên một cách gần gũi và thân thuộc, hiện diện ở trong mỗi con người, bao gồm ngôn ngữ để con người giao tiếp tư duy, bao gồm cả những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn tồn tại trong từng nếp sống. “Khi hai đứa cầm tay/Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm” là sự tiếp nối của ý thơ “Đất Nước là nơi ta hò hẹn”, thì đến đây trên cơ sở tình yêu lứa đôi mỗi con người phải có trách nhiệm xây dựng một tổ ấm để góp phần xây dựng một “Đất Nước hài hòa nồng thắm”. Không chỉ dừng lại ở đó, trách nhiệm của mỗi con người còn là “cầm tay mọi người”, phải nối vòng tay lớn, xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng vững mạnh để tạo nên một “đất nước vẹn trong to lớn” để sánh vai với các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy hình ảnh thơ “cầm tay mọi người” còn gợi nhắc về nguồn gốc tổ tiên, nhắc nhở chúng đều cùng một mẹ sinh ra, thế nên phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”

Trong tương lai đó là một Đất Nước với triển vọng tươi sáng, những thế hệ tương lai được kỳ vọng, được đặt lên vai cái trách nhiệm lớn lên cả về trí tuệ lẫn tầm vóc, để làm nên những điều kỳ diệu cho cả dân tộc cả Đất Nước. Con sẽ đưa Đất Nước đi xa, sánh vai cùng với các cường quốc trên thế giới, đưa Đất Nước trở nên giàu đẹp vững mạnh gấp nhiều lần hôm nay. 

Sau khi đã định nghĩa một cách rõ ràng Đất Nước cả về không gian và thời gian, cả về địa lý lẫn lịch sử thì Nguyễn Khoa Điềm đã chốt lại bằng những câu thơ rất tha thiết về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Đất Nước.

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Lời thơ như là lời tâm tình của người anh với người em, lời tâm tình của chàng trai đối với một người con gái, cũng là lời lay tỉnh của nhà thơ, của thế hệ trước với thế hệ sau, cũng là lời lay tỉnh của cách mạng đối với tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam, những con người đang ngủ quên trong cuộc sống hưởng thụ . Đất Nước là một khái niệm trừu tượng, thế nhưng khi so sánh Đất Nước với hình ảnh “máu xương của mình” thì đó lại là một khái niệm cụ thể, hữu hình. Đây cũng là phần nối tiếp trong ý thơ “trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất Nước”, thì ở đây Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ rõ Đất Nước là máu xương của mỗi con người, đã là phần căn cơ cốt yếu trong mỗi cá nhân, ai cũng phải có. Điệp từ “phải biết” trong hai câu thơ sau là biểu hiện của một mệnh lệnh, xác định trách nhiệm cho mỗi người, yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, một tư tưởng trừu tượng mà yêu nước phải thực hiện bằng hành động. Mỗi con người cần phải biết “gắn bó san sẻ”,  đặc biệt phải “biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”, dâng cả sự sống, thanh xuân cho Đất Nước, coi trọng Đất Nước hơn cả hạnh phúc riêng của bản thân mình.

1. Mở bài: nêu tác giả, nêu yêu cầu đề.

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh sáng tác:

_Bài thơ được trích từ chương V của trường ca Mặt đường khát vọng.

_Được hoàn thành năm 1971 ở chiến khu Trị Thiên.

b. Nội dung của hai khổ thơ trước đó:

_Cội nguồn của đất nước cùng với câu trả lời cho lời trăn trở  Đất Nước là gì.

c. Phân tích khổ 3: Vai trò, trách nhiệm của nhân dân với đất nước.

+Vai trò của nhân dân trong hiện tại.

+Vai trò của nhân dân với Đất nước trong tương lai.

+Truyền thống được tiếp nối trong mọi thế hệ.

+Mong ước hiến dâng vì non sông gấm vóc.

d. Tổng kết nội dung, nghệ thuật.

3. Kết bài:

_Cảm nghĩ về khổ thơ. 

Bài làm

Nguyễn KHoa  Điềm là một trong những tác giả tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mỹ. Nổi bật nhất trong đời thơ ông không thể không kể đến bài Đất nước. Đọc đoạn thơ thứ ba của bài, ta có thêm những hiểu biết, những nhìn nhận về vai trò, trách nhiệm của nhân dân với Đất nước:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

......

Làm nên Đất Nước muôn đời.

Đất nước là bài thơ được trích từ trường ca Mặt đường khát vọng. Tác phẩm thuộc chương V của bản trường ca và được sáng tác ở chiến khu Trị Thiên năm 1971- trong những ngày kháng chiến chống Mỹ sục sôi khắp cả nước. Đặc biệt, bài thơ như một lời thức tỉnh gửi đến tuổi trẻ đô thị miền Nam hãy đứng lên thực hiện sứ mệnh của thế hệ mình với tổ quốc, với nhân dân.

Nếu ở hai khổ trước, NGuyễn KHoa Điềm đưa bạn đọc đến miền không gian của những tình cảm thân thương gắn kết. Và ở đó, ta được hiểu rõ về cội nguồn của đất nước, về lời giải thích Đất Nước là gì. Thì ở khổ tiếp theo, nhà thơ đã cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước. 

 Đất Nước hiện lên vô cùng gần gũi và thân thuộc. Đất Nước kết tinh và hội tụ vẻ đẹp trogn mỗi con người. Lời khẳng định của nhà thơ: Trong anh và em hôm nay/ Đều có một phần Đất Nước giúp ta thêm thấm thía và hiểu rõ được sự gắn bó của Đất Nước bao la rộng lớn với mỗi con người cụ thể. Nó thể hiện rõ nét và tồn tại  trong từng nếp sống, qua từng cử chỉ dẫu nhỏ bé nhưng tràn ngập tình cảm:

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm.

Cử chỉ đó là sự tiếp nối của ý thơ “Đất Nước là nơi ta hò hẹn” trong những vần thơ đầu. Quả thực, cơ sở tình yêu lứa đôi trong mỗi con người đều được xây dựng và phát triển từ tình yêu Đất Nước hài hòa, lớn lao. Và mỗi người  đều phải có trách nhiệm xây dựng một tổ ấm để góp phần xây dựng  “Đất Nước hài hòa nồng thắm” trong mỗi người. Và sự hài hòa, nồng thắm, sự gắn kết ấy còn là  trách nhiệm nối kết, gắn bó cộng đồng. Tất cả đều nhằm để xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng vững mạnh để tạo nên “đất nước vẹn tròn to lớn” . Không chỉ vậy, hình ảnh thơ “cầm tay mọi người” còn gợi nhắc về nguồn gốc tổ tiên và tinh thần đoàn kết cộng đồng giữa người dân cùng chung một gốc gác con Rồng cháu Tiên. Để rồi tình yêu ấy được truyền nối và hi vọng: 

“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”

Đó là tương lai tươi sáng của  Đất Nước. Sự phát triển của Đất Nước phát triển với hi vọng, tách nhiệm  với triển vọng tươi sáng, những thế hệ tương lai được kỳ vọng, được đặt lên vai cái trách nhiệm lớn lao cả về trí tuệ lẫn tầm vóc. Đó là sức mạnh lớn lao grogn mỗi người dân đất Việt trong tương lai tươi sáng để dựng xây Đất Nước. 

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Lời thơ chính là lời tâm tình của người anh với người em, của chàng trai đối với một người con gái. Cách tâm sự tỉ tê sao mà tình cảm, sao mà gần gũi thân thương.  Đất Nước là một khái niệm trừu tượng nhưng khi đặt nó trong so sánh “máu xương của mình” thì Đất Nước lại hiện hữu cụ thể trong sự hi sinh, cố gắng của mỗi người.  Đây chính là sự nối tiếp trogn ý thơ đầu“trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất Nước". Đất nước gắn kết vô cùng với con người. Điệp từ “phải biết” như sự thể hiện của  một mệnh lệnh,  trách nhiệm của mỗi người. Và mỗi người dân đều có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Mỗi con người cần phải biết “gắn bó san sẻ”và là luôn phải “biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Con người, mỗi con người VIệt Nam đều mang trách nhiệm đối với đất nước. Đất Nước được làm nên từ những con người với tình yêu nồng nàn với dân tộc. 

Với hình ảnh thơ giản dị, hình ảnh so sánh ta được cảm nhận được trách nhiệm và vai trò của nhân dân với Đất Nước. Trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ người trẻ đều cần phải phát huy khả năng của mình để dựng xây, gìn giữ quê hương.

Đất Nước trong mỗi người là Đât Nước của yêu thương và sứ mệnh. Và mỗi người đều cần làm tròn nhiệm vụ của mình với quê hương, từ những tình cảm nhỏ bé, tất cả sẽ nâng lên trở thành tình yêu Đất Nước lớn lao và cũng là trách nhiệm trong mỗi người. 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm