một chuyến đi tham quan dã ngoại mà em nhớ nhất

2 câu trả lời

Nhà tôi nghèo nhất lớp nên tham gia du lịch đối với tôi chỉ như là một ước vọng xa xôi. Thế mà cuối năm ngoái, ước vọng xa xôi của tôi đã trở thành hiện thực. Lớp tôi có thành tích học tập cao nhất khóa nên đã được nhà trường quyết định chọn cho đi thăm nhà tưởng niệm Nguyễn Trãi và danh thắng Côn Sơn.

Sáng hôm đó, bố mẹ vui mừng đưa tôi ra xe rất sớm. Đi được vài cây số, chẳng ai bảo ai vậy mà cả xe chúng tôi cứ thế hát vang những bài ca của Đội. Đoàn tham quan có một không khí vô cùng hứng khởi. Hơn bảy giờ, chúng tôi đã đến Côn Sơn. Nhìn từ xa, Côn Sơn là một vùng đồi núi bạt ngàn thông xanh. Tiếng lá thông đang ngân lên trong gió tạo nên những bản nhạc du dương đầy lôi cuốn. Vừa tới cổng khu vực tham quan, tôi đã thấy một tấm bảng lớn có đề dòng chữ: "Lấy chí nhân để thay cường bạo". Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, thầy giáo dạy văn bên giảng giải: "Đó là một câu trong tác phẩm bất hủ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Câu văn thể hiện tư tưởng chính nghĩa cũng như lòng nhân ái của nhân dân ta".

Xuống xe, chúng tôi có 30 phút để nghỉ ngơi và ăn sáng. Nơi chúng tôi được đến đầu tiên là nhà tưởng niệm Nguyễn Trãi. Chị hướng dẫn viên du lịch với chất giọng nhẹ nhàng đầm ấm đã đưa chúng tôi đi suốt cuộc đời Nguyễn Trãi để rồi đứa nào đứa nấy trong chúng tôi thầm cảm phục: không ngờ một danh nhân như Nguyễn Trãi lại có cuộc đời gian truân như vậy. Có điều dù gian nan nhưng lúc nào Nguyễn Trãi cũng vươn lên để trung quân ái quốc.

Ra khỏi khu tưởng niệm, chúng tôi hào hứng nô nức đua nhau leo lên "Đỉnh bàn cờ". Đường đi rất dài được xây dựng bằng những bậc đá, hai bên là những hàng thông xanh mát, đang dạo những khúc nhạc vi vu. Tôi đi chậm để được ngân nga cái cảm giác "dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn" của Nguyễn Trãi.

Chúng tôi nghỉ trưa trên đỉnh núi, lần đầu tiên tôi được ăn một bữa cơm trên đỉnh một ngọn núi cao và mát rượi. Ở đó, tôi còn nhìn được về Bắc Giang quê tôi, nhìn thấy dòng Lục đầu với bao chiến công hiển hách vẫn ngày đêm đang cuộn chảy.

Khoảng hai giờ chiều, chúng tôi xuống núi, tưởng cuộc chơi đã hết, thật không ngờ, bây giờ mới là lúc thú vị nhất của buổi tham quan. Chúng tôi được thầy cho xuống bằng đường tắt. Đó là đường của những con suối cạn chảy giữa những vòm cây rậm mát bên trên. Chúng tôi được thử tất cả những cảm giác của người thi sĩ ngày xưa: được ngồi, rồi nằm trên đá, trên những mảng rêu khô, được nghe tiếng nước chảy như tiếng đàn cầm, được phả lên mặt dòng nước suối mát lạnh đến rùng mình... Thật là một cảm giác tuyệt diệu!

Hôm ấy chiều muộn chúng tôi mới về tới nhà. Tất cả đều rất mệt nhưng thật vô cùng vui vẻ. Hôm sau đến lớp, chúng tôi tha hồ nhắc lại cho nhau nghe những niềm vui ngày hôm trước. Các bạn lại còn tặng nhau những quả thông khô giống như những tháp Phật hình tròn màu nâu sạm mà ai

đó có cơ may nhặt được trên đường xuống suối.

Với riêng tôi, chuyến đi ấy thật nhiều điều ý nghĩa. Nó không chỉ là một ngày giúp tôi hiểu thêm về một danh nhân đất nước, không chỉ là buổi thăm quan được vui vẻ cùng thầy cô và tất cả bạn bè. Nó còn vì một điều khác nữa, chuyến đi giúp tôi tin những ước mơ chân thành của tuổi thơ sẽ thành hiện thực.

5sao:((

Nhân dịp sinh nhật chị em lần thứ mười bốn, mẹ đã cho chúng em đi chơi hồ Gươm. Một cảnh đẹp nổi tiếng.

Hôm nay bầu trời trong xanh in bóng xuống mặt hồ. Mấy chú chim thay nhau hót những bài ca đặc biệt. Chị gió thì thướt tha đi qua tạo cho ai cũng cảm thấy dễ chịu. Sau ba mươi phút bon bon trên đường bằng chiếc xe máy của bố, cả em, mẹ và chị em đều cảm nhận được hồ Gươm đã ngay trước mắt, Mẹ và chúng em dắt tay nhau đi dạo một vòng quanh hồ, đã lâu lắm rồi em mới tới đây. Là chủ nhật nên ở đây có rất nhiều khách du lịch tới tham quan và mỗi người lại có một cách nghĩ riêng về hồ Gươm. Còn trong con mắt trẻ thơ của em hồ Gươm như một chiếc gương khổng lồ của thành phố Hà Nội. Em đã từng được nghe câu chuyện bà kể về việc vua Lê Lợi trả gươm cho thần rùa Kim Quy. Mẹ con em chọn một chỗ rõ nhất để nhìn Tháp Rùa. Tháp Rùa cổ kính, uy nghi đứng trên gò đất xanh rì cỏ nổi giữa mặt hồ. Mẹ bảo rằng đã từng có người nhìn thấy cụ Rùa từng lên gò đất đó và cũng từ đấy mọi người coi Tháp Rùa là cung điện của thần Rùa Kim Quy. Mẹ còn bảo Tháp Rùa cũng chính là một nhân chứng lịch sử nước ta. Nó đã chứng kiến nước ta bị xâm lược, đã chứng kiến nước ta giải phóng và bây giờ đang trên đà phát triển. Nó cũng là nơi đầu tiên cắm chiếc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nối hồ Gươm với đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm và cũng là chiếc cầu duy nhất sơn màu đỏ chon chót, bóng bẩy. Cuối đuôi con tôm đặc biệt này được bao phủ bằng chiếc cổng lá cây làm từ các cây cổ thụ mát rượi. Ngay trước cửa đền là hàng chữ đẹp của Nguyễn Siêu, thần đồng nổi tiếng Việt Nam. Sát bên trái cửa đền là ngọn Tháp bút cao sừng sững mà theo nhiều người hàng ngày vẫn viết những việc làm tốt của mọi người lên trời cao. Đi sát vào đền ta còn có thể chiêm ngưỡng cụ Rùa to hơn cả bàn cô giáo lớp em. Đối với những người già thì hồ Gươm không những chỉ đẹp mà còn vì là nơi có không khí trong lành bởi cây đa nghìn tuổi, những cô gái liễu rủ hàng ngày gội mớ tóc dài. Hồ Gươm càng tưng bừng hơn khi bạn đến vào ngày giáp Tết như thế này bởi những bồn hoa hàng ngày đã được xếp thành chữ đầy sắc màu. Khách du lịch còn có thể ăn kem tại nhà Thuỷ Tạ mà theo cách nói vui của chúng em đó chính là cung điện của vua Thuỷ Tề.

Chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện điểm báo sáu giờ, mẹ con em vội vã về nhà. Ngay trên đường về em đã nghĩ rằng hồ Gươm là cảnh vật quý mà ta cần giữ gìn cho muôn đời sau.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm