2 câu trả lời
Truyền thuyết kể rằng: "Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng (còn gọi là làng Phù Đổng), thuộc bộ Vũ Ninh (nay huyện Gia Lâm, Hà Nội), có hai vợ chồng ông bà lão nghèo chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng lại chẳng có mụn con nào. Một hôm, bà vợ ra đồng thấy một vết chân rất to, bà liền đặt chân vào ướm thử. Nào ngờ, về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Kì lạ thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy.
Gặp lúc giặc Ân sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, nhà vua bèn truyền sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi ra giúp nước. Ngày hôm ấy, hay tin sứ giả đến, cậu bé ngồi bật dậy, bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ giả vào và nói: " Xin ông về tâu với Đức Vua rèn cho tôi một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một chiếc nón sắt và một roi sắt, tôi nguyện đánh tan lũ giặc này!". Từ hôm ấy, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật ních. Dân làng phải góp gạo lại nuôi cậu bé. Khi nhà vua ban cho ngựa sắt, áo giáp sắt, nón sắt và roi sắt thì cậu bé bỗng vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, đầu đội nón sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận. Ngựa hí lên, phun lửa và xông thẳng vào quân thù. Tráng sĩ vung roi sắt đánh chết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ tre hai bên đường quật vào giặc. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn) thì dừng. Đến đấy, một người một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi nhìn về quê hương, lạy tạ cha mẹ già, cởi áo giáp sắt, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.
Vua ghi nhớ công ơn, phong ông là Phù Đổng Thiên Vương (nhân dân còn gọi ông là Thánh Gióng) và lập đền thờ tại quê nhà. Về sau, Lý Thái Tổ phong ông là Xung Thiên Thần Vương, đền thờ ở chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng. Hội đền Gióng được tổ chức long trọng tại hai nơi: Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và núi Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày mồng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm".
Thuở xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần hình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. Thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ tinh, Mộc Tinh. Thần còn dạy dân cách trồng trọt và sinh sống. Âu cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng. Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng cần bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần. Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:
- Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?! Lạc Long Quân ân cần giải thích:
- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn. Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạc Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương. Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.