kể lại một kỉ niệm tuổi thơ mà em nhớ mãi Cấm coppy ( vi phạm yêu cầu = bị tố cáo ) Cảm ơn
1 câu trả lời
Chào em, em tham khảo gợi ý:
Tuổi thơ của tôi có nhiều hoài bão, ước vọng mà cũng có nhiều kỉ niệm. Có kỉ niệm vui, kỉ niệm buồn và có một kỉ niệm khắc ghi mãi trong tâm trí tôi. Đó là hồi tôi học lớp Sáu, khi tôi phải ở nhà trông em bé.
Hôm ấy tôi được nghỉ học. Đang nằm trong chăn ấm ngủ ngon lành thì tôi bị mẹ đánh thức dậy. Trong lòng đang khó chịu vì bị đánh thức sớm, phá giấc ngủ ngon thì tôi được mẹ giao nhiệm vụ tưởng như khó nhất trên đời này: “Ở nhà trông em, mẹ lên thăm bà vì bà bị ốm”. Tôi phải kéo tai mấy lần để xem mình có nghe nhầm hay không. Nhiệm vụ này tôi chưa từng làm, cũng chưa từng nghĩ mình phải làm, có chăng chỉ là trông em cùng cô giúp việc. Nhưng hôm nay, cô ấy có việc đột xuất phải về quê, nên chỉ còn mình tôi ở nhà với em. Tôi năn nỉ, xin mẹ đưa em tôi đi theo nhưng đều không được. Nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ. Tôi phải trông em một mình.
Em tôi tên là Nam mới có ba tuổi mà nghịch ngợm kinh khủng. Nó nghịch ngợm đến nỗi bao nhiêu bát đĩa, cốc chén đều bị nó đập vỡ hết và nhà tôi đành ăn bát nhựa. Đã nghịch lại còn bướng, bảo nó thì nó cãi lại và òa khóc ăn vạ. Có nhiều lúc không có chuyện gì mà tôi cũng bị mắng oan. Lí do chỉ vì: “Sao không dỗ em? Em khóc nhiều sẽ bị mệt đấy!”. Lắm khi tôi cảm thấy ghét nó làm sao.
Bảy giờ sáng, mẹ tôi ra khỏi nhà, nó vẫn còn ngủ lăn lóc. Đáng nhẽ đang được ngủ ngon thì bây giờ tôi phải đi chuẩn bị nước ấm, bông, nước muối để nó đánh răng rửa mặt. Vừa làm xong, mệt bở hơi tai, chưa kịp nghỉ thì nó dậy và khóc ré lên. Tôi nén cơn giận của mình, chạy ra dỗ em. Nó đạp tôi, không cho tôi vào và khóc đòi mẹ. Tôi giải thích khản cả cổ với nó mà nó không nghe. Không thể kiềm chế được, tôi quát lên, mắng nó làm nó càng khóc to hơn. Một bên mắng, một bên khóc loạn cả nhà làm cho bác hàng xóm phải chạy sang can ngăn và dỗ ngọt nó. Sẵn có người lớn bên cạnh, nó nín khóc và được thể nó đánh lại tôi. Tuy ức lắm nhưng phải chịu vì nếu không tôi sẽ bị mắng vì không biết dỗ em.
Sau khi dỗ nín khóc, tôi dẫn em ra rửa mặt. Nó bật hết tất cả các vòi nước, vòi hoa sen lên làm tôi và nó đều ướt như chuột. Không dám mắng nó, tôi dắt vào phong thay quần áo cho nó. Xong xuôi, tôi bảo nó ngồi im để tôi thay quần áo thì nó lất cả hộp phấn rôm úp vào đầu tôi. Tôi cắn răng chịu đựng lần thứ ba. Nó cười khúc khích, tỏ vẻ sung sướng khi nhìn tôi thảm hại thế này. Gột sạch phấn trên đầu, tôi dắt nó đi rửa mặt đánh răng. Không để cho tôi yên, nó ngọ nguậy hết bên này đến bên kia. Khi tôi cho tay vào mồm nó cọ răng, thì nó cắn tay tôi đến thâm tím và căn nhà như nổ tung vì tiếng hét của tôi. Không thể nhịn được, tôi đã tát em. Mặt tôi lúc ấy đỏ ngầu khiến em sợ hãi nhìn tôi mà không dám khóc, chỉ nghe thấy những tiếng nấc lên khe khẽ. Công việc trôi chảy trong khoảng thời gian ấy.
Sau đó là phải cho em ăn. Em tôi ngoan ngoãn ngồi im để tôi múc cháo cho ăn. Vì là đứa lười ăn nên cứ nhét miếng nào vào mồm nó lại ngúng nguẩy hoặc nhè ra. Tôi phải dỗ ngon dỗ ngọt nó mới chịu ăn được nửa đĩa. Phần còn lại, tôi dỗ không được liền đè nó ra cho ăn. Không ăn, em tôi vung tay, múa chân khiến mấy miếng cháo bắn lên người tôi hoặc rơi xuống sàn nhà. Đang định đứng dậy đánh nó hay cho nó mấy cái bạt tai nữa thì bạn tôi đến gọi rủ đi chơi. Tôi thôi không quát nó nữa mà ra với bạn.
Hóa ra là cái Hà, Quyên, Tú đến rủ tôi đi chơi nhảy dây. Đang định nhảy đi thì tôi nghĩ lại và thấy không đi được. Tôi phải cho em ăn và dỗ nó ngủ. Tôi bảo các bạn chờ một lát và quay vào nhà. Ôi không! Một cảnh tượng kinh khủng đã xảy ra: Đĩa cháo tôi để trên bàn bị em tôi hất xuống đất bắn tung tóe, cốc nước tôi để trên bàn cũng bị rơi theo. Tôi chạy vào nhà đang định “xử lí” em thì các bạn tôi vào ngăn lại. Tôi vừa bực vừa phải một mình thu dọn bãi chiến trường. Đã thế, khi thu dọn mảnh cốc vỡ, tôi còn bị một mảnh thủy tinh cứa vào tay. Ngày hôm ấy thật là tồi tệ. Sau đấy, tôi bế em lại và cho nó ngủ, tôi không lấy gì làm vui vẻ lắm bởi các bạn tôi đang đợi ở ngoài. Nhưng khổ nỗi nó không chịu ngủ vì biết tôi chuẩn bị đi chơi. Tôi không còn cách nào khác, vừa muốn đi vừa phải trông em nên tôi đành mang em theo.
Ra ngoài sân, tôi để cho nó ngồi một góc sạch sẽ, an toàn và bê một hộp đồ chơi rô-bốt mà nó thích ra cho nó chơi. Em tôi lấy làm thích thú và quên bẵng tôi, không bám theo tôi nữa. Xong xuôi, tôi ra chơi nhảy dây cùng các bạn. Tôi say sưa chơi hết bàn này tới bàn kia, em tôi thì ngoan ngoãn chơi rô-bốt. Một lúc sau, có một chiếc ô tô phóng qua và đỗ ở trước cổng nhà tôi. Vốn thích ô tô, em tôi quên luôn rô-bốt mà chạy theo chiếc ô tô đó. Tôi vẫn mải chơi mà không để ý em chạy theo xe ra cổng. Nó đứng ở đấy một lúc mà tôi cũng không hề hay biết. Em bước xuống đường và tiến gần chiếc ô tô hơn nữa. Bỗng một chiếc xe máy mất lái đi chệch choạc đã đâm vào em tôi, tôi nghe thấy tiếng động lớn phát ra, quay lại chỗ em thì không thấy đâu. Nhanh như cắt, tôi lao ra cổng và không tin vào mắt mình nữa, em tôi nằm sõng soài ra đất, còn chiếc xe máy lao vào em tôi đã phóng xe chạy mất. Mọi người chạy đến bế em tôi dậy. Tôi lao vào giữa đám đông xem tình hình em tôi thế nào. Em tôi bị ngất xỉu, đầu rớm máu. Không biết làm thế nào, tôi khóc òa lên vì thương em. May thay có mấy người hàng xóm báo cho bố mẹ tôi biết và đưa em vào bệnh viện.
Bố mẹ tôi biết tin, hốt hoảng đi vào viện. Nhìn thấy sự lo lắng của bố mẹ, tôi cảm thấy có lỗi vô cùng. Chỉ vì tôi mà em phải vào viện. Tôi cảm thấy ai cũng khinh miệt, ruồng rẫy tôi, với tôi lúc này trời đất như sụp đổ. May thay em chỉ bị ngất vì sợ và chảy máu một chút ở da đầu. Nếu em có chuyện gì, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Mọi người trong nhà cũng không trách tôi nhiều mà chỉ nhắc nhở tôi phải trông em cẩn thận hơn nếu không sẽ có những hậu quả khó lường trước được. Tôi có một bài học thật nhớ đời và từ đấy tôi càng yêu em hơn, không bao giờ mắng em nữa.
Câu chuyện của tôi chắc là sẽ không giống ai trên đời này vì chẳng có ai không cẩn thận như tôi cả. Em tôi từ đấy cũng biết nghe lời tôi, yêu quý tôi hơn. Nếu cho tôi chọn là con một hay con thứ, tôi vẫn sẽ chọn là có em trai để tôi có thể chăm sóc, yêu thương, bù đắp lại những gì em tôi đã phải chịu đựng do tôi gây ra. Bài học ấy chắc suốt đời tôi sẽ không quên và nó là một kỉ niệm buồn sâu sắc nhất từ trước đến nay của tôi.