kể lại kỉ niệm đáng nhớ về bạn bè thầy cô trường lớp

2 câu trả lời

Các bạn thân mến!

Trong đời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm vui buồn về thầy cô, bè bạn. Có những kỉ niệm sâu sắc đến mức nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm như thế về thầy Đức, chủ nhiệm lớp 8A năm ngoái.

Thú thật với các bạn, tôi chẳng thể nào yêu thích nổi môn Toán. Không phải do thầy dạy dở mà là vì tôi dốt. Cho nên cứ đến giờ Toán là tôi cảm thấy chán ngán, đầu óc vẩn vơ đâu đâu. Lời thầy giảng vào tai nọ ra tai kia, chẳng đọng chút gì trong óc tôi cả. Nhìn các bạn giải bài tập vừa nhanh, vừa đúng, lại trao đổi với nhau hào hứng, sôi nổi, tôi phục lắm!

Ấy thế nhưng tôi lại là “cây Văn” và “cây Anh văn” của lớp đấy nhé! Điểm 8, 9 hai môn này với tôi chỉ là chuyện thường thôi. Tôi tự hào về điều đó nên cũng hơi “kiêu”.

Nhiều lần, thầy Đức khuyên tôi không nên học lệch, phải cố gắng học các môn tự nhiên để đạt kết quả tốt hơn. Nếu không, sang năm lên lớp 9 là gay. Nghe lời thầy, tôi đã nhờ bạn Trí kèm thêm môn Lí và bạn Hùng kèm thêm môn Hoá. Còn thầy Đức, thầy sẵn sàng giảng lại thật kĩ những bài nào tôi chưa hiểu hoặc hiểu lơ mơ. Nhiệt tình của thầy khiến tôi cảm động. Tôi tự nhủ sẽ nghiêm túc và tự giác học tập để thầy vui.

Thế nhưng chuyện buồn lại xảy ra ngay sau đó. Mà nguyên nhân cũng lại do tính chủ quan, lơ là của tôi trong học tập.

Tôi còn nhớ hôm ấy là thứ năm. Đầu tiết 1, thầy Đức cho làm bài kiểm tra 15 phút về lí thuyết của bài Hình học tuần trước. Tôi hoảng sợ và lúng túng mất hồi lâu vì đã quên hết cả. Nhìn sang bên cạnh, các bạn đang chăm chú viết. Tôi loay hoay cô vắt óc nhớ lại nhưng nội dung định lí cứ trốn đâu mất cả. Năm phút trôi qua. Mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên trán và chảy dọc sống lưng tôi.

Bất chợt, trong đầu tôi loé lên một tia sáng và tôi bám chặt lấy nó như người chết đuối vớ được phao: Giờ Hình tuần trước, tôi quên mang theo vở nên đã chép bài vào cuốn nháp, mà cuốn nháp thì tôi đang dùng để kê tờ giấy làm bài kiểm tra. May quá! Nhân lúc thầy nhìn sang dãy bàn bên trái, tôi lật giở rất nhanh, tìm đúng chỗ và cố giữ vẻ mặt thản nhiên, tôi chép lia chép lịa, không sót chữ nào.

Thầy Đức báo đã hết giờ kiểm tra. Bạn Hùng lớp trưởng đi thu bài mang lên nộp cho thầy. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì hành động gian dối không bị ai phát hiện. Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn lo lắng.

Đúng một tuần sau, thầy Đức trả bài. Tôi đi học muộn, chẳng dám vào, đành ngồi nép dưới chân tường chỗ cửa sổ cuối lớp. Tiếng thầy Đức nói, tôi nghe rõ mồn một:

– Hôm nay, thầy tuyên dương bạn Hải đã có tiến bộ vượt bậc. Hải rất thuộc bài. Thầy cho Hải điểm 10 toán đầu tiên. Rất tiếc, Hải không có mặt ở đây! Các em hãy học tập tinh thần phấn đấu vươn lên của Hải!

Trời ơi! Giá như lúc ấy đất dưới chân tôi nứt ra để tôi chui xuống trốn thì hay biết mấy! Tôi xấu hổ vô cùng và không ngớt thầm mắng nhiếc mình là đồ dối trá vô liêm sỉ. Cũng may mà đi học muộn chứ nếu ở trong lớp lúc này, chỉ cần các bạn nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ và giễu cợt thì tôi cũng đủ “chết đứng” rồi!

 

Trong mấy năm đi học, em đã có rất nhiều kỉ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu. Nhưng kỉ niệm mà em sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi em tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay em viết từng nét.

Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết.

Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: "Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều." Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: "Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?" Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: "Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên. Cô phê bình Gia Bảo trong buổi học ngày hôm nay." Rồi cô nhìn thẳng em và nói: "Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn." Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. "Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn." - Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.

Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.