1 câu trả lời
Thuyết minh về món thịt kho tàu
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”
Tết đến, Xuân sang cuốn theo bao hi vọng, niềm vui và hạnh phúc. Trong dịp Tết cổ truyền ấy, các món ăn như bánh chưng, bánh dày hay dưa món, củ kiệu,… là những món không thể thiếu. Một trong số những món ăn quen thuộc vào ngày Tết mà hầu như nhà nào cũng có chính là món thịt kho tàu.
Nghe cái tên “thịt kho tàu”, chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng món ăn này bắt nguồn từ Trung Quốc, là của người Tàu nhưng sự thật không phải vậy. Vì người Tàu rất ít khi ăn món này, mà nguyên liệu để làm món thịt kho tàu là thịt ba rọi, cái loại thịt có có nạc, có mỡ, có bì, xếp từng lớp khéo léo cứ như người ta cố tình tạo ra nó, thì chắc chắn chỉ có dân Việt Nam.
Theo nhà văn Nam Bộ Bình Nguyên Lộc, chữ “tàu”, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt. Như vậy, thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt và hoàn toàn là của người Việt nghĩ ra. Và giáo sư Trần Văn Khê đã nói: món thịt kho “tàu” hóa ra lại là “ta” hoàn toàn, món Việt trăm phần trăm.
Nguyên liệu để làm món thịt kho tàu rất đơn giản: chỉ gồm có thịt ba rọi, trứng vịt, hành, tỏi và nước dừa xiêm cùng với các gia vị thông dụng. Nhưng phải biết cách chọn thực phẩm cũng như bí quyết nấu ăn thì mới có thể làm cho món ăn này trở nên ngon miệng, hấp dẫn.
Muốn nấu món thịt kho tàu ngon thì nên lựa thịt ba rọi có 3 phần mỡ, 7 phần nạc và chọn thịt nạc thăng. Còn trứng thì tuyệt đối không mua trứng ung, bị ôi, thiu. Không nên chọn trứng có quầng đen ở đáy vì đó là trứng hư, bị lõm. Theo quan niệm, trứng trong món thịt kho tàu phải tròn, hông bị nứt nẻ thì công việc làm ăn mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, ta bắt tay vào việc chế biến. Đầu tiên, thịt sau khi mua về thì cạo rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cắt khúc, vuông khoảng 4-5cm, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi để hai giờ cho thịt thấm đều. Sau đó, Phi hành, tỏi rồi xào thịt cho săn lại.
Trứng vịt đem đi luộc chín. Lưu ý, khi luộc trứng nên cho vào nồi một ít muối ăn vì nó sẽ làm tróc vỏ trứng. Luộc xong để vào nước lạnh, trứng sẽ dễ dàng bóc vỏ và không bị nứt. Khi vừa cho vào nước lạnh, phải bóc vỏ liền, tuyệt đối không để trứng nguội đi rồi mới bóc vỏ.
Sau khi bóc vỏ xong, lấy tăm đâm vào trứng rồi đem đi chiên qua dầu để có màu vàng đẹp, thoát hơi tốt. Ngoài ra, ta còn có thể thay thế trứng vịt bằng trứng cút.
Thịt sau khi xào thăn, cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1/2 chén nước mắm. Nấu cho đến khi sôi lên thì đổ nước dừa xiêm vào ngang mặt thịt. Cuối cùng cho trứng vịt đã chiên vàng vào khi nước sôi và nấu cho sôi 2-3 lần.
Ngoài ra, ta có thể thay thế nước dừa bằng nước ngọt có gas. Thịt nhanh mềm hơn và vàng óng rất đều, theo đúng màu cánh gián rất đẹp mắt. Món thịt kho tàu sau khi nấu chín thì toàn bộ trứng phải nổi lên mặt nước. Có màu vàng óng như màu mật ong. Trứng có màu đỏ au, trông đẹp mắt. Món ăn vừa miệng, không quá măn hoặc quá nhạt. Chú ý, nấu lần đầu tiên ta nên nêm nhạt vì khi hâm lại nhiều lần thì vị sẽ đậm đà, mặn mà hơn.
Thưởng thức món thịt kho tàu có nhiều cách khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là dùng với cơm. Chỉ cần bới một tô cơm nóng, chan một ít nước thịt, cắt trứng ra, bỏ thịt và trứng vào và dùng chung với dưa giá hoặc củ kiệu thì đã thưởng thức trọn vẹn hương vị của món thịt kho tàu.
Cách thứ hai là ăn thịt kho tàu cùng với bánh tráng. Đây vừa là món ăn chơi, nhưng khi kèm với thịt kho tàu, nó trở thành món chính từ lúc nào. Miếng bánh tráng trụng qua nước, gói với rau thơm, đồ chua, kèm thịt và trứng đã cắt nhỏ. Rồi chấm một ít nước thịt thì còn gì ngon bằng.
Đây là món ăn để lưu trữ nhiều ngày trong dịp Tết. Thế nên ta phải bảo quản nó đúng cách để luôn thưởng thức trọn hương vị của món ăn hấp dẫn này. Thường thì khi hết ngày, nhiều người cất nồi thịt vào tủ lạnh nhưng cách này sẽ làm dở nồi thịt. Ta chỉ cần để ở ngoài là được.
Đặc biệt khi múc thịt, nên múc một bên và múc xong thì đậy nắp lại ngay tránh hôi gió. Nếu bỏ muỗng vào nồi hay quậy nồi thịt thì nó sẽ mau hư. Mỗi lần hâm lại thịt cần vớt cho sạch bọt. Khi nước cạn, ta cho thêm nước vào rồi nêm nếm lại cho vừa ăn. Như thế, ta đã có thể bảo quản tốt món thịt kho tàu và mỗi lần thưởng thức, hương vị của nó sẽ không hề giảm đi.
Thịt kho Tàu là món ăn thân quen đối với người miền Nam ta. Trứng có hình tròn, thịt có hình vuông như sự hòa quyện giữa trời và đất làm hòa quyện không khí Tết, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy. Đó cũng là dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công.
Đây là món ăn truyền thống của người Việt Nam trong những ngày Tết. Cái hương vị mặn mặn, ngọt ngọt, vừa bùi vừa béo của thịt kho tàu đã làm xao xuyến biết bao người dân Việt. Nó trở thành một món ăn truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc và đóng góp vào kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam.
Như các món ăn truyền thống khác, món thịt kho tàu không chỉ là một kiệt tác của những người nấu mà còn là niềm vui tinh thần trong những ngày Tết. Nó giúp gắn kết những mối dây tình cảm ruột thịt, gắn kết gia đình cùng tình làng nghĩa xóm. Không những thế, nó còn là một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam.