Em hãy thuyết minh về xã Tân Dân thuộc huyện Sóc Sơn,Hà Nội

1 câu trả lời

XÃ TÂN DÂN

Vị trí địa lý - Điều kiện tự nhiên
Xã Tân Dân nằm ở phía tây huyện Sóc Sơn. Về địa giới hành chính: phía bắc giáp xã Minh Phú và xã Minh Trí, phía nam giáp xã Thanh Xuân, phía đông giáp xã Hiền Ninh, phía tây giáp xã Phúc Thắng. Xã Tân Dân gồm 12 thôn.
Diện tích đất tự nhiên của xã là 883,89 ha trong đó đất nông nghiệp là 598,09ha, đất thổ cư là 119,32ha. Địa hình của xã đan xen giữa đồng ruộng bằng phẳng và các khu đồi thấp.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Tân Dân thuộc hai xã Cổ Bái và Phù Lai, tổng Cổ Bái, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 4/1946, xã Tân Dân được thành lập trên cơ sở xã Cổ Bái, Phù Lai và Thanh Nhàn. Đến năm 1952, xã Tân Dân, xã Minh Phú và thôn Thạch Lỗi (xã Việt Cường) sáp nhập làm một lấy tên là xã Minh Tân. Năm 1955, xã Tân Dân tách khỏi xã Minh Tân. Từ năm 1989 đến nay, Tân Dân bao gồm 12 thôn: Xuân Long, Xuân Lễ, Xuân Ấp, Quán Mỹ, Ninh Cầm, Thanh Vân, Điền Quy, Môn Tự, Ninh Nội, An Trung, Ninh Kiều, Tân Ninh.

Dân cư: tính đến tháng 12/2012, dân số xã Tân Dân là 14.933 người, mật độ dân số là 1.689 người/Km2. Nhân dân trong xã sống chú yếu bằng nông nghiệp, trồng lúa, đời sống còn nhiều khó khăn.

Lịch sử
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân xã Tân Dân tham gia vào nhiều phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông Phùng Văn Toại đã lập đền thờ Tam Thánh ở nhà làm cơ sở tập hợp quân sĩ chống giặc. Năm 1925, một số người dân Tân Dân tham gia nghĩa quân của Đề Cầm. Năm 1938, xã có một số cơ sở cách mạng tại nhiều thôn. Năm 1944, cơ sở cách mạng đặt tại nhà cụ Phốc - Cổ Bái đã tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền rồi tổ chức đi rải truyền đơn từ Cổ Bái đến Xuân Long. Đầu năm 1945, các tổ tự vệ ở Môn Tự, Cổ Bái, Phù Nhai, Thanh Nhàn được thành lập. Ngày 13/6/1945, Việt Minh Tân Dân cử các tổ tam tam dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại chợ Khiêu thuộc huyện Kim Anh. Tháng 8/1945, tổ chức Việt Minh ở Tân Dân đã có 52 người. Ngày 19/8/1945, nhân dân xã Tân Dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Phúc Yên, sau đó quay về giành chính quyền tại địa phương.
Từ tháng 9/1945 đến tháng 7/1954, xã Tân Dân trải qua thời kỳ đấu tranh giữ vững chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 3/1946, chi bộ Tân Dân được thành lập, lúc này chi bộ gồm 04 đảng viên (Dương Văn Cấp - Bí thư chi bộ, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Văn Bút, Dương Văn Tụng). Từ cuối năm 1946 đến năm 1949, nhiều cơ quan và đơn vị của tỉnh sơ tán về hoạt động tại địa phương như Bệnh viện quân đội trực thuộc trung đoàn 121, Trung đoàn Thủ đô… Trong năm 1947, Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính của xã được sáp nhập. Lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực chống trả nhiều đợt vây quét của thực dân Pháp tại địa phương. Không chỉ trực tiếp chiến đấu tại địa phương, nhân dân xã Tân Dân còn đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Toàn xã có hàng trăm lượt người đi bộ đội, phục vụ kháng chiến tại chỗ, 32 gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ tháng 8/1954 đến năm 1965, Tân Dân bắt đầu thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm phục hồi sản xuất, nhân dân Tân Dân đã tập trung hàng vạn ngày công làm thủy lợi. Giữa năm 1958, Tân Dân tiến hành xây dựng tổ đổi công thí điểm ở thôn Xuân Áp. Đến cuối năm 1960, xã căn bản hoàn thành cải tạo nông nghiệp theo hình thức hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp. Năm 1962, Đảng bộ Tân Dân thành lập với 5 chi bộ trực thuộc. Năm 1965, Tân Dân tiến hành sáp nhập các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng quy mô hợp tác xã. Cũng từ năm 1965, xã chuyển hướng sang thời chiến vừa thực hiện công tác phòng không nhân dân vừa chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu góp phần đánh thắng chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Xã nhanh chóng thành lập lực lượng chiến đấu gồm 335 đồng chí biên chế thành 1 đại đội, 6 trung đội và 2 tiểu đội. Trong những năm 1966, 1967, 1972, đế quốc Mỹ liên tiếp ném bom phá hoại trực tiếp xã Tân Dân.
Trải qua các cuộc kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc, Xã Tân Dân có 790 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, cả xã có 98 liệt sĩ hi sinh trên các chiến trường, 77 thương, bệnh binh. Tổng kết các cuộc kháng chiến, xã Tân Dân được Đảng, Nhà nước tặng một Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai. Về cá nhân: một mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 359 cá nhân được tặng Huân chương, 143 cá nhân được tặng Huy chương. Đặc biệt, ngày 15/8/2003, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Dân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.