Em hãy chứng minh nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ?
2 câu trả lời
Nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và Phát huy tinh hoa văn hóa của nhân loại
Đạo đức là một trong những quan hệ chủ yếu của đời sống xã hội và ý thức đạo đức là một hình thái giá trị tinh thần cơ bản của con người và xã hội. Là yếu tố cốt lõi của tính cách con người, đạo đức đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội và đời sống của mỗi con người.
Lịch sử hình thành và phát triển đạo đức gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là gắn liền với các phương thức sản xuất xã hội. Trong lịch sử phát triển tư tưởng nhân loại đã tồn tại nhiều kiểu đạo đức khác nhau phản ánh trình độ phát triển của xã hội qua các thời đại lịch sử.
Xét về mặt lịch sử, mỗi kiểu đạo đức ra đời đều đánh dấu một nấc thang của sự tiến bộ đạo đức.
Đạo đức tư sản ra đời là nấc thang cao nhất của tiến bộ đạo đức trong tiến trình lịch sử phát triển đạo đức của xã hội có giai cấp. Nó đã kiên quyết chống lại đạo đức phong kiến - tôn giáo, đồng thời nhiệt thành đề cao tự do cá nhân trong lĩnh vực đạo đức. Nhưng, với quan hệ tư hữu tư bản chủ nghĩa và quan hệ thị trường theo cơ chế bóc lột giá trị thặng dư, đạo đức tư sản và hệ tư tưởng luân lý của nó đã nhanh chóng bỏ rơi những lý tưởng đạo đức đích thực được nêu ra lúc ban đầu. Lịch sử và hiện trạng đạo đức tư sản đã và đang xác nhận: giữa lý luận luân lý tư sản và hiện thực đạo đức tư sản càng ngày càng cách xa nhau, trái ngược nhau.
Xét về mặt lịch sử, đạo đức của xã hội tư bản là một nấc thang, một tiến bộ; nó đã vượt xa đạo đức phong kiến, nhưng ở đây, không có chân lý đạo đức và thực chất, với sự trả công không công bằng theo vị trí và đẳng cấp, "chân lý tư bản" là sự bất công trong pháp quyền của xã hội tư bản. Khẩu hiệu "tự do, bình đẳng, bác ái" mà giai cấp tư sản nêu ra lúc ban đầu, về thực chất, chỉ là lời nói suông và là chiếc bao bì hào nhoáng chứa đựng bên trong đầy rẫy sự bất công, vô nhân đạo. Cùng với việc tạo ra bước tiến khổng lồ và những thành tựu to lớn trong phát triển, chủ nghĩa tư bản cũng đã để lại trong lòng nó không ít những hậu quả tiêu cực. Vấn đề công lý và đạo đức trong xã hội ngày càng suy giảm.
Nhận xét về tình hình này, C.Mác đã viết: "Mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó. Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả cao hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần. Dường như loài người càng chinh phục được thiên nhiên nhiều hơn, thì con người lại càng trở thành nô lệ của những người khác hoặc nô lệ cho sự đê tiện của chính mình"(1).
Cội nguồn của tình trạng này, theo C.Mác, nằm trong chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phương thức sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Vì vậy, khắc phục triệt để sự lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ kỹ thuật với đạo đức chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện của chủ nghĩa cộng sản, nơi mà chế độ công hữu tạo ra sự thống nhất giữa tiến bộ kinh tế, kỹ thuật và tiến bộ đạo đức.
Khẳng định tiến bộ đạo đức, chỉ ra tính quy luật của sự vận động đạo đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo về sự xuất hiện nền đạo đức mới với tư cách là biểu hiện về mặt đạo đức của xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa và sự hình thành đạo đức mới – đạo đức cộng sản, trên cơ sở gắn đạo đức vô sản với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản và do đó, giải phóng nhân loại khỏi sự phân biệt giai cấp.
Cùng với thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, đạo đức cộng sản là một thứ "đạo đức thực sự có tính người, đứng trên những đối lập giai cấp và trên mọi hồi ức về những đối lập ấy"(2).
Tuy nhiên, sự hình thành đạo đức mới - đạo đức cộng sản, là một quá trình lâu dài. Thắng lợi của cách mạng vô sản chỉ là nền móng đầu tiên cho sự xác lập đạo đức cộng sản. Sự nghiệp xây dựng đạo đức mới, đạo đức cộng sản là một quá trình lâu dài, phức tạp và là một quá trình tự giác.
V.I.Lênin là người đầu tiên lĩnh sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản và đạo đức cộng sản. Từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, ông đã khẳng định rằng: Đạo đức cộng sản “là những gì góp phần phá huỷ xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới" và "cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản"(3).
Như vậy, tính chất và nội dung của đạo đức mới - đạo đức cộng sản, được quy định bởi yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản làm cho phạm vi thể hiện hiện thực của nền đạo đức mới này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nó được thể hiện trong toàn bộ hoạt động tinh thần - thực tiễn của con người và trở thành một thành tố, một phương diện (phương diện đạo đức) của hoạt động đó.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và lý luận về đạo đức nói riêng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành nhà lý luận lỗi lạc, thành tấm gương đạo đức sáng ngời soi sáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Ngay từ khi mới bước vào con đường cách mạng, Hồ Chí Minh đã ý thức rất rõ ràng và sâu sắc vai trò của đạo đức cách mạng đối với sự nghiệp cách mạng. Theo Người, đạo đức mới - đạo đức cộng sản, không những khác mà còn đối lập với đạo đức của các giai cấp bóc lột. Đạo đức mới này được nảy sinh và củng cố trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Nó được hình thành và phát triển cùng với quá trình vận động, phát triển sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng thời, nó kế thừa và phát triển những tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc ta và của nhân loại. Người đã định nghĩa đạo đức cách mạng là "tuyệt đối trung thành với nhân dân", "ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu của Đảng", "quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch", "đặt lợi ích của Đảng lên trên hết" và luôn hoà mình với quần chúng. Người dạy rằng, "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:
Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ"(4).
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, đạo đức mới được thể hiện ở tinh thần chiến đấu dũng cảm chống kẻ thù chung, trong lao động sáng tạo xây dựng đất nước, trong tình hữu ái giai cấp công nhân và nhân dân lao động, trong chủ nghĩa quốc tế vô sản và trong sự nghiệp xây dựng những con người mới phát triển toàn diện.
Đạo đức mới, đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh khởi xướng và cùng Đảng ta xây dựng, bồi dưỡng cho các thế hệ cách mạng nước ta, xét về tính giai cấp và mục đích, là thống nhất với đạo đức vô sản, đạo đức cộng sản mà C. Mác, Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng và V.I.Lênin là người kế thừa, phát triển. Đạo đức cách mạng, đạo đức vô sản, đạo đức cộng sản mang tính giai cấp công nhân và nhân dân lao động, gắn liền với lợi ích của giai cấp công nhân nói riêng, của quần chúng nhân dân lao động nói chung. Đó là đạo đức chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì sự tiến bộ của nhân loại, vì tự do, hạnh phúc của mỗi người. Mục đích cuối cùng của nó là góp phần giải phóng triệt để con người, trước hết là giai cấp công nhân và nhân dân lao động thoát khỏi áp bức, bất công xã hội. Do vậy, đạo đức mới là đạo đức trong hành động cải tạo xã hội, khẳng định phẩm chất cao quý của người lao động trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng mình.
Đạo đức cách mạng ở Việt Nam là một đặc thù của đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Tính đặc thù của nó được quy định bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam, truyền thống đạo đức dân tộc và dấu ấn, sắc thái Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là "gốc", là "nền tảng" của người cách mạng. Người nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(5). Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Đạo đức cách mạng là cái phải được chuyển hoá thành phẩm chất, nhân cách của người cách mạng, là yếu tố cốt lõi của nhân cách và chỉ có như vậy, đạo đức cách mạng mới thể hiện vai trò cải tạo xã hội thông qua hoạt động của con người - chủ thể cách mạng.
Tiếp cận khái niệm "đạo đức mới", "đạo đức cách mạng" theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều cách và ở nhiều góc độ khác nhau.
Tiếp cận dưới góc độ nhận thức luận thì đạo đức mới là một hình thái ý thức xã hội phản ánh sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại.
Như vậy, đạo đức mới là hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội mới mà người cách mạng nói riêng, người Việt Nam nói chung phải nhận thức và hành động theo. Đạo đức mới được xem xét như là một khách thể - cái mà chủ thể đạo đức phải hướng tới để thực sự trở thành những con người mới của xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Với tư cách là sự phản ánh ở trình độ tư duy lý luận hiện thực đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tư tưởng đạo đức mới, đạo đức cách mạng được hình thành và phát triển gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đạo đức mới mang tính cách mạng và tính khoa học. Đó chính là đặc điểm khác biệt của đạo đức mới so với các kiểu đạo đức trước đây.
Tính cách mạng và khoa học của lý luận đạo đức mới, đạo đức cách mạng được thể hiện ở sự phản ánh sáng tạo thực tiễn cách mạng Việt Nam và sự kế thừa tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại, kế thừa có chọn lọc, phê phán các hệ thống lý luận đạo đức trước đó trong quá trình hình thành và phát triển.
Tính cách mạng và khoa học của đạo đức mới còn thể hiện ở chỗ, nó luôn được bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn; nó hoàn toàn không cố định và không mang tính giáo điều. Trên cơ sở của những nguyên tắc cơ bản trong mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn bổ sung và phát triển, cụ thể hoá nội dung của đạo đức cách mạng.
Như vậy, từ những quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có thể hiểu: đạo đức mới, đạo đức cách mạng là đạo đức phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng nhân loại, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Tiếp cận đạo đức mới, đạo đức cách mạng từ góc độ giá trị - nhân cách thì đó là hệ thống những phẩm chất đạo đức tạo nên nền tảng nhân cách. Nhân cách đó cùng với năng lực là hai yếu tố cơ bản tạo lập nên phẩm giá của con người, trước hết là người cán bộ cách mạng. Ở đây, có sự thống nhất hữu cơ giữa phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức. Sự thống nhất hữu cơ này được quy định bởi sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp công nhân. Lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp và sự thống nhất giữa chúng vừa là mục tiêu lý tưởng chính trị, vừa là mục tiêu lý tưởng đạo đức của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sự thống nhất giữa lý tưởng chính trị và lý tưởng đạo đức được thể hiện rõ nhất và sinh động nhất ở nhân cách Hồ Chí Minh. Tất cả lý tưởng và hành động của Người đều vì quyền lợi, lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì sự nghiệp giải phóng con người, trước hết là những người cùng khổ bị áp bức, bóc lột.
Như vậy, sự thống nhất hữu cơ giữa phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức cũng là một đặc trưng cơ bản của đạo đức mới, đạo đức cách mạng và là yếu tố cơ bản cấu thành nhân cách của người cách mạng.
Tiếp cận đạo đức mới, đạo đức cách mạng từ góc độ chức năng cơ bản của nó thì đặc trưng nổi bật nhất là tính tiên phong, tinh thần cải tạo nhằm xoá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, để xây dựng cái mới, cái tiến bộ.
Đạo đức mới, đạo đức cách mạng ra đời từ thực tiễn cách mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, đạo đức mới - đạo đức cách mạng là đạo đức thực tiễn. Chức năng cơ bản của nó là chỉ đạo và điều chỉnh hành vi cải tạo xã hội.
Nét cơ bản để phân biệt đạo đức mới với đạo đức duy tâm, tôn giáo, đạo đức của giai cấp bóc lột là ở chức năng chỉ đạo hành vi trong hoạt động cải tạo xã hội của nó. Chức năng chỉ đạo hành vi trong hoạt động cải tạo xã hội của đạo đức mới, đạo đức cách mạng cũng khác về chất so với đạo đức của các giai cấp thống trị phản động và cả đạo đức của giai cấp tư sản. Tính thực tiễn của đạo đức mới, đạo đức cách mạng thể hiện ở chỗ, nó là công cụ xoá bỏ xã hội cũ và giai cấp bóc lột, sáng lập ra xã hội mới của những người cộng sản và nhân dân lao động. Đạo đức mới, đạo đức cách mạng định hướng con người, trước hết là những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động - những người cách mạng trong cuộc đấu tranh xoá bỏ xã hội cũ của bọn thực dân, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, việc tiếp cận đạo đức mới, đạo đức cách mạng từ các góc độ nhận thức luận, giá trị - nhân cách và chức năng cơ bản của nó không chỉ cho chúng ta thấy những đặc trưng cơ bản của nó, mà cả những yếu tố cơ bản cấu thành nội hàm của khái niệm đạo đức mới - đạo đức cách mạng.
Trên cơ sở của những đặc trưng cơ bản của đạo đức mới, chúng ta có thể hiểu: đạo đức mới là đạo đức của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phản ánh thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; là tổng hoà các phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tạo nên nền tảng nhân cách của người cách mạng; vừa là động lực, vừa là mục tiêu của người cách mạng trong quá trình hoạt động cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới vì lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Hiểu theo nghĩa rộng thì nội dung của đạo đức mới là tổng hoà các phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức, như lòng trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa tập thể, lao động cần cù, tự giác và sáng tạo, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và những phẩm chất đạo đức cá nhân (tính trung thực, tính nguyên tắc, đức tính khiêm tốn, giản dị, dũng cảm, hy sinh...). Tất cả những phẩm chất này thống nhất hữu cơ trong nhân cách của người cách mạng.
Xét trên bình diện nền đạo đức xã hội – một lĩnh vực tinh thần quan trọng của xã hội thì đạo đức mới là hệ thống các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên cơ sở vận dụng và thực hiện các giá trị đạo đức trong đời sống đạo đức của xã hội. Hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ người, định hướng cho việc hình thành nhân cách, trước hết là nhân cách đạo đức cho mỗi cá nhân trong quá trình phát triển, đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp công nhân cùng toàn thể nhân dân lao động thoát khỏi mọi sự áp bức, bất công.