Đề 1: Kể một câu chuyện về tình người mà em đã được đọc hoặc chứng kiến Đề 2: Kể một câu chuyện về thương tâm mà em đã được đọc hoặc chứng kiến ( làm hết 2 đề và nhanh giúp mình nha)

1 câu trả lời

đề 1:

Tôi còn nhớ rõ đó là buổi chiều mùa đông lạnh. Mặt trời đã ngả về đằng tây. Trời sẩm tối. Tôi chùm chăn nằm trong nhà đọc sách. Còn gì tuyệt vời hơn vào những ngày mùa đông như thế mà được nằm biếng như vậy. Chợt nhà dưới vang lên tiếng mẹ gọi:

- Chi ơi, con giúp mẹ qua chợ mua cho mẹ ít đồ nhé? Mẹ đang dở tay.

Mặc dù hơi bất mãn vì đang đọc đến đoạn hay, nhưng nghe mẹ nhờ vậy tôi vội choàng chiếc áo, chạy nhanh đi mua. Giờ tan tầm, ngoài đường, dòng xe cộ đông đúc, hối hả. Người thì muốn thật nhanh về nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều. Chợt tôi nhận ra trong tiếng ồn ào nhộn nhịp đó có tiếng khóc nức nở của một đứa trẻ. Quay ngưòi lại tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé độ chừng bốn, năm tuổi nước mắt giàn giụa đang gọi mẹ. Thấy vậy, tôi liền đến bên cậu bé, lấy khăn lau nước mắt cho mà hỏi:

- Em bé, em tên là gì? Mẹ em đâu? Sao em lại đi ra đường một mình thế này?

Cậu bé vừa nói, vừa khóc nấc lên:

Em đi theo mẹ nhưng lúc nãy em mải nhìn các bạn chơi trò chơi nên lạc mất mẹ

Ra là vậy, thì ra cậu bé bị lạc mất mẹ. Tôi phải đứng hồi lâu suy nghi: "Có nên giúp cậu bé này tìm mẹ không nhỉ? Đó là một việc làm tốt, mình nên làm. Nhưng nếu như vậy thì mọi người ở nhà sẽ vô cùng lo lắng khi thấy mình về muộn cả cuốn truyện đang đến phần gay cấn. Thế nhưng để mặc em bé như vậy thì cũng không đành lòng. Thật khó xử". Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định giúp cậu bé đó tìm mẹ còn việc về muộn thì có thể giải thích sau. Tôi an ủi cậu bé:

Thế này nhé, bây giờ chị sẽ giúp em tìm mẹ. Em đi theo chị, được không? Tìm thấy mẹ rồi thì không còn lo gì nữa. Ta đi nào.Tôi nói vậy nhưng cũng khá lo lắng, không biết làm thế nào. Bỗng tôi nhớ ra đồn công an phường ở ngay gần đó, tôi liền dẫn cậu bé đi ngay. Đến nơi, tôi thấy một người phụ nữ đang vừa khai báo một việc gì đó, vừa khóc, nét mặt hiện rõ vẻ phiền muộn, đau khổ. Thì ra cô ấy đến nhờ công an tìm giúp đứa con bị lạc. Cũng thật bất ngờ, đó chính là mẹ của cậu bé này. Cậu bé vừa thấy mẹ đã vội chạy đến ùa vào lòng mẹ. Người mẹ nét mặt rạng rỡ, xúc động khôn tả. Chú công an thường trực hỏi tôi rõ ngọn ngành xong, thay mặt đồn công an cảm ơn tôi vì việc làm này. Tôi thấy vui hơn bao giờ hết, vậy là tôi đã làm được một việc tốt, đem lại niềm vui cho người khác. Sự lo lắng về bài tập giờ không còn làm phiền tôi nữa. Tôi bước về như nhanh hơn, rộn ràng hơn. Tới nhà, mọi người đang lo lắng về tôi. Không biết vì sao tôi về muộn, lỡ đã xảy ra chuyện gì. Không chần chừ, tôi kể cho mọi người nghe việc tốt hôm đó làm tôi đã làm. Mọi người đều rất vui, bỏ qua việc tôi về muộn và còn động viên tôi nữa.

Ngày hôm đó, nhờ việc làm tốt đó mà tôi đã đem lại niềm vui cho nhiều người. Tôi thực sự vui sướng và hạnh phúc. Chỉ mong có thể làm được nhiều việc tốt hơn nữa để đem niềm vui đến cho mọi người.

đề 2:

Nếu là người được chứng kiến cảnh lão hạc kể chuyện bán chó với ông giáo thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó, lại phải sống trong thời kì Pháp thuộc nên cuộc đời tôi rất ảm đạm và tẻ nhạt. Từ ngày ông giáo chuyển về đây sinh sống, thi thoảng tôi lại chạy sang chơi, giúp ông làm vài việc lặt vặt và được ông dạy cho từng con chữ. Cũng nhờ cơ duyên đó mà tôi có thể chứng kiến một câu chuyện cảm động giữa ông giáo và lão Hạc mà đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên.

Lão Hạc vốn là hàng xóm của tôi, cả làng ai cũng biết lão rất rõ. Lão là một người nông dân hiền hậu có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Vợ lão mất sớm, con lão vì nghèo khó mà quẫn chí bỏ đi làm ăn xa, chỉ còn lão thui thủi qua ngày với con chó mà lão thương yêu chả khác nào con ruột. Một người một chó trong căn nhà tồi tàn, tôi thấy lão thật cô đơn và tội nghiệp.

Cứ ngỡ lão sẽ mãi sống bình yên bên cậu Vàng – tức con chó của lão, nhưng vào một ngày, khi đang ngồi ngoài hiên nhặt rau giúp ông giáo, tôi chợt thấy bóng lão Hạc xa xa ngoài ngõ. Nhìn khuôn mặt lão tiều tụy, hốc hác quá, đôi mắt thì vô hồn và xen lẫn chút gì đau đớn, xót xa. Nhìn thấy lão, tôi chợt có linh cảm không lành. Chẳng lẽ đã có việc gì xấu xảy đến với lão hay sao?

Quả nhiên, dự đoán của tôi là đúng. Vừa nhìn thấy ông giáo, lão báo ngay:

– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

Ông giáo liền hỏi ngay lại:

– Cụ bán rồi?

– Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

Nói rồi, lão cố làm ra vẻ vui vẻ nhưng chao ôi, một đứa trẻ như tôi còn nhận thấy bao nhiêu sự đau đớn, khổ sở dồn nén trong lòng lão. Ông giáo như cũng nhận ra nỗi đau mà lão đang gánh chịu, liền ân cần hỏi han:

– Thế nó cho bắt à?

Đến lúc này, dường như lão không nén nổi những đau khổ trong lòng nữa, mặt lão đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng của lão mếu như con nít. Lão bắt đầu khóc hu hu :

– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng : “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Nghe lão vừa khóc vừa kể trong đau khổ, ông giáo liền khéo léo an ủi :

– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Thế nhưng, dường như mặc cảm tội lỗi trong lòng lão không hề lay chuyển, lão chua chát bảo rằng :

– Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…

Nghe lão nói đến đó, trong lòng tôi bỗng thấy khó chịu quá. Lão nghèo thật, nhưng tôi cảm thấy lão không phải là người có thể đánh đổi một người bạn thân thiết để đổi lấy miếng ăn dẫu đang là thời đói kém. Ông giáo cũng xót xa nhìn lão mà thương cho số kiếp đáng thương của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Nhưng tôi cũng chỉ là một đứa trẻ, niềm cảm thương của tôi dành cho lão cũng chỉ dừng ở mức nghe – thuật lại câu chuyện, chứ những việc ẩn giấu phía sau nào tôi có thể biết ? Tuy vậy, cả cuộc đời nhân hậu, lương thiện mà cô đơn của lão thì tôi không thể chối bỏ, để rồi lần đầu chứng kiến một người lớn có thể khóc hu hu như vậy, tôi không khỏi có những niềm cảm thông vô hạn.

Lão Hạc tạm biệt ông giáo ra về khi mặt trời đã lặn. Tôi nhìn theo bóng lưng gầy guộc, mỏng manh của lão khuất dần sau rặng tre mà thấy thương cảm sâu sắc. Tôi hy vọng rằng, nỗi đau mà lão trải qua ngày hôm nay sẽ dần nguôi ngoai, và lão sẽ có thể sống tiếp cuộc đời của mình trong bình yên, vui vẻ.