Cảm nhận của em về 2 khổ thơ đầu bài thơ Quê Hương của Tế Hanh :
Làng tôi vốn làm nghề chài lưới :
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo,mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Mọi người viết theo dàn ý hộ mình nhé: (giúp mình với)
-Mở bài : Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích, nội dung(đóng góp phong trào)
(Hoàn cảnh sáng tác: Khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương – một làng chài ven biển tha thiết; Năm sáng tác 1939)
-Thân bài: + Lời giới thiệu đầy thân thương về quê hương của tác giả
“Trích thơ”
+ Nghệ thuật
+ Nội dung
+ Đánh giá
+ Nhớ lại kí ức và hình ảnh đoàn thuyền ra khơi
“Trích thơ”
+ Nghệ thuật
+ Nội dung
+ Đánh giá
=> Liên hệ -> Nghệ thuật -> Nội dung -> Đánh giá
-Kết bài: + Đánh giá nội dung Nghệ thuật + Nội dung : Bài thơ ; 2 khổ thơ đầu.
+ Thông điệp,bài học
Hộ mình vứiiiii 😭
1 câu trả lời
Quê hương- hai tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi khi nhắc đến ai cũng bồi hồi xúc động nhớ về, đặc biệt là với những người con xa xứ. Nhắc đến quê hương là nhắc đến dòng sông xanh ngát, cánh đồng lúa trải rộng mênh mông, mái đình làng cuối xóm hay những người con người thôn quê chất phác, hồn hậu,...Có biết bao bài thơ, lời hát viết về quê hương gây xúc động lòng người, nhưng có lẽ với tôi, bài thơ Quê Hương của Tế Hanh là tác phẩm hay và ấn tượng nhất.
Bài thơ được viết vào năm 1939, trong nỗi nhớ da diết của tác giả khi đang học ở một thành phố khác. Đến với một thành phố hoa lệ với rực rỡ ánh đèn, nơi mà con người thường chạy theo những nỗi lo toan, bon chen trong cuộc sống, những kí ức đẹp về nơi chôn rau cắt rốn là niềm ủi an trong tâm hồn tác giả. Hình ảnh về làng chài ven biển Quảng Ngãi được Tế Hanh tái hiện đầy đẹp đẽ qua những vần thơ của mình. Đặc biệt qua 8 câu đầu nhà thơ đã tái hiện sống động, chân thực cảnh dân chài ra khơi đánh cá. Đó là một cuộc sống lao động đầy niềm vui và căng tràn sức sống.
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
Bằng hai câu thơ trần thuật đầy giản dị, tác giả đã giới thiệu quê hương mình đến độc giả với nét vẽ mộc mạc, giản dị nhất. Quê hương nhà thơ là một vùng quê ven biển, được biển cả bao bọc "nước bao vây cách biển nửa ngày sông". Cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm gắn bó với nước, với biển, với cá tôm. "Nghề chài lưới" trở thành một nghề truyền thống của những ngư dân làng chài, họ sống dựa vào thiên nhiên, được thiên nhiên ưu ái và nuôi dưỡng. Nét độc đáo của Tế Hanh là cách giới thiệu quê hương một cách trực tiếp nhưng không hề khô khan mà vô cùng tự nhiên, tạo nên dấu ấn quê hương trong từng câu chữ.
Nỗi nhớ chợt ùa về, những hình ảnh của người dân quê hương chất phác, mộc mạc dần hiện lên theo dòng kí ức:
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Với người dân lao động nói chung và người dân làm nghề chài lưới nói riêng, thời tiết là một trong những điều kiện quan trọng cho những chuyến ra khơi. Bởi những hiểm nguy luôn rình rập nếu chuyến ra khơi gặp phải giông to, bão lớn. Chuyến ra khơi của người dân miền biển thường là vào những buổi sớm mai "trời trong, gió nhẹ", khi mà ánh bình minh dần lên, nắng hồng hòa vào cát biển, bầu trời xanh trong, gió nhè nhẹ cũng là lúc "dân trai trái bơi thuyền đi đánh cá". Khung cảnh buổi sáng trên quê hương nhà thơ quá đỗi yên bình và đẹp đẽ, thiên nhiên xanh trong, con người khỏe khoắn.
Hình ảnh những "dân trai tráng" bơi thuyền ra khơi được Tế Hanh thi vị hóa, là hình ảnh đẹp đẽ, đầy sức sống và khỏe khoắn đại diện cho vẻ đẹp cường tráng, mạnh mẽ của những người dân chài miền biển. Cách ngắt nhịp 3/2/3 kết hợp cùng hình ảnh thơ sống động tạo nên nét nhịp nhàng, khoan khoái đồng thời diễn tả không khí náo nức, rộn ràng của người lao động trong hành trình chuẩn bị cho chuyến ra khơi của mình. Chuyến ra khơi của họ dường như đã được chuẩn bị sẵn sàng cả về dụng cụ, sức khỏe, tinh thần để chinh phục biển cả với khát khao mang nhiều cá tôm trở về, lo cho gia đình, cho cuộc sống. Sự hòa quyện, hứng khởi của con người và thiên nhiên như báo hiệu cho một chuyến đi đầy may mắn và thuận lợi.
"Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Khung cảnh ra khơi đầy khí thế, mạnh mẽ, hào hùng, họ như những người chiến sĩ lên đường ra chiến trận. Mà đây là một chiến trận mới của con người trong lao động, trong niềm tin xây dựng cuộc sống, ra khơi để chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển cá rộng lớn. Những con thuyền song hành cùng nhau vượt biển lớn, chúng hăng hái mạnh mẽ, nhanh nhẹn như những con "tuấn mã" đầy sức mạnh. Con thuyền có được sự dũng mãnh ấy là nhờ sự lèo lái tài, ba, điêu luyện và sức mạnh lao động, sự đồng lòng, đoàn kết của người dân trong hành trình đánh bắt cá tôm của mình. Hình ảnh "trường giang" ẩn dụ cho những con sóng dữ, những thác ghềnh, hiểm nguy nơi biển rộng, từ đó càng tô đậm vẻ đẹp và sức mạnh bền bỉ của người lao động. Họ đã dùng kinh nghiệm, bản lĩnh và ý chí kiên cường của bản thân để chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Những hành động mạnh mẽ như "phăng mái chèo", "vượt trường giang" cho thấy sức mạnh của những dũng sĩ trong lao động để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân và quê hương mình.
"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"
Câu thơ với cách so sánh độc đáo "cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, tác giả đã cụ thể hóa cái vô hình: hồn quê hương thành một vật thể hữu hình là cánh buồm căng gió. Lối so sánh ấy như một lời khẳng định mỗi chuyến ra khơi, ai trong mình cũng mang theo hồn quê- linh hồn của người dân miền biển, mang theo cả sự quả cảm, quyết tâm trên hành trình lao động. Hình cả cánh buồm "giương to" đón lấy những luồng gió lớn của đất trời để căng mình đẩy thuyền vượt biển, vượt sóng xa bờ, ra biển rộng còn là hình ảnh ẩn dụ về sức sống và khát vọng, ý chí của những người dân chài vùng biển.
Chỉ với 8 câu thơ ngọt ngào ấy thôi mà Tế Hanh đã đưa người đọc đến với một vùng quê đầy xinh đẹp. Nơi đó có thiên nhiên với sông nước bao quanh, có những con người chân chất, hồn hậu, một lòng với công việc lao động của mình. Nơi đó có những con thuyền miệt mài trên biển, những cánh buồm no gió ra khơi,.. Mỗi lần đọc những vần thơ ấy, lòng tôi lại khao khao được đặt chân đến đó một lần để cảm nhận tất thảy những vẻ đẹp nơi đây, để hiểu hơn về tình quê của một tấm lòng xa xứ.
Bằng hình ảnh thơ gần gũi giản dị, lời thơ trong sáng, nhịp thơ nhẹ nhàng, tươi vui cùng sự kết hợp khéo léo các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ,... Tế Hanh đã dựng nên một bức tranh lao động đầy khỏe khoắn. Phải yêu quê hương tha thiết, nặng tình gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của mình, phải thấu hiểu và trân trọng những người lao động vùng biển tha thiết lắm thì tác giả viết nên những vần thơ hay và tinh tế đến vậy.