Top 9 nhân vật phản diện trên màn ảnh hay nhất mọi thời đại

Trong một bộ phim, có vai chính diện và vai phản diện, diễn viên đóng vai chính diện thường là vai chính của bộ phim, là người hùng, hoàn hảo về nhân cách, luôn tìm cách giúp đỡ kẻ yếu, đại diện cho công lý chống lại cái ác, mà bản chất con người luôn mong muốn hướng thiện, yêu thích hòa bình nên thường sủng ái, hâm mộ những diễn viên đóng vai chính diện. Ngược lại các diễn viên phản diện thì không được ưu ái như thế dù họ xuất hiện xuyên suốt bộ phim bên cạnh nhân vật chính, họ đại diện cho cái ác, bất lương, xấu xa, đê tiện nhất, có thể nói khi họ vào vai, khán giả càng căm ghét nhân vật đó thì diễn viên đó càng thành công. Nhiều diễn viên diễn nhập vai đến nỗi, họ trở thành biểu tượng của bộ phim không thua gì nhân vật chính, nhiều câu nói của nhân vật đó trở thành thương hiệu. Chúng ta hãy cùng điểm qua top những nhân vật phản diện trên màn ảnh hay nhất mọi thời đại.


1

Joker (The dark knight - 2008)

Có thể nói The dark knight trở thành bộ phim bom tấn với doanh thu khổng lồ toàn cầu 1 tỷ USD (~21.000 tỷ đồng) cũng nhờ một phần diễn xuất quá tuyệt vời của Heath Ledger vai Joker. Có thể nhiều năm sau, khi người ta làm thêm nhiều bộ phim nữa về đề tài siêu anh hùng, các diễn viên phản diện vẫn sẽ lấy nhân vật Joker của Heath Ledger làm chuẩn mực. Bên cạnh Batman do Christian Bale thủ vai, trong phim The dark knight, Joker không chỉ đơn thuần là một kẻ ác chuyên làm những việc xấu xa, hắn xuất hiện trong bộ phim với bộ dạng gớm ghiếc với khuôn mặt trắng bệch, môi bôi son đỏ chót tới tận mang tai, với nụ cười man rợ thường trực cùng với cặp mắt như xoáy tận tâm can người đối diện, hắn như thấu hiểu hết tội lỗi mà mỗi con người đang vẫn cố che giấu bằng bộ mặt thánh thiện: "Chúng mày thôi không kiểm tra xem có con quỷ nào dưới gầm giường không khi nhận ra rằng chúng nó ở chính bên trong bọn mày". Batman với sự nghiêm túc trong công việc, làm việc nguyên tắc bao nhiêu thì Joker như tấm gương phản chiếu ngược lại, đầy sự hỗn loạn và không theo một nguyên tắc nào cả, vì thế dù trong bộ phim, Batman cùng cảnh sát Gotham đã nhiều lần bắt được Joker nhưng cuối cùng vẫn bị hắn dắt mũi và kết quả là cái chết của người yêu của Batman. Chưa bao giờ cái thiện và ác lại mong manh như vậy, dường như không có một rào cản nào rõ ràng đối lập giữa hai phía, bên cạnh phe chính nghĩa với đại diện là Batman, cũng có phe ác do Joker cầm đầu, đó được coi như hai thực thể không thể tách rời, đối nghịch nhau nhưng vẫn bổ sung cho nhau, tương ứng với mỗi trật tự được lập ra thì sẽ có một sự hỗn loạn mới được khai sinh để đảm bảo cho sự cân bằng của vũ trụ: "Khi không còn những như tao! ai sẽ cần đến mày, người hùng". Hay câu nói thể hiện rõ nhất quan hệ giữa Batman và Joker: "Tao đâu có muốn giết mày. Tao biết làm gì nếu không có mày? Lại đi ăn cắp của mấy thằng buôn ma túy? Không, không, Không. Không. Mày… Mày hoàn thiện tao".

Tôi khuyên bạn nào chưa xem phim này thì nhanh chóng bật The dark knight của đạo diễn Christopher Nolan để thưởng thức, biết đâu bạn tìm thấy mặt tối bên trong của mình thì sao.

Joker (The dark knight - 2008)

2

Jack Torrance (The Shining - 1980)

Chắc hẳn ai đã xem qua bộ phim này cũng ấn tượng nhất với phân cảnh nhân vật Jack đưa đôi mắt điên dại cùng nụ cười đầy thú tính qua vết rìu chém trên cửa khi thấy Wendy Torrance (Shelley Duvall) đang vô cùng sợ hãi và hắn bình thản buông một câu đầy mãn nguyện như kẻ đi săn trêu đùa với con mồi của mình: "Here's Johnny". Dù cho phim khi mới ra rạp bị giới phê bình chê không thương tiếc, bị cha đẻ quyển sách Stephen King quay lưng, còn suýt được nhận giải Mâm xôi vàng cho Đạo diễn dở nhất và Nữ diễn viên tệ nhất, The Shining luôn luôn được coi là bộ phim kinh điển của dòng phim kinh dị.

Nhân vật Jack Torrance do diễn viên Jack Nicholson thủ vai vốn là người chồng hiền lành, yêu thương vợ con, vì công việc phải bất đắc dĩ chuyển đến trông coi 1 khách sạn Overlook Hotel hẻo lánh ở trên núi trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 khi khách sạn phải đóng cửa vì mùa đông ở đây quá khắc nghiệt. Ở đây việc ở lâu trong một không gian không di chuyển và làm việc liên tục không có sự nghỉ ngơi có thể dẫn đến sự tuyệt vọng, cô đơn mà bản thân nhân vật Jack ở đây đã sinh ra một thứ ảo giác, dẫn đến những hành động giống như kẻ tâm thần, giống như sinh ra một nhân cách khác hoàn toàn.

Xuyên suốt bộ phim, nhân vật Jack với cây rìu trên tay truy đuổi nạn nhân của hắn, đẩy họ tới bờ tuyệt vọng. Nhân vật Jack Torrance đứng thứ 25 trong Danh sách 100 anh hùng và kẻ phản diện của Viện phim Mỹ, câu thoại của Jack Torrance “Here’s Johnny!” đứng thứ 68 trong Danh sách 100 câu thoại đáng nhớ trong phim của Viện phim Mỹ.

Jack Torrance (The Shining - 1980)

3

Anton Chigurh (No Country for Old Men - 2007)

Javier Bardem đã giành tượng vàng Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn sát thủ Anton Chigurh. Có thể nói nhân vật Anton Chigurh trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong bộ phim. Anton Chigurh đúng là một sát thủ đúng nghĩa, một kẻ máu lạnh với bộ dạng kệch cỡm, mái tóc lỗi mốt, khuôn mặt trắng bệch, cùng với những vũ khí kì lạ, gương mặt hắn kể cả khi ra tay cũng không hề biểu lộ cảm xúc.

Trong xuyên suốt bộ phim hắn chỉ có 10 câu thoại, nhưng chỉ qua cử chỉ, hành động của tên sát nhân, người xem cảm thấy kinh tởm và ghê rợn với Anton Chigurh. Hắn luôn có một đồng xu bên mình, khi quyết định số phận của nạn nhân mình hắn tự gieo đồng xu, không chỉ làm kẻ săn đuổi hắn còn vui đùa với con mồi của mình, đẩy họ đến bờ vực của sự tuyệt vọng, sự sống của bản thân mình lại phụ thuộc vào sấp ngửa của một đồng xu.

Sự gan lì của tên sát nhân máu lạnh Anton Chigurh còn thể hiện khá đậm nét ở phân cảnh hắn tự lấy bông băng xử lý vết thương ở chân và bước đi thản nhiên khi xương đã lòi khỏi tay sau vụ tai nạn ở cuối phim. Anton Chigurh coi giết người là trò may rủi và mang những đồng xu chết chóc ấy theo suốt các cuộc hành trình của mình.

Anton Chigurh (No Country for Old Men - 2007)

4

Jigsaw trong series phim kinh dị Saw (Lưỡi cưa)

Cùng với lượng fan hâm mộ đông đảo, Jigsaw trở thành một biểu tượng của dòng phim kinh dị hiện đại cùng con búp bê mang mặt nạ.

Ai nói rằng phim kinh dị chỉ có những cảnh máu me chết chóc, là những màn rượt đuổi điên cuồng giữa kẻ giết người và nạn nhân. Ngoài những yếu tố kinh dị thường thấy đó, trong loạt phim Saw, ta còn được trải nghiệm những triết lí nhân sinh sâu sắc, nhận ra còn nhiều điều xấu xa còn tồn đọng trong xã hội hỗn loạn. Tội ác của một con người dù có được che giấu trong cái rương lớn khóa chặt lại và cất kĩ đi, nhưng sớm hay muộn họ cũng phải trả giá cho những gì mình gây ra. Jigsaw tự coi mình thay trời hành đạo, hắn bắt đầu bằng cách phân tích nạn nhân của mình, từ công việc, gia đình, thói quen hàng ngày để tìm cách ra tay, bắt họ vào trong căn phòng với những dụng cụ, máy móc công phu, tỉ mỉ do hắn chế tạo.

Đối với những nạn nhân bị hắn bắt về, Jigsaw luôn cho họ một lựa chọn, khác với những kẻ sát nhân khác lấy giết chóc làm niềm vui, Jigsaw không tước đoạt hết tất cả, vẫn cho phép họ được lựa chọn, trả lời cho câu hỏi sống hay chết, Jigsaw không tự tay giết ai cả, tự chính họ giết chết chính mình. Hắn chỉ ở bên ngoài vui thích xem nạn nhân của hắn giãy giụa thoát khỏi đống đồ chơi do hắn tạo ra, hắn khoái chí khi bản năng sinh tồn của con người được đẩy tới giới hạn, liệu khi đứng trước sự sống và cái chết, con người có chịu hi sinh một điều gì đó dù là chịu đau đớn cắt bỏ đi một phần thân thể để tìm ra con đường sống.

Jigsaw trong series phim kinh dị Saw (Lưỡi cưa)

5

T- Bag (series phim Prison Break)

Chắc hẳn ai khi mới bắt đầu xem những tập đầu tiên của loạt phim vượt ngục, sẽ rất ấn tượng với nhân vật T-Bag do diễn viên kì cựu Robert Knepper thủ vai. T-Bag xuất hiện với vẻ ngoài có phần ranh mãnh, ánh mắt luôn ánh lên sự thù hận, hết lần này đến lần khác, hắn luôn gây cản trở Michael Scofield, Lincoln Burrows tìm cách vượt ngục bằng sự khôn ngoan, lừa lọc đến cả bán rẻ những người tin tưởng hắn, hắn như kẻ đã tới chạm đáy của nơi mà coi như là phần xấu xa nhất của thế giới, nơi mà tập hợp những con người đang phải trả giá tội lỗi của chính mình - ngục tù.

Tính cách cũng như tâm địa đen tối hiện giờ của T-Bag cũng bởi do 1 phần quá khứ ấu thơ bị xâm hại bởi cha của chính mình. Tuy nhiên dù có thể giết người không gớm tay, T-Bag vẫn có phần rất người: mong muốn ở bên người đàn bà hắn yêu thương, được nuôi dạy những đứa con, có một mái nhà ấm cúng. Trong phần 3, đoạn T-Bag bắt gia đình người hắn ta yêu trở về ngôi nhà cũ với mong muốn tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng cuối cùng lại đã nhốt họ vào hầm... rồi gọi cảnh sát đến cứu, còn hắn ngồi trên xe ô tô và khóc. Hắn khóc bởi số phận nghiệt ngã không cho phép hắn những ước mơ hắn mong được có, hắn khóc bởi quá khứ tội lỗi như ràng buộc hắn lại phải tiếp tục làm người xấu, có thể thấy T-Bag như phiên bản hiện đại của nhân vật Chí phèo, mong muốn được làm người lương thiện nhưng không ai cho hắn làm người lương thiện cả.

T- Bag (series phim Prison Break)

6

Loki (Thor và The Avengers)

Trong vũ trụ điện ảnh Marvel không thiếu những nhân vật phản diện có sức mạnh vô song, có khả năng tiêu diệt một hành tinh, nhưng nhân vật Loki do tài tử Tom Hiddleston đảm nhiệm xuất hiện trong các bộ phim Thor và Avengers vẫn mang chất riêng của mình và rất được phần đông khán giả hâm mộ.

Với những mưu mô, xảo trá, Loki luôn tìm cách giành lấy quyền lực từ vua cha và anh trai, còn suýt làm diệt vong cả một thế giới. Tuy nhiên bởi xuất thân là một vị thần nhưng lại bị chính người cha của mình ghẻ lạnh, cùng với cái bóng quá lớn của người anh trai Thor, ta phần nào đồng cảm với những gì mà Loki đã trải qua. Hành động của Loki suy cho cùng cũng chỉ là mong muốn được thể hiện bản thân, kể cả khi điều đó đem lại hậu quả nghiêm trọng cho thế giới. Dù vậy Loki được đánh giá là một trong những nhân vật phản diện hay nhất trong phim siêu anh hùng cũng như trong điện ảnh nói chung.

Loki (Thor và The Avengers)

7

Patrick Bateman (American psycho-2008)

Được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của nhà văn Bret Easton Ellis. Chắc hẳn ai cũng không còn xa lạ với nam diễn viên Christian Bale thủ vai người dơi trong phim The dark knight. Tuy nhiên ít ai biết rằng trước khi nổi tiếng với vai diễn người hùng Batmat, Christian Bale đã nổi danh với vai diễn Patrick Bateman trong phim kinh dị American psycho. Vai diễn này đã giúp cho Christian Bale dành giải Chlotrudis cho nam diễn viên chính xuất sắc.

Rất ít những bộ phim thời điểm đó xoay quanh nhân vật chính là vai phản diện, nhất là khi còn là kẻ giết người vô nhân tính, vì vậy bộ phim rất được sự quan tâm của khán giả và giới phê bình thời bấy giờ. Nhân vật Bateman xuất thân trong một gia đình có gia thế, tuổi 27 hắn dường như có tất cả: đẹp trai, lịch lãm, công việc kiếm được nhiều tiền, được nhiều cô gái xinh đẹp vây quanh... Tuy nhiên sau vẻ ngoài dường như hoàn mỹ đó, lại che giấu một con người đáng kinh tởm. Hắn dường như bị ám ảnh bởi vẻ ngoài của bản thân, hắn thấy khó chịu khi người ta giàu hơn, sang trọng hơn mình, kể cả khi tấm danh thiếp đẹp hơn.

Tuy nhiên khi theo dõi về cuối bộ phim, ta mới biết được rằng hắn chỉ đang cố thoát ra khỏi cuộc sống nhạt nhẽo của mình bằng cách tưởng tượng ra việc giết người một cách dã man, xuất phát cũng từ lòng đố kị của hắn, bởi hắn sống giữa những con người luôn luôn giống nhau, có thể hắn tìm trong đó việc giết người làm hắn trở nên khác biệt, khiến hắn độc nhất không lẫn vào đâu được.

Tài tử Christian Bale đã thể hiện rất thành công vai diễn này từ phong cách, dáng vẻ bên ngoài cho đến những giằng xé nội tâm bên trong con người tưởng chừng như hoàn hảo đó. Anh có thể bộc lộ thái độ thờ ơ, tâm hồn trống rỗng của nhân vật bằng gương mặt vô hồn và những cử chỉ máy móc, lại có thể diễn tả sự điên rồ, bấn loạn của nhân vật qua các hành vi độc ác, thái độ thỏa mãn khi gây án. Đáng nhớ nhất có lẽ là những cảnh cao trào của bộ phim, khi nhân vật càng trở nên điên cuồng và khủng hoảng thì diễn xuất của Christian ngày càng thăng hoa, tạo sự chân thật, đáng tin cho các phân đoạn này. Những ai là fan của dòng phim kinh dị nhất định không được bỏ lỡ bộ phim này.

Patrick Bateman (American psycho-2008)

8

Annie Wilkes (Misery-1990)

Lại một tác phẩm nữa của nhà văn Stephen King. Nữ diễn viên Kathy Bates nhờ vào vai diễn Annie Wilkes đã giúp cô dành được những giải thưởng quan trọng nhất của điện ảnh thế giới gồm giải Oscar và giải Quả cầu vàng dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là trường hợp hiếm hoi một vai chính trong phim kinh dị cùng lúc giành được 2 giải thưởng danh giá này.

Bộ phim xoay quanh hai nhân vật chính, một nữ y tá nghỉ việc và một nhà văn không may gặp tai nạn nghiêm trọng không thể đi lại, bối cảnh bộ phim cũng hết sức đơn giản chủ yếu tập trung trong ngôi nhà giữa rừng thông tuyết bao phủ. Nhưng nhờ vào khung cảnh và việc hạn chế tối đa nhân vật như vậy, khiến khán giả tập trung tối đa vào sự chuyển biến tâm lí của hai nhân vật. Annie Wilkes là một nữ y tá hâm mộ cuồng nhiệt nhân vật Misery do nhà văn Paul Sheldon (James Cann) tạo ra, cơ hội của cô đã tới khi Paul bị tai nạn xe hơi rất nặng, Annie đã cứu sống và chăm sóc nhà văn khốn khổ rất tận tình, tuy nhiên khi phát hiện ra Paul sẽ cho nhân vật Misery chết trong tập truyện mới nhất, Annie nổi điên lên và ép buộc Paul phải viết một tập truyện mới để Misery hồi sinh. Phân cảnh đáng sợ nhất cả bộ phim là khi Annie cầm chiếc búa và đập nát chân của Paul để khiến ông không thể rời xa mình.

Diễn biến tâm lí nhân vật Annie Wilkes được diễn viên Kathy Bates thể hiện rất thành công, có vẻ như bên ngoài Annie hết sức hiền lành, tử tế, nhưng khi nổi cơn điên lên, cô như một con người khác, tàn ác và man rợ. Điều đó cũng bởi do chứng rối loạn nhân cách và bệnh tâm thần mà Annie mắc phải. Sức hút của Misery là không bàn cãi, đây là phim duy nhất trong số hơn 50 phim nhựa chuyển thể từ truyện của Stephen King đoạt giải Oscar.

Annie Wilkes (Misery-1990)

9

Mildred Ratched (One Flew Over the Cuckoo's Nest -1975)

Bộ phim được chuyển thể dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey. Phim kể về những bệnh nhân đang tìm cách thoát khỏi trại điều dưỡng để tìm với tự do. Nữ y tá Mildred Ratched phụ trách trung tâm điều dưỡng là người có vẻ ngoài dịu dàng, ân cần những ngầm đặt ra kỉ luật sắt để tiến hành quản lí bệnh nhân.

Xuyên suốt bộ phim là cuộc đấu trí kịch tính giữa các bệnh nhân với những người quản lí luôn áp đặt sự độc tài, hà khắc lên họ, bộ phim thể hiện câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của những con người lâm vào đường cùng. Vai diễn y tá Ratched (Louise Fletcher) được bình chọn đứng thứ 5 trong Danh sách 50 kẻ phản diện ấn tượng nhất.

Mildred Ratched (One Flew Over the Cuckoo's Nest -1975)

Bên cạnh những diễn viên chính diện, nhân vật phản diện cũng là một phần linh hồn của bộ phim mà thiếu họ thông điệp đoàn làm phim không thể truyền tải được. Hãy bình luận phía dưới để bổ sung thêm top các nhân vật phản diện trên màn ảnh hay nhất mọi thời đại nhé.

Danh mục: Phim
Nguồn: toplist