Top 12 Điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch An Giang

An Giang là mảnh lành thuộc miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, có bản sắc văn hoá đặc sắc của 4 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Do có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, sự pha trộn văn hoá, nền ẩm thực đa dạng. Hơn thế nữa, An Giang còn được thiên nhiên ưu ái rất nhiều cảnh đẹp đến từ núi rừng, sông hồ... Vậy đâu là những địa điểm du lịch tâm linh, du lịch thiên nhiên đáng chú ý của An Giang? Hãy cùng chúng tôi khám phá bạn nhé!


1

Búng Bình Thiên

Mở đầu danh sách những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch An Giang đó chính là Búng Bình Thiên. Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là "Hồ nước Trời", thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Vào mùa nước nổi nhìn Búng Bình Thiên rất đẹp với sắc vàng của bông điên điển xen giữa sắc xanh của lục bình. Những ngôi làng Chăm quanh Búng Bình Thiên vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa xưa.

Đến với Búng Bình Thiên, bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết từ thời xa xưa về điểm đến này. Khung cảnh bao la, thơ mộng của Búng Bình Thiên làm đắm say lòng bao du khách khi đặt chân đến nơiđây. Không những vậy, Búng Bình Thiên còn đóng vai trò quan trọng trong khi cung cấp nước ngọt cũng như nguồn lợi cá tôm cho các vùng lân cận.

Thời gian nào trong năm là thời điểm thích hợp du lịch đến Búng Bình Thiên nhất? Búng Bình Thiên bao gồm 2 hồ nước đó là Búng LớnBúng Nhỏ. Trong đó, tên gọi của hồ ám chỉ Búng Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha có độ sâu trung bình khoảng 5 m. Du khách có thể tới với Búng vào bất cứ thời điểm trong năm, tuy nhiên theo kinh nghiệm của những người đi rồi cho biết du lịch vào mùa nước nổi là đẹp nhất (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch). Tháng 8 hàng năm, dòng sông Me Kong cuồn cuộn đổ nước từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Nước lũ tràn bờ, chảy vào làm 2 hồ hòa làm một, chìm ngập trong biển nước mênh mông, diện tích mặt nước vào mùa nước nổi lên đến 900 ha. Mặt hồ phủ kín sen, súng, lục bình tạo nên một bức tranh nên thơ, tràn đầy sức sống.

Búng Bình Thiên thuộc khu vực giáp ranh giữa 4 xã: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và nằm phía Bắc huyện An Phú. Cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 35 km để đến hồ nước trời ban, từ TP. Long Xuyên, du khách tiếp tục theo Quốc lộ 91 đi thẳng về TP. Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên theo tỉnh lộ 956 đến thị trấn An Phú. Đến đây, du khách có thể đi theo tỉnh lộ 957 hoặc từ tỉnh lộ 965 đi thẳng về cửa khẩu Khánh Bình, rẻ trái khoảng 2km là tới Búng Bình Thiên.

Trong tương lai, Búng Bình Thiên được dự định sẽ xây dựng thành khu du lịch bảo tồn văn hóa, nghỉ dưỡng cho du khách. Đồng thời nơi đây còn gần với các địa điểm du lịch lân cận nên dễ dàng, thuận tiện cho du khách di chuyển. Nếu có dịp đến với vùng đất An Giang, đừng quên ghé qua Búng Bình Thiên bạn nhé!

Búng Bình Thiên - Hồ nước Trời
Búng Bình Thiên đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân địa phương
Búng Bình Thiên đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân địa phương

2

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có nhiều cây tràm tọa lạc gần khu vực núi Trà Sư của huyện Tịnh Biên, An Giang. Tên gọi Trà Sư có người cho rằng nghĩa là là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.Rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, rộng 845 ha nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú. Rừng tràm Trà Sư được xem là biểu tượng của vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Du khách sẽ có dịp trải nghiệm giữa thảm bèo xanh bát ngát, len lỏi trong rừng tràm bên cạnh tiếng chim chóc đùa giỡn trên thân tràm sẽ khiến du khách có những kỉ niệm khó quên.

Với sự đa dạng về cây cảnh cũng như một số loài động vật, Rừng tràm Trà Sư thích hợp để bạn đến tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá phong cảnh thiên nhiên ở đây. Bạn sẽ được trải nghiệm chèo xuồng giữa dòng nước với hai bên là rừng cây xanh bát ngát. Không gian trong lành, yên tĩnh như đưa chúng ta tránh xa, quên đi những bộn bề, lo toan tấp nập cuộc sống để hòa mình cùng thiên nhiên. Không gian bạt ngàn màu xanh của tràm cùng với bức tranh muôn màu muôn vẻ của hệ thống thực, động vật… Rừng tràm Trà Sư không chỉ là điểm đến khó thể bỏ qua đối với du khách, mà còn được được đánh giá có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm, đâu là thời điểm thích hợp đến Trà Sư du lịch? Theo kinh nghiệm du lịch An Giang của nhiều người thì Rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm đẹp nhất. Cả khu rừng được bao chùm một màu xanh tươi, đầy sức sống và dường như tất cả những vẻ đẹp thiên nhiên đều tập trung tại nơi đây, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động. Trong đó, thời gian đẹp nhất để tham quan rừng tràm đó là lúc 7h đến 9h sáng bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và ngắm nhìn rất nhiều loài chim tụ tập tới đây vui đùa, nhảy nhót, hót líu lo. Sau đó, đến 17h – 18h chiều, bạn có thể đi lên đài quan sát ngắm nhìn từng đàn chim đang bay trở về tổ.

Vậy từ các địa phương khác di chuyển đến Rừng tràm Trà Sư như thế nào?

  • Từ TP. Hồ Chí Minh, du khách có thể đi đến An Giang bằng phương tiện cá nhân hoặc mua vé xe khách tại Bến xe Miền Tây đi Long Xuyên hay Châu Đốc với giá trung bình từ 150.000 – 300.000 VND/lượt (thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tuỳ thời điểm), quảng đường khoảng 250km thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ. Các nhà xe chạy tuyến này rất nhiều bạn có thể tham khảo các hãng: Xe Thảo Nguyên, Xe Liên Hưng, Xe Huệ Nghĩa, Xe Hiệp Thành, Xe Lý Thành Đạt, Xe Phương Trang, Xe Thiên Thiên Hương, Xe Hùng Cường – An Giang...
  • Từ Cần Thơ đến An Giang dài khoảng 117 km, bạn có thể đến đây bằng phương tiện cá nhân hoặc đến bến xe Cần Thơ bắt xe đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 chuyến các nhà xe chạy tuyến này như: Xe Vạn Khoa Nguyên, Xe Phương Trang; thời gian di chuyển trên chặng khoảng 3 giờ.
  • Nếu bạn từ các tỉnh thành khác có thể đi tàu hỏa, máy bay, xe khách di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ rồi đi tiếp đến An Giang.
  • Xuất phát từ Châu Đốc: Du khách đi theo tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương nối tiếp với Quốc lộ 91. Khi đi qua Cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên thì rẽ trái theo kênh Trà Sư thêm vài km nữa là tới Rừng tràm Trà Sư.
  • Xuất phát từ trung tâm Long Xuyên: Du khách đi dọc theo Quốc lộ 91 về Châu Đốc, sau đó đi tiếp theo tuyến đường trên là có thể tới Rừng tràm Trà Sư.

Bên cạnh đó, tạiRừng tràm Trà Sư còn có đài quan sát trên cao để bạn có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh nơi đây. Chính vì vẻ đẹp sông nước hữu tình như thế, Rừng tràm Trà Sư thu hút nhiều sự chú ý của du khách và cũng là điểm đến bạn không thể bỏ qua khi đến An Giang.

Rừng tràm Trà Sư - địa điểm du lịch nên thơ
Khung cảnh xanh mướt tại rừng tràm Trà Sư
Khung cảnh xanh mướt tại rừng tràm Trà Sư

3

Đồi Tà Pạ

Là một trong bảy núi của vùng Thất Sơn, An Giang, núi Tà Pạ (Tri Tôn) tựa như chốn bồng lai tiên cảnh hữu tình. Nơi đây vừa có không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp thu hút du khách bởi sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa trên núi. Đồi Tạ Pạ bao gồm 3 địa danh du lịch nổi tiếng: Cánh đồng Tà Pạ, Hồ Tạ Pạ Chùa Tà Pạ. Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1 km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer. Người nông dân Khmer mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…

Theo kinh nghiệm du lịch An Giang thì Cánh đồng Tà Pạ đẹp nhất là khoảng tháng 9 đến đầu tháng 11, bởi lúc này lúa đang vào mùa thu hoạch nên bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh rực rỡ những sắc vàng, sắc xanh của cánh đồng từ khi bắt đầu trổ bông đến khi thu hoạch. Qua tháng 11, Cánh đồng lúa Tà Pạ bắt đầu vào vụ mùa mới nên toàn bộ khung cảnh nơi đây nhuộm một màu xanh bạt ngàn, càng làm cho cảnh đẹp nơi đây càng thú vị hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, đây là thời điểm nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về tràn qua gò bãi, phủ lên những cánh đồng lúa xanh mướt, phản chiếu trời xanh tạo nên một khung cảnh đẹp đến xao lòng.

Hồ Tà Pạ là điểm đến không nên bỏ qua trong hành trình khám phá vùng đất Tri Tôn. Nơi đây nổi tiếng với hồ nước trong xanh ngắt có thể nhìn xuống được đáy. Vào những ngày nắng đẹp dưới làn nước trong xanh của hồ bạn có thể thấy được cả những lớp rong rêu và cả cỏ nước ở dưới đáy hồ. Trên núi còn có Chùa Tà Pạ, một trong những điểm tham quan phổ biến của khách du lịch khi tới vùng đất này. Ngôi chùa Phật giáo Khmer nằm gần đỉnh núi, mang bầu không khí thanh bình cùng tầm nhìn toàn cảnh đồng lúa bên dưới. Ngôi chùa theo Phật giáo Nam Tông có kiến trúc Khmer đặc trưng. Công trình đồ sộ uy nghi, được trạm trổ điêu khắc tinh xảo, đắp nối nhiều tranh tượng phù điêu hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cây No…. mang tính nghệ thuật cao. Tà Pạ, một địa danh nổi tiếng không nên bỏ qua khi du lịch đến An Giang bạn nhé!

Cánh đồng Tà Pạ nhìn từ trên cao
Cánh đồng Tà Pạ nhìn từ trên cao
Cùng nhau khám phá đồi Tà Pạ nào!

4

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Châu Đốc, một địa danh gắn liền với sự linh thiêng với thế phong thủy tiền tam giang, hậu thất sơn và huyền bí cùng nhiều tín ngưỡng tôn giáo tồn tại từ lâu đời. Nhắc tới mảnh đất này, người ta không thể không nhớ tới Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài vẫn biết đến. Miếu Bà Chú Xứ Núi Sam là điểm đến văn hóa, tâm linh không thể bỏ qua khi ghé thăm An Giang, Miếu Bà Chúa Xứ nằm ngay chân Núi Sam, Châu Đốc. Với sự linh thiêng và ứng nghiệm, cầu được ước thấy khiến Miếu Bà hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về góp phần phát triển ngành du lịch An Giang.

Ngày trước Miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, Miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay. Miếu Bà có bố cục kiểu chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tượng phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ. Quần thể kiến trúc miếu có chính điện (nơi thờ tượng Bà), võ ca, phòng khách và phòng Ban quý tế. Bên trong miếu thì lại được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các cánh cửa miếu được các nghệ nhân chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt, nhiều liễn đối và hoành phi ở nơi đây cũng được dát vàng son rực rỡ. Tượng Bà được người dân đặt ở giữa chính điện, xung quanh đó còn có bàn thờ Hội đồng ở phía trước, Tiền hiền và Hậu hiền thì đặt hai bên. Bàn thờ Cậu đặt ở bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m, còn bàn thờ Cô thì ở bên phải thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ,…

Đây không chỉ là nơi hành hương mà còn là nơi tận hưởng không khí trong lành của núi Sam ở độ cao gần 300m. Ngắm khung cảnh ta như thả mình vào xứ sở thần tiên thu nhỏ tại Miếu Bà Chúa Xứ. Nơi đây chúng ta có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc cùng với Kênh Vĩnh Tế. Du khách từ mọi miền trên đất nước đến với Miếu Bà Chúa Xứ để cầu an, cầu may mắn cho gia đình. Miếu Bà được xây dựng khang trang, rộng rãi đón tiếp hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày. Xung quanh Miếu Bà còn có chợ đặc sản với nhiều món ăn hấp dẫn, thơm ngon. Có thể nói nếu đến với An Giang mà bạn chưa ghé qua Miếu Bà Chúa X thì quả thực là rất đáng tiếc. Chính vì thế hãy ghi chú lại địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn này lại bạn nhé!

Bà Chúa Xứ Núi Sam
Bà Chúa Xứ Núi Sam
Huyền thoại về Bà Chúa Xứ

5

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Khu du lịch Núi Sam là một địa danh đặc biệt của đất nước ta. Nơi đây lưu lại những câu chuyện từ thời mở cỏi đất phương Nam có khí hậu trong lành, bốn bề gió lộng, lại hội tụ 5 cụm di tích lịch sử văn hóa ý nghĩa trở thành điểm đến hấp dẫn của Châu Đốc. Tiêu biểu có Lăng Thoại Ngọc Hầu.

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Nếu dự định du lịch An Giang đến Châu Đốc, bạn đừng quên tìm đến nơi này. Nhìn tổng thể từ xa, bên triền núi Sam cạnh bờ kinh Vĩnh Tế, khu lăng mộ uy nghi đường bệ, xanh um những tàn cây đại thụ. Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, bên cạnh vô vàn các di tích khác, nhưng kỳ lạ thay lại không bao giờ ồn ào náo nhiệt như các lăng miếu khác ở đây mà luôn có một không khí lặng lẽ, trang nghiêm, thành kính. Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang.Lăng Thoại Ngọc Hầu xây dựng trên nền đá xanh, nằm kề trên Quốc lộ 91, mặt hướng về phía bắc đối diện miếu Bà Chúa Xứ, lưng tựa vào vách đá núi Sam do đích thân Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX. Cây cỏ được cắt tỉa tỉ mỉ, quãng sân rộng luôn quang đãng sạch đẹp. Lối vào lăng qua chín bậc đá ong hết sức uy nghiêm. Toàn khu Sơn Lăng là một khối kiến trúc hài hòa. Xung quanh lăng được bao bọc bằng vách tường đúc dày vững vàng cao hơn đầu người, phía trước là 2 cửa lớn hình bán nguyệt theo kiểu kiến trúc của lăng tẩm xưa, 2 bên có 2 hàng liễn đối. Trong hành trình du lịch Châu Đốc – An Giang, đến thăm Lăng Thoại Ngọc Hầu là một hành trình nhỏ không thể bỏ qua, không chỉ để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tiêu biểu dưới thời phong kiến nước ta, thưởng ngoạn không khí yên ả, thanh bình, mà còn là để thể hiện lòng thành kính đối với những bậc tiền nhân thuở trước.

Lăng Thoại Ngọc Hầu về đêm
Lăng Thoại Ngọc Hầu về đêm
Bên trong Lăng Thoại Ngọc Hầu
Bên trong Lăng Thoại Ngọc Hầu

6

Hồ Soài So

Soài So là một điểm tham quan du lịch thu hút những bạn trẻ đến đây chụp ảnh những năm gần đây. Hồ Soài So là một phần của vùng Tứ giác Long Xuyên, An Giang. Không chỉ là một hồ nước nhân tạo lớn nhất xứ sở Bảy Núi, nơi đây còn hấp dẫn du khách với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và độc đáo. Hồ Soài So rộng khoảng 5 ha với dung tích nước khoảng 400 ngàn mét khối từ dòng suối Bạc trên cao đổ xuống.

Hồ Soài So là địa điểm mới được khai thác du lịch, vừa là vùng đất mới lạ lại có cảnh quan tươi đẹp và khí hậu trong lành nên thu hút được khá nhiều khách du lịch đến đây khám phá. Soài So, nước chảy quanh năm, lưu lượng vô cùng dồi dào, nhất là vào mùa mưa. Trong những năm tháng khó khăn, hồ cung ứng nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân 2 xã Cô Tô, Núi Tô và thị trấn Tri Tôn và tiếp ứng một phần cho khu vực cầu Cây Me (xã Châu Lăng).

Thời điểm tuyệt vời nhất để ghé thăm hồ nước tuyệt đẹp của vùng An Giang là mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 (thời điểm này có thể thay đổi theo từng năm khác nhau). Lúc này nước Hồ Soài So dâng cao, vừa trong xanh vừa mênh mông hơn ngày thường. Với vị trí nằm ở sườn phía Đông núi Cô Tô, thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, Hồ Soài So khá dễ để du khách tìm đến. Bạn chỉ cần đi theo con đường Trần Hưng Đạo, chạy qua UBND xã Tri Tôn 1 đoạn ngắn thì sẽ gặp cổng chào Khu du lịch Suối vàng Soài So. Chạy vào hẳn trong khu du lịch một đoạn nữa là sẽ đến được Hồ Soài So. Đây là điểm đến khá tiện lợi vì ngoài việc được ghé thăm hồ ra, bạn có thể lên núi Cô Tô từ hướng này.

Hồ Soài So rộng lớn, thoáng mát với phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Nơi đây cũng là một trong những địa điểm thích hợp cho bạn check-in, chụp những bức ảnh đẹp khi du lịch tại An Giang. Nếu có dịp du lịch An Giang đúng dịp mùa nước nổi, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá hồ Soài So.

Hồ Soài So
Hồ Soài So
Phong cảnh hữu tình tại hồ Soài So
Phong cảnh hữu tình tại hồ Soài So

7

Đồi Tức Dụp

Tức Dụp vùng đất lịch sử hào hùng, nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập dân tộc. Ngọn đồi ẩn mình trong thiên nhiên giờ đây đã được bảo tồn và phát triển thành khu du lịch Đồi Tức Dụp. Khi đến đây, du khách có thể thưởng thức đặc sản của vùng Thất Sơn và trải nghiệm những trò chơi tuyệt vời nhất.Với địa hình hiểm trở, cùng với chiến thắng lịch sử, Đồi Tức Dụp đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Đồi Tức Dụp thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Nằm ở phía Tây của núi Cô Tô (hay còn gọi là Phụng Hoàng Sơn). Đồi Tức Dụp cao 216m, diện tích trên 2km2, có chu vi hình cánh cung dài khoảng 3km. Tức Dụp là căn cứ địa vững chắc của quân dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ nhiều thế kỷ trước, vào thuở sơ khai lập địa, những người dân Khmer đã tìm đến đây. Trong lúc khai hoang đất, nhiều người vì thời tiết quá nắng nóng, đã ngất đi vì khát nước. Trong cơn mơ họ nghe tiếng nước suối chảy róc rách. Đến lúc trời bình minh, người dân tỉnh lại và tìm ra nguồn nước từ các khe đá của ngọn đồi. Quá đỗi vui mừng, họ bèn đặt tên cho ngọn đồi là “Tuc Chup”, tức nước chảy trong đêm theo nghĩa của tiếng Khmer. Sau này được đổi thành Tức Dụp. Người dân trong làng tôn thờ Tức Dụpngọn đồi thiêng liêng. Vì đã ban tặng nguồn nước của trời, giúp tưới xanh ruộng đồng, nương rẫy. Vào các ngày lễ hội, già làng cùng những người dân mang lễ vật đến cúng thần linh và đất trời nơi đây. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được sung túc, dân làng ấm no, đủ đầy.

Đa phần thời tiết các tỉnh miền Tây sông nước được chia thành 2 mùa, gồm mùa khô và mùa mưa. Theo dân địa phương, bạn nên đi Đồi Tức Dụp vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lúc này thời tiết nắng ráo, đất đá trên đồi cũng không bị trơn trượt như mùa mưa. Thuận lợi cho việc tham quan, khám phá các di tích lịch sử hiểm hóc trên đồi. Nước hồ vào nước suối vào mùa này cũng trong veo, cây cối xanh tươi tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng. Lấy điểm xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, các bạn có 2 lựa chọn để đến được địa điểm:

  • Phượt bằng xe máy: Từ TP. Hồ Chí Minh, mất khoảng 5 giờ đồng hồ để đến huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Gợi ý tuyến đường đi cho bạn: TP. Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A hướng về Tân An. Qua Cầu Mỹ Thuận chạy theo hướng Sa Đéc đến Phà Vàm Cống, rồi tìm đường đi Long Xuyên – Tri Tôn. Hoặc từ TP. Hồ Chí Minh cũng theo QL1A hướng về QL62 đi Thạnh Hóa. Tiếp đó tìm đến Phà Cao Lãnh, đi tiếp Phà An Hòa về Châu Đốc - Tịnh Biên. Sau khi đến huyện Tri Tôn, các bạn đi thêm khoảng 9km đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ đến được đồi Tức Dụp.
  • Di chuyển bằng xe khách: Các bạn có thể tham khảo những nhà xe có tuyến Sài Gòn – Tri Tôn.

Tức Dụp đang được đầu tư, phát triển và phục vụ du lịch. Nhiều du khách đến nơi đây không những khám phá cảnh đẹp của Đồi Tức Dụp mà còn có thể tìm hiểu về lịch sử hào hùng tại đây, từ đó càng thêm hiểu, thêm yêu con người cũng như mảnh đất An Giang.

Huyền thoại Đồi Tức Dụp
Đồi Tức Dụp - điểm đến du lịch lịch sử ý nghĩa
Đồi Tức Dụp - điểm đến du lịch lịch sử ý nghĩa

8

Chợ Châu Đốc

Chợ Châu Đốc với tên quen thuộc mà người dân địa phương thường gọi là chợ Mắm, khu chợ tập trung hàng trăm loại mắm ngon và đặc sắc khác nhau. Cách trung tâm Thành phố Châu Đốc khoảng 1,6 km theo hướng Tây tại đường Bạch Đằng của phường Châu Phú A, chợ Châu Đốc là trung tâm kinh doanh các mặt hàng mắm cùng thủy hải sản khô có quy mô lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Nếu là khách phương xa đến, chưa rành đường xá, bạn cũng có thể nhờ người dân hoặc tiếp tân khách sạn tại nơi mình ở hướng dẫn cách đi đến đây.Thời tiết thuận hòa khiến việc du lịch Châu Đốc trở nên dễ dàng dù là vào bất kì thời điểm nào trong năm. Tháng 5 là lúc mùa mưa bắt đầu, nếu bạn muốn ngắm nhìn trọn vẹn cuộc sống sông nước miền tây thì thời điểm từ tháng 8 đến tháng 11 sẽ là thời gian phù hợp nhất với các hoạt động tiêu biểu của mùa nước lên như là chợ nổi. Để đến được chợ Châu Đốc thì các bạn từ trung tâm thành phố là ở vị trí ngã 4 , giao giữa các đường Hoàng Diệu, Trường Đua, Nguyễn Văn Thoại và Tân Lộ Kiều Lương rẽ vào đường Nguyễn Văn Thoại rồi đi thẳng khoảng 1,4 km. Đến chỗ giao với đường Quang Trung thì các bạn rẽ trái, tầm 130m rồi rẽ phải vào đường Bạch Đằng hoặc đường Chi Lăng đều được. Nếu các bạn rẽ vào đường Bạch Đằng thì chợ Châu Đốc sẽ nằm ở bên phải của các bạn còn nếu các bạn rẽ vào đường Chi Lăng thì chợ Châu Đốc sẽ là ở bên trái. Các quầy hàng bày bán từ 5h sáng, chỉ sau đó vài chục phút khu chợ bỗng trở nên sầm uất hẳn, đông đúc người qua kẻ lại. Đứng từ ngoài chợ, bạn đã có thể cảm nhận hương vị thơm lừng của các loại mắm, các món đồ ăn đã được chế biến vô cùng hấp dẫn. Phía trong khu chợ được chia ra thành nhiều khu riêng biệt và sạch sẽ, mỗi khu bày bán những sản phẩm khác nhau, nhưng tất cả đều là đặc sản an toàn và chất lượng đến từ vùng đất An Giang thân yêu. Trong đó có thể kể đến các khu như khu thực phẩm chế biến ăn liền, chợ rau củ quả trái cây, chợ mắm, chợ quần áo,...

Đầu tiên là khu dành riêng cho các loại mắm, mỗi gian hàng bày bán hàng chục loại mắm khác nhau, mỗi loại được đựng trong khố riêng và có bảng giá đi kèm để thực khách dễ dàng lựa chọn như mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái, mắm rô…Mắm cá Châu Đốc là thương hiệu nổi tiếng đã tồn tại hơn 200 năm, mắm được làm từ cá địa phương, một phần cá nuôi bè, một phần được đánh bắt tự nhiên tươi ngon và bổ dưỡng. Mỗi loại mắm bày bán ở chợ Châu Đốc được đặt theo tên cá nguyên liệu làm để cho dễ nhớ. Nhiều gian hàng mắm đã trở lên nổi tiếng ở chợ Châu Đốc từ nhiều năm qua được người dân và du khách biết đến như mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Hai Xuyến…Một trong những sản phẩm mà người dân ưa thích nhất là mắm Thái. Dù ngày mưa hay ngày nắng, chợ Châu Đốc vẫn không ngớt người mua, không chỉ nổi tiếng với các loại mắm, khu chợ còn tập trung hàng trăm các món ăn vặt vô cùng hấp dẫn như các loại bánh bông lan, lạp xưởng, khô, bánh bò, bánh da lợn, bánh ích, bún mắm, hủ tiếu Châu Đốc... Tất cả đều được chế biến từ các thực phẩm tươi ngon của địa phương nên có hương vị rất thơm ngon và đảm bảo vệ sinh.

Nếu là một tín đồ thích ăn mắm hoặc các loại đặc sản quê hương thì chợ Châu Đốc chính là địa chỉ quá hợp lý để bạn có thể khuynh vác tất tần tật mọi thứ mang về.

Chợ Châu Đốc với đa dạng các loại mắm
Chợ Châu Đốc với đa dạng các loại mắm
Khá phá chợ Châu Đốc cùng YouTube Khoai Lang Thang

9

Chợ Tịnh Biên

Chợ Tịnh Biên là khu chợ nằm tiếp giáp giữa Việt Nam và Campuchia. Chợ không chỉ là nơi mua sắm quen thuộc của người dân địa phương mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của rất nhiều khách du lịch An Giang. Do hàng hóa dồi dào, vừa có sản phẩm nội địa, vừa có hàng tiêu dùng đến từ Campuchia, Thái Lan… giá cả lại rất bình dân. Đặc biệt, tiểu thương ở đây niềm nở, vui vẻ nên việc mua sắm rất thoải mái luôn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Muốn đi chợ Tinh Biên, nếu xuất phát từ Thành phố Long Xuyên, du khách có thể đi theo Quốc lộ 91, chạy khoảng 60 km sẽ đến Thành phố Châu Đốc. Tiếp tục xuất phát từ Châu Đốc, du khách chạy thêm 30 phút nữa thì đến thị trấn Nhà Bàng. Sau đó, du khách rẽ về đường Xuân Tô khoảng 10km sẽ đến chợ Tịnh Biên. Toàn khu chợ bao gồm các sạp bán liền kề nhau bày bán đa dạng các mặt hàng nội địa và ngoại nhập với mức giá tương đối rẻ như khăn, chăn mền, áo quần, mỹ phẩm…

Chợ Tịnh Biên luôn tấp nập người mua kẻ bán vì nơi đây được xem là chợ đầu mối lớn cho toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với nguồn hàng dồi dào, đa dạng và giá rẻ. Nhưng đông nhất là vào dịp lễ hội Bà Chúa Xứ, cảnh tượng khu chợ trở nên kín người, mọi người phải chen lấn mới vào được bên trong mua hàng. Nổi bật ở khu thực phẩm là các loại khô mắm thơm ngon, đẹp mắt được rất nhiều các du khách mê mẩn như mắm cá linh, khô cá tra phồng, khô cá sửu, mắm thái, mắm sặc, mắm trê, mắm lóc… tất cả đều có hương vị đặc trưng hấp dẫn. Sau khi mua sắm thả ga, ngay trong khu chợ du khách có thể ghé chân vào các hàng đồ ăn vặt, hàng nước, hàng chè để thưởng thức các món ăn đặc sắc và đậm đà như bún mắm, bún khô, bún riêu, bánh bò thốt nốt, bánh da lợn, bánh bao,…chè, đặc biệt là đừng quên uống 1 ly nước thốt nốt tươi ngon mát lạnh.

Chợ Tịnh Biên không những là địa chỉ mua sắm của du khách khi đến với An Giang, mà còn là nơi để trao đổi hàng hóa của người dân giữa 2 nước, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia. Các bạn không nên bỏ qua khu chợ chất lượng này nhé!

Khám phá chợ Tịnh Biên
Trái thốt nốt đặc sản Tịnh Biên, An Giang
Trái thốt nốt đặc sản Tịnh Biên, An Giang

10

Chùa Kim Tiên

Chùa Kim Tiên tọa lạc xã An Phú, gần thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang, là điểm đến mới mẻ cho du khách đặc biệt thu hút các bạn trẻ đam mê chụp ảnh. Điều khiến cho ngôi chùa này trở nên nổi tiếng chính là vẻ bề thế, nguy nga và bức tượng Phật sừng sững uy nghiêm.

Muốn tham quan chiêm bái chùa Kim Tiên, từ trung tâm thị trấn Nhà Bàng bạn có thể đến chùa bằng 2 ngả: theo lộ Cây Mít đi 1 km gặp ngả tư, quẹo trái vào 2 km hoặc theo quốc lộ 91 ra biên giới, đến chỗ rẻ vào chùa Mai Sơn, qua khỏi chùa Mai Sơn 3 km cũng đến chùa Kim Tiên. Đường nào cũng là đường tráng nhựa, quanh co giữa một vùng bán sơn địa cây trái tốt tươi, khiến cho người hành hương có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên.

Bên trong Niệm Phật đường mênh mông, sức chứa lên đến ngàn người. Ban thờ Tam bảo được lập theo kiểu mới rộng, lớn. Dọc theo trần là bài kệ nói lên tông phái của chùa “Phát Bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm, A Di Đà Phật, quyết định vãng sanh”. Điểm nhấn của chùa Kim Tiên là có tượng Phật A Di Đà cao 24m được xây dựng trên nóc chùa. Tất cả những họa tiết được điêu khắc tỉ mẩn và sắc nét, dát vàng ở trên vòm mái, tạo thành một điểm tâm linh không thể bỏ qua mỗi khi du lịch An Giang.

Từ ngôi chùa, bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh núi rừng xanh tươi An Giang bao quanh, cảm nhận được sự thư thái đến khó tả. Ngoài chiêm bái, cúng viếng như phong tục thì chùa còn đãi cơm chay, nước cho người dân miễn phí sau khi cúng viếng.

Tượng Phật A Di Đà cao 24m
Tượng Phật A Di Đà cao 24m
Chùa Kim Tiên nơi vùng biên Tổ Quốc

11

Núi Cô Tô

Núi Cô Tô gọi tắt là núi Tô, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn, tên Khmer là Phnom-Ktô, nằm trong dãy Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, Huyện Tri Tôn (An Giang). Núi Cô Tô là một nơi ngắm hoàng hôn lý tưởng, từ đây bạn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh huyện Tri Tôn hay một vùng đất giáp biên giới Campuchia của An Giang, với nhiều núi đồi, đồng lúa cũng như những mảnh ruộng của người Khmer sinh sống tại đây.

Núi Cô Tô có chiều cao 614m, dài 5.800m và rộng 3.700m, nơi đây được tạo hóa ban tặng hàng trăm hệ thống hang động ngầm rộng lớn và vững chắc, đây cũng chính là điểm thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, ngọn núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người. Những ngôi nhà được xây dựng trên các vách đá dựng đứng, từng rặng cây đung đưa theo gió như cơn sóng biển đang gợn từng cơn, đem lại khí hậu mát mẻ quanh năm. Khi đặt chân đến nơi bạn còn không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh bao la rộng lớn và núi non hùng vĩ trước mặt.Núi Cô Tô không có một địa chỉ chính xác trên bản đồ như những chung cư hay hàng quán. Tuy nhiên, bạn đừng lo rằng không tìm được, xét về kích cỡ khổng lồ của chúng thì nhìn từ xa thôi cũng đủ để thấy rồi. Để dễ dàng hơn, bắt đầu từ hướng Long Xuyên khách có thể đi theo đường tỉnh lộ 943 xuôi về thị trấn Núi Sập. Từ đây hỏi đường đến núi Cô Tô sẽ rất dễ dàng. Hoặc bạn cũng có thể đi con đường khác. Rất nhiều hướng đều dẫn tới núi, tuy nhiên với tỉnh lộ 943 thì khách sẽ được tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị hơn. Có nhiều cách để bạn leo tới đỉnh núi, bằng cách đi bộ leo núi, xe ôm, hay xe máy tự túc. Đội xe ôm tự quản của núi Cô Tô có bảng giá niêm yết rõ ràng trong đó mức tiền được tính theo điểm đến cao dần theo độ cao của núi. Nếu bạn chọn phương thức là xe máy thì chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ bạn sẽ đi hết tất cả các điểm lễ bái và ngắm cảnh. Đối với những ai yêu thích khám phá và thử thách có thể đi bộ men theo những bậc thang, ngôi chùa, các bụi cây và những hàng cây cổ thụ, vừa đi vừa cảm thụ khí trời thiên nhiên. Leo núi Cô Tô đơn giản không phải đi qua nhiều địa hình với lối mòn hóc hiểm. Đi bộ, bạn phải mất trọn vẹn 1 ngày mới có thể thăm được núi Cô Tô, chiều lên đi nhanh cũng phải gần hai tiếng, còn đi chậm phải mất đến 3 tiếng. Bạn cần chuẩn bị đôi giày leo núi chuyên dụng.

Nếu muốn tìm một nơi để cắm trại qua đêm trên núi ở Tri Tôn thì Cô Tô là một lựa chọn tuyệt vời. Buổi sáng, bạn có thể dậy sớm ngắm bình minh và cảnh vật xung quanh. Buổi tối, từ đỉnh núi Tô, bạn sẽ quan sát được toàn bộ Tri Tôn nhỏ bé ở dưới, với những ánh sáng lập lòe hòa vào những làn sương nhẹ rất tuyệt. Ghé thăm núi Cô Tô bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn.

Núi Cô Tô - Phượng Hoàng Sơn
Núi Cô Tô - Phượng Hoàng Sơn
Cánh đồng Tà Pạ nhìn từ núi Cô Tô
Cánh đồng Tà Pạ nhìn từ núi Cô Tô

12

Chợ nổi Long Xuyên

Chợ – nơi tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa nhưng lại là nơi tốt nhất để bạn khám phá văn hóa, ẩm thực, lối sống của con người, của một vùng miền. Nằm trên khu vực sông Hậu, gần Trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi du lịch An Giang. Đây là địa điểm du khách có thể khám phá một cách rõ nét nhất sinh hoạt thường ngày của người dân An Giang và cũng chứa đựng những giá trị, nét đẹp văn hóa độc đáo riêng của miền Tây sông nước.

Khi mà giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân còn quen mua, bán bằng xuồng, ghe trên sông, chợ nổi Long Xuyên đã xuất hiện. Ngày nay, mặc dù giao thông thuận lợi và phát triển, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và giữ nguyên vẹn hình thức sinh hoạt cho đến ngày nay. Đây chính là một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân An Giang nói riêng và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Điểm xuất phát của chợ nổi bắt đầu từ phà Ô môi, chạy dài theo bờ sông Hậu khoảng 2 km, nằm trong địa phận phường Mỹ Phước, những chiếc ghe máy hứa hẹn sẽ đưa du khách tham quan từng ngõ ngách của khu chợ nổi.

Chợ họp nhộn nhịp nhất là vào khoảng 5-6 giờ sáng, đến tầm 8 giờ thì bắt đầu vãn chợ. Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên là từ 5 giờ sáng. Du khách có thể được ngắm cảnh bình minh trên sông, xa xa phía chân trời là những vệt mây trắng hồng đan xen, hòa huyện vào nhau trên nền trời, tất cả như tô điểm thêm dư vị cho cuộc sống của những người dân lao động đang từng ngày lênh đênh trên sông nước. Không tấp nập như chợ nổi Cái Răng và cũng không ồn ào như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Long Xuyên được đánh giá là một trong những chợ nổi vẫn còn giữ được nét bình dị, nguyên sơ nhất. Chưa bị tác động bởi thương mại hóa du lịch nên chợ nổi Long Xuyên không chật ních, xô bồ. Không gian yên ả trải dài cả khúc sông. Tuy không ồn ào, tấp nập như những phiên chợ nổi khác của miền Tây, Chợ nổi Long Xuyên bắt đầu ngày mới cũng nhộn nhịp không kém, những chiếc ghe, xuồng đang neo đậu chằng chịt, san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa, tiếng cười tiếng nói giòn giã vang khắp mặt sông tạo nên nét riêng của phiên chợ nổi. Điều đặc biệt nhất ở chợ nổi Long Xuyên đó là tất cả các mặt hàng đều được bán với giá rất rẻ. Việc mua bán trên chợ nổi diễn ra rất nhanh chóng, theo kiểu nói sao bán vậy chứ ít có chuyện mặc cả.

Đừng quên thưởng thức một bữa sáng theo kiểu “nổi” của người dân miền Tây, với các món ngon dân dã như bún riêu, bún cá, bánh tằm hay nhâm nhi một ly cà phê, sữa nóng… để tận hưởng cảm giác vừa ăn vừa được lắc lư bồng bềnh theo con sóng, ắt hẳn sẽ làm du khách nhớ mãi không quên.

Khung cảnh nhộn nhịp họp chợ
Khung cảnh nhộn nhịp họp chợ
Du khách ăn sáng trên chợ nổi Long Xuyên
Du khách ăn sáng trên chợ nổi Long Xuyên

An Giang, vùng đất vốn bình yên và an nhiên của miền Tây sông nước. Nơi giao thoa của những nền văn hoá, nơi mảnh đất của những người con anh hùng hay đơn giản là nơi lưu giữ nét văn hoá truyền thống của cha ông. Nếu có cơ hội về với mảnh đất An Giang hãy tham quan những địa chỉ du lịch mà chúng tôi đã chia sẻ ở bài viết trên nhé. Chúc các bạn có hành trình tham qua tỉnh An Giang vui vẻ và đầy trải nghiệm thú vị.

Danh mục: Du lịch
Nguồn: toplist