Top 10 địa điểm hấp dẫn khách du lịch nhất tại Sài Gòn

Nếu Hà Nội được biết đến là thủ đô ngàn năm văn hiến với vẻ đẹp yên bình, trầm mạc cùng nhịp sống chậm rãi thì Sài Gòn lại là thành phố của những chuyển động, sự sôi nổi, sầm uất bậc nhất cả nước nhưng lại đan xen một chút cổ kính, một chút châu Âu giữa lòng Việt Nam. Để hiểu rõ nét kết hợp độc đáo đó của Sài Gòn hoa lệ, hãy cùng chúng tôi khám phá nơi đây một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất nhé.


1

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Tọa lạc tại số 2, Công Trường Công Xã Paris, Quận 1, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là bưu điện lớn nhất Việt Nam và cũng là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch khi đến tham quan thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà mang phong cách kiến trúc phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông này được người Pháp xây dựng trong khoảng những năm 1886 - 1891. Nếu bạn có cơ hội đến với Sài Gòn, hãy dừng chân và khám phá công trình kiến trúc nổi tiếng đó người Pháp xây dựng tại đây nhé.

Bên trong tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài gòn, trần nhà hình vòm cung tương ứng với cửa ra vào được nâng đỡ bởi hai hàng trụ và hệ thống vĩ kèo bằng sắt, nổi bật với thiết kế công phu có các đấu nối là những hoa văn đẹp. Qua khỏi cửa chính tòa nhà là có thể nhìn thấy hai tấm bản đồ được gắn hai bên vòm trần. Đó là các tấm bản đồ lịch sử “Saigon et ses environs 1892” và “Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936”. Tại đây hiện có 38 quầy phục vụ khách hàng với đủ các dịch vụ bưu điện cùng mạng lưới điện báo rộng khắp đến các địa phương trong nước và các nước trên thế giới.Khách du lịch đến thăm Bưu điện Trung tâm Sài gòn, một phần là để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này, phần khác là để được đắm mình vào một thế giới của sự cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Người ta cũng có thể nghỉ chân trên những chiếc ghế dài bằng gỗ đánh bóng véc-ni, mà tuổi đời dễ cũng cả trăm năm. Bên trong tòa nhà Bưu điện, ngỡ như thời gian đang trôi rất chậm, bởi ở bất kỳ góc nào, cũng có thể bắt gặp một thoáng Sài Gòn xưa.

Địa chỉ: Số 2, Công Trường Công Xã Paris, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

2

Nhà Thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với nét kiến trúc tinh tế của Pháp được đánh giá là một trong những thánh đường đẹp nhất, quan trọng nhất và cũng gần như cổ kính nhất ở đây. Đã gần 140 năm trôi qua kể từ ngày khánh thành và dù đã trải qua nhiều tác động, Nhà thờ Đức Bà vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành công trình không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn là một biểu tượng của thành phố, một điểm du lịch mà bất kỳ du khách nào khi tới Sài Gòn đều không quên ghé thăm.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn tọa lạc ở số 1 Công trường Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu nó được đề xuất xây dựng ở 3 vị trí: Một là trên nền Trường Thi cũ, hai là khu Kinh Lớn và ba là vị trí của hiện giờ. Hiện tại, nhà thờ được cho là nằm ở vị trí trung tâm nhất của thành phố, quay về hướng đường Nguyễn Du và quay lưng về phía đường Lê Duẩn. Đây là một công trình đặc biệt không có khuôn viên hay hàng rào bao quanh, tạo góc nhìn đẹp từ mọi phía - điểm nhấn đặc biệt trong không gian đô thị.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tổng chiều dài 91 m, rộng 35,5 m, vòm mái chính cao 21 m và hai tháp chuông hai bên cao gần 57 m. Vật liệu chính là xi măng, riêng ngoài mặt được xây bằng đá xanh và gạch trần. Điểm đặc sắc nhất thu hút khách du lịch đó chính là nét kiến trúc bên trong đầy phong vị cổ kính mà không nơi nào có được. Thánh đường là khu chính được thiết kế đặc biệt, rộng nhất tại nhà thờ, có thể chịu tới gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc bên trong với sức chứa hơn 1.200 người. Toàn bộ chiều dài của thánh đường là 93 m, rộng 35 m, chiều cao của mái vòm gần 21 m với thiết kế gồm lòng chính, hai lòng phụ và hai bên là hai dãy nhà nguyện.

Địa chỉ: Số 1 Công trường Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

3

Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Trải lòng với Sài Gòn tấp nập và phồn vinh như hôm nay, có ai biết nơi đây đã hứng chịu biết bao dấu ấn lịch sử. Để có được một hiện tại như mong muốn và một tương lai tươi sáng có ai nghĩ rằng phía sau những điều ấy từng là một bóng tối quá khứ đau thương qua hàng ngàn thế hệ. Nước mắt, xương máu, hi sinh, mất mát, nghèo đói, đau đớn... tất cả dường như được lưu giữ tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Nơi đây luôn đông khách. Nhưng ở đó, người ta không thấy sự ồn ào của một điểm du lịch. Ở đó, thường thấy những khoảng lặng, những khuôn mặt trĩu nặng, trầm tư và cả những đôi mắt đỏ hoen...

Bảo tàng chứng tích chiến tranh là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam, các bảo tàng vì hòa bình thế giới và là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là Bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Qua đó, Bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Trong hơn 35 năm hoạt động, Bảo tàng đã đón tiếp trên 15 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Hiện nay với khoảng 500.000 lượt khách tham quan mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch có sức thu hút cao, được sự tín nhiệm của công chúng trong và ngoài nước.

Địa chỉ: Số 28 Võ Văn Tần, Quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Bên trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Bên trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Bảo tàng chứng tích chiến tranh

4

Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập Sài Gòn là một công trình do người Pháp xây dựng từ rất sớm, có kiến trúc độc đáo và từng được xem là công thự đẹp nhất Á Đông. Đây là nơi ở của những tầng lớp quyền lực nhất cũng là một biểu tượng của hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhờ nét đẹp và ý nghĩa lịch sử lớn lao, dinh là một trong những điểm tham quan hấp dẫn với du khách khi đến với thành phố mang tên Bác. Dinh Độc Lập Sài Gòn còn được biết đến với nhiều cái tên như Dinh Thống Nhất, Dinh Toàn Quyền, Dinh Thống Đốc, Hội trường Thống Nhất, Dinh Norodom. Công trình được thiết kế bởi vị kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Đây từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ chiến tranh.

Dinh Độc Lập được xây dựng trên khuôn viên rộng 120.000 m2, cao 26 m. Đây được xem là một công trình kiến trúc độc đáo, được thiết kế theo phong thủy và đậm phong cách Á Đông nhưng vẫn mang nét hiện đại. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu nét kiến trúc này đồng thời sẽ được tham quan các khu trưng bày cùng những hiện vật có giá trị bên trong. Tại khu cố định của Dinh Độc Lập Sài Gòn có hơn 100 căn phòng được trang trí theo từng phong cách khác nhau, gồm các phòng làm việc của Tổng thống - Phó Tổng thống, phòng nội các, phòng đại yên, phòng khánh tiết, phòng ủy nhiệm thư, phòng trình quốc thư, phòng thông tin liên lạc, phòng ngủ của gia đình Tổng thống và các phần khác như nhà bếp, bao hơn, hành lang…

Địa chỉ: Số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, Hồ Chí Minh.

Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập
Phòng khánh tiết bên trong Dinh Độc Lập
Phòng khánh tiết bên trong Dinh Độc Lập

5

Chùa Bà Thiên Hậu

Mang yếu tố tâm linh, Sài thành hấp dẫn du khách với những lối kiến trúc xưa và trang nghiêm của hàng trăm ngôi chùa cổ. Dân gian xưa có câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", tất cả vạn vật hữu linh tồn tại đều có một phần sức mạnh vô hình chạm vào. Dần dần được mọi người kính trọng và tín ngưỡng, lập ra nhiều nơi thờ phụng như chùa, miếu, nhà thờ, đình… Trong số những kiến trúc nổi tiếng ở Chợ Lớn, phải kể đến chùa Bà Thiên Hậu. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa được xây dựng vào năm 1760. Là một di tích có giá trị cao không những về mặt tâm linh mà còn về mặt kỹ thuật và mỹ thuật, thu hút đông đảo du khách trong lẫn ngoài nước đến chiêm bái.

Người ta nói răng, chùa Bà Thiên Hậu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Sài Gòn. Tồn tại đã gần 300 năm nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng cho kiến trúc của người Hoa. Nhiều đường nét trạm trổ, điêu khắc, hiện vật còn giá vị lịch sử và mỹ thuật còn được lưu giữ lại. Chính điều đó đã khiến nơi đây càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Dù xung quanh có nhiều ngôi miếu, chùa khác nhưng nơi này luôn thu hút đông đảo người dân và du khách từ khắp nơi đổ về làm việc thiện. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm yêu thích của giới chụp ảnh để thực hiện những bộ ảnh Tết với chiếc áo dài truyền thống.

Chùa bà Thiên Hậu được chia làm ba nơi chính: Tiền điện, Trung điện và Chính điện với những gian thờ những vị thần linh trong lịch sử Trung Quốc. Chính điện là nơi thờ chính của Thiên Hậu Thánh Mẫu với tượng bà Thiên Mẫu được tạc từ khối gỗ nổi bật giữa không gian vô cùng tĩnh mịch, kì bí và linh thiêng. Tiền điện là nơi đặt miếu thờ của Phúc Đức Chánh thần (thần thổ địa - người cai quản đất đai của nhân dân) và Môn Quan Vương tả (thần giữ cửa). Cuối cùng là Trung điện với bộ lư cổ hơn 130 tuổi lâu đời nhất lịch sử với nhiều nhiều nét điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo.

Địa chỉ: Số 710 Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

chùa Bà Thiên Hậu
chùa Bà Thiên Hậu
chùa Bà Thiên Hậu
chùa Bà Thiên Hậu

6

Chùa Giác Lâm

Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tên là Cẩm Đệm vì cư sĩ Thụy Long có tên riêng là Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán, người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm. Vào năm 1774, Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang (gọi tắt là Viên Quang) về trụ trì chùa, đồng thời đổi tên chùa thành chùa Giác Lâm.

Chùa đã được trùng tu lớn ba lần vào năm 1798 - 1804, năm 1906 - 1909 và đầu năm 1999, chùa hoàn thành đợt trùng tu lần thứ ba. Chùa Giác Lâm hiện nay có lối kiến trúc chữ Tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan chỉ mới được xây dựng vào năm 1955). Hai cổng tam quan hiện nay sát đường Lạc Long Quân, xoay mặt về hướng Nam. Hai bên cột trụ tam quan cũ có câu đối bằng chữ Hán. Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng.

Năm 2007, khởi công xây dựng khu giảng đường và tăng xá. Khu Tam Bảo bao gồm chánh điện, trai đường và giảng đường, bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật, chiều rộng 22m, chiều dài 65m, xây trên nền cao khoảng 1m so với vườn chùa. Trước chánh điện có sân hình chữ nhật, ngang 20m, rộng 10m. Trước sân là sân vườn, có miếu nhỏ đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá màu. Đặc biệt ở sân vườn có cây bồ đề cao lớn do ngài Narada (Srilanka) tặng. Ngài Narada đã cùng Hòa thượng Hồng Từ và Sư Bửu Chơn đích thân trồng cây bồ đề tại đây.

Địa chỉ: Số 565, đường Lạc Long Quân, phường 10, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cổng Chùa Giác Lâm
Cổng Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm

7

Nhà Thờ Tân Định

Nhà thờ Tân Định có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định, là một nhà thờ Công giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc giáo xứ Tân Định. Nhà thờ Tân Định cùng với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là hai nhà thờ được xây dựng từ rất sớm và có quy mô lớn nhất tại thành phố này. Nhà thờ Tân Định được xây dựng năm 1870, đây gần như là nhà thờ cổ nhất thành phố. Cho đến năm 1929, nhà thờ được mở rộng và xây thêm một tòa tháp cao và sơn sửa lại tháp chuông. Mang phong cách Roma cổ điển với kiến trúc độc đáo được khoác trên mình màu áo hồng tươi mới tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy trong ánh nắng Sài Gòn.

Toàn bộ công trình hiện được sơn màu hồng, phía mặt tiền gồm một tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp chính cao 52,6 m có cây thánh giá làm bằng đồng cao 3 m. Bên trong có năm quả chuông, với tổng trọng lượng là 5,5 tấn. Hai tháp phụ có những tháp đèn, nhiều cửa sổ hoa gió với những hoa văn tạo vẻ vững chãi mà duyên dáng. Nội thất nhà thờ khá bề thế với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch của Ý, tôn lên vẻ đẹp rất nhiều cho cả công trình kiến trúc. Hàng cột biên bên trái là nơi có các bệ tượng các vị thánh nữ, bên phải là bệ tượng các thánh nam. Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không hề xóa đi nét kiến trúc ban đầu.

Địa chỉ: Số 289 Hai Bà Trưng, phường 8, Quận 3, Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Tân Định
Nhà thờ Tân Định
Nhà thờ Tân Định
Nhà thờ Tân Định

8

Đường Sách Nguyễn Văn Bình

Tọa lạc ở bên cạnh Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố ở quận 1, đường sách Nguyễn Văn Bình là điểm đến của những người yêu văn hóa đọc. Đây là con đường sách phức hợp đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với không gian mở, giúp du khách tự do tham quan và thưởng thức nét văn hóa đọc của người Sài Gòn. Mặc dù đường sách này được khai trương chưa lâu nhưng là địa chỉ được nhiều bạn trẻ yêu thích với vô vàn lời khen ngợi. Con phố dài hơn 100m này, được thiết kế với các quầy sách san sát, mỗi cửa hàng lại được thiết kế theo một phong cách riêng.

Đường sách Nguyễn Văn Bình bắt đầu từ cửa phía đường Hai Bà Trưng chạy đến Nhà thờ Đức Bà được phân bố thành nhiều khu vực quy củ như khu vực gian hàng sách, khu vực cà phê sách, khu vực bán sách, báo, tạp chí, vật phẩm văn hóa. Ngoài ra, còn có khu sân chơi cho trẻ em, khu trưng bày, khu mua bán, trao đổi sách cũ, triển lãm sách, báo, tranh ảnh, vật phẩm theo chủ đề từng tháng. Vào những ngày cuối tuần, đường sách nhộn nhịp và đông đúc hơn khi có nhiều người tham quan và mua sách. 20 gian hàng sách ở đây có rất nhiều loại sách khác nhau từ mọi lĩnh vực chính trị, xã hội, công nghệ khoa học, ngoại ngữ… mà người mua có thể tha hồ lựa chọn. Đặc biệt, nhiều tác giả cũng thường xem đường sách là nơi giới thiệu sách mới cũng như giao lưu với các khán giả của mình.

Địa chỉ: Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Đường sách Nguyễn Văn Bình
Đường sách Nguyễn Văn Bình
Đường sách Nguyễn Văn Bình
Đường sách Nguyễn Văn Bình

9

Trung tâm thương mại Diamond Plaza

Là một tín đồ nghiện thời trang thì không thể bỏ qua khu tâm trung tâm sầm uất này, nơi đây có hàng trăm thương hiệu nổi tiếng và những mặt hàng chất lượng cả hình thức lẫn nội dung. Nếu đã đi một ngày dài trải lòng với Sài thành thì Diamond Plaza sẽ là điểm hoàn hảo để dừng chân nghỉ ngơi sau một ngày dài rong ruổi. Diamond Plaza là tên một tòa cao ốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa cao ốc này gồm 22 tầng, chia làm 2 bên: Khu thương mại và Khu căn hộ. Tòa nhà được xây xong vào năm 1999, tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nằm phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngay trung tâm thành phố.

Diamond Plaza được sử dụng làm văn phòng, bệnh viện, trung tâm mua sắm và giải trí. Trung tâm mua sắm từ tầng trệt đến tầng 4, khu Foodcourt cùng tầng 4, khu vui chơi trên tầng 5, có hệ thống rạp chiếu phim, phòng gym trên tầng 13, và bể bơi trên tầng 14, sân đậu trực thăng trên sân thượng. Ngay từ khi mở cửa, tòa nhà cùng trung tâm mua sắm đã tạo nên một hiện tượng trong giới trẻ địa phương. Đây là điểm vui chơi thường xuyên của một bộ phận thanh niên thành phố.

Địa chỉ: Số 34 Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm thương mại Diamond Plaza
Trung tâm thương mại Diamond Plaza
Trung tâm thương mại Diamond Plaza
Trung tâm thương mại Diamond Plaza

10

Đường Hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ là tên gọi của đường Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh khi được trang hoàng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, dành cho khách đi bộ thưởng ngoạn, bắt đầu từ tết Giáp Thân năm 2004, trước đó nó thường được gọi là Chợ hoa Nguyễn Huệ. Đường Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Bến Nghé, Quận 1, nằm trải dài hơn 700m từ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố và tượng đài Hồ Chí Minh đến bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du xuân.

Tại đây, giữa lòng thành phố bên cạnh những cảnh trang trí sáng tạo lại có những cảnh tái hiện văn hóa dân tộc xưa và nếp sống làng quê Việt, có ao sen với vó câu, dòng kênh với cầu khỉ chênh vênh, đường làng quê với xe thổ mộ và quán cóc bên đường, những gánh hàng hoa, những chiếc thuyền hoa, rồi cả những cần xé trái cây của một vùng đất Nam Bộ trù phú, màu mỡ... đem lại cho du khách cảm giác thích thú mà ấm áp, mới lạ mà thân quen, gần gũi. Hoa trong đường hoa Nguyễn Huệ là một điều không thể thiếu. Ban tổ chức đã trưng bày rất nhiều loại hoa tươi, từ những loại hoa quen thuộc đến những loại hoa quý đến từ Đà Lạt hay xa hơn như từ miền Bắc. Tất cả tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu giữa mùa xuân.Đường hoa Nguyễn Huệ là một công trình văn hóa du lịch có ý nghĩa của thành phố, mang lại sự rực rỡ cho thành phố mỗi dịp Xuân về đồng thời cũng là địa chỉ vui chơi của không chỉ nhiều người dân thành phố mà còn của khách thập phương, của Việt kiều về nước và của cả nhiều du khách nước ngoài. Hàng năm triển lãm Đường hoa Nguyễn Huệ thường được tổ chức từ ngày 28 tháng chạp đến hết mùng 4 tháng Giêng âm lịch. Bên cạnh Đường hoa là Lễ hội Đường sách cùng thời gian và địa điểm trên, trưng bày các phương tiện sách, ấn phẩm, với sự tham gia của nhiều nhà phát hành sách. Ngoài Đường hoa Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh còn có các hội hoa Xuân triển lãm hàng năm, như tại Công viên Tao Đàn, công viên Gia Định và phố Ông Đồ...

Địa chỉ: Phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Đường hoa Nguyễn Huệ
Đường hoa Nguyễn Huệ
Một góc đường hoa Nguyễn Huệ
Một góc đường hoa Nguyễn Huệ

Trên đây là những địa điểm đẹp nhất Sài Gòn mà chúng tôi giới thiệu tới bạn. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể về Sài Gòn ngày nay và lựa chọn được địa chỉ phù hợp nhất cho hành trình khám phá của mình. Chúc bạn có hành trình trải nghiệm và khám phá Sài Gòn đầy bổ ích!

Danh mục: Du lịch
Nguồn: toplist