Xưa kia, nhà nước Âu Lạc do vua An Dương Vương trị vì, là người nổi tiếng anh minh, sáng suốt, được nhân dân hết mực tin tưởng.
Vua quyết định dời đô từ vùng núi về đóng đô tại Phong Khê, để tăng cường sức mạnh cho đất nước, ông đã cho binh lính xây dựng thành lũy, nhưng dù đã rất cố gắng, xem xét mọi việc cẩn thận và tỉ mỉ nhưng thành xây đến đâu thì lại lở đến đấy, mãi không xong. Sau khi hội họp quần thần trong triều, nhà vua quyết định lập một dàn trai giới khẩn cầu trăm vị thần linh khắp chốn. Đúng vào ngày mồng bảy tháng ba, một cụ già râu tóc bạc phơ trong như một vị thần xuất hiện, tự xưng là người từ phương Đông tới, cụ đứng trước cổng thành mà than: "Thành này xây khó lòng mà xong được đấy!", An Dương Vương mừng vui ra đón, làm nghi lễ chào hỏi rồi thưa: "Thưa ngài, thành này ta cũng đã xây đắp một thời gian rồi, tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của vậy mà chẳng xong, vừa xây đã lở, không biết là cớ làm sao vậy?"
Nhà vua vừa dứt, cụ già bèn bảo rằng: "Sắp tới đây sứ Thanh Giang tới giúp, thành mới được xây xong trọn vẹn". Nói xong, cụ từ biệt vua và quần thần ra về. Ngày mồng tám tháng ba, nhà vua nhận được tin sứ Thanh Giang đang trên đường tới. Nhanh chóng sai người chuẩn bị đồ tế rồi ra nghênh đón. Từ phương đông một con Rùa Vàng nổi trên mặt nước tới, Rùa Vàng xưng là sứ Thanh Giang, có khả năng thông tỏ việc âm dương, trời đất, quỷ thần. Nhà vua mừng rỡ, sai quân đưa xe bằng vàng ra để rước Rùa vàng vào thành.
Nhờ sự giúp đỡ của sứ Thanh Giang, thành nhanh chóng được xây xong chỉ trong vòng nửa tháng. Thành lũy kiên cố, vững chắc thuận lợi cho việc phòng thủ, thành xây theo hình trôn ốc, rộng hơn ngàn trượng, thành được gọi với tên Loa Thành, vào đời Đường người ta gọi với cái tên khác là Côn Lôn Thành.
Sau khi thành được xây xong, dần đi vào ổn định, An Dương Vương mời Rùa Vàng ở lại cùng, sứ Thành Giang đồng ý và ở lại đây 3 năm, sau đó dặn dò để về. Lúc đó, nhà vua đang một nỗi băn khoăn về sự tham lam cuồng phá xâm lược của giặc, lại lúc thế nước còn chưa vững, bèn nói lời cảm tạ và hỏi: "Thành xây được là nhờ đức ơn của thần, cảm tạ người đã thương lòng giúp đỡ. Nhưng nay còn có một nỗi trăn trở là nếu chẳng mày giặc ngoài có đến thì không biết lấy gì mà chống?" Nghe vậy, Rùa Vàng từ tốn bảo: "Vận nước suy hay thịnh, xã tắc an hay nguy phụ thuộc mệnh trời, nước có kéo dài thời vận hay không là do phúc phần, đức độ của con người, biết tu tâm tích đức, biết cảnh giác trước âm mưu thù địch thì ắt nước nhà vững bền. Ngươi ước muốn điều tốt cho xã tắc thì ta có tiếc chi".
Nói rồi, sứ tháo vuốt trao cho vua mà dặn: "Giặc có đến, hãy đem vật này làm lẫy nỏ, nhắm vào địch mà bắn thì sẽ không còn lo gì nữa" rồi theo biển Đông mà mất hút. Nghe lời sứ, vua bèn sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy luốt làm lẫy thần, gọi nỏ là : "Lĩnh Quang Kim Quy thần cơ" như một sự tri ân, đời đời nhớ đến ơn sứ thần.
Thời gian sau đó, Triệu Đà đem quân sang xâm lược nước ta, giao chiến với An Dương Vương. Khi chúng kéo đến quân đến thành, vua lấy nỏ thần ra chiến, quân Đà bại trận phải bỏ chạy về chân núi Trâu Sơn, không dám chiến bèn xin hoà hoãn với vua An Dương Vương.
Không bao lâu, Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà sang câu hôn, lấy cớ kết tình thân ái mà xin gả Mị Châu- con gái của An Dương Vương. Tin vào sự hoà hiếu của Đà, vua đồng ý con gái. Mị Châu luôn tin tưởng chồng hết mực, lời ngon ngọt của Trọng Thủy xin xem nỏ thần khiến nàng động lòng mà đưa cho chàng xem. Nhân lúc đó, Trọng Thủy làm một cái Nỏ khác, đánh tráo Nỏ thần, rồi trả lại cho Mị Châu, sau đó, mượn cớ về phương Bắc thăm cha mà đi. Trước lúc về, hắn bảo Mị Châu: "Vợ chồng nghĩa sâu, tình nặng, ơn mẹ cha biển rộng, sông sâu, khó lòng dứt bỏ. Này ta trở về thăm cha, nhỡ sự hai nước thất hoà, ta đi tìm nàng bất lấy gì mà làm dấu?". Mị Châu âu yếm nhìn chồng mà dặn: "Vốn là phận nữ nhi, gặp cảnh lý biệt ắt hẳn đau đớn bội phần. Chiếc áo lông ngỗng này thiếp luôn mang bên mình, nếu có giặc, đi đến đâu có ngã ba đường, thiếp sẽ rắc lông làm dấu, chàng cứ lần theo dấu vết ấy sẽ cứu được nhau".
Trọng Thủy đem lẫy về với vua cha, quân Đà nắm được điểm yếu của vua An, bèn tức tốc đưa quân sáng chiếm đánh. An Dương Vương cậy mình có nỏ thần mà vẫn chẳng mảy may lo sợ, điềm nhiên chơi cờ, còn tự tin mà bảo "Nỏ thần bất bại, Đà lại không sợ sao?".
Khi quân Đà kéo sát chân thành, vua mới lấy Nỏ thần ra bắn, nào ngờ lẫy mất, sợ hãi, tính mưu bỏ chạy. An Dương Vương cùng Mị Châu lên ngựa, nhắm thẳng phương Nam mà chạy. Khi đánh tan quân trong thành, Trọng Thủy lần theo dấu ngỗng đuổi theo cha con Mị Châu. An Dương Vương chạy đến bờ biển thì đường cùng, bèn khẩn thiết cầu xin sứ Thanh Giang cứu: "Vận nước đã suy, trời đã khiến ta mất nước, mất đi Âu Lạc yêu quý. Sứ Thanh Giang ở chốn nào, mong ngài màu mau lại cứu". Rùa Vàng hiện lên vừa lúc Trọng Thủy đuổi tới. Sứ chỉ vào Mị Châu rồi nói: "Giặc đâu có xa xôi, ở ngay sau lưng ngươi đấy”, bây giờ cả An Dương Vương và Mị Châu mới vỡ lẽ. Đau đớn xót xa, Mị Châu đưa ánh mắt tủi hờn, đau đớn về phía Trọng Thủy mà nói trong nỗi uất hận, nghẹn ngào: "Trọng Thủy, sao chàng lại bội bạc với ta như thế? Sao chàng lại hành động bất nhân đến vậy? Chàng đã phản bội niềm tin yêu của ta, đã khiến cha con ta đến đường cùng, đẩy nhân dân Âu Lạc vào lầm than, tăm tối. Kẻ hai lòng như chàng sao xứng đáng có được tình yêu từ ta. Ta đã sai, đã sai thật rồi!". Trọng Thủy mắt đẫm lệ, dù biết có thanh minh trăm lần không hết tội, nhưng nhìn thấy Mị Châu đau khổ, Thủy không cầm lòng được mà rằng: "Mị Châu nàng ơi, lòng ta yêu nàng là thực, trái tim ta chưa một lần giả dối với tình yêu ấy. Nhưng nợ nước phải trả, ơn cha phải đền, đó là lòng trung hiếu. Nếu ta không nghe lời vua cha thì là kẻ bội nước, bội dân, mong nàng hiểu, nghĩ đến những ngày mặn nồng mà thứ tha cho ta. Hãy cùng ta trở về và sống hạnh phúc bên nhau. Ta xin nàng đấy!"
Mị Châu cười trong nước mắt: "Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Tha thứ cho chàng ư, không bao giờ. Kẻ như chàng nào xứng đáng". Nói rồi Mị Châu nhảy xuống ngựa, quỳ gối trước thần Kim Quy và vua cha mà nói: "Thưa cha, nay có sứ Thanh giang chứng giám, con một lòng với cha, với nhân dân Âu Lạc, chưa một lần dám nghĩ đến việc phản nước, bán nhân dân. Nhưng đau đớn thay cho kẻ ngu muội như con, lòng tin đem đặt nhầm chỗ, cuối cùng lại là kẻ tiếp tay hại cha nước mất nhà tan. Con xin lấy cái chết của mình như lời đền tội, dù biết trăm thân mình cũng không xoá hết mọi lỗi gây ra. Chỉ mong rằng khi chết đi, nếu trời cao thấu hiểu tấm lòng này, hãy cho thân ta thành ngọc Mị Nương để rửa mối nhục thù". Nói rồi, nàng rút kiếm nơi yên ngựa mà tự kết liễu mình.
An Dương Vương thấy con gái chết, lòng đau như cắt, nhìn nước nhà tan càng vạn lần đau đơn. Nhà vua nhảy xuống biển, được sứ Thanh Giang rẽ nước dẫn xuống Long Cung. Mình Trọng Thủy ở lại chốn nhân gian, đắng cay trước cái chết của Mị Châu, chàng đến bên ôm lấy Mị châu mà khóc lóc thảm thiết. Dường như nỗi dằn vặt, khổ đau khôn thấu đã khiến Trọng Thủy không thể chịu đựng được, chàng vùng dao đâm thẳng vào tim chết cùng Mị Châu. Máu Mị Châu chảy xuống biển được trai sò ăn phải biến thành hạt châu. Xác Trọng Thủy hoá thành giếng nước bên cạnh, những viên ngọc dưới biển Đông được người đời mò thấy đem rửa bằng nước giếng ấy sáng lại càng thêm sáng. Có lẽ rằng, ở chốn xa xôi, Trọng Thủy đã tìm gặp nàng và được nàng tha thứ.