I. MÔI TRƯỜNG SỐNG
- Môi trường sống là phần không gian bao quanh sinh vật mà ở đó các yếu tố cấu tạo nên môi trường trực tiếp hay gián tiếp tác động lên sự sinh trưởng, phát triển và những hoạt động khác của sinh vật.
- Mỗi loài sinh vật có những đặc điểm thích nghi về hình thái, sinh lý - sinh thái và tập tính với môi trường sống đặc trưng của mình.
- VD: sống trong nước, cá thường có thân hình thoi, có vẩy hay da trần được phủ bởi chất nhờn, có vây bơi để giảm sức cản khi bơi. Những động vật sống trên tán cây có chi dài, leo trèo giỏi (khỉ, vượn) hay có màng da nối liền thân với các chi để "bay" chuyền từ tán cây này sang tán cây khác (sóc bay, cầy bay)...
- Các loại môi trường sống chủ yếu gồm môi trường ở nước và môi trường trên cạn, trong đó:
- Môi trường đất gồm các lớp đất sâu khác nhau, trong đó có các sinh vật đất sinh sống.
- Môi trường trên cạn bao gồm mặt đất và lớp khí quyển, là nơi sinh sống của phần lớn sinh vật trên Trái Đất.
- Môi trường nước gồm những vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn có các sinh vật thuỷ sinh.
- Môi trường sinh vật gồm có thực vật, động vật và con người, là nơi sống của các sinh vật khác như sinh vật kí sinh, cộng sinh.
II. CÁC NHÂN TỐ SINH THÁI
1. Khái niệm
- Nhân tố sinh thái là tất cả những yếu tố của môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của sinh vật.
- Các nhóm nhân tố sinh thái:
- Nhóm nhân tố sinh thái vô sinh là tất cả các nhân tố vật lý và hoá học của môi trường xung quanh sinh vật.
- Nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh là thế giới hữu cơ của môi trường, là những mối quan hệ giữa một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) này với một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) khác sống xung quanh. Trong nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh, nhân tố con người được nhấn mạnh là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhiều sinh vật.
2. Các quy luật tác động:
- Trong thiên nhiên, các nhân tố sinh thái luôn tác động và chi phối lẫn nhau, tác động cùng 1 lúc lên cơ thể sinh vật. Do đó, cơ thể phải phản ứng tức thời với tổ hợp tác động của các nhân tố.
- Các loài khác nhau phản ứng khác nhau với tác động như nhau của 1 nhân tố sinh thái.
- Trong các giai đoạn phát triển hay trạng thái sinh lí khác nhau… cơ thể phản ứng khác nhau với tác động như nhau của 1 nhân tố.
- Các nhân tố sinh thái khi tác động lên cơ thể có thể thúc đẩy lẫn nhau hoặc gây ảnh hưởng trái ngược nhau.
→ Tác động của các nhân tố sinh thái lên cơ thể sinh vật phụ thuộc vào: bản chất của nhân tố (nhiệt, ẩm…); cường độ (mạnh, yếu) hay liều lượng (ít, nhiều) tác động; cách tác động (liên tục, gián đoạn, ổn định, dao động) và thời gian tác động (dài, ngắn).