Tác giả, Tác phẩm văn 12 – Thuốc

Thuốc

I. Đôi nét về tác giả Lỗ Tấn

- Lỗ Tấn sinh năm 1881, mất năm 1936, tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi thành Chu Thụ Nhân, là nhà văn cách mạng Trung Quốc

- Quê quán: phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc

- Năm 13 tuổi, ông chứng kiến cảnh người cha lâm bệnh, vì không có thuốc mà chết, ông ôm ấp nguyện vọng học nghề thuốc Ông chọn nghề y để chữa bệnh cho người nghèo, ốm mà không có thuốc, chết vì ngu dốt và mê tín… như cha mình.

- Ông đổi chí hướng nhân một lần ông xem phim thấy những người Trung Quốc hăm hở đi xem quân Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho Nga. Ông giật mình nhận ra rằng: “chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần. Ông chuyển sang làm văn nghệ.

- Quan điểm sáng tác: dùng ngòi bút để phanh phui các căn bệnh tinh thần của quốc dân, lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa. Ông đã hát cho đồng bào mình nghe bài hát lạc điệu của chính họ, chỉ cho họ thấy những bước đi sai nhịp trên con đường tiến về tương lai. Các tác phẩm của ông đều tập trung phê phán các căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội tự thoả mãn “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Chủ đề phê phán quốc dân tính trong sáng tác của ông trở nên thấm thía, sâu sắc.

- Các tác phẩm chính: AQ chính truyện (kiệt tác vhọc TQ và thế giới), tập Gào thét, Bàng hoàng, Truyện cũ viết theo lối mới, hơn chục tạp văn có giá trị phê phán, chiến đấu cao.

II. Đôi nét về tác phẩm Thuốc

1. Hoàn cảnh ra đời

- Truyện ngắn thuốc rút từ tập “Gào thét”

- Truyện được sáng tác năm 1919, trong bối cảnh nhân dân Trung Quốc chìm đắm trong mê muội, lạc hậu còn những người làm cách mạng thì hoàn toàn xa lạ với người dân và Lỗ Tấn muốn người dân Trung Hoa nghiêm túc suy nghĩ để tìm ra phương thức chữa trị

2. Tóm tắt

Một đêm thu gần về sáng, theo lời bác Cả Khang, lão Hoa trở dậy đi đến pháp trường để mua "thuốc" chữa bệnh cho thằng Thuyên - con trai lão, đang bị mắc bệnh lao. Bị chém hôm đó ở pháp trường là Hạ Du, một người làm cách mạng, do bị cụ Ba tố giác cháu với chính quyền để kiếm hai mươi lạng bạc mà bị bắt và hành hình. Nghe mọi người kể lại trong quán trà của gia đình lão Hoa, vào trong ngục, Hạ Du vẫn không sợ chết, còn dám cả gan rủ cả lão Nghĩa "làm giặc". Mặc dù được chữa bằng bánh bao tẩm máu người nhưng cuối cùng thằng Thuyên vẫn không khỏi. Một buổi sớm mùa xuân, trong tiết thanh minh, tại nghĩa địa mẹ của Thuyên và mẹ của Hạ Du đều đến thăm mộ con. Hai người rất ngạc nhiên, băn khoăn tự hỏi "Thế này là thế nào?" khi nhìn thấy một vòng hoa đặt trên mộ người cách mạng. Bà mẹ của Thuyên đã bước qua con đường mòn cố hữu ngăn cách giữa nghĩa địa của người chết nghèo và nghĩa địa của người chết chém hoặc chết tù để sang an ủi mẹ Hạ Du.

3. Bố cục (4 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “Cổ…Đình Khẩu”): Đêm thu gần sáng, lão Hoa đi mua thuốc về chữa bệnh cho con

- Phần 2 (tiếp đó đến “đắp cho con”): Cảnh vợ chồng lão Hoa cho con uống thuốc

- Phần 3 (tiếp đó đến “Điên thật rồi”): cuộc bàn luận trong quán trà về phương thuốc chữa bệnh lao và về Hạ Du

- Phần 4 (còn lại): cảnh hai bà mẹ viếng mộ con

4. Giá trị nội dung

- Lỗ Tấn được tôn vinh là “linh hồn dân tộc” vì nhà văn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại: nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà bằng hộp sắt”, còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.

- Truyện phơi bày tình trạng ngu muội, vô cảm của người dân Trung Quốc trước Cách mạng Tân Hợi (1911) và thể hiện lòng khâm phục, xót thương đối với nhà cách mạng đã hi sinh

- Truyện ngắn Thuốc đã thể hiện một nội dung sâu sắc: một dân tộc chưa ý thức được bệnh tật của chính mình chưa có được ánh sáng tư tưởng cách mạng thì dân tộc đó vẫn còn chìm đắm trong mê muội

5. Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện đơn giản, cách viết cô đọng, súc tích

- Hình ảnh mang tính biểu tượng, chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa

III. Phân tích tác phẩm

a) Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Lỗ Tấn (cuộc đời, các tác phẩm chính, quan điểm sáng tác…)

- Giới thiệu truyện ngắn Thuốc (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Hình tượng thuốc – chiếc bánh bao tẩm máu người

- Cách miêu tả chiếc bánh bao tầm máu người:

+ Một chiếc bánh bao nhuốm máu đỏ tươi, máu còn nhỏ tùng giọt, từng giọt

+ Lão Hoa cầm gói lá xanh và chao đèn loang lổ máu, dúi vào bếp, một mùi thơm quái lạ ngập cả quán

+ Một vật đen thui, một làn khói trắng bốc ra từ lớp vỏ cháy sém

→ Cách miêu tả chi tiết, tỉ mỉ. Qua đó cho thấy sự mê tín, lạc hậu của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ vì cho rắng bệnh lao có thể chữa khỏi bằng máu người

- Thái độ của mọi người trước phương thuốc chữa bệnh lao – bánh bao tẩm máu người:

+ Lão Hoa: để hết tinh thần vào gói bánh như nâng niu đứa con của gia đình mười mấy đời độc đinh

+ Thằng Thuyên: cầm cái bánh như cầm sinh mệnh mình

+ Bà Hoa: ăn đi con, ăn sẽ khỏi ngay

+ Bác cả Khang: cam đam thế nào cũng khỏi, thứ thuốc này đặc biệt lắm.

→ Một phương thuốc theo mọi người là quý hiếm, nhưng cuối cùng không chữa khỏi bệnh được cho Thuyên, Thuyên vẫn chết nên đó là một thứ thuốc độc, thứ thuốc giết chết người

Lỗ Tấn muốn người dân Trung Hoa nghiêm túc suy nghĩ tìm cho mình một phương thuốc để chữa căn bệnh mê tín dị đoan.

2. Hình tượng người cách mạng Hạ Du và thái độ của quần chúng

- Hình ảnh người cách mạng Hạ Du xuất hiện gián tiếp qua câu chuyện của những người trong quán trà nhà lão Hoa

- Hình tượng người cách mạng Hạ Du:

+ Một nhà cách mạng có nghĩa khí, có tư tưởng cách mạng tiến bộ, sẵn sáng chiến đấu vì nhân dân lao động

+ Dũng cảm, hiên ngang, xả thân vì nghĩa lớn nhưng lại rất cô đơn, không ai hiểu và ủng hộ cho việc làm của Hạ Du

→ Hạ Du là hình ảnh tượng trưng cho những người làm cách mạng nhưng lại xa rời quần chúng nhân dân nên thất bại.

- Thái độ của quần chúng trước cái chết của Hạ Du

+ Họ xem Hạ Du là giặc, là đồ quỷ sứ, thằng khốn nạn, đồ nahxi con, thằng điên khùng

+ Người chú đem cháu ra thú để lấy tiền

+ Người dân Trung Hoa lấy máu để làm thuốc

→ Sự thờ ơ, vô cảm, dửng dưng của nhân dân đối với những người làm cách mạng

- Nguyên nhân dẫn tới thái độ của nhân dân: những người làm cách mạng xa rời quần chúng nhân dân, không tuyên truyền để nhân dân hiểu nên họ trở nên đơn độc, như “mưa kịch trên sa mạc”, không một ai hiểu họ

Qua hình tượng Hạ Du, Lỗ Tấn đã gián tiếp bày tỏ thái độ của mình về cách mạng, về những người làm cách mạng. Đó là sự đồng cảm, xót thương, trân trọng nhưng đồng thời còn lên tiếng phê phán những người làm cách mạng khi họ xa rời quần chúng, không giác ngộ cho quần chúng.

3. Cảnh thăm mộ trong buổi sáng mùa xuân thanh minh

- Thời gian nghệ thuật chuyển từ mùa thu “trảm quyết” sang mùa xuâ Thanh minh cho thấy mạch suy tư lạc quan và sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của tác giả

- Ý nghĩa hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du:

+ Thể hiện tấm lòng ưu ái của Lỗ Tấn đối với cuộc đời, sự nghiệp và sự hi sinh của Hạ Du

+ Thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cách mạng Trung Quốc: có người đã thấu hiểu cho những người làm cách mạng

+ Khẳng định sẽ có những người tiếp tục làm cách mạng, tiếp bước Hạ Du.

- Ý nghĩa hình ảnh con đường mòn: Hình ảnh con đường mòn phân chia phần mộ thể hiện sự lạc hậu trong tập quán, suy nghĩ của người dân. Hai bà mẹ cùng bước trên con đường ấy thể hiện sự đồng cảm vì tình thương con.

III. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản.

b) Phân tích tác phẩm

Phân tích tác phẩm Thuốc – Bài văn mẫu số 1

Lỗ Tấn (1881 – 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ông là nhà văn cách mạng thế hệ đầu tiên có phương châm và mục đích sáng tác đúng đắn là dùng ngòi bút để phanh phui các “căn bệnh tinh thần của quốc dân” – một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội Trung Quốc trở nên trì trệ và suy thoái. Sự nghiệp sáng tác của Lỗ Tấn gồm 3 tập truyện ngắn, 16 tập tạp văn với các đề tài chính trị, xã hội, văn chương… ông xứng đáng là ngọn cờ đầu của văn học Trung Quốc hiện đại.

Truyện ngắn Thuốc sáng tác năm 1919 là tác phẩm thể hiện khá rõ những băn khoăn, day dứt của Lỗ Tấn trước những vấn đề quan trọng của xã hội Trung Quốc đương thời. Tác giả phê phán sự lạc hậu, mê muội đáng thương của số đông dân chúng và thái độ xa rời thực tế xa rời quần chúng của những người khởi xướng và tham gia cuộc cách mạng Ngũ Tứ lúc bấy giờ.

Đồng thời ông cũng gửi gắm trong truyện niềm hi vọng vào tương lai Trung Quốc sẽ có một cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng. Bối cảnh của truyện là xã hội tăm tối, ngột ngạt dưới ách thống trị của triều đình Mãn Thanh trước khi nổ ra phong trào cách mạng Ngũ Tứ – sự kiện mở đầu cho lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Sự xâm chiếm và can thiệp thô bạo của một số đế quốc như Anh, Pháp, Mĩ, Nhật đã biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Thời vàng son của các triều đại vua chúa đã ở vào dĩ vãng. Thay vào đó là một xã hội đình trệ, suy thoái mà theo nhận định của Lỗ Tấn : So với tiến bộ thì đình trệ cũng gần với con đường diệt vong rồi.

Nội dung truyện xoay quanh chủ đề Thuốc – một thứ “thuốc” kinh khủng, gớm ghiếc hiếm có xưa nay. Đó là bánh bao tẩm máu tươi của những kẻ tử tù bị chém đầu, đem nướng lên cho người bệnh ăn. Thiên hạ đồn rằng thứ thuốc ấy chữa khỏi được cà những bệnh thuộc “tứ chứng nan y” như phong, lao, cổ, lại.

Vợ chồng lão Hoa chủ quán trà gom góp số tiền tích cóp đã lâu và lão Hoa đích thân đến tận pháp trường để mua “thuốc” cho con trai bị bệnh lao nặng, với hi vọng là nó sẽ khỏi bệnh. Nhưng đau xót thay, máu của tử tù chết chém không chữa được bệnh lao! Thế là tiền mất tật mang, cuối cùng đứa con trai độc đinh của vợ chồng lão Hoa vẫn chết.

Ngòi bút của Lỗ Tấn đã đề cập tới một vấn đề đáng lo ngại là tập quán chữa bệnh phản khoa học – một trong những biểu hiện của tình trạng lạc hậu về mặt khoa học ở Trung Quốc, cũng như trong dời sống tinh thần của dân chúng mà nhân vật Thuyên chỉ là một trong muôn ngàn nạn nhân của tập quán hủ lậu ấy.

Tuy nhiên, Lỗ Tấn còn kín đáo gửi gắm dụng ý của mình trong nghĩa hàm ẩn của truyện. Con bệnh trầm kha không phải là anh chàng Thuyên tội nghiệp mà lò đầu óc mê muội của vợ chồng lão Hoa nói riêng và số đông dân chúng nói chung. Theo nhận xét của tác giả thì cả xã hội Trung Quốc thời ấy giống như một người mắc bệnh nặng, đòi hỏi phải có một thứ “thuốc” đặc trị thì mới có thể chữa khỏi ; đồng thời ông cũng chỉ ra rằng con đường đi của dân tộc Trung Hoa lúc này đã lâm vào ngõ cụt, cần phải nhanh chóng phát quang mọi con đường mới.

Truyện ngắn Thuốc giống như một vở kịch ngắn gồm bốn cảnh: Cảnh thứ nhất : Lão Hoa mang tiền đến pháp trường để mua chiếc bánh bao tẩm máu tử tù. Cảnh thứ hai: Vợ chồng lão Hoa cho con trai (Thuyên) ăn bánh bao tẩm máu nướng. Cảnh thứ ba: Khách khứa tụ tập bàn tán ở quán trà lão Hoa. Cảnh thứ tư: Tiết Thanh minh, mẹ Thuyên ra thăm mộ con, tình cờ gặp mộ của tử tù bữa trước.

Mở đầu tác phẩm, tác giả tả cảnh lão Hoa chủ quán trà dậy thật sớm, bảo vợ đưa tiền để đến pháp trường mua chiếc bánh bao tẩm máu tử tù về làm thuốc chữa bệnh lao cho đứa con trai duy nhất. Lỗ Tấn có cách kể chuyện xen miêu tả rất tự nhiên, sinh động. Nhiều chi tiết nhỏ nhưng lại có tác dụng kết nối, tạo mạch cho câu chuyện tiếp diễn theo trình tự thời gian. Chẳng hạn tràng ho không dứt của thằng Thuyên như thúc giục lão Hoa nhanh chóng lên đường lúc trời chưa sáng; hay lòng thương con và niềm hi vọng con sẽ khỏi bệnh khiến cho lão Hoa bước nhanh hơn.

Lão Hoa mê muội tin vào thứ thuốc chữa bệnh lao quái dị: bánh bao tẩm máu tử tù nên cố lách vào đám đông hỗn độn đang xô đẩy nhau ào ào để mua cho bằng được thứ mà lão coi như thuốc tiên, cổ thể cứu mạng đứa con trai của mình. Thứ “thuốc” đáng sợ và hiếm có ấy được rao bán như bán các món hàng bình thường khác. Ngòi bút tả thực sắc sảo của Lỗ Tấn khiến người đọc cảm thấy như cảnh tượng hãi hùng ấy đang diễn ra trước mắt.

Có một chi tiết mang ý nghĩa ẩn dụ là không phải chỉ một mình lão Hoa vội vàng đi mua bánh bao tẩm máu tử tù để chữa bệnh mà rất nhiều người khác cũng có ý định như lão. Qua chỉ tiết này, Lỗ Tấn muốn nói đến thực trạng đáng lo ngại: số đông dân chúng Trung Quốc đương thời vẫn tin vào những điều nhảm nhí không có cơ sở khoa học, bởi thói mê tín dị đoan đã tiêm nhiễm vào đầu óc họ, trở thành một căn bệnh tinh thần khó chữa.

Ở cảnh hai, niềm hân hoan, tin tưởng và hi vọng của lão Hoa mỗi lúc một dâng cao. Về đến nhà, lão cùng với vợ vội vàng chế biến “thuốc cải tử hoàn sinh” rồi cho con trai ăn chiếc bánh bao tẩm máu nướng đen thui. Thuyên cầm chiếc bánh lên nhìn, có cảm giác rất lạ không biết thế nào mà nói, như đang cầm tính mệnh của chính mình trong tay. Y bẻ đôi ra, rất cẩn thận…

Không bao lâu, chiếc bánh đã nằm gọn trong bụng… Lão Hoa đứng một bên, bà Hoa đứng một bên, trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì, đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì. Tác giả đã thể hiện tài tình diễn biến tâm trạng của từng nhân vật trong đoạn văn này. Cha mẹ Thuyên nhìn con ăn chiếc bánh bao mà lòng khấp khởi hi vọng, tin rằng con sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

Họ muốn rót vào người con sự sống, đồng thời cũng muốn lấy ra căn bệnh lao đáng sợ mà người đời đã liệt vào hàng “tứ chứng nan y”, ai mắc phải là cầm chắc cái chết. Vợ chồng lão Hoa là những nhân vật vừa đáng thương vì tình phụ tử, mẫu tử của họ thật cảm động, nhưng lại vừa đáng giận bởi họ mê tín đến ngu muội.

Hình ảnh đám đông trong quán trà của lão Hoa cũng phản ánh rất chân thực về “căn bệnh tinh thần” của người trung Quốc. Quán trà lão Hoa là nơi tụ họp thường xuyên của khách bình dân. Tại đây, lượng thông tin chẳng những rất phong phú mà còn rất thật.

Khách uống trà gồm một người râu hoa râm, cậu Năm Gù, bác cả Khang, một anh chàng hơn hai mươi tuổi… và một số người khác. Họ là những người thuộc số đống dân chúng Trung Quốc lúc bấy giờ. Quán trà của lão Hoa giống như xã hội Trung Quốc thu nhỏ.

Đám khách uống trà bàn tán xoay quanh hai sự kiện nóng hổi : Thứ nhất là chuyện lão Hoa mua được “thần dược”; thứ hai là chuyện Hạ Du bị chết chém. “Thuốc tiên” để trị “bệnh quỷ” mà người Trung Quốc vẫn tôn sùng lúc bấy giờ chính là bánh bao tẩm máu tử tù. Bánh bao thì luôn luôn có sẵn, nhưng còn máu tử tù? Máu tử tù không sẵn nhưng cũng không phải là hiếm, chì cẩn có tiền là mua được, nhất là vào đúng dịp có tử tù bị chém.

Lão Hoa có con mắc bệnh lao nặng, may mắn gặp ngay dịp Hạ Du bị chém đầu. Cho nên hôm ấy ở quán trà nhà lão Hoa, người ta chỉ bàn đến hai chuyện ấy cũng là điều dễ hiểu, vấn đề quan trọng ở đây là thái độ của họ trước hai sự kiện này ra sao? Về sự kiện thứ nhất, mọi người đều mừng cho lão Hoa đã may mắn mua được “thần dược” và họ đặt niềm tin tuyệt đối vào phương thuốc kì quái ấy. Chỉ trong một đoạn văn ngắn mà có tới sáu lần nhắc lại câu : Cam đoan thế nào cũng khỏi, giống lời khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột.

Về sự Kiện thứ hai, mọi người đều tỏ thái độ khinh bỉ, dè bỉu và dùng những lời lẽ xấu xa nhất để gọi Hạ Du : tên phạm, thằng quỷ sứ, thằng nhãi con, thằng khốn nạn… Họ coi anh là giặc, là dám vuốt râu cọp, là điên. Họ cho rằng anh bị chém đầu là đích đáng. Họ hả hê như chính mình vừa trừ khử được một kẻ tội đồ. Khi nghe kể đến đoạn Hạ Du bị lão Nghĩa quản ngục đánh cho hai cái bạt tai vì dám rủ lão “làm giặc” thì họ thú quá, cứ nhao nhao nói nói cười cười. Trong khi đó, họ lại xuýt xoa khen cụ Ba đã sáng suốt đem nộp cháu mình cho nhà chức trách, vừa không bị mất đầu vì chứa chấp một tên phản nghịch, vừa được thưởng hai mươi lạng bạc.

Qua cuộc bàn luận của đám đông ở quán trà, Lỗ Tấn khéo léo phơi bày thực trạng tinh thần u mê tăm tối của phần lớn dân chúng Trung Quốc thời đó. Cách mạng Tân Hợi là một cuộc cách mạng không triệt để. Người dân chưa được tuyên truyền, giác ngộ nên họ coi những người làm cách mạng là làm giặc”. Họ càng không hiểu gì về mục đích cao cả của cách mạng.

Lỗ Tấn nhận thức rất rõ “căn bệnh tinh thần” của người Trung Hoa đã đến mức trầm trọng. Đã đến lúc phải khẩn cấp tìm ra một phương thuốc “đặc hiệu” để chữa trị căn bệnh ấy. Nhưng đó là phương thuốc nào?

Lúc này, cách mạng Trung Quốc đang dò dẫm tìm đường, Lỗ Tấn cũng đang tìm đường, ông chưa thể đưa ra một giải pháp chính xác, nhưng ông đã dự cảm được một điểu gì đó. Dự cảm ấy phần nào được thể hiện qua hình tượng nhân vật Hạ Du.

Hạ Du tuy không dược tác giả miêu tả trực tiếp nhưng nhân vật này đóng vai trò quan trọng là mắt xích tiên kết toàn bộ câu chuyện và chi phối các sự kiện trong tác phẩm. Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng có ý chí kiên cường, dám chấp nhận thử thách, hi sinh. Đến phút chót anh vẫn tuyên truyền cách mạng. Hạ Du bộc lộ nỗi đau xót trước tình trạng mê muội của dân chúng. Nhưng thật đáng buồn là ý chí, mục đích và hành động của anh lại bị mọi người hiểu một cách sai lạc.

Cụ Đa là người thân cho rằng anh “làm giặc” nên đã tố giác anh để láy tiền thưởng. Dân chúng thì chờ anh bị chém đầu để lấy máu anh tẩm vào bánh bao làm thuốc chữa bệnh. Với những tôn đao phủ tàn bạo, tham lam thì máu Hạ Du là một món hàng đem lại lợi nhuận béo bở. Với đám dông dân chúng, Hạ Du là đối tượng để cho họ chế giễu và khinh bỉ. Thậm chí đến cả mẹ anh cũng không hiểu đúng về con trai mình.

Xây dựng nhân vật Hạ Du, tác giả vừa bày tò thái độ trân trọng và kính phục, vừa ngầm phê phán những người làm cuộc cách mạng Ngũ Tứ xa rời và chưa giác ngộ được quần chúng. Thật xót xa và đau đớn trước hình ảnh người chiến sĩ cách mạng không hòa hợp được với quần chúng và còn bị dân chúng nhìn bằng con mắt miệt thị và giễu cợt. Chính vì thế mà sự hi sinh của họ trở nên vô nghĩa.

Trong phần cuối của truyện, khung cảnh nghĩa địa được Lỗ Tấn miêu tả rất kĩ: Miếng đất dọc chân thành phía ngoài cửa Tây vốn là đất công. Ở giữa là con đường mòn nhỏ hẹp, cong queo, do những người hay đi tắt giẫm mãi thành đường. Đó cũng là cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù, ở về phía tay trái, và nghĩa địa những người nghèo, ở về phía tay phải.

Cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ. Hình ảnh con đường mòn ở đây không chỉ đơn thuần là một ranh giới tự nhiên mà nó còn là ranh giới vô hình của lòng người, của những định kiến xã hội. Cảnh nghĩa địa trong đoạn văn mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất: Dư luận xã hội không hề có sự phân biệt giữa những người làm cách mạng hi sinh vì đất nước với những kẻ tội đồ.

Như vậy thì những chiến sĩ cách mạng cũng bị coi là “giặc”. Thứ hai: số người bị chết chém hoặc chết tù cũng nhiều như số người bị chết vì nghèo đói. Hình ảnh những ngôi mộ ở nghĩa trang nhiều như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ là một hình ảnh so sánh mỉa mai, gợi lên thực trạng xã hội phong kiến Trung Hoa vừa đen tối vừa tàn bạo thời ấy.

Lỗ Tấn còn gửi gắm một hàm ý khác nữa trong hình ảnh con đường mòn chia đôi nghĩa địa: ranh giới giữa người nghèo và người cách mạng rất gần. Những người làm cách mạng là ai nếu không phải là tầng lớp nghèo khổ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, không còn con đường nào khác là phải tự vùng lên để giải phóng cuộc đời mình? Nếu như lúc còn sống họ chưa thật sự hiểu nhau, gắn bó với nhau thì lúc chết, nghĩa địa này là nơi họ được ở gần nhau.

Hai bà mẹ cùng ra thăm mộ con trong tiết Thanh minh. Đó là bà Hoa, mẹ của Thuyên và bà mẹ của Hạ Du – tử tù chết chém. Bà Hoa đặt lễ vật trước mộ con, khấn vái rồi khóc lóc một hồi. Bà kia cũng làm như vậy trước mộ con mình, chỉ khác là mộ của Thuyên ở bên phải đường mòn, còn ngôi mộ kia thì nằm bên trái đường mòn, gần như đối diện nhau. Tình huống này đã tác động rất mạnh tới suy nghĩ và cảm xúc của người đọc. Cả những người đã chết và những người đang sống đều là nạn nhân đau khổ, đáng thương của xã hội phong kiến Trung Quốc hủ bại, bế tắc đương thời.

Câu hỏi đẩy ngạc nhiên và băn khoăn của bà mẹ Hạ Du: Thế này là thế nào ? khỉ nhìn thấy trên nấm mộ con trai mình có những cánh hoa trắng hoa hồng… không nhiêu lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, những cũng chỉnh tề lặp lại hai lần gợi nhiều day dứt. Câu hỏi ấy thể hiện thái độ khó hiểu của bà mẹ trước hành động tham gia cách mạng và cái chết bi thảm của con trai mình; đồng thời chất chứa cảm xúc chua xót, đau khổ và tự trách.

Đó không chì là câu hỏi dành riêng cho bà mẹ Hạ Du mà còn dành cho tất cả mọi người. Ai đã đến đây? Chắc chắn đó là đồng chí của Hạ Du, hoặc là người có cảm tình với cách mạng. Họ đã bất chấp luật lệ nghiệt ngã của chính quyền, vẫn can đảm bày tỏ tỉnh cảm của mình đối với cách mạng. Họ dám đến viếng mộ anh và còn kính cẩn đặt lên đó một vòng hoa tươi: …hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum.

Một trong số những người không sợ liên liên chính là Lỗ Tấn. Nhà văn đã bày tò thái độ kính trọng đối với các chiến sĩ của phong trào cách mạng Ngũ Tứ. Ông đã đặt vòng hoa tưởng niệm trên mộ Hạ Du. Đó cũng là cách ông nêu ra vấn đề cấp thiết là phải có một phương thuốc đặc trị để cứu chữa “căn bệnh tinh thần” của người Trung Quốc. Phương thuốc đó quyết không phải là cái gì khác ngoài con đường cách mạng, nhưng không nửa vời như cuộc cách mạng Tân Hợi mà là cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng.

Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du còn chứng tỏ nhà văn Lỗ Tấn vẫn ấp ủ hi vọng vào ngày mai tươi sáng, cho đù những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ đang bị chính quyền ráo riết khủng bố và bản thân tác giả cũng đang ở tâm trạng đau đớn, bàng hoàng. Nó làm cho cái chết của Hạ Du bớt phần bi thảm bởi vì dù sao thì cũng có người xúc động và hiểu được phần nào ý nghĩa cái chết của anh. Đó cũng là niềm an ủi cho những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu. (Cách gọi của Lỗ Tấn đối với những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ).

Câu chuyện về Thuốc được miêu tả ở hai thời điểm là mùa thu và mùa xuân. Hạ Du và Thuyên chết vào mùa thu, đồng nghĩa với sự tàn lụi. Hai cái chết của hai người trai trẻ có số phận khác nhau và cách họ chết cũng không giống nhau. Thế nhưng, đến mùa xuân, hai bà mẹ có chung nỗi đau mất con dường như đã đồng cảm với nhau.

Đặt câu chuyện vào thời điểm của hai mùa: một mùa có tính chất tàn tạ, một mùa có tính chất hồi sinh, tốc giả dường như muốn gửi gắm vào đó niềm hi vọng về sự đổi thay tất yếu. Dù không có những biểu hiện thật rõ ràng, song với cách kết cấu và thời gian nghệ thuật đầy ý nghĩa tượng trưng, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một niềm tin, một niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của dân tộc mình.

Truyện ngắn Thuốc tiêu biểu cho bút pháp hiện thực tỉnh táo, khách quan của Lỗ Tấn. Cốt truyện dung dị nhưng độc đáo ở khả năng lựa chọn các tình tiết, ở cách sắp xếp thời gian nghệ thuật và đặc biệt là ở khả năng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ và hình tượng. Câu chuyện có chung một âm điệu trầm buồn thể hiện sự suy tư, lo lắng, day dứt đầy tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn trước số phận và tương lai của dân tộc mình.

Có thể coi tác phẩm này giống như con dao mổ sắc bén trong tay một bác sĩ tài ba, mạnh dạn cắt bỏ những khối u ác tính về tinh thần của xã hội đương thời để cứu lấy dân tộc Trung Hoa. Nhà văn Lỗ Tấn xứng đáng là cây đại thụ của văn học Trung Quốc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Phân tích tác phẩm Thuốc – Bài văn mẫu số 2

Lỗ Tấn là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng, văn của ông giàu tính chiến đấu, vừa trữ tình, vừa châm biếm, thể hiện tinh thần lo âu, bi phẫn sâu sắc của thời đại. Ông còn là người phơi bày các hiện tượng bệnh hoạn của xã hội để lưu ý mọi người tìm phương pháp cứu chữa. Truyện ngắn “Thuốc” là một tác phẩm điển hình cho phong cách ấy, tác phẩm đã kêu gọi mọi người tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh mê muội của quần chúng và bệnh xa rời quần chúng của những người cách mạng.

Tác phẩm kể về vợ chồng ông bà Hoa Thuyên – chủ quán trà có con trai bị ho lao (một trong những căn bệnh nan y thời đó). Nhờ người giúp, lão Hoa Thuyên tìm đến cai ngục mua nánh bao chấm máu người tử tù mang về cho con ăn, vì cho rằng như thế con sẽ khỏi bệnh. Trong lúc đứa con ăn bánh thì có người khách xuất hiện ở quán trà, họ bàn tán về người tử tù bị chém sang nay là Hạ Du, người chiến sĩ cách mạng kiên cường đã dung cảm, hiên ngang tuyên truyền cách mạng trước khi bị hành hình.

Nhưng không ai hiểu gì về anh ta cả – họ còn cho rằng anh ta bị điên – là làm giặc. Thằng Thuyên ăn xong chiếc bánh bao tẩm máu người không bao lâu thì chết và mộ Thuyên được chôn gần mộ Hạ Du. Năm sau, vào tiết thanh minh, mẹ Hạ Du và bà Hoa Thuyên đều đến nghĩa trang viếng mộ con, hai bà mẹ cùng một nỗi đau mất con đã đồng cảm cho nhau, họ rất ngạc nhiên khi thất trên mộ Hạ Du có một vòng hoa, vòng hoa ấy gợi lên trong lòng người mẹ biết bao hoài nghi và bối rối.

Nhân vật người chiến sĩ Hạ Du được Lỗ Tấn lấy nguyên mẫu ngoài đời là nữ liệt sĩ Thu Cận – người đồng hương với tác giả. Trong tác phẩm, Hạ Du là người thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, anh hi sinh cho Trung Hoa, nhưng không ai có thể hiểu nổi điều đúng đắn mà anh đang làm. Nhân vật Hạ Du xuất hiện gián tiếp, anh chính là người bị chém mà ông Cả Khang lấy bánh bao chấm máu, bán cho vợ chồng Hoa Thuyên.

Anh xuất hiện trong lời bàn tán của những vị khách tới quán uống trà, rằng anh bị chính cậu của mình tố giác để lĩnh tiền thưởng, rằng anh là một kẻ điên, một kẻ làm giặc. Anh được kể lại rằng đến tận lúc ở trong lao, anh vẫn tuyên truyền cách mạng chống nhà Mãn Thanh một cách kiên cường, không hề sợ hãi. Hạ Du dung cảm xả thân nhưng máu của anh đã rơi một cách vô ích, bởi không ai hiểu ý nghĩa của việc anh làm. Tuy nhiên, anh xứng đáng là một anh hùng, hình tượng nhà cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc trước thời cách mạng Tân Hợi.

Đối với vợ chồng lão Hoa Thuyên, tuy họ lấy máu liệt sĩ làm thuốc chữa bệnh cho con nhưng nhà văn không hề ác cảm với họ mà chỉ có lòng xót thương, xót thương cho những u mê, lạc hậu của họ, của những người dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Đối với bác cả Khang, lão Nghĩa mắt cá chép, cụ Ba, cậu Năm Gù, người thanh niên hai mươi tuổi,…, nhà văn tỏ ra thái độ khinh miệt, ghê tởm, nhất là đối với cụ Ba – bà con với Hạ Du, bởi họ vốn không hiểu những việc đáng tự hào mà một người chiến sĩ đã làm, họ chỉ biết a dua, bàn tán và bình phẩm người khác.

Cảnh hai bà mẹ đi viếng mộ con ngày Thanh Minh tiếp tục phơi bày bộ mặt tinh thần lạc hậu của người dân: người cách mạng chôn chung nghĩa địa với những kẻ chết chém, trộm cướp. Người mẹ của chiến sĩ cách mạng cũng cảm thấy hổ thẹn khi con mình bị chôn ở đó, bà không hiểu được ý nghĩa vòng hoa cao đẹp mà tưởng con trai mình vì chết oan khuất mà hiển linh.

Bà mẹ họ Hoa và bà mẹ Hạ Du gặp nhau ở nghĩa địa thể hiện bi kịch của người Trung Quốc. Hoa Hạ là tên gọi của nước Trung Hoa thời xưa, tên gọi thống nhất ấy bỗng chia thành hai nửa không hiểu nhau, máu của Hạ bị Hoa dung làm thuốc chữa bệnh cho con. Cả Hoa và Hạ đều bị tổn hại. Các nấm mộ trong nghĩa địa giống như trong bánh bao trong lễ chúc thọ nhà giàu, như vậy, sự chia rẽ Hoa Hạ chỉ có lợi cho những thế lực nhà giàu mà thôi. Đó chính là bi kịch của đất nước Trung Hoa.

Qua tác phẩm “Thuốc”, nhà văn đã vạch trần sự mê muội của quần chúng khi tin rằng ăn bánh bao tẩm máu người sẽ khỏi bệnh lao. Nhà văn kêu gọi mọi người cần tìm ra một phương thuốc khác, cần một phương thuốc giúp nhân dân nhận ra đó là một thứ thuốc độc giết người chứ không phải là thần dược.

Đồng thời, người dân Trung Quốc cũng phải tìm ra một thứ thuốc để chữa bệnh tinh thần của quần chúng khi cho rằng làm cách mạng là làm giặc, phải có cách chữa căn bệnh mê muội đó của quần chúng và bệnh xa rời quần chúng của những người chiến sĩ cách mạng như Hạ Du.

Phân tích tác phẩm Thuốc – Bài văn mẫu số 3

Người nổi tiếng bởi quan điểm: "Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần" không ai khác chính là Lỗ Tấn. Là một nhà thơ tiên phong và là tấm gương noi theo của nhiều thế hệ, Lỗ Tấn đã có sự nghiệp văn nghệ không nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra nền văn học cách mạng Trung Quốc. Với phong cách trong nóng ngoài lạnh, các tác phẩm của ông đều để lại những bài học sâu sắc. Và trong đó là " Thuốc".

"Thuốc" được sáng tác vào năm 1919 khi xã hội Trung Quốc là nước thuộc địa nửa phong kiến, các nước đế quốc tranh nhau xâu xé, nhân dân an phận chịu nhục, phong trào Ngũ Tứ nổ ra. Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tân thanh niên sau được in trong "Gào thét". "Thuốc" là sự phanh phui về sự u mê lạc hậu của quần chúng, là bức tranh miêu tả bi kịch của người cách mạng tiên phong và là sự đồng cảm, trân trọng ngợi ca của tác giả đối với những người tiên phong ấy. Trong tác phẩm là hai câu chuyện: câu chuyện mùa thu là mua thuốc – ăn thuốc – bàn về thuốc và câu chuyện mùa xuân – hậu quả của thuốc.

Tác phẩm gây ấn tượng đầu tiên bởi nhan đề: "Thuốc". Theo nghĩa thực, nhan đề này chỉ một thứ dược phẩm, thứ thuốc truyền thống chữa bệnh lao: "bánh bao tẩm máu người chết chém" – một thứ thuốc quái đản, mê tín, phản khoa học. Nhưng ý nghĩa nhan đề không dừng lại ở đó. Nhà văn muốn gửi đến người đọc bức thông điệp. Đó là cần phải cảnh tỉnh, cần có một thứ thuốc đặc hiệu để chữa sự u mê, mu muội, vô cảm của quần chúng; chữa trị cho người cách mạng bởi họ chưa thoát khỏi tư tưởng tư sản, còn xa rời, thoát ly quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa như vậy nên "thuốc" đã trở thành tác phẩm có tiếng vang lớn thời kỳ này.

Mở đầu bằng câu chuyện lúc "đêm thu gần về sáng", lão Hoa đến pháp trường để mua thứ thuốc "thần dược" về chữa bệnh lao cho con trai độc đinh của lão. Trên đường đi mua thuốc, tâm trạng lão sảng khoái, trẻ lại như được cải tử hoàn sinh. Vì sao ư? Bởi lẽ lão sắp cứu được đứa con trai của gia đình mười đời độc đinh. Thứ "thần dược" ấy chính là chiếc bánh bao tẩm máu người chết chém. Lão để tinh thần vào cái gói bánh ấy nâng niu như đứa con. Mặc dù lúc đầu thái độ của lão còn sợ, run không dám cầm nhưng sau lão sung sướng.

Mua được thuốc rồi, lão đem về cho con trai ăn. Chiếc bánh bao ấy được bọc trong lá sen đem nướng. Quái đản như vậy mà vợ chồng lão Hoa vẫn tin tưởng nói với con: "Ăn đi con!Sẽ khỏi ngay". Rồi hai vợ chồng lão lại "trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì". Không chỉ có vợ chồng lão tin vào thứ thuốc này mà những người đang bàn luận sôi nổi ngoài quán trà kia cũng như vậy.

Họ tin nó là một thần dược: "cam đoan thế nào cũng khỏi, nhất định thế nào cũng khỏi, thứ thuốc này đặc biệt lắm"…. Nhưng cuối cùng chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù đã không cứu được con trai lão. Bằng câu chuyện này nhà văn đã vạch trần được sự u mê tăm tối mu muội của người dân lao động lúc bấy giờ. Bánh bao tẩm máu người là thứ thuốc quái đản, gây chết người, thứ thuốc độc, phản khoa học. Muốn chữa bệnh lao phải có một thứ thuốc đặc hiệu.

Song song với câu chuyện xung quanh thuốc của gia đình lão Hoa là chuyện người tử tù Hạ Du. Nhân vật này xuất hiện gián tiếp qua lời bàn luận của các nhân vật. Hạ Du là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đấu tranh với tư tưởng "thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta". Thế nhưng trong mắt mọi người anh chỉ là: "thằng quỷ sứ", "nhãi con", "khốn nạn", "điên"…. Người chú ruột của anh tố cáo cháu mình chỉ để lấy hai mươi lạng bạc. Bác Cả Khang lại coi anh là công cụ bán máu để trục lợi. Lão Nghĩa cũng chỉ tiếc cái áo.

Còn đối với vợ chồng lão Hoa, anh là phương thuốc chữa bệnh cho con trai họ. Tất cả con mắt mọi người đều cho anh là giặc, chết là phải. Một cán bộ cách mạng, một con người đi theo lý tưởng của cách mạng mà lại bị coi là giặc trong cái xã hội mà chính anh bảo vệ. Một nghịch lý đáng nực cười của cái xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Hình ảnh người tử tù Hạ Du đã tố cáo gay gắt tình trạng tê liệt, u mê của quần chúng về chính trị, chỉ rõ sự xa rời thoát ly quần chúng của người cách mạng, khẳng định đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ là một con bệnh thập tử nhất sinh, cần có thứ thuốc để chữa trị, tránh nạn vong quốc.

Cuối tác phẩm là con đường mòn ở nghĩa địa. Cả hai bên "mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ". Những người chết oan giống con trai lão Hoa và những người phải đổ máu giống Hạ Du đều đã hi sinh tính mạng chỉ vì tập quán, lối suy nghĩ ấu trĩ, mê muội và lạc hậu. Suy nghĩ ấy như con đường mòn nơi nghĩa địa kia. Nhưng thật kì diệu, con đường mòn ấy đã bị xóa bỏ bởi bà Hoa đã sang an ủi mẹ của Hạ Du.

Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du vừa là tấm lòng của tác giả dành cho người liệt sĩ, vừa là sự gửi gắm niềm tin. Một kết thúc có hậu cho tất cả sự hi sinh. Máu của người chiến sĩ đã thức tỉnh được một bộ phận quần chúng, có người đã hiểu cái chết vinh quang của họ và nguyện đi theo họ.

Khép lại truyện ngắn, Lỗ Tấn không khỏi khiến người đọc thôi băn khoăn. Nghĩ về cái xã hội Trung Quốc thời kỳ bấy giờ. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là truyện mà còn là bức thông điệp, bài học lịch sử mà Lỗ Tấn muốn gửi gắm. Câu truyện đã đến với người đọc nhờ giá tri nội dung sâu sắc ấy.

Phân tích tác phẩm Thuốc – Bài văn mẫu số 4

Quách Mạc Nhược đã từng nhận xét rằng: “Trước Lỗ Tấn, chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn, có vô vàn Lỗ Tấn”. Quả thật tài năng của Lỗ Tấn thật đáng để người đời sau phải học tập và noi theo. Lỗ Tấn (1881-1936), ông là một người có tài có đức. Trong cuộc sống ông chúng kiến nhiều người mắc bệnh mà không qua khỏi nên ông quyết định học ngành y, học về thuốc để chữa trị cho những người không may đó.

Thế nhưng khi ông đang học y bên Nhật thì xem được phim người Trung Quốc đua nhau đi xem người Nhật chém đầu một người Trung Quốc chống Nhật. Ông nghĩ rằng chữa bệnh tinh thần còn quan trọng hơn chữa bệnh thể xác ông quyết định chuyển sang làm văn học để cảnh tỉnh người dân nước mình. Thuốc là một tác phẩm , một liều thuốc để ông chữa bệnh tinh thần cho người dân của mình.

Truyện ngắn Thuốc được Lỗ Tấn viết vào năm 1919. Đó là thời điểm cuộc vận động Ngũ Tứ là phong trào đấu tranh đồi tự do dân chủ của học sinh sinh viên Kinh Bắc bùng nổ mạnh mẽ. Truyện để lại nhiều ý nghĩa, nhiều điều khiến con người Trung Quốc thời bấy giờ phải suy nghĩ thật kĩ. Trước tiên là đặc sắc của nhan đề truyện. Nhan đề thuốc và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu.

Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa Thuyên đã cất công đi từ sang sớm để mua cho con trai mình ăn để chữa bệnh lao. Nhan đề này đã để lại nhiều ý nghĩa để cho bạn đọc phải bận tâm suy nghĩ. Thứ nhất đó là nghĩa đen của nhan đề. Thuốc ở đây chính là chiếc banh bao tẩm máu người tử tù. Đây là một phương thuốc mê tín dị đoan và lạc hậu.

Điều đó cho thấy sự hoang đường khi cho bánh bao tẩm máu người lại là vị thuốc chữa bệnh mà đặc biệt ở đây chiếc bánh bao tẩm máu tử tù chứ không phải tẩm máu ai khác. Tử tù đó chính là những người anh hùng chống lại Nhật để bảo vệ đất nước Trung Quốc. đồng thời nó giống với phương thuốc mà ông lang băm nọ đã kê đơn cho bố của nhà văn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mia đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ đực đủ cái. Chính phương thuốc ấy đã lấy mất tính mạng của bố Lỗ Tấn. và cũng như thế phương thuốc kì quái bánh bao tẩm máu tử tù kia cũng làm nên cái chết của Hoa Thuyên.

Thứ hai, thuốc ở đây là để chữa căn bệnh tinh thần của người dân Trung Quốc. đó là căn bệnh gia trưởng, căn bệnh lạc hậu mê tín dị đoan của họ mà cụ thể ở đây là vợ chồng lão Hoa. Họ tin rằng vị thuốc kia thật sự có thể chữa khỏi bệnh lao cho con trai họ. Chính vì thế mà lão Hoa trên đường đi lấy thuốc tỏ ra vui vẻ lắm, lão nghĩ lão sắp được một phương thuốc có thể cải tử hoàn sinh. Không chỉ có vợ chồng lão Hoa mà ngay cả những người tỏng quán trà cũng cho đó là vị thuốc cứu tinh. Nhưng chẳng thấy cứu ở đâu mà chỉ thấy Hoa Thuyên vẫn chết, mà nó còn là liều thuốc độc tiêu diệt những dây thần kinh suy nghĩ của người dân Trung Quốc.

Thứ ba, thuốc bánh bao tẩm máu người còn là phương thuốc cho chính tinh thần của người dân cũng như người làm cách mạng Trung Quốc. Bởi vì người nông dân thì u mê lạc hậu tin vào thứ thuốc chết người đó, còn người cộng sản lại đi quá xa nhân dân không gán bó với nhân dân thì sẽ đổ máu. Mà bánh bao tẩm máu kia lại chính của người làm cách mạng là Hạ Du. Điều ddó cho thấy phải biết gắn kết với nhân dân thì mới mong thành công được.

Tóm lại có thể nói nhan đề của truyện mang tư tưởng của nhà văn Lỗ Tấn. ông đã lo nỗi lo của dân tộc trong khi nhân dân mê muội mơ hồ thì người chiến sĩ cộng sản lại bôn ba những chốn quạnh hưu. Giữa họ có một khoảng cách vô cùng lớn vì thế cho nên cần phải được “chữa bệnh” nhanh và gấp.

Câu chuyện được mở đâu khi Hoa Thuyên lên những cơn ho lao, lão hoa vội vàng đến sớm để mua cho kì được thứ thuốc cứu sống mạng con trai mình. Nó sẽ làm cho con trai ông trở nên khỏe mạnh như thường thậm chí là khỏe mạnh hơn. Vì thế cho nên trên đường đi mua thuốc lão vui hẳn lên, không chỉ có mình lão trông chờ thứ thuốc tiên dược đó mà cả rát nhiều người nữa nên họ chen chúc nhau suýt nữa thì lão hoa thuyên ngã.

Nhưng thật may mắn khi lão mua được thuốc về cho con. Đó chiếc bánh bao tắm máu của tử tù Hạ Dư. Ông mang về máu vẫn còn nhỏ từng giọt. bà hoa nhanh chóng đi nướng chiếc bánh bao và cho Hoa Thuyên ăn. Những người trong quán trà thì khen thơm “ trà thơm nhỉ!”. Rồi họ bàn nhau về người tử tù. Họ cho thế là ngu dại, nào biết đâu chính họ đang bị mê muội. Hạ Du ở đây là nhân vật chỉ được nhắc đến chứ không có mặt trong tác phẩm. anh đại diện cho một tầng lớp yêu nước và có lí tưởng lúc bấy giờ.

Thế nhưng mọi người lại nhắc đến anh với một thái độ miệt thị và đau đớn hơn khi chính chú ruột của anh đem anh đi trình báo để lấy khoản tiền thưởng kia. Đáng ra những người như Hạ Du thì phải được yêu mến kính trọng mới phai thế nhưng không. Qua đây cho thấy sự mê muội của nhân dân Trung Quốc, trước tiên là chiếc bánh bao sau là cho những người chiến sĩ cách mạng là ngu dốt.

Tưởng rằng vị thuốc ấy sẽ cứu sống được mạng của Hoa Thuyên nhưng đâu có, anh ta vẫn cứ chết, để cho kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh. Hoa Thuyên ăn bánh bao chết, Hạ Du làm cách mạng cũng chết. tất cả sự sai lầm đã dẫn con người Trung Quốc đến một kết quả bi thảm. có lẽ vì thế mà nhà văn đã vạch ra con đường khai sáng trí óc người Trung Quốc. Đó là đoạn khi hai bà mẹ đến thăm mộ con, nghĩa trang được chia làm hai bên bên trái là mộ của những người tử tù, bên phải là mộ của những người dân nghèo.

Bà Hoa đến thăm con trước sau đó một người đàn bà khác ngập ngừng bước về phía bên trái nghĩa trang. Đó chính là mẹ của Hạ Du, sự đặc biệt ở đây là khi hai bà mẹ bước đến bên nhau an ủi nhau thôi đừng đau xót làm gì. Chi tiết đó được tác giả gửi gắm rát nhiều ý đồ nghệ thuật, gợi ra ý nghĩa sâu sa của nó. Đó là sự thức tỉnh của người nông dân và người cách mạng, cuối ùng họ se bước đến bên nhau để đồng cam cộng khổ cứu đất nước mình.

Khi ra về hai bà ngạc nhiên trước vòng hoa đặt cạnh mộ của Hạ Du, vòng hoa ấy không có gốc nghĩa là nó không mọc lên. Vòng hoa đệp đẽ với hoa hông hoa xanh, phải chăng đó chính là sự ngợi ca lí tưởng cách mạng của tác giả đối với Hạ Du mặc dù không thành công nhưng anh đã có chí và giác ngộ. vòng hoa ấy không biết ai đặt đó, không biết ai mang đến và ở đâu ra nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng nhà văn đã dành nó cho Hạ Du để ca ngợi vẻ đẹp của chiến sĩ yêu nước.

Như vậy khi hai bà mẹ bước đến bên nhau như sự tượng trưng cho người chiến sĩ và nông dân chắc chắn sẽ bước đến bên nhau kề vai sát cánh vì sự nghiệp của đất nước. Qua đây chúng ta thấy rút ra được một bài học đó là lấy nhân dân làm gốc, cách mạng phải đi liền với nhân dân, tách rời nhân dân thì sẽ không thể có kết quả tốt đẹp được. Đồng thời qua truyện ngắn này ta thấy rõ được thực trạng Trung Quốc lúc bấy giờ, cùng với đó là tinh thần dân tộc của nhà văn Lỗ Tấn.

Phân tích tác phẩm Thuốc – Bài văn mẫu số 5

Khi nhắc đến nền văn học Trung Quốc thì chắc có lẽ không thể không nhắc đến Lỗ Tấn, ông là một nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc,là một người mà nhiều chuyên gia đã nhận xét là vừa có tài vừa có đức sinh năm ( 1881-1936 ) tên thật là Chu Thụ Nhân , quê ở phủ Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đã tận mắt chứng kiến cha mình bị bệnh vì không có tiền chữa bệnh mà mất đi, ông ôm ấp giấc mơ trở thành một thầy thuốc để có thể chữa bệnh cho những người dân nghèo. Và ông quyết định học ngành y để thực hiện ước muốn của mình.

Trong thời gian ông đi học y ở Nhật Bản thì đã có một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời và cả sự nghiệp của ông. Đó là một lần khi xem phim, ông đã chứng kiến những người Trung Quốc hớn hở đi xem người Nhật giết chết một người Trung Quốc yêu nước. Lỗ Tấn đã nhận ra rằng, nếu chữa căn bệnh về thể xác mà bỏ quên căn bệnh về tinh thần thì tương lai người Trung Quốc rồi sẽ “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ” mà thôi. Từ đó, ông đã từ bỏ y học để chuyển sang văn học, dùng văn học để cảnh tỉnh, để “chữa bệnh” về tinh thần cho người dân Trung Quốc.

“Thuốc” được ra đời vào năm 1919 ở thời điểm xay ra cuộc vận động phong trào Ngũ Tứ, là phong trào đòi tự do dân chủ của học sinh sinh viên Bắc kinh bùng nổ mạnh mẽ. Thuốc là một tác phẩm và là một liều thuốc để ông chữa căn bệnh cho người dân của đất nước ông, cho xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, cần phải có một liều “thuốc” đặc trị thì mới có thể chữa trị được, nếu không thì sẽ dần u mê và lụi bại và suy tàn không thể tồn tại như nhân vật Thuyên khi bị bệnh lao, đã cố gắng tìm ra một đơn thuốc nhưng lại không hề tốt và không chữa được để rồi mất mạng.

Ở trong tác phẩm này, thuốc không phải chỉ là được làm ra từ những dược liệu thông thường mà nó chính là một chiếc bánh bao được tẩm máu người, đặc biệt phải là máu của người tử tù thì mới có hiệu quả, mới có thể giúp lão Hoa chữa được bệnh ,của con trai lão được.

Có lẽ không ai là không biết rằng, máu của người tử tù, đó là máu của những người Trung Quốc yêu nước và chống lại Nhật Bản. để có được phương thuốc ấy đã phải lấy đi tính mạng của những con người đang ngày đêm cố gắng đem tất cả bình sinh của mình ra để bảo vệ cuộc sống của người thân, của những con người u mê, lạc hậu, mê muội đang cố lấy đi tính mạng của họ chỉ vì mê tín dị đoan, cố chấp, thiếu hiểu biết.

Vợ chồng lão Hoa và mọi người trong quán trà cố chấp cho rằng chỉ cần có chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù thì căn bệnh hiểm nghèo của Thuyên sẽ được chữa khỏi. Đặt niềm tin vào một phương thuốc phản khoa học ấy, lão Hoa đã bỏ rất nhiều tiền và công sức để tìm được chiếc bánh bao thần kì ấy, khi ông mang “thuốc” về, nó vẫn còn dính máu và đang nhỏ giọt, máu rất tươi, đó là một hình ảnh ghê sợ biết bao, ám ảnh biết cỡ nào mầy mà ông ta và nhiều người trong quán trà của vợ chồng lão đã rất vui vẻ vì nghĩ rằng con mình sắp hết bệnh và khỏe lại như bao người khác rồi. Để khi con trai chết vợ chồng lão cũng chẳng biết vì sao khi đã có thuốc rồi mà thằng Thuyên vẫn chết.

Ngoài ý nghĩa về một than thuốc để chữa căn bệnh lao phản khoa học đã làm cho Thuyên chết sớm, ở đây Lỗ Tấn còn đưa ra căn bệnh cũng đang rất cần có một phương thuốc để chữa, đó là căn bệnh gia trưởng, u mê, lạc hậu về mặt khoa học của người dân Trung Quốc.

Cha mẹ của thằng Thuyên vì lạc hậu thiếu hiểu biết nên mới tin và cho rằng chỉ cần một chiếc bánh bao có tẩm máu tươi của người tử tù thì Thuyên sẽ hết bệnh và thậm chí còn khỏe mạnh hơn, không chỉ có cha mẹ của thằng Thuyên mà còn có tất cả những người có mặt tại quán trà cũng tin như vậy, họ quá tin vào một chiếc bánh bao tẩm máu khi không hề có một chứng cứ xác thực nào cả.

Họ thậm chí không thèm tìm thử xem có một phương thuốc nào tốt hơn, chắc chắn hơn, có thuốc nhưng lại không phải mất đi tính mạng của người khác không mà họ không hề biết rằng chiếc bánh bao tẩm máu mà họ tìm kiếm ấy, bỏ tiền bạc và công sức để có được ấy thật ra chỉ là một liều thuốc độc mà thôi, nó giết chết một thằng Thuyên bị bệnh lao, hại chết Hạ Du làm cách mạng phải lấy máu tẩm bánh bao, ghê gớm hơn là nó giết chết cả tinh thần của người dân Trung Quốc.

Không chỉ là lạc hậu về phương diện khoa học, mà Lỗ Tấn còn lên án cả về đường lối chính trị của cách mạng của Trung Quốc. Lúc này, cách mạng Trung Quốc đang dò dẫm tìm đường, chưa hề có một con đường chính xác nào cho cách mạng Trung Quốc và đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, điều đáng tiếc ấy được thể hiện rất rõ qua nhân vật Hạ Du. Đó là do sự xa rời nhân dân, không quán triệt cho dân hiểu làm cách mạng mà không gần dân, xa rời dân chúng.

Làm cách mạng mà xa rời quần chúng đó chính là cái sai, cái lỗi để dẫn đến sự hi sinh vô ích của Hạ Du, cho dù anh là một người yêu nước, một nhà cách mạng nhưng người dân không hề hiểu và biết điều đó, Họ cho rằng anh là giặc, là tử tù và máu của anh có thể cứu sống được Thuyên. Máu để tẩm chiếc bánh bao chính là máu người chiến sĩ Hạ Du phải đổ xuống để giải phóng cho nhân dân.

Hạ Du đại diện cho một tầng lớp yêu nước và có lý tưởng lúc bấy giờ thế nhưng mọi người lại nhắc đến anh với sự miệt thị và khinh khi, đau đớn hơn là chính chú của Hạ Du lại là người đi báo án để hưởng được số tiền thưởng mà bọn phản quốc đang treo. Nếu có trách thì cũng trách con đường mà Hạ Du đã đi là sai.

Bởi vì nhân dân họ không biết điều mà Hạ Du đang cố gắng làm, thậm chí là mẹ anh cũng không biết con mình làm cái gì, họ chỉ biết anh là một tủ tù và cái tốt nhất từ anh chính là máu, mọi người cho rằng chỉ cần có máu của Hạ Du là bệnh của thằng Thuyên sẽ được chữa khỏi, thế nhưng đâu có phải như vậy. thằng Thuyên ăn bánh bao cũng chết, Hạ Du làm cách mạng sai đường Hạ Du đổ máu vô ích.

Những nhà cách mạng lúc ấy như một vì sao lẻ loi trên bầu trời đêm đen mà không hề có thêm một vì sao ở gần cả. Có lẽ nào Lỗ Tấn còn đang tìm thuốc để khai sáng con đường đi của cách mạng Trung Quốc để đạt được những thành quả tốt đẹp hơn, giải phóng cho con người lẫn tinh thần của nhân dân Trung Quốc. Qua tất cả những điều ấy cho thấy rõ ràng sự mê muội u tối của người dân Trung Quốc.

Ở cuối tác phẩm, khi hai người mẹ đến thăm mộ con mình, nghĩa trang được chia làm hai phần một bên là dành cho tử tù và một bên là dành cho người dân nghèo. Bà Hoa đến thăm mộ Thuyên và một lát sau gặp mẹ Hạ Du ngập ngừng đến bên mộ Hạ Du. Con đường phân hai bên nghĩa trang tượng trưng cho chính ranh giới mà con người tự đặt ra. Hai bà mẹ bước qua ranh giới ấy và an ủi lẫn nhau cho vơi sự đau xót trước sự ra đi của hai người con trai.

Sự đồng cảm, ca ngợi lý tưởng của người chiến sĩ Hạ Du qua vòng hoa được đặt bên nấm mộ của anh mà hai người mẹ vô cùng ngạc nhiên khi thấy được và không hề biết ai là người đã đặt ở đó.Phải chăng đó chính là ánh sáng nơi cuối đường, le lói con đường đi mới, một liều thuốc mới để đem lại hi vọng cho con người.

Như vậy, Thuốc của Lỗ Tấn không chỉ là thuốc để chữa những căn bệnh về thể chất, mà Thuốc còn là nỗi đau khi chưa tìm ra được một con đường trị “bệnh” cho dân tộc, mù mờ về tương lai của đất nươc khi mà người dân còn ngủ trong nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ, là tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn đối với hiện thực và tương lai của nước nhà.

Qua tác phẩm Lỗ Tấn đã nêu rõ thực trạng u tối của đất nước Trung Quốc và con đường cách mạng đang đi là sai vì nó hiu quạnh, không hề gần gũi với nhưng dân. “Thuốc” đã giúp xã hội Trung Quốc lúc này nhìn lại con đường mà mình đang đi là sai và cần phải tìm ra một con đường, chính sách mới thì mới có thể thành công, mới có một phương thuốc có thể chữa lành căn bệnh cho người dân.