Viết Văn Cảm Nhận Nhân Vật A Phủ trong Vợ Chồng A phủ
2 câu trả lời
Bn kham khảo nha
Tô Hoài là nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam. Với vốn hiểu biết sâu sắc phong phú về phong tục tập quán ở nhiều vùng miền và lối trần thuật hóm hỉnh sinh động, ông đã tạo ra những tác phẩm nổi tiếng đi vào lòng người đọc. Một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông chính là "Vợ chồng A Phủ".
"Vợ chồng A Phủ" là kết quả của chuyến đi thực tế cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Truyện ngắn được in trong tập "Truyện Tây Bắc" xuất bản năm 1953. Truyện kể về cuộc đời của hai nhân vật chính Mị và A Phủ. Hai nhân vật này đã góp phần làm nổi bật giá trị của truyện cũng như mục đích của tác giả khi sáng tác truyện ngắn này. Và nhân vật A Phủ là đại diện cho những chàng trai Tây Bắc gan bướng, cứng cỏi và không sợ cường quyền.
A Phủ có một lai lịch hết sức đặc biệt. Anh mồ côi cha mẹ, không người thân thích. Anh là người duy nhất trong gia đình sống sót qua nạn dịch. Năm mười tuổi, anh bị bắt đem bán để đổi thóc cho người Thái. Sau đó anh trốn lên núi và lưu lạc đến Hồng Ngài. Từ đây cuộc đời anh mới gặp nhiều sóng gió. Trong tác phẩm anh được xuất hiện trong đêm tình mùa xuân khi đánh nhau với A Sử con trai thống lí Pá Tra. Sự việc này đã phần nào hé mở về cá tính của nhân vật này.
Trước hết A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh và có tài. Anh là niềm mơ ước của nhiều cô gái. Từ đục lưỡi cày, chăn bò tót… anh đều làm rất thạo. Người ở Hồng Ngài ví nếu có anh ở trong nhà không khác gì có một con trâu tốt. Nhưng anh vẫn không lấy nổi vợ. Vì anh nghèo "chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn ở cổ". Mặc dù vậy, trong đêm tình mùa xuân anh vẫn cầm con quay đi tìm bạn tình. Vì vậy mới sinh sự ở Hồng Ngài.
A Phủ có một tính cách, cá tính rất mạnh mẽ. Năm mười tuổi khi bị bán để đổi thóc cho người Thái, phải ở cánh đồng thấp, anh không chịu được mà trốn lên cánh đồng cao. Chỉ chi tiết này thôi cũng phần nào hiểu được cá tính của anh. Đặc biệt anh không hề sợ con quan. Anh đánh nhau với A Sử – con trai thống lí Pá Tra. Anh đánh A Sử mà không phải sợ sệt hay kiêng nể chịu lép vế vì là con quan. Anh còn gan bướng cứng cỏi đến mức trong cuộc xử kiện, họ đánh đập chửi rủa anh, anh vẫn "im như một tượng đá". Khi trở thành đầy tớ không công cho nhà thống lí, anh vẫn tự do. Người nhà thống lí không thể trói buộc được anh. Ngày ngày anh rong ruổi nơi bìa rừng khắp chốn. Một mình anh chăn dắt đàn bò đến mấy chục con. Chẳng may một hôm vì mải mê bẫy nhím anh để hổ ăn mất một con bò. Nhưng anh không hề sợ hãi mà điềm nhiên vác nửa con bò về nhà thống lí. Không chỉ thế anh còn nói với thống lí xin đi bắt hổ về. Quả thực mặc dù trở thành nô lệ cho nhà thống lí nhưng anh vẫn không hề mất đi bản lĩnh, vẫn cứng cỏi, không sợ cường quyền. Cá tính mạnh mẽ của anh con được thể hiện qua tâm lí khi anh bị trói đứng. Anh đứng im cho người nhà thống lí trói mình, rồi không chịu được anh dùng răng nhai đứt mấy vòng dây mây. Anh mạnh mẽ đến mức bị trói đứng mấy ngày liền anh vẫn không hề than oán. Chỉ đến ngày thứ ba cảm nhận mình đã đến bên bờ cái chết anh mới tuyệt vọng để hai hàng nước mắt bò trên gò má. Cá tính mạnh mẽ của anh rất có lợi cho việc giác ngộ cách mạng sau này.
Bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình, Tô Hoài đã xây dựng được một nhân vật hết sức tiêu biểu cho những chàng trai miền Tây Bắc – A Phủ. Một chàng trai khỏe mạnh, có tài năng và cá tính mạnh mẽ. A Phủ là một biểu tượng của chàng trai núi rừng mộc mạc, chân chất. Đồng thời, xây dựng nhân vật A Phủ cũng góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện ngắn này.
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm xuất sắc nhất cũng là tác phẩm đề đời của nhà văn Tô Hoài trong tập “Truyện Tây Bắc”. Và một trong những thành công của truyện là nghệ thuật miêu tả nhân vật A Phủ. Khi miêu tả nhân vật A Phủ nhà văn đã cho thấy tài năng của mình khi bắt đầu kể chuyện từ thời điểm có ý nghĩa trong cuộc đời của A Phủ, để từ đó làm nổi bật lên tính cách của nhân vật. Và trong tác phẩm này, tác giả đã chú ý chọn lựa hai chi tiết tiêu biểu làm nên cá tính của A Phủ: Lần thứ nhất, lúc bị đánh trong cuộc xử kiện: “A Phủ chỉ quỳ, im như tượng đá. Lần thứ hai là lúc được Mị cởi trói: “A Phủ quật sức vùng lên chạy”. Đó là sức mạnh phản kháng ở người nông nô nghèo miền núi.
A Phủ xuất hiện trong tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc, đó là cảnh A Phủ đánh A Sử, con trai thống lí Pá Trá, khi hắn dám phá đám chơi của A Phủ và đám bạn. Ta tưởng đây là nhân vật có quyền thế nhưng không A Phủ cũng giống như Mị, anh là người nông nô nghèo bị gia đình Pá Tra áp bức, bộc lột và trở thành tôi đòi, con ở, nô lệ cho gia đình thống lí.
Tuổi thơ của A Phủ đầy bất hạnh, mới mười tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ trong dịch bệnh đậu mùa. A Phủ trở thành đứa bé tứ cố vô thân không cha mẹ, không anh em, không có ruộng, không có bạc, đã vậy lại bị người làng xấu bụng bán xuống núi thấp để đối lấy thóc, A Phủ không chịu liền trốn lên núi cao lưu lạc đến Hồng Ngài làm thuê làm mướn. Đến lớn, A Phủ trở thành một chàng trai khỏe mạnh, chăm chỉ cày ruộng cuốc đất. Nhưng dù lớn lên trong cảnh nghiệt ngã, A Phủ vẫn hồn nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống tự nhiên, yêu chính nghĩa. Anh vẫn đem sáo, đem khèn đi tìm người yêu.
Tuy nhiên, đâu chỉ có vậy, số phận nghiệt ngã đã biến A Phủ trở thành nông nô cho nhà thống lí chỉ vì đánh A Sử, người đã phá đám chơi của A Phủ và đám bạn. Trước khi trở thành nông nô cho nhà Pá Tra, A Phủ phải tham gia xử kiện mà không phải lỗi của mình. Anh bị đánh đập dã man, tàn bạo “mặt A Phủ xưng lên môi và đuôi mắt dập chảy máu”. Đến khi trở thành nông nô cho nhà thống lí Pá Tra, anh bị bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn ở ngoài gò ngoài rừng. Đặc biệt phải chịu hành hạ về nỗi đau tinh thần khi bị con ma trình mặt, phải chịu đựng những lời chửi rủa cay độc của mọi người và Pá Tra.
Nhưng một lần nữa, Tô Hoài lại cho thấy niềm tin của ông vào giá trị của con người. Nó không chỉ được thể hiện qua nhân vật Mị mà nó còn được thể hiện qua sức mạnh phản kháng ở nhân vật A Phủ. Điều này được nhà văn Tô Hoài chọn lựa chi tiết trong vụ xử kiện, khi bị bọn trai làng xô đến đánh, “A Phủ chỉ quỳ, im như tượng đá”. Nhiều người đọc đến đây cho rằng A Phủ hèn nhát, nhưng không, nếu hèn nhát thì sao A Phủ dám đánh A Sử có nạm vòng bạc ở cổ rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ mà chỉ riêng con cái nhà quan trong làng mới được đeo, ngược lại phải chăng hình ảnh “im như tượng đá” chính là một hành động của sự phản kháng, đó là biểu hiện bất tuân, nén nỗi căm giận vào trong lòng, không nói, không thanh minh đó chính là sức mạnh phản kháng tiềm ẩn bên trong con người nhân vật này.
Chính cá tính gan góc, mạnh mẽ đó của A Phủ đã tạo nên những con sóng ngầm ngày một mạnh mẽ bên trong anh. Khi hoàn cảnh càng trở nên nghiệt ngã, đau khổ thì sức phản kháng lại càng mạnh mẽ. Nó được thổi bùng trong lần miêu tả thứ hai về A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Sự kiện bắt đầu khi A Phủ vô tình để hồ vồ mất bò do mải bẫy nhím, bị cha con thống lí Pá Tra phát hiện và bắt đứng trói vào cột không cho ăn, không cho uống. Nhưng nhờ sự đồng cảm, tình thương người của Mị, cô đã cởi trói cứu giúp A Phủ. Và trong hoàn cảnh giữa ranh giới của sự sống và cái chết, một lần nữa tinh thần phản kháng ấy lại trỗi dậy và được tài năng Tô Hoài thể hiện “A Phủ bỗng ngã khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay. A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy”. Hành động của A Phủ có lẽ lúc đầu chỉ là ý nghĩ chạy trốn khỏi cái chết nhưng sau đó nó đã trở thành hành động đến với con đường giải phóng. Từ việc tìm đường đến nhận đường chính là ý thức làm người, là tinh thần phản kháng, là khát khao sống, khát khao được tự do và đó cũng chính là cơ hội tốt để sau này A Phủ làm du kích cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp Cách mạng.
Có thể nói, nghệ thuật miêu tả nhân vật A Phủ đầy sắc sảo của Tô Hoài đã tạo nên một hình tượng nhân vật đầy nam tính. Khát vọng tự do công bằng được biểu hiện ở A Phủ âm thầm, mạnh mẽ, hồn nhiên và cũng thật đơn giản. Tính cách của A Phủ mang phẩm chất tiêu biểu của người đàn ông chân chính dân tộc Mông.
Hai lần miêu tả A Phủ ở hai thời điểm khác nhau có ý kiến trái chiều cho rằng lần miêu tả thứ nhất A Phủ đã cam chịu, cam phận đến lần thứ hai thì đó mới là sức mạnh phản kháng thật sự. Điều này không sai, bởi lẽ A Phủ để mặc cho họ đánh vì sức của A Phủ không thể địch lại với sức của hàng trăm người ở đó, nó là sức cường quyền áp bức lên một người nông nô nghèo thân cô thế cô và hơn nữa ở lâu trong cái khổ thì cũng quen khổ rồi, ở cái đất Hồng Ngài dưới ách thống trị của nhà thống lí Pá Tra thì đâu cũng vậy thôi. Đó cũng chính là sự cam chịu của người nông nô vùng núi cao khi chưa có ánh sáng của Đảng, chưa có sự giác ngộ, chưa biết đoàn kết tạo nên sức mạnh chống lại cường. Và chính lần miêu tả thứ hai khi A Phủ quật sức chạy, nó không chỉ thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ ở anh mà hành động quật sức chạy đó phải chăng là cơ hội để A Phủ chạy gần đến bên Cách mạng, được giác ngộ để làm du kích sau này. Từ đây, ta có thể thấy được tài năng am hiểu nội tâm con người của Tô Hoài, ông thật sự là một cây bút già dặn khi nhìn thấy hai mặt đối lập ở một con người A Phủ vừa cam chịu số phận nhưng cũng vừa mạnh mẽ, can trường, bất khuất. Đó cũng chính là niềm tin bất diệt của nhà văn vào tâm hồn, sức sống, sự phản kháng quyết liệt ở con người trên đường đi tìm hạnh phúc, tìm lại chính mình.
Như vậy qua nghệ thuật miêu tả cuộc đời, tính cách của nhân vật A Phủ, Tô Hoài đã tố giác giai cấp thống trị miền núi đại diện là cha con nhà thống lí Pá Tra đã đẩy con người hiền lành chất phác như A Phủ vào cảnh bị cướp đoạt sức lao động, cướp đoạt quyền làm người. Viết về điều đó, nhà văn đã cảm thông với những khổ đau, bất hạnh của họ đồng tình với sự phản kháng quyết liệt để mở ra một lối thoát cho những người nghèo lao động miền núi. Qua đây, một lần nữa thể hiện tài năng nắm bắt cá tính con người và tấm lòng nhân đạo vô bờ bến của nhà văn Tô Hoài.