Viết một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do Ủy ban Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. vote 5 seo cho bạn nèo trả lời được hic đăng 2 lần rồi á:<<

1 câu trả lời

ở mỗi thời đại, giáo dục luôn đóng vị trí quan trọng trong đời sống con người. Mỗi người đều phải trải qua sự học nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích đúng đắn về việc học. Nói về vấn đề này, UNESCO có đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.”

Quan điểm của UNESCO có ý nghĩa gì? Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, thầy cô, bạn bè, từ những bài học thực tế cuộc sống. “Học để biết” trước hết là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở rộng kiến thức về đa dạng lĩnh vực của đời sống xã hội… Kiến thức của nhân loại vô cùng phong phú (đời sống tự nhiên, khoa học, văn hóa xã hội…) mà mỗi người chỉ là một giọt nước bé giữa đại dương tri thức. Vì vậy chúng ta cần không ngừng học hỏi, tìm kiếm, nghiên cứu, để từ không biết thành biết, biết ít thành biết nhiều và hiểu sâu sắc các vấn đề. Chỉ có học con người mới tự làm giàu phông kiến thức của mình và không bị lạc hậu so với thế giới đang chuyển mình liên tục từng ngày.

Thế còn “học để làm” được hiểu như thế nào? Người ta hay có câu “Học phải đi đôi với hành”, đúng vậy, mọi kiến thức lĩnh hội phải được vận dụng và áp dụng vào thực tế cuộc sống. UNESCO đề xướng ý kiến này, không chỉ là một mục đích mà còn là phương pháp học tập hiệu quả. Chỉ khi nắm chắc kiến thức thì ta mới sử dụng chúng để giải quyết và lựa chọn những giải pháp tốt nhất trong mọi vấn đề. Học mà không làm thì không tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần cho bản thân và xã hội.

“Học để chung sống” là một mục đích của việc học. Nó chỉ khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử để thích nghi linh hoạt với môi trường sống và các mối quan hệ xã hội phức tập của con người. Mỗi chúng ta đều là những cá thể nhỏ trong tập thể cộng đồng lớn rộng, vì vậy để sống có ích thì những lý thuyết suông sách vở là không đủ, con người cần biết những đạo lý sống, cách đối nhân xử thế với mọi người. Từ đó hình thành ý thức rèn luyện nên nhân cách, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp. Vậy chẳng phải là học để chung sống hay sao?

Và cuối cùng là “học để tự khẳng định mình”. “Tự khẳng định mình” là tạo lập được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trong cuộc đời. Mỗi người chỉ có thể khẳng định bản thân khi có đủ hiểu biết, năng lực, kỹ năng… Để xác lập được vị trí nhất định và được xã hội công nhận, đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện và tu dưỡng lâu bền. Đó chính là “học để tự khẳng định mình’’ đấy thôi.

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, một tấm gương cao cả cho quan niệm trên là chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm không ngừng nghỉ học tập, trau dồi, tích lũy, Bác đã bôn ba khắp chốn và tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bác không chỉ tự khẳng định mình, trở thành vị lãnh tụ vĩ đại muôn thời, mà còn khẳng định tầm vóc và vị thế của cả một đất nước trên trường quốc tế. Vậy tất cả chẳng phải là thành tích của quá trình học tập hay sao?

Như vậy, nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO hoàn toàn đúng đắn, đầy đủ, toàn diện. Quan điểm này phù hợp với yêu cầu đào tạo, giáo dục con người trong thời đại mới, nó không chỉ dành riêng cho lứa tuổi học sinh, sinh viên mà còn mang ý nghĩa với tất cả mọi người. Bởi lẽ học không bao giờ là đủ, “học, học nữa, học mãi”. Mỗi người cần xác định định hướng cụ thể của mình trong việc học, để xây dựng nhân cách và khẳng định bản thân, đồng thời giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, phồn thịnh hơn.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm
5 lượt xem
2 đáp án
7 giờ trước