Viết một đoạn văn 200 chữ Phân tích khổ thơ thứ 7 của bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh). Dẫu xuôi về phương Bắc Dẫu ngược về phương Nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh - một phương
1 câu trả lời
Ở khổ thơ này, ta lại bắt gặp một vẻ đẹp của người phụ nữ khi yêu: đó là lòng thủy chung, son sắt “Dẫu ... một phương”. Trước hết ở hai câu thơ đầu, chúng ta thấy cách diễn đạt của Xuân Quỳnh thật thú vị: “Dẫu xuôi về phương Bắc/Dẫu ngược về phương Nam”. Trong cách nói quen thuộc của người Việt Nam, người ta thường chỉ nói “xuôi Nam ngược Bắc”. Thế nhưng Xuân Quỳnh lại viết “xuôi Bắc ngược Nam”. Phải chăng, nhà thơ muốn khẳng định cho dù vạn vật luôn đổi thay, cuộc đời luôn điên đảo, lòng người dễ thay đen đổi trắng, dễ biến ngược thành xuôi, thì người phụ nữ vẫn luôn thủy chung son sắt trong tình yêu. Nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật điệp cấu trúc “Dẫu…” nhằm khẳng định sự mạnh mẽ, táo bạo và chân thành của người phụ nữ khi yêu. Dù có phải trải qua tất cả những thay đổi thăng trầm, người phụ nữ vẫn luôn thủy chung với tình yêu và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Khép lại trong lòng người đọc là hai câu thơ:“Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh – một phương”. Hai câu thơ này tác giả đã cho người đọc thấy tiếng lòng da diết của người phụ nữ khi yêu. Xuân Quỳnh đã khẳng định một cách chân thành, mạnh mẽ: Dù ra Bắc hay vào Nam, dù đi ngược hay về xuôi, dù lên rừng hay xuống biển, dù ở bất cứ nơi đâu, dù có đi tới chân trời góc bể, dù em có phải cách xa đến chừng nào thì em vẫn luôn nghĩ về anh, luôn hướng về anh. Và dù trời đất vũ trụ có bốn phương, tám hướng thì trái tim em chỉ có một phương duy nhất – phương anh. Tấm lòng thủy chng trong tình yêu là vẻ đẹp gắn liền với truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Ca ngợi về tấm lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu đã khẳng định giá trị nhân văn cao đẹp trong thơ Xuân Quỳnh.