Viết đoạn văn: phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin nơi tản cư không chứa người làng Việt gian.

1 câu trả lời

Trong văn học hiện đại Việt Nam, Kim Lân được xem là nhà văn của nông thôn, của những người lao động bình thường, chân chất. Làng của ông là một minh chứng cho những truyện ngắn đặc sắc của ông về mảng đề tài đó. Câu chuyện xảy ra trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó người nông dân đã có những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của mình về làng quê, về đất nước, về cách mạng,… Điều đó đã đem đến cho trang sách của ông những tình cảm đẹp đẽ, tươi mới về người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Có lẽ sau khi đọc truyện Làng, ai cũng bị ấn tượng bởi tình yêu làng của ông Hai. Đó là một tình yêu sâu nặng, chân thành. Một tình yêu mộc mạc mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở mọi người dân quê Việt Nam. Nhưng đặc biệt ở chỗ, tình yêu làng ở ông Hai trở thành niềm say mê, hãnh diện, thể hiện rõ ở thói quen “khoe làng” của ông.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông Hai khoe làng Chợ Dầu của mình đẹp, giàu có, trù phú “nhà ngói san sát, đường làng lát toàn đá xanh, khi đi trời mưa, bùn không bén gót chân”. Trong mắt ông Hai, làng Chợ Dầu là ngôi làng đẹp nhất, sầm uất nhất, là niềm tự hào, hãnh diện của mình. Ông có thể ngồi hàng giờ nói về làng của mình, thậm chí gặp ai ông cũng kể về làng Chợ Dầu. Tình yêu làng Dầu khiến ông Hai trở nên mụ mẫm đến nỗi tất cả những gì thuộc về làng Dầu đều là một niềm kiêu hãnh, cả cái dinh quan tổng đốc làng ông, cái công trình khiến bao người dân vô tội như ông phải đổ mồ hôi thậm chí cả máu để xây dựng nên nhưng cuối cùng “cái đình ấy như của riêng mấy thằng kì lí chuyên môn khua khoét, hống hách”. Cái đình chứa bao “sự ức hiếp đè nén” trong mắt ông cũng rất đẹp, đẹp như chính làng Chợ Dầu của ông vậy.

Nhưng khi đã được giác ngộ cách mạng, ông Hai không còn khoe về sự giàu có của làng Dầu. Ông khoe về tinh thần chiến đấu của làng mình, về các “cụ già râu tóc bạc phơ mà vẫn tập một hai“, về các “anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá…”, về cái đài phát thanh, thậm chí cả cái chòi gác dựng ở đầu làng ông. Chính Cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi con người ông, từ sau khoá bình dân học vụ, ông đã biết đọc, biết viết và quan trọng hơn, ông đã có nhận thức về kháng chiến, về Đảng, Bác Hồ. Ở nơi tản cư, ông trở nên bận rộn hơn và đường như lúc nào ông cũng làm việc quan trọng: ông vào phòng thông tin nghe đọc báo, ngồi nói chuyện với mọi người. Tâm trạng ông lúc nào cũng vui mừng, náo nức, nhất là khi nghe tin đột kích. Chúng ta có thể nhận thấy tình yêu làng của người nông dân như ông Hai đã trở thành tình yêu đất nước, Tổ quốc. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, lòng ông cũng hướng về làng Chợ Dầu. Khi ngồi nói chuyện với mấy người mới đến tản cư, nhắc đến làng Chợ Dầu ông “quay phắt lại, lắp bắp hỏi” thông tin. Và tình yêu làng của ông được bộc lộ rõ nét nhất khi ông Hai nghe tin đồn làng Dầu theo Tây, làm Việt gian.

Khi nghe tin ấy, ông Hai sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố không chịu tin vào cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không muốn tin cũng phải tin. Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”, về đến nhà, ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn đàn con “nước mắt ông lão giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ?”. Rồi ông “Nắm chặt hai tay lại mà rít lên” chửi bọn ở làng “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này ?”.

Có lẽ chúng ta không thể tin được một con người như ông Hai, một người vui vẻ, suốt ngày chỉ ra ngoài để nói về chuyện đột kích, chuyện làng Dầu nay lại ru rú ở nhà than khóc, chửi bới. Tâm trạng ông rối bời, nửa tin nửa ngờ vào cái chuyện khủng khiếp ấy. Suốt mấy ngày hôm sau, ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng tình hình bên ngoài. Vợ ông nhắc đến chuyện đó, ông gạt đi. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông,.., là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi ! Lại chuyện ấy rồi.”.

Khi nghe tin làng theo giặc, hai tình cảm: một bên là làng, một bên là nước dẫn đến một cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai. Ông đã dứt khoát chọn theo cách của ông: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng, vì thế mà ông càng đau xót, tủi hổ. Ông Hai đã bị đẩy vào thế bế tắc, tuyệt vọng khi mà mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Đi đâu bây giờ ? Không ai muốn chứa chấp dân của cái làng “Việt gian”. Mặc dù chưa biết đi đâu nhưng ý nghĩ quay về làng là không có. Vì trở về làng có nghĩa là “chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”, là phản bội lại Đảng, Cụ Hồ. Chính lúc này, chúng ta mới thấy hết được tình yêu làng của ông Hai. Thật cảm động khi ông ôm đứa con út vào lòng, trò chuyện với nó.

Khi tâm trạng bị dồn nén, ông trút nỗi lòng vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con nhỏ, rất ngây thơ. Qua đó, ông muốn tự nhủ với mình, tự giãi bày với lòng mình. Ông muốn đứa con ghi nhớ câu “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” và muốn nó biết tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.”. Đó chính là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng mà chân thành, bền vững của ông Hai – một người nông dân với quê hương, đất nước, với Cách mạng và Bác Hồ và các tình cảm đó không chỉ còn là niềm tự hào mà còn là niềm tự tôn, là danh dự của ông Hai.

Khi nghe tin cải chính làng Dầu không theo Tây, ông “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy”. Ông vội vã đi hết nhà này đến nhà khác để báo tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng em vừa mới lên trên này cải chính… cải chính tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.”. Chúng ta tự hỏi điều gì khiến cho ông Hai vui mừng khi làng Dầu thân yêu của ông bị “đốt nhẵn”? Đó là bằng chứng cho danh dự của làng ông, cho tấm lòng son sắt, thuỷ chung của người dân làng Dầu. Và cũng từ hôm đó, ông Hai lại đi kể cho hàng xóm chuyện làng Dầu. Chuyện “hôm Tây vào khủng bố. Chúng nó có bao nhiêu thằng, bao nhiêu Tây, bao nhiêu Việt gian, đi những đường nào, đốt phá những đâu đâu, và dân quân tự vệ làng ông bố trí, cầm cự ra sao, rành rọt, tỉ mỉ như chính ông lão vừa dự trận đánh giặc ấy xong thật… ”

Chúng ta có thể gặp một ông Hai như thế trong bất kì người nông dân Việt Nam nào. Tác giả Kim Lân rất tài tình khi tạo tình huống truyện văn miêu tả tâm lí nhân vật. Có lẽ ông phải rất gần gũi với những người nông dân mới xây dựng nên một nhân vật ông Hai giản dị mà thân thuộc đến vậy.

Qua nhân vật ông Hai, chúng ta thấy rõ tình yêu làng, yêu nước của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến đã có sự chuyển biến. Nó trở thành một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, một trách nhiệm của người công dân. Đọc xong truyện ngắn Làng chúng ta có thêm niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến vì có những người như ông Hai.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm
3 lượt xem
2 đáp án
23 giờ trước