Viết đề tài về Bác Hồ đối với các chiến sĩ , bồ đội

2 câu trả lời

TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ

Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất.

Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.

Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”. “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”.

Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hoà nhiệt độ. Bác bảo: Mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! (Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xã thơm).

Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nêu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm.

Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:

- Các đồng chí có nước ngọt uống không?

- Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!

Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:

- Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu.

Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.

Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác mua lợn để đón xuân.

Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 luợng vàng).

Bác bảo:

- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”

Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần.

Là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, là người cha thân yêu của những người cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, và trên cơ sở vững mạnh về chính trị, sẽ xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại luôn nhất quán và xuyên suốt. Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam từng in dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của bộ đội phòng không (1/4/1953). Và sau đó, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 69 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh- ngày 19/5/1959, Trung đoàn Hàng không đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Luôn được Người quan tâm, chăm lo xây dựng và ngày một trưởng thành, cùng với những thắng lợi của đồng bào miền Nam ở tuyến đầu Tổ quốc, ngày 21/10/1963 theo quyết định của Bộ Quốc phòng, các lực lượng Phòng không và Không quân đã hợp lại thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Cùng đó, đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng và đồng chí Đặng Tính là Chính uỷ kiêm Bí thư Đảng uỷ.

Việc thành lập quân chủng đánh dấu một bước phát triển, trưởng thành của quân đội nhân dân trước yêu cầu của tình hình mới. Quyết định đó không chỉ đáp ứng nguyện vọng thiết tha của cán bộ và chiến sĩ Phòng không và Không quân, mà còn tạo nên một nguồn sức mạnh mới trong cuộc chiến bảo vệ “vùng trời” của Tổ quốc, trong việc bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, làm hậu thuận vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Quan tâm cụ thể đến những vấn đề thuộc về tổ chức lực lượng, về nâng cao trình độ tác chiến, về ý chí và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Phùng Thế Tài và đồng chí Đặng Tính: “Phải phát huy được sức mạnh sau khi hợp nhất, sẵn sàng cùng các lự lượng vũ trang nhân dân đập tan mọi âm mưu đên tối của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa…”[1]. Theo lời Người, mỗi cán bộ chiến sĩ của Quân chủng, từ vị Tư lệnh cho đến người phi công, người chiến sĩ ngồi trên mâm pháo, tất cả “đều phải tôi luyện ý chí, quyết tâm, nắm vững nghệ thuật đánh địch trên không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc”[2].

Thực hiện chỉ thị của Người, và các Nghị quyết của Đảng, những công việc liên quan đến công tác tổ chức, chính trị, tư tưởng; đến ý chí và quyết tâm chiến đấu của bộ đội Phòng không - Không quân được tiến hành rất khẩn trương. Trên tinh thần: “Chúng ta yêu chuộng hoà bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta kiên quyết đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ tự do độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta”[3], với nguồn sức mạnh của sự hợp lực, quân chủng Phòng không - Không quân đã thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện để đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch, đồng thời khẳng định ý chí kiên quyết đánh thắng kẻ thù và giữ vững niềm tin tất thắng.

Trước một kẻ thù tàn bạo và quỷ quyệt, có tiềm lực vật chất, kỹ thuật mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khát khao chiến thắng, khát khao giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Người còn truyền đến cán bộ, chiến sĩ lòng tin vững chắc vào một ngày mai thắng lợi. Người từng nhấn mạnh sự đoàn kết, đồng lòng, đồng chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng và nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và Người cũng nói, cán bộ chiến sĩ quân chủng Phòng không- Không quân phải tin tưởng là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định thua, dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.52, B.57 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng, v.v..bởi rằng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Câu hỏi trong lớp Xem thêm