Vì sao Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “ Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác, ngoài con đường cách mạng vô sản”. Nhận định trên đúng hay sai?Vì sao?

1 câu trả lời

Hồ Chí Minh sinh ra trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, giai cấp phong kiến từng bước nhượng bộ, đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp, các cuộc đấu tranh chống Pháp lần lượt thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào tình thế “dường như trong đêm tối không có đường ra”. Năm 1911, Người rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước. Khác với các nhà yêu nước trước đó ra nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ, học tập, “cầu viện”, hoặc đào tạo cán bộ để chỉ đạo, chuẩn bị lực lượng, phát động phong trào đấu tranh trong nước, Hồ Chí Minh quyết định sang Pháp.

Những nhận định ban đầu của Người về nước Pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Đặc biệt, với bước ngoặt tư tưởng khi tiếp xúc với “Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, có thể nói, Hồ Chí Minh đã tìm ra được chìa khóa cho con đường cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới; giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới: “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”(1).

Hồ Chí Minh ví chủ nghĩa đế quốc là một một con đỉa hai vòi, vòi này nó hút máu nhân dân thuộc địa, vòi kia hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động chính quốc. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ cách mạng ở chính quốc và thuộc địa để cắt cả hai vòi của con đỉa ấy. Hồ Chí Minh ví chủ nghĩa tư bản như một con rắn độc, trong đó nọc độc và sức sống của nó tập trung ở các thuộc địa nhiều hơn là ở chính quốc. Hồ Chí Minh cho rằng, những người khinh thường cách mạng thuộc địa, đề cao cách mạng chính quốc là những người “muốn đánh chết rắn đằng đuôi”.

Một bước tiến mới, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa đã được thể hiện trong tác phẩm Đường Cách mệnh. Trong tác phẩm này, bên cạnh luận điểm “Nếu công nông Pháp cách mệnh thành công thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư sản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ”(2). Như vậy, từ những nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân và phong trào đấu tranh ở thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đưa ra dự đoán mang tính then chốt: cách mạng thuộc địa có thể thành công trước cách mạng chính quốc, cách mạng Việt Nam có thể thành công trước cách mạng Pháp. Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận định: “Luận điểm của Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,...nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”(3).

Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng thực chất là để giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong xã hội. Do đó, để làm cách mạng thành công, trước hết phải xác định đúng đắn mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn thời đại. Người nhận thấy ở Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản cần phải giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc cướp nước; Hai là, mâu thuẫn giữa đông đảo quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, với giai cấp địa chủ phong kiến. Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: Mâu thuẫn cơ bản trên thế giới lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa các giai cấp đi áp bức bóc lột và các giai cấp bị áp bức bóc lột; mâu thuẫn cơ bản ở Việt Nam cần tập trung giải quyết là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc cướp nước và tay sai của chúng.

Từ những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh đi đến xác định lực lượng nòng cốt của cách mạng. Người cho rằng, chính các giai tầng bị áp bức bóc lột sẽ là người thực hiện cuộc cách mạng lật đổ các giai cấp thống trị mình, giành lấy quyền sống và quyền độc lập, tự do cho chính họ. Với Việt Nam, lực lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản... Trong đó, “...ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết...công nông bị áp bức nặng hơn... công nông là đông nhất nên sức mạnh hơn hết,... nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc... nên công nông là gốc cách mệnh”(4).

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng đó phải là, và chỉ có thể là giai cấp vô sản, trên cơ sở đoàn kết rộng rãi với tất cả các giai tầng yêu nước. Điều này được biểu hiện rõ nét trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Khi thời cơ cách mạng đến, Hội nghị Đảng toàn quốc tháng 8-1945 nhận định: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và Đồng minh”(5). Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Bằng sức lực, trí tuệ của dân ta, chưa đầy một tháng, cách mạng đã thắng lợi trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng CNXH.

Tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, Việt Nam đã giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong những năm xây dựng CNXH ở miền Bắc, một quan điểm luôn được Hồ Chí Minh quán triệt là nếu trước đây nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, trường kỳ kháng chiến thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà. Tư tưởng đó đã khơi dậy sự sáng tạo và trở thành động lực to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.