Từ khi thành lập đến nay, Liên Hợp quốc có vai trò như thế nào đối với thế giới? Trong vai trò đó, việt nam có đóng góp gì
2 câu trả lời
Vào những ngày này, chúng ta đang chứng kiến những sự kiện đầy ý nghĩa trong quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc. Ðược quan tâm lớn ở nước ta, đồng thời thu hút sự chú ý của nhiều nước và báo chí quốc tế là việc Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) sẽ bỏ phiếu về việc Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 16-10-2007 tới tại Trụ sở của LHQ tại New York.
Chúng ta cũng đang cùng các tổ chức LHQ kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập LHQ (1977 - 2007), đồng thời thực hiện thí điểm sáng kiến "Một Liên hợp quốc" trong khuôn khổ cải tổ hệ thống phát triển LHQ. Những sự kiện này đang mở ra triển vọng đóng góp lớn hơn nữa của Việt Nam vào công việc của LHQ. Và vì vậy, đây là dịp để chúng ta nhìn nhận vai trò của LHQ trong thế giới ngày nay và điểm lại những nét chính về sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động của tổ chức này trong 30 năm qua.
Tại Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ năm 2000 và Hội nghị cấp cao năm 2005 kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập LHQ được tổ chức tại Trụ sở LHQ ở Niu Oóc, các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của LHQ, coi tổ chức toàn cầu này là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Trước hết, sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong những dòng đầu tiên của Hiến chương LHQ là sự phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc mới trải qua những mất mát chưa từng có trong chiến tranh thế giới thứ hai - đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một cơ sở toàn diện cho hòa bình, các quốc gia thành viên đề ra mục đích hàng đầu của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của LHQ là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho LHQ vai trò là trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc hướng theo những mục đích đó.
Ðể tạo điều kiện về tổ chức, thể chế cho LHQ đảm nhiệm được vai trò của mình, các quốc gia đã quy định trong Hiến chương những nguyên tắc cho quan hệ giữa các quốc gia và hoạt động của LHQ mà sau này trở thành những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Cùng với đó là bộ máy gồm sáu cơ quan chính chịu trách nhiệm về các lĩnh vực hoạt động khác nhau là Ðại hội đồng (ÐHÐ), Hội đồng Bảo an (HÐBA), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Quản thác (chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh năm 2005), Tòa án quốc tế và Ban Thư ký. Trong số đó, Hội đồng Bảo an được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và được các quốc gia ủy quyền đưa ra các biện pháp, kể cả các biện pháp cưỡng chế nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, chống lại các đe dọa xâm lược, phá hoại hòa bình.
Vai trò quan trọng của LHQ cũng thể hiện qua thực tiễn hoạt động trong hơn 60 năm qua, tác động tích cực, to lớn đến mọi mặt của đời sống quốc tế và từng dân tộc tuy rằng tổ chức này đã phải trải qua nhiều khó khăn và chịu một số hạn chế. Từ con số 51 quốc gia thành viên vào năm 1951, LHQ hiện có tới 192 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm các cơ quan chính nêu trên, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực. Nói đến số lượng thành viên đông đảo như hiện nay của LHQ, chúng ta có thể kể đến thành công của LHQ trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa, góp phần đưa các vùng lãnh thổ không tự quản gồm tới 750 triệu người trở thành 80 quốc gia độc lập.
Ðóng góp lớn nhất của LHQ là đã góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong 62 năm qua. Một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của LHQ. Theo thống kê của LHQ, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực.
Theo yêu cầu của các bên trong xung đột, LHQ đã triển khai 60 hoạt động gìn giữ hòa bình (HÐGGHB LHQ) nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các bên đi đến các thỏa thuận chấm dứt xung đột và thực hiện các thỏa thuận đó. LHQ đã soạn thảo và xây dựng được 15 công ước quốc tế về giải trừ quân bị, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định thế giới. Vì những hoạt động kể trên, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được trao tặng Giải thưởng Hòa bình Nobel vào năm 1988, sau đó Tổ chức LHQ và ông Tổng Thư ký Kofi Annan được tặng Giải thưởng này vào năm 2001.
Trong lĩnh vực phát triển, việc tạo môi trường kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế bình đẳng và quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nước đang phát triển là ưu tiên trong hoạt động của LHQ, trong đó có việc nhằm thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha hiện nay về thương mại vì phát triển. Từ năm 1960, ÐHÐ LHQ đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển; bên cạnh đó, các tổ chức LHQ đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của các nước này. Tại diễn đàn này, các quốc gia đã ký kết hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực của giao lưu quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển (năm 1982), đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, các quốc gia thành viên đã xây dựng các văn kiện cơ bản nhất trong lĩnh vực nhân quyền là Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị làm cơ sở cho hơn 80 công ước, tuyên bố được thông qua sau này về các vấn đề khác nhau về quyền con người.
Tại Hội nghị cấp cao thế giới năm 2005, các nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí về ý nghĩa sống còn của việc xây dựng một hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy LHQ làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức đa dạng, toàn cầu như hiện nay. Tại các Hội nghị Thiên niên kỷ năm 2000, Hội nghị cấp cao năm 2005 và mới đây nhất là Phiên thảo luận cấp cao chung Khóa 62 ÐHÐ LHQ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, các vị lãnh đạo các quốc gia đã đề ra những định hướng lớn cho công việc của LHQ trong thời gian tới. Ðó là thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các mối quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ; đóng góp tích cực vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có việc thực hiện Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, để toàn cầu hóa trở thành một lực lượng tích cực đối với toàn thể nhân dân thế giới; thực hiện cải tổ toàn diện LHQ. Hiện nay, LHQ đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể theo các định hướng này. Thực tế cho thấy những nhân tố quyết định thành công các hoạt động của LHQ là ý chí chính trị của các quốc gia và sự tôn trọng những nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Ngay sau khi dân tộc vừa giành lại được độc lập vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho nước Việt Nam mới viết thư gửi Khóa họp đầu tiên của Ðại hội đồng tổ chức tại Luân Ðôn (tháng 1-1946) khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của LHQ và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung của tổ chức thế giới mới đó.
Kể từ đó, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt, phấn đấu vì những mục tiêu thiêng liêng của cả dân tộc, đồng thời cũng là những lý tưởng của LHQ là hòa bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc, và cũng từ đó để mỗi con người có thể vươn lên đạt những hoài bão xứng với địa vị, phẩm giá của mình. Chính những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đạt được cũng là thắng lợi của những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, góp phần vào việc thực hiện những lý tưởng của Liên hợp quốc.
Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức là thành viên của LHQ. Ngay từ những ngày đầu tham gia LHQ, Việt Nam đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Ðông - Nam Á. Ðồng thời, chúng ta tích cực cùng nhiều quốc gia thành viên các nước thúc đẩy LHQ thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của LHQ, tăng cường sự phối hợp giữa các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ độc lập và quyền tự quyết của các dân tộc, cải thiện môi trường kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quyền con người.
Trong những năm qua, hoạt động của nước ta tại LHQ thể hiện rõ nét đường lối đối ngoại của chúng ta là độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Ðông - Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh trở thành một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác, không có vũ khí hạt nhân và đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN. Mối quan hệ được mở rộng với các nước. Việc quan hệ của nước ta được mở rộng về mặt ngoại giao với 174 nước và về kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng với việc nước ta là thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn toàn cầu và khu vực đã tạo những điều kiện thuận lợi mới cho hợp tác giữa nước ta với các quốc gia thành viên khác trong các công việc của LHQ.
Trong các lĩnh vực công việc cụ thể của LHQ, Việt Nam với tư cách là một trong 66 thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị tại Genève đã tích cực tham gia vào các hoạt động của diễn đàn nhằm thực hiện mục tiêu giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do LHQ đề ra. Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HÐBA về báo cáo các biện pháp thực hiện các điều ước này, mới đây đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và ký Nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Bảo đảm Hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chúng ta ủng hộ các cố gắng của các nước cùng LHQ tìm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột khu vực và đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách có hiệu quả vào HÐGGHB LHQ, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam. Chúng ta coi trọng việc tăng cường đối thoại với các nước, hợp tác quốc tế trong và ngoài LHQ trên các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy quyền con người, trong đó có việc báo cáo về việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và tham gia vào các cơ chế nhân quyền của LHQ như ECOSOC, Ủy ban về các vấn đề xã hội của ÐHÐ, Ủy hội nhân quyền và nay là Hội đồng nhân quyền LHQ.
Việt Nam được LHQ đánh giá cao về việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, triển khai thành công đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị LHQ về phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực, tài chính cho phát triển, nhà ở, nhân quyền, dân số và phát triển, phụ nữ, trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, phòng chống HIV/AIDS...
Chúng ta cũng đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao đối với vấn đề cải tổ LHQ, hiện đang đóng góp cụ thể vào việc đổi mới hệ thống phát triển của LHQ bằng việc cùng các tổ chức LHQ thực hiện có kết quả Sáng kiến "Một Liên hợp quốc" ở Việt Nam sau khi được LHQ chọn làm một trong tám nước trên thế giới thực hiện thí điểm sáng kiến này.
Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào công việc của LHQ, các quốc gia thành viên đã nhiều lần bầu Việt Nam vào cơ chế lãnh đạo của nhiều cơ quan LHQ như Phó Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ, thành viên ECOSOC, Chủ tịch Ðại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành tổ chức UNDP/UNFPA, Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Hội đồng điều hành các tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hội đồng chấp hành các Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng quản trị Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Xuất phát từ đường lối đối ngoại nêu trên và với mong muốn đóng góp hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hòa bình - an ninh quốc tế, từ năm 1997, Việt Nam đã ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của HÐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009. Trong 10 năm qua, chúng ta đã tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò quan trọng này. Tháng 10-2006, Việt Nam được Nhóm các nước châu Á nhất trí đề cử là ứng cử viên của châu lục và cho tới nay đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước. Tại Phiên thảo luận cấp cao vừa qua của ÐHÐ LHQ, thay mặt cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định sự cam kết, đồng thời trình bày những hướng tham gia cụ thể để có thể đóng góp hết sức mình vào việc thực hiện sứ mạng cao cả của Cơ quan này.
Với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, Việt Nam quyết tâm phối hợp cùng các quốc gia thành viên LHQ và các đối tác của LHQ phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức LHQ vì lợi ích chung của các dân tộc.