Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” nhà văn Kim Lân đã hai lần miêu tả giọt nước mắt của bà cụ Tứ khi Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà giới thiệu : “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?” và sau khi chấp nhận cô con dâu: “ Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật: Kể ra có được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng”. (Kim Lân- Ngữ văn 12, tập hai, NXB giáo dục Việt Nam,2015,trang 28, tr29) Phân tích hình ảnh bà cụ Tứ trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật tình thương con của nhân vật.
2 câu trả lời
A. Mở bài
- Giới thiệu về nhà văn Kim Lân
- Giới thiệu truyện " Vợ nhặt"
- Khát quát vấn đề: Chi tiết hai lần bà cụ Tứ khóc: “Bà lão cúi đầu…qua cơn đói khát này hay không” và “kể có ra… thương quá” khi Tràng đưa cô vợ nhặt đã càng làm rõ cho giá trị nhân đạo của tác phẩm
B. Thân bài
1. Tóm tắt tác phẩm
2. Phân tích
- Giới thiệu về bà cụ Tứ
+ Một bà mẹ nghèo, già nua, “lẩm nhẩm tính toán” theo thói quen của người già.
+ Bà là dân ngụ cư và sống cùng với con trai tên là Tràng.
+ Dáng đi “lom khom”, chậm chạp, vừa đi vừa “ho húng hắng”.
- Hoàn cảnh dẫn đễn việc anh Tràng có vợ.
+ Nạn đói năm 1945, giữa thời buổi đói khát đến quay quắt, khi con người đang phải đối diện với cái chết, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch lại tình cờ “nhặt” được vợ.
+ Trong buổi chiều nắng heo hắt, tối sầm vì đói khát và chết chóc, Tràng đưa cô “vợ nhặt” về nhà
- Tâm trạng của bà cụ Tứ
+ Bà bất ngờ khi thấy có cô gái đứng đầu giường con trai bà.
+ Khi biết thị là vợ của con trai mình, trong đầu bà có bao nhiêu suy nghĩ ập đến. Nhưng rốt cuộc, bà lão cũng chỉ “cúi đầu nín lặng”.
⇒ Đó là giọt nước mắt của tình thương mang tấm lòng bao la của một người mẹ. Giọt nước mắt chứa chan nỗi niềm, vừa mừng vừa tủi của cụ khi con mình lấy được vợ.
+ Trong nội tâm của bà cụ Tứ lúc này chính là nỗi ai oán, xót thương, nỗi lo lắng dành cho các con dâng trào. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…”
+ Cảm xúc xót xa cho số phận nghèo khó, hoàn cảnh ngoặt nghèo của gia đình mình, nhưng cũng ánh lên tình yêu thương của một người mẹ. Tất cả những cảm xúc đang chất chứa trong lòng tích lại thành những dòng nước mắt và “rỉ xuống” qua kẽ mắt “kèm nhèm” của bà cụ Tứ.
+ Sự vất vả, khổ cực của bà cụ Tứ có lẽ được thể hiện chân thực và đầy đủ nhất qua chi tiết này, khi người phụ nữ nông dân ấy trải qua đầy những khổ hạnh của cuộc đời.
⇒ Giọt nước mắt tố cáo tội ác chiến tranh. Bà cụ Tứ là điển hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những phẩm chất tốt đẹp: bao dung, vị tha, giàu tình thương yêu và tinh thần lạc quan.
C. Kết bài
- Đánh giá
- Nêu cảm nghĩ.
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Kim Lân
+ Năm sinh - năm mất
+ Quê quán
+ Phong cách sáng tác
+ Tác phẩm tiêu biểu
- Giới thiệu tác phẩm: Vợ nhặt
+ Xuất xứ
+ Nội dung
- Giới thiệu hình ảnh bà cụ Tứ trong hai lần miêu tả trên
2, Thân bài
a, Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến chi tiết 1
- Nạn đói 1945
- Tràng nhặt vợ
- Tâm trạng của bà cụ Tứ
b, Phân tích chi tiết 1 => Làm nổi bật lên hình ảnh bà cụ Tứ
- Ngạc nhiên
- Thương bản thân mình
- Xót xa cho số phận của mình
c, Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến chi tiết hai
- Sau khi Tràng nhặt được vợ
d, Phân tích chi tiết 2 => Làm nổi bật lên hình ảnh bà cụ Tứ
- Thương Tràng
- Thương người con dâu
3, Kết bài
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
II, Bài văn tham khảo
Những năm tháng trước cách mạng tháng Tám, số phận người nông dân trong trang viết của các nhà văn khốn khổ đến mức tột cùng. Ở Ngô Tất Tố, ta bắt gặp chị Dậu với bầu trời tăm tối, ở Nguyễn Công Hoan là tình cảnh cho vay lấy lãi nặng nề. Còn đến Kim Lân, sau nỗi đau của ông Hai, nhà văn lại tìm về với nạn đói 1945 với câu chuyện ngắn “Vợ nhặt”. Kim Lân – nhà văn được mệnh danh là cha đẻ của đồng ruộng, là nhà văn một lòng đi về với đất với trời với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam. Văn Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, lối kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân không chỉ thành công ở việc xây dựng tình huống truyện độc đáo mà còn có biệt tài trong việc xây dựng các chi tiết truyện đặc sắc. Trong đó, chi tiết miêu tả giọt nước mắt của bà cụ Tứ khi Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà giới thiệu là một chi tiết tiêu biểu, góp phần làm nên thành công của tác phẩm.
Bà Tứ là người dân xóm ngụ cư vốn không được coi trọng ở vùng nông thôn lúc bấy giờ. Hơn nữa, xóm ngụ cư của bà Tứ cái đói đã tràn đến từ lúc nào. Người chết như ngả rạ. xác chết nằm còng queo bên đường…Trong cuộc sống như vậy, mẹ con bà Tứ hẳn nhiên phải đối mặt với cái đói khát và cái chết cận kề. Ngôi nhà bà Tứ “đứng rúm ró” trên một mảnh vườn mọc lổn nhổn những khóm cỏ dại. Trong nhà chỉ có vài vật dụng sơ sài. Suốt cuộc đời, bà Tứ phải vật lộn với miếng ăn, với cuộc sống mưu sinh, sống trong sự nghèo khổ, sống trong cuộc sống dai dẳng của mình. Nghĩ đến cuộc đời của mình, bà Tứ vừa buồn vừa khổ, vừa xót xa cho số kiếp của mình, của con mình.
Truyện ngắn “Vợ nhặt” được đặt trong bối cảnh nạn đói thê thảm năm 1945 với trên hai triệu đồng bào nước ta bị chết đói. Trong cái chết bủa vây ấy, Tràng dẫn cô vợ về nhà ra mắt mẹ. Sự kiện này làm xáo động cả vùng quê, cả xóm ngụ cư nghèo khổ. Họ ngạc nhiên vì trong thời buổi đói khát này, Tràng lại liều mạng rước thêm một miệng ăn. Là người trong cuộc nhưng chính Tràng cũng ngạc nhiên không kém, anh không thể ngờ được mình lại có vợ, vợ theo, lấy vợ một cách hiển hách. Rồi đến cả bà cụ Tứ, dường như bà như không dám tin vào mắt vào tai mình. Việc Tràng dẫn người con gái lạ về ra mắt mẹ đã khiến cho bà cụ Tứ ngạc nhiên. Khi vào nhà, bà lão “đứng sững lại”. Bà tự đặt ra một loạt những câu hỏi trong suy nghĩ “Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “Sao lại chào mình bằng u?”, “Ai thế nhỉ?”. Ngay cả khi Tràng mở lời: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ !”, bà Tứ vẫn “băn khoăn” không dám tin về sự xuất hiện của người vợ nhặt. Tâm trạng của bà cụ Tứ khi nhìn thấy sự xuất hiện của người vợ nhặt trong nhà giúp cho tình huống Tràng nhặt vợ trở nên chân thực, khách quan.
Chi tiết miêu tả giọt nước mắt thứ nhất của bà cụ Tứ ở phần giữa của tác phẩm, khi anh Tràng đưa thị về ra mắt bà Tứ là một chi tiết nhỏ nhưng lại có sức ám ảnh và lay động người đọc. Khi hiểu ra “cơ sự”, người mẹ nhạy cảm nhận ra cảnh bi hài của câu chuyện, để rồi nỗi tủi thân đã hóa thành nước mắt “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Lòng bà ngổn ngang trăm mối, chồng chất bao nỗi niềm suy tư. “Kẽ mắt kèm nhèm” là sự hiện hình của một bức chân dung đầy khổ hạnh của người phụ nữ nông dân lớn tuổi. Là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng: tình thương con thắt lòng. Từ “rỉ” miêu tả giọt nước mắt ít ỏi, khó khăn. Dường như bà cụ Tứ đang phải kìm nén cảm xúc của chính mình, bao nhiêu tủi phận, cay đắng, xót xa như nghẹn lại trong lòng khiền bà không thể khóc. Hình ảnh “giọt nước mắt” trong lần miêu tả thứ nhất của bà cụ Tứ khiến người đọc đắng lòng bởi số kiếp nghèo khổ, khốn khó, tội nghiệp của con người. Biết bao nhiêu cơ cực của cuộc đời đã chất chứa, dồn tụ và ứ nghẹn trong dòng nước mắt hiếm hoi, ít ỏi ấy. Viết về hình ảnh “giọt nước mắt”, Nguyễn Khuyến trong bài Khóc Dương Khuê cũng có câu:
“Tuổi già như hạt lệ sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”
hay Nam Cao khi miêu tả nước mắt của Lão Hạc “Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra”. Những năm tháng trải đời với biết bao cay đắng khiến cho họ dù đau đớn nhưng cũng đã cạn khô nước mắt , chai sạn với cuộc đời nên những dòng nước mắt chỉ là sự “rỉ” ra hiếm hoi mà thôi.
“Giọt nước mắt” ấy thể hiện sự hờn tủi cho thân phận nghèo khổ, xót thương cho đứa con của bà cụ Tứ. Bà cụ tủi thân vì cho rằng mình chưa làm tròn bổn phận người mẹ “chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Với người phụ nữ Việt Nam thì nào đâu chỉ có việc mang nặng đẻ đau, nuôi con trưởng thành, mà còn phải lo cho con yên bề gia thất. Cha mẹ nào chưa lo được tấm chồng, cô vợ cho con thì chết không nhắm mắt được. Với quan niệm truyền thống ấy, bà cụ Tứ cũng hiện lên đầy tâm sự. Trong lời độc thoại ở trên, bà đã thầm so sánh “người ta” với “mình”, nghĩ đến người ta, bà thấy tủi thân mình, vì người ta giàu có, có của ăn của để lo được cho con, còn bà thì có “dăm ba mâm cơm” cũng không lo được cho con. Đằng sau dấu chấm lửng mà Kim Lân cố tình để lại ấy là nỗi lòng, là nước mắt của người mẹ già tội nghiệp. Rồi bà xót thương cho “số kiếp đứa con mình” vì bà hiểu rằng con trai bà không được bình thường, không được may mắn như con nhà người. Hơn nữa, Tràng lại lấy vợ trong hoàn cảnh đáng thương bởi bà hiểu trong hoàn cảnh nà nuôi mình còn chẳng nổi lại còn phải đèo bòng thêm một đứa. Điều này đã chứng tỏ bà cụ Tứ là một người mẹ nghèo thương con. Tuy nhiên, thương thì ai cũng thương nhưng tình thương của bà còn chất chứa cả nỗi đau, tủi hờn, ai oán.
Chi tiết miêu tả bà cụ Tứ khóc lần thứ hai “nước mắt cứ chảy ròng ròng xuống” vẫn xuất hiện trong cuộc gặp gỡ người con dâu. Nếu như lần miêu tả thứ nhất giọt nước mắt của bà Tứ, Kim Lân dùng từ “rỉ” thì lần này, nhà văn lại sử dụng từ láy “ròng ròng”. Cách khóc “ròng ròng” giống như một sự giải tỏa, gột rửa những nỗi đau, tủi hận. Tiếng khóc lúc này không còn là sự kìm nén mà còn là sự giãi bày. Bà khóc để sẻ chia lòng mình, để tìm được sự thông cảm từ các con. Nhưng thật đặc biệt là lúc này anh Tràng đã đi ra ngoài, chỉ còn lại không gian riêng giữa bà Tứ và nàng dâu. Điều này đã cho thấy bà Tứ không chỉ thương con trai, thương bản thân mình mà còn thương người đàn bà xa lạ. Dường như hai người đàn bà đã tìm thấy điểm chung. Đó chính là sự sẻ chia, nương tựa vào nhau của những mảnh đời khốn khó. Khi miêu tả giọt nước mắt lần hai, Kim Lân đã sử dụng từ láy “ròng ròng”.
Tuy nhiên, giọt nước mắt lần thứ hai đã cho thấy một diễn biến tâm lý hoàn toàn khác của bà Tứ. Nếu như lần thứ nhất, bà chua xót cho số phận của mình, thương con trai thì lần thứ hai “mừng”cho hạnh phúc của các con. Bao nhiêu nỗi niềm được nén lại của người mẹ trong mấy chữ:“Ừ! thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Mẹ chỉ “mừng lòng” chứ không phải là “vui lòng”. Vì một lẽ giản đơn, đặt trong hoàn cảnh đói kém như thế nỗi mừng chưa đủ để gọi là vui. Nhưng chính câu nói ấy đã xua tan nỗi phấp phỏng lo âu cho Tràng, xóa đi nỗi bẽ bàng, lo sợ cho người con dâu, thổi vào tâm hồn đôi trẻ một luồng gió mới và mở ra một hạnh phúc trong tầm tay. Bà cụ khuyên nhủ, động viên con những điều chí tình, đôn hậu, tràn đầy niềm lạc quan. Là người từng trải, kinh qua bao nỗi nhọc nhằn nên người mẹ ấy hiểu lắm, cảm thông lắm. Khổ đau, đói rét không quật ngã được người mẹ ấy vì mẹ tin rằng: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đó cũng là triết lý sống dân gian đã dưỡng nuôi bao tâm hồn con người Việt. Mẹ động viên “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá…”. Lời động viên ấy là lời chí tình là cả niềm tin mãnh liệt của bà. Bà dặn dò, bảo ban hai con “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”. Lời khuyên ấy của người mẹ là món quà vô giá, gói trọn bao tình yêu thương vô bờ của bà dành cho các con. Tấm lòng người mẹ ấy cao đẹp biết nhường nào!
Hơn nữa, bà còn lo lắng cho tương lai của các con. Kim Lân hai lần tả bà cụ Tứ khóc và bốn lần trực tiếp tả nỗi lo lắng của bà: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không ?”. Nghĩ về cuộc đời mình bà lại càng lo cho con: “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không ?”. Lần thứ hai, người mẹ nghèo khổ ấy để những giọt nước mắt lo lắng, tủi buồn của mình chảy ròng ròng trên khuôn mặt già nua khắc khổ:“Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Đến lúc nghe tiếng trống thúc thuế đầu làng, bà cụ lại một lần nữa xót xa: “Giời đất này không biết có sống qua được không các con ạ?”. Nỗi lo lắng ấy và nước mắt bao lần chảy xuôi chính là lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ Việt Nam. Thật đáng tự hào và quý trọng biết bao.
Gạt đi nước mắt để sống lạc quan, bà là điểm tựa cho hạnh phúc của đôi vợ chồng son. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn nhà cửa như để đón chào một cuộc sống mới tươi vui hơn “làm ăn có cơ khấm khá hơn” đang mở ra ở phía trước. Khuôn mặt bà cụ Tứ có sự thay đổi từ “bủng beo u ám” nay đã “rạng rỡ hẳn lên”. Kim Lân đã làm thay đổi mạch cảm xúc của toàn bộ câu truyện. Cái khuôn mặt ấy ngày hôm qua “bủng beo u ám” bao nhiêu thì hôm nay “rạng rỡ” bấy nhiêu đã làm cho sức sống của câu truyện bỗng bừng sáng ở những dòng cuối. Bà cụ Tứ quả thật đã như được hồi sinh lần thứ hai. Bà đã nhóm lên bếp lửa niềm tin cho các con bằng chính ngọn lửa lạc quan đang thắp sáng cõi lòng bà. Bữa ăn đầu đón nàng dâu thật thảm hại nhưng tất cả đều ăn rất ngon, vui vẻ. Dù ăn cả “chè khoán” bằng cám nhưng bà cụ vẫn tươi cười, chuyện trò rôm rả, thân mật với hai con. Bà lão nói “toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Hình ảnh đàn gà trong câu chuyện của bà cụ Tứ như một liều thuốc tinh thần mở ra bao điều tốt đẹp. “Đôi gà – đàn gà” là sự sinh sôi – sự sinh sôi lấn át sự huỷ diệt, sự sống lấn át cái chết. Chính câu chuyện ấy đã thổi hồn vào bữa ăn, vào khát vọng hạnh phúc của Tràng và người đàn bà. Về điều này, Kim Lân khẳng định “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”. Đó cũng là tinh thần của nhân dân ta từ bao đời nay “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. (Ths Phan Danh Hiếu)
Có thể nói, chi tiết “dòng nước mắt” đã thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhan đạo sâu sắc. Chỉ “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ nhưng ta có thể thấy được tình cảnh xã hội những năm trước cách mạng, trong nạn đói 1945. Đặc biệt, đó còn là sự cảm thông thương xót những người nông dân khốn khổ, là sự tố cáo xã hội, tố cáo giai cấp thống trị đã đè nén áp bức người dân. Nhưng đặc biệt nhân đạo ở đây là sự ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người mẹ mà Kim Lân dành nhiều tâm huyết vào ngòi bút của mình. Chi tiết “dòng nước mắt” còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc. Dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng nội dung ý nghĩa truyền tải lại rất lớn, diễn tả chân thực, sinh động nội tâm nhân vật.
“Cái đẹp cứu vớt con người” (Đôxtôiepki). Vâng Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã có đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đsoi nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn người đọc chính là điểm sáng tuyệt vời nhất.