Trình bày vai trò , chức năng của thương mại đối với phát triển đất nước ? Giúp dùm em ạ :3

2 câu trả lời

Vai trò ngành thương mại:

- Hoạt động thương mại có vai trò điều tiết sản xuất. Ngành thương mại phát triển giúp cho sự trao đổi được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hóa. Hoạt động thương mại có vai trò hướng dẫn tiêu dùng.

– Nội thương: Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong một quốc gia. Nội thương phát triển góp phần đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động theo vùng và lãnh thổ.

– Ngoại thương: Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia. Sự phát triển của ngành ngoại thương góp phần làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới rộng lớn.

Vai trò của thương mại trong phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam

Thứ nhất, thương mại thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, thương mại đã từng đóng vai trò khá quan trọng đó là xóa bỏ nền sản xuất nhỏ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy ra đời nền sản xuất hàng hóa (hàng hóa sản xuất ra để trao đổi). Trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, vai trò của thương mại lại được khẳng định như một mắt xích không thể thiếu được trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Thương mại tác động tích cực thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội ở nước ta, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất, hướng sản xuất theo nền sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nguồn hàng lớn cung cấp cho nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Thương mại là yếu tố trực tiếp thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thông suốt trong vùng các trọng điểm kinh tế của đất nước. Sự hoạt động của thương mại bên cạnh chịu sự chi phối của các quy luật nền kinh tế hàng hóa, còn thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, cung ứng tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng và mua các sản phẩm ở vùng kém phát triển, kinh tế khó khăn để thúc đẩy kinh tế hàng hóa ở các vùng này phát triển, đẩy lùi kinh tế tự nhiên rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, cân bằng lại các hoạt động kinh tế.

Thứ hai, thương mại thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước

Vai trò của thương mại dịch vụ được gắn kết trong sự phát triển ngành công nghiệp xây dựng, ngành nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác của quốc gia, được đánh giá theo các mục tiêu từng năm, từng kỳ kế hoạch đề ra. Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nguyên vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thương mại cung ứng các tư liệu sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho sản xuất tiến hành một cách thuận lợi. Hàng hóa sản xuất ra của các ngành, các lĩnh vực rất cần đến mạng lưới thương mại để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, thực hiện khâu trung gian để điều tiết cung cầu. Khi hàng hóa được tiêu thụ nhanh sẽ rút ngắn được chu kỳ tái sản xuất và tốc độ tái sản xuất. Vì vậy, thương mại mở con đường tiêu thụ sản phẩm cho ngành sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Trong thời kỳ thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, mọi sản phẩm hàng hóa đều được Nhà nước phân chia theo một cách nhất định, thương mại chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định trước. Nền kinh tế có sức ì lớn, các thành phần kinh tế không được khuyến khích phát triển, quan hệ cung cầu vốn đã mất cân đối lại càng mất cân đối hơn. Nhưng từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế thị trường đã góp phần kích thích sản xuất phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho nhân dân.

Hoạt động thương mại thông qua cơ chế thị trường kích thích các nhà sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị và quy trình công nghệ, ứng dụng khoa học vào quản lý để nền sản xuất ngày một phong phú tiên tiến hơn, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những tiến trình quan trọng trên con đường CNH- HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH- HĐH là một quá trình chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó thị trường và thương mại có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động thương mại có tác dụng phát triển thị trường trong nước và ngoài nước thông qua xuất nhập khẩu. Hàng hóa tiêu thụ nhanh, giá trị hàng hóa được thực hiện, phần tích lũy trong cơ cấu giá cả hàng hóa được hình thành. Như vậy, hoạt động thương mại góp phần đẩy mạnh sản xuất, tích lũy vốn cho sự nghiệp CNH- HĐH của nước ta trong thời kỳ hội nhập.

Thứ ba, thương mại thúc đẩy phát triển các ngành khác của nền kinh tế

Vai trò của thương mại trong nền kinh tế chung là: kích thích phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đổi mới chất lượng số lượng lao động và tư duy kinh doanh, thể hiện đáp ứng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm như máy móc thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng… Đưa tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình chuyển giao công nghệ. Tác động tới quá trình phân công, phân phối các nguồn lực, thực hiện chuyên môn hóa hình thành cơ cấu ngành nghề kinh doanh có hiệu quả và tạo ra các nhu cầu mới. Thông qua các hợp đồng thương mại (bán buôn, bán lẻ) được ký kết với cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành từ đó đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Cũng nhờ có sự lưu thông này mà mối quan hệ giữa ngành thương mại và các ngành khác ngày càng chặt chẽ cùng thúc đẩy nhau phát triển.

Thứ tư, thương mại thúc đẩy việc phân phối các nguồn lực

Đối với các địa phương có dân số đông, nguồn lao động tương đối dồi dào, đa dạng, nhu cầu lao động cũng không kém phần đa dạng. Chính những đối tượng này đã góp phần trong việc chọn ngành nghề và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong địa bàn. Thương mại không những là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là trung gian phân phối nguồn lực tài chính để tham gia kinh doanh, thực hiện lưu thông và luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp sản xuất tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Thứ năm, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại

Quan hệ thương mại với các nước trên thế giới sẽ ngày càng được củng cố vì lợi ích từ hai phía, thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tại chỗ, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nối liền sản xuất với tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là vốn ngoại tệ và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, quan hệ thương mại góp phần hay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Như vậy, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế không chỉ phạm vi trong nước mà còn phạm vi quốc tế, làm cho thương mại địa phương thâm nhập được thị trường ngoài nước. Vai trò hoạt động thương mại trong nền kinh tế của địa phương với quan hệ kinh tế quốc tế là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam.

Chúc bạn học tốt !!!