Trình bày nội dung CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức? Liên hệ với vấn đề CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay

1 câu trả lời

Từ Đại hội Đảng lần thứ III, Đảng ta luôn coi công nghiệp hóa (CNH) là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đảng ta xác định thực chất của CNH xã hội chủ nghĩa là ''Quyết tâm thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện phân công mới về lao động xã hội là quá trình tích lũy xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng''. Quan điểm này tiếp tục được các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo củng cố và mở rộng.

CNH là một giai đoạn tất yếu của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn tiến lên CNXH, nhất thiết phải trải qua CNH. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) giúp phát triển lực lượng sản xuất, làm thay đổi căn bản công nghệ sản xuất, tăng năng suất lao động. Đây là thời kỳ tạo tiền đề vật chất để không ngừng củng cố và tăng cường vai trò của kinh tế nhà nước trong điều tiết sản xuất và dẫn dắt thị trường. Đồng thời, CNH-HĐH là động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện tăng cường củng cố an ninh-quốc phòng và là tiền đề cho việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức tham gia một cách có hiệu quả vào sự phân công và hợp tác quốc tế.

Trong quá trình CNH-HĐH, nước ta có thuận lợi cơ bản là nước đi sau, có thể học hỏi được kinh nghiệm thành công của những nước đi trước và có cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện quá trình này. Trước đây, nước Anh thực hiện CNH đầu tiên, phải mất 120 năm; nước Mỹ đi sau, chỉ mất 90 năm; sau nữa là Nhật Bản xuống còn 70 năm; và các nước công nghiệp mới (NICs) có hơn 30 năm. Việt Nam thực thực hiện quá trình này trong bối cảnh loài người đang bắt đầu chuyển sang phát triển kinh tế tri thức (KTTT), với sự bùng nổ của tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ gen, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới... đúng như tiên đoán của C. Mác và Ph. Ăng-ghen từ giữa thế kỷ XIX: ''Tri thức sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp''. Đây chính là cơ hội lịch sử hiếm hoi mà thời đại tạo ra để các nước đi sau như Việt Nam rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước đi trước. Việc chuyển nền kinh nước ta sang hướng phát triển dựa vào tri thức trở thành yêu cầu cấp thiết không thể trì hoãn.

Chính vì thế, tại Đại hội lần thứ IX, lần đầu tiên, Đảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển KTTT ''Đi  nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế- xã hội, từng bước phát triển KTTT ở nước ta''. Tới Đại hội X, việc phát triển KTTT được thể hiện rõ với tư cách là một yếu tố cấu thành đường lối CNH-HĐH đất nước: ''Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển KTTT, coi KTTT là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH-HĐH. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”. Và Đại hội XI, với định hướng chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, Đảng ta tiếp tục khẳng định: ''phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển KTTT, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp đi lên CNXH, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta phải tiến thành đồng thời hai quá trình: Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp (CNH-HĐH); chuyển từ kinh tế nông-công nghiệp lên KTTT. Trong khi ở các nước đi trước, đó là hai quá trình kế tiếp nhau, thì ở nước ta, tận dụng cơ hội là nước đi sau, hai quá trình này được lồng ghép với nhau, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, tức là gắn CNH-HĐH với phát triển KTTT.

Năm 2000, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đưa ra định nghĩa: ''KTTT là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, tạo ra việc làm trong tất cả các ngành kinh tế''. Khác với nền kinh tế công nghiệp, chủ thể là công nhân với các công cụ cơ khí, cho năng suất lao động cao; còn nền KTTT, chủ thể là công nhân trí thức với công cụ là tạo ra tri thức, quảng bá tri thức và sử dụng tri thức. Phát triển KTTT nước ta là thực thi chiến lược vận dụng tri thức mới vào tất cả các ngành kinh tế, làm tăng nhanh giá trị của sản phẩm; giảm tiêu hao tài nguyên và lao động. Nước ta xác định, KTTT là công cụ hàng đầu để rút ngắn thời gian thực hiện quá trình CNH-HĐH.

Nội dung trung tâm của thực hiện CNH-HĐH gắn với phát triển KTTT là lựa chọn để có thể bỏ qua một số thế hệ công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ cao, công nghệ mới nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao. Trong ''Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, ngoài một số mục tiêu khối lượng như: tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD... còn có một số chỉ tiêu về chất lượng, như là những nấc thang trên lộ trình CNH-HĐH, phát triển KTTT. Cụ thể là: tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 45% GDP; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt 35%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5-3%/năm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 30-35%...

Để đạt những chỉ tiêu trên điều tiên quyết là phải cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Đồng thời phải sử dụng tri thức mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, chế biến nông sản, năng lượng... và đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn bằng cách đổi mới công tác đào tạo nhân lực, đưa tri thức sản xuất, kinh doanh, tri thức khoa học công nghệ đến với người nông dân; sử dụng công nghệ sinh học làm gia tăng giá trị các mặt hàng nông-lâm-thủy sản.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nước ta có được sự lựa chọn rộng rãi để tăng nhanh hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Chúng ta cần phải đẩy mạnh việc sử dụng những tri thức mới của nhân loại bằng nhiều hình thức khác nhau, như nhập khẩu trực tiếp công nghệ; nhập khẩu công nghệ gián tiếp qua thu hút đầu tư; mua bằng sáng chế hay mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc. Nhưng điều quan trọng hơn, ngoài phần nhập khẩu công nghệ cứng như nói ở trên, cần chủ động học hỏi và nhập khẩu những công nghệ mềm như công nghệ quản lý, kinh nghiệm sử dụng nhân tài, đổi mới thể chế kinh tế... và đổi cách cải tiến để thích nghi với điểu kiện nước ta. Công nghệ và tri thức của nhân loại sau một thời gian luôn bị thay thế bởi công nghệ và tri thức mới, do đó việc tiếp cận với chúng là liên tục và không có điểm dừng. Đây là điều kiện để chúng ta rút ngắn quá trình CNH-HĐH gắn với việc vận dụng tri thức mới vào tất cả các ngành kinh tế.

Như trên đã nói, chúng ta phải đồng thời lồng ghép 2 qua trình là CNH-HĐH và phát triển KTTT, do đó phải kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, với các đề xuất sau:

Một là, xây dựng 2 trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lấy đây là đầu tàu, là mô hình tiêu biểu cho phát triển công nghệ của cả nước và là nơi thu hút, nuôi dưỡng công nghệ và tri thức mới của nhân loại.

Hai là, đẩy nhanh quá trình xây dựng thị trường khoa học-công nghệ theo hướng mọi tri thức, công nghệ đều được trao đổi, mua bán, chuyển giao thuận lợi trên thị trường, được nuôi dưỡng bằng tinh thần cạnh tranh bình đẳng.

Ba là, sử dụng công cụ tín dụng và thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bỏ qua các thế hệ công nghệ trung gian, đi thẳng vào các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.

Bốn là, tạo môi trường thuận lợi để các tập đoàn xuyên quốc gia không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mà còn xây dựng cả cơ sở đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chất lượng cao, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp.

Năm là, khuyến khích du học sinh ra nước ngoài học tập và có chính sách đãi ngộ thích đáng để thu hút số du học sinh này về nước làm việc hay lập nghiệp.

Sáu là, cần có một chiến lược phát triển khoa học-công nghệ với những bước đi thích hợp. Ở giai đoạn đầu, hướng về sự tiếp cận, tiếp thu, chuyển giao công nghệ mới, trong đó ưu tiên xây dựng các khu công nghệ cao cấp vùng để thu hút công nghệ mới. Hình thành một số cơ sở nghiên cứu-ứng dụng đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới gắn sản xuất kinh doanh. Giai đoạn tiếp theo sử dụng cơ chế tài chính khuyến khích đối tác nước ngoài hợp tác với cơ sở trong nước trong phát triển công nghệ mới. Trên nền tảng đó, tạo ra năng lực nghiên cứu nội sinh giúp các nhà khoa học và cơ sở sản xuất trong nước tiến tới vận dụng và làm chủ những công nghệ và tri thức mới của nhân loại.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm