Trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ sau:Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Một mai[1], một cuốc, một cần câu, Thơ thẩn dầu ai[2] vui thú nào. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Rượu, đến cội cây[3], ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao[4]. (Theo Ngữ văn 10, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 129) ko chép mạng

1 câu trả lời

Chào em, em tham khảo gợi ý:

Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ chữ Hán và rất đậm nét trong thơ chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hội tụ đầy đủ những nội dung phong phú, đa dạng của chữ nhàn: “rỗi nhàn”, “thân nhàn”, “phận nhàn”, “thanh nhàn”. Nhàn là sống thuận theo tự nhiên: “Dẫu nhẫn chê khen dầu miệng thế - Cơ cầu tạo hóa mặc tự nhiên”. Nhàn là đối lập với danh lợi: “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”. Nhàn là triết lí, là thái độ sống, là tâm trạng. Qua chữ nhàn mà thấy được chân dung triết gia Trạng Trình, chân dung người thầy Tuyết Giang Phu tử, chân dung bậc đại ẩn Bạch Vân cư sĩ. Dẫu chưa phải là tất cả những qua chữ “nhàn” mà thấy được chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bài thơ Nôm số 73 nói trên là bài thơ “Nhàn”, là bức chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm chụp từ 3 góc độ: cuộc sống, tâm hồn, trí tuệ.

Góc độ thứ nhất, Nhàn là bức chân dung cuộc sống Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể đề  dưới bức chân dung này ba chữ: thuận, đạm, thanh.

Cuộc sống thuần hậu thể hiện ngay trong hai câu thơ đầu:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ lao động: mai để đào, cuốc để xới đất, cần câu để bắt cá. Cách dùng số từ tính đếm rành rọt: “Một…, một …, một …” cho thấy tất cả đã sẵn sàng, chu đáo.

Câu thơ như đưa ta trở về với cuộc sống chất phác nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền” (nước đào giếng, cơm cày ruộng). Cụ Trạng mà lại về với đời sống tự cung tự cấp thì cũng là một sự ngông ngạo trước thói đời. Ngông ngạo mà không ngang mà cứ thuần hậu, nguyên thủy: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Ai thơ thẩn? Ai ung dung? Cụ Trạng chứ còn ai? Chữ “ai” vốn để nói về người, ở đây lại nói về mình? Đọc lên nghe thật thú vị.

Cuộc sống bậc đại ẩn am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Sự đạm bạc là ở những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá đỗ. Các món ăn đạm bạc cây nhà lá vườn này là mình tự lo, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy còn ở, còn sinh hoạt? Cũng tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác. 

Đạm bạc chứ không khắc khổ. Đạm đi với thanh. Cuộc sống thanh cao trong sự trở về với tự nhiên, mùa nào thức ấy. Hai câu thơ có một bộ tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Có mùi vị, có hương sắc. Không nặng nề, không ảm đạm. “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá” nói như Xuân Diệu là có cảm giác “ăn giá tuyết, uống băng đông”. “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” thì vừa có nước trong, vừa có hương thơm thanh quý.

Góc độ thứ hai, Nhàn là bức chân dung tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có hai chữ đề dưới bức chân dung này: đẹp và vui.

Đẹp trong yêu và ghét. Yêu thiên nhiên nên trở về sống với tự nhiên. Yêu đến độ hòa hợp, đến độ giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào thiên nhiên cũng là môi trường sống thanh tao. 

Tuyết Giang Phu tử yêu và trọng nhân cách. Về với thiên nhiên, sống hòa thuận theo tự nhiên là thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, là không bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn an nhiên khoáng đạt. 

Nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa: 

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

“Vắng vẻ” đối lập với “lao xao”, “ta” đối lập với “người”. Ta tìm nơi vắng vẻ là nơi không người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và nơi thảnh thơi của tâm hồn. Người đến chốn lao xao là đến chốn cửa quyền, là đường làm quan. Chốn lao xao, sang trọng thì có ngựa xe tấp nập, kẻ hầu người hạ, thủ đoạn thì có bon chen, luồn lọt, sát phạt. Thơ nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự phủ nhận danh lợi:

Để rẻ công danh đổi lấy nhàn

(Thơ Nôm - Bài 13)

Tìm đến sự thanh cao, tìm thấy sự thư thái của tâm hồn, Bạch Vân cư sĩ vui, niềm vui thốt lên thành lời: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. 

Niềm vui như hiện lên trong bước đi ung dung, “thơ thẩn”. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, cứ “thanh thản, thoải mái một cách kì lạ. Đau khổ ư? Lo toan ư? Mệt mỏi ư? Trút sạch sành sanh”. 

Góc độ thứ ba, Nhàn là bức chân dung trí tuệ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có hai từ đề dưới bức chân dung này: sáng suốt và uyên thâm.

Trạng Trình là một bậc thức giả với trí tuệ vô cùng tỉnh táo. Tỉnh táo trong sự chọn lựa: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, mặc cho “Người khôn, người đến chốn lao xao”. Tỉnh táo trong cách nói đùa vui, ngược nghĩa, dại mà thực chất là khôn còn khôn mà hóa dại. Phải lấy câu thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm để giải thích câu thơ Nôm của ông. Trong bài “Trung Tân ngụ hứng” (Ngụ hứng ở quán Trung Tân), Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Nhân xảo ngã giả chuyết,

Thùy tri chuyết giả đức.

Ngã chuyết, nhân giả xảo,

Thùy tri xảo giả tặc.

(Người xảo ta thì vụng,

Ấy vụng thế mà hay.

Ta vụng người thì xảo,

Ấy xảo thế mà gay)

“Vụng” và “xảo” không theo nghĩa vụng về và khéo léo. “Vụng” có nghĩa là vụng dại. “Xảo” có nghĩa là khôn ngoan. Nhưng khi tác giả khẳng định “vụng là đức tính tốt” (chuyết giả đức) thì phải hiểu vụng đây là sự ngay thẳng chân thật. “Xảo là giặc” (xảo giả tặc) thì phải hiểu “xảo” chính là sự giả dối, nham hiểm. Ở một bài thơ khác Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.

(Thơ Nôm - Bài 94)

Như vậy thì dại, khôn, vụng xảo ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là xuất phát từ trí tuệ, triết lí dân gian: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. 

Trạng Trình là bậc triết gia với trí tuệ uyên thâm. Người đời đã từng dệt nên huyền thoại sấm Trạng Trình biết năm trăm năm về trước, biết năm trăm năm về sau. Thực ra bậc đại trí này nắm vững lẽ biến dịch, hiểu thấu quy luật họa/ phúc, bĩ/ thái, cùng/ thông, đắc/ táng,... Vì vậy mà có nhãn quan tỏ tường. Với cái nhìn thông tuệ thì tìm đến “say” chỉ là để “tỉnh”:

Rượu đến cội cây ta sẽ nhấp,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Cuộc sống nhàn dật này là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ. Trí tuệ nhận ra công danh, của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao. Trí tuệ nâng cao nhân cách để nhà thơ từ bỏ chốn lao xao quyền quý tìm đến nơi vắng vẻ đạm bạc mà thanh cao.

Chữ nhàn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là cùng dòng với chữ nhàn của Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Những bậc đại hiền này nhàn thân mà không nhàn tâm. Nó khác xa lối sống nhàn “độc thiện kì thân” (làm tốt cho riêng mình). Ở thơ chữ Hán bài “Tự thuật”, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Lão lai vị ngải tiên ưu chí,

Đắc, táng, cùng, thông khởi ngã ưu.

(Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi,

Cùng, thông, được, mất ta đâu có lo cho riêng mình)

Đọc thơ nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm là phải đọc trong mối “tiên ưu” ấy mới có thể hiểu sâu sắc bức chân dung Nhàn của nhà thơ.