tính đúng đắn, sáng tạo của đảng trong xây dựng đường lối tiến hành đồng thời 02 chiến lược cách mạng ở Đại hội III (9/1960)
2 câu trả lời
Năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi ấy trở thành một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, đồng thời đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là do nhiều nhân tố hợp thành, trong đó nhân tố có tính quyết định là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7 năm 1954), tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1954), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và đang trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam. Thực tiễn của lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Với dã tâm chiếm Đông Dương làm bàn đạp mở rộng chiến tranh xâm lược, Mỹ đã hất cẳng Pháp khỏi miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ - Diệm thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Giữa năm 1956, chúng tuyên bố từ chối Hiệp thương Tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ và công khai hô hào “lấp sông Bến Hải” để “Bắc tiến”. Những hoạt động của Mỹ đã bộc lộ rõ dã tâm của chúng là biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự để mở rộng chiến tranh xâm lược miền Bắc, từng bước đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.
Nhận rõ kẻ thù, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1 năm 1959), Đảng ta chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng. Trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9 năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên. Từ nhận diện rõ kẻ thù, nhất là âm mưu, thủ đoạn, chính sách cơ bản của chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt đánh giá đúng tương quan lực lượng địch - ta, từ đó đề ra đường lối cách mạng đúng đắn.
Đường lối cách mạng của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng ta vạch ra đó là đường lối chiến lược gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp chặt chẽ nhịp nhàng trong mối tương quan, biện chứng hai chiến lược cách mạng đó, nhằm thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ khi Mỹ vào miền Nam và lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện các biện pháp nhằm đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 8 năm 1955) đã xác định: miền Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Muốn chống đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, điều cốt yếu là ra sức củng cố miền Bắc, để bồi dưỡng lực lượng và xây dựng chỗ dựa vững chắc cho cách mạng cả nước đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Đến Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12 năm 1957), Đảng ta nhận định: "Ta đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa"[1]. Hai chiến lược cách mạng đều quan trọng. Tuy vậy, nhiệm vụ củng cố miền Bắc, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có tính chất quyết định cho toàn bộ thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới.
Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Sau khi phân tích đặc điểm tình hình, mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu của xã hội Việt Nam, Hội nghị xác định cách mạng Việt Nam lúc này có "hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy có tính chất khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội"[2], Trên cơ sở đường lối chung của cách mạng cả nước, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ và phương hướng phát triển của cách mạng Miền Nam.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9 năm 1960) đã tiếp tục hoàn chỉnh đường lối kháng chiến chống Mỹ, khẳng định phương hướng tiến lên cho cách mạng cả nước, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa cách mạng miền Nam và cách mạng miền Bắc. Sau khi phân tích tình hình nước ta từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới:
Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Hai chiến lược cách mạng này có quan hệ mật thiết, tác động, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: “nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta”[3], còn cách mạng miền Nam “có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”[4].
Trong hoàn cảnh nước ta bị tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, đường lối cách mạng gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là một nét sáng tạo độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử, là thành công lớn của Đảng ta. Nhờ có đường lối ấy, Đảng ta đã động viên và tập hợp sức mạnh của chủ nghĩa xã hội với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, sức mạnh của hậu phương với sức mạnh của tiền tuyến, tạo nên một sức mạnh của cả nước cùng đứng lên đánh Mỹ. Với đường lối ấy, Đảng ta đã kết hợp được lợi ích cơ bản của dân tộc ta với mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, cách mạng Việt Nam đã được các lực lượng xã hội chủ nghĩa, dân chủ và tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ và giúp đỡ, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng rãi đứng về phía Việt Nam chống xâm lược.
Với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam, thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam trở thành ngọn cờ tiêu biểu cho phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12 năm 1976) đã khẳng định: "Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta"[5]