Thuyết minh tức cảnh bác pó

2 câu trả lời

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Mỗi khi nhắc đến Người trong lòng người dân Việt Nam lại trào dâng một cảm xúc khó tả, một nỗi niềm kính yêu vô bờ bến. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa."

Bác đã từng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho dân ta ai cũng được cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành". Chính bởi hoài bão ấy mà trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, cho dù gian khổ đến đâu Bác cũng vượt qua. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" chính là một minh chứng như vậy. Tác phẩm không chỉ nói lên cuộc sống khó khăn vất vả mà còn cho người đọc cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tâm hồn Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng tin vào tương lai tươi sáng.

"Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đã chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang"

Sau gần ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2 năm 1941, Bác trở vềTổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Khi đó Bác đã sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ: trong hang Pác Bó - một hang núi nhỏ thuộc huyện Hà Giang, tỉnh Cao Bằng. Vậy mà đối với Bác đó dường như chẳng hề chi, vẫn phong thái ung dung, ẩn sâu bên trong đó là một ý chí và lòng yêu nước mãnh liệt:

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang"

Câu thơ mang âm hưởng nhịp nhàng mà hài hoà, nề nếp. Giống như một thói quen thường ngày của Bác vậy, phong cách sống và làm việc của Bác được diễn ra chỉ với 1 câu thơ: cứ như thường lệ, vào mỗi buổi sáng Bác lại ra bờ suối làm việc cùng với tiếng suối róc rách chảy, với phiến đá gần đó, Người giao hoà tâm hồn mình với thiên nhiên, không giống như những vị hiền triết ngày xưa mà Người luôn tập trung suy nghĩ lo cho dân cho nước. Và đến tối là quãng thời gian mà người được nghỉ ngơi. Mọi thứ đều rất dung dị bình yên không có chuyện gì vậy, nhưng đâu ai biết rằng tiết trời miền núi, rét mướt như vậy mà Bác phải làm việc trong cái hang nhỏ ẩm ướt vậy mà Bác đâu có quan tâm đến chúng. Câu thơ đầu thể hiện thái độ hào hứng, hoà mình cùng khung cảnh thiên nhiên đất trời.

Đến câu thơ tiếp theo, câu thơ thứ hai, miêu tả bữa ăn thiếu thốn mà đạm bạc của Người:

"Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng"

Đây là những món ăn có sẵn và dễ kiếm nơi núi rừng Pác Bó. Chẳng phải những món ăn sơn hào hải vị mà chỉ là "cháo bẹ, rau măng", Người đều hài lòng với cuộc sống nơi đây. Từ "sẵn sàng" phải chăng thể hiện tinh thần cách mạng của Người hay cũng chính là để nói lên những món ăn thanh đạm nơi núi rừng luôn sẵn có để phục vụ Bác? Dù là gì đi nữa, câu thơ cũng mang đến cho người đọc cảm giác hóm hỉnh của vị cha già dân tộc. Người không than vãn mà chấp nhận cuộc sống như một lẽ tự nhiên.

Nếu như câu thơ thứ nhất về thói quen sinh hoạt, câu thơ thứ hai miêu tả những bữa ăn hàng ngày thì đến câu thơ thứ ba là hình ảnh Người đang làm việc:

"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"

Chẳng phải là một chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh, thoải mái mà là hình ảnh vị lãnh tụ đặt cuốn sử lên trên một phiến đá, ngồi tập trung nghiên cứu đường lối cách mạng. Cách gieo vần bằng "ang" gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời mang đến cảm giác vững vàng và khoáng đạt cho bài thơ. Hai chữ "chông chênh" là từ láy tạo hình kết hợp với những từ mang vần chắc "dịch sử Đảng" thật khoẻ như mang đến sự cân bằng cho câu thơ. Thật thú vị chủ thể giữa bức tranh chính là nhà thơ chứ không phải thiên nhiên. Nhà thơ sống hoà hợp với thiên nhiên chính là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đằng sau hình ảnh Bác đang ngồi dịch sử Đảng còn là hình tượng của vị lãnh tụ vĩ đại, của dân tộc Việt Nam.

Tuy nơi đây, điều kiện vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống còn vất vả cực khổ nhưng tinh thần ý chí của Bác luôn vững vàng:

"Cuộc đời cách mạng thật là sang"

Chẳng cần đến những vật chất xa hoa, đủ đầy tiện nghi, Bác chỉ cần có vậy cuộc sống giản dị mà đôi phần khắc khổ. Nhưng mọi việc đó đâu ngăn cản được một tinh thần thép, một ý chí kiên cường và tình yêu thương cho dân cho nước. Ba câu thơ đầu là hình ảnh nơi Pác Bó - nơi Bác đã sống để hoạt động cách mạng, với bao điều cực khổ nhưng đối với Người như vậy đã đủ đầy lắm rồi. Từ "sang" cuối bài thơ đã làm nổi bật ý nghĩa của toàn bài. Đó chính là một nhãn tự của bài thơ thất ngôn này. Không chỉ mang đến cho người đọc niềm tin niềm tự hào về tương lai phía trước mà còn cho thấy sự tích cực lạc quan của Người.

Thơ của Bác vừa giản dị song vô cùng hàm súc, vừa hoà hợp với thiên nhiên nhưng luôn gắn liền với nhiệm vụ cách mạng. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" vừa mang màu sắc cổ điển lại vừa thể hiện tinh thần thời đại mang đầy ý chí, niềm tin và sự lạc quan của Người. Chính nó đã khiến chúng ta càng cảm phục hơn về Bác và hiểu rõ hơn vị Cha già của dân tộc.

                                                              Bài làm

Địa danh Pác Bó - Cao Bằng được Nhà nước công nhận là Khu di tích ngày 21 - 1 1975, sau này đến ngày 10 - 5 - 2012,đây được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã xuất hiện trong một số tác phẩm văn chương của Bác Hồ như bài thơ "Tức cảnh Pác Bó", bởi đó chính là nơi hoạt động cách mạng đầu tiên của Bác, là cơ sở cách mạng đầu tiên và chiến khu đầu tiên của lực lượng kháng chiến.

 Di tích lịch sử Pác Bó - Cao Bằng nằm trên địa bàn thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc nước ta, từ thành phố Cao Bằng phải đi quãng đường khoảng 50km mới tới được hang, nơi đây sát với biên giới với Trung Quốc, cũng là mốc km đầu tiên của con đường huyết mạch Hồ Chí Minh. Khu di tích bao gồm nhiều địa điểm gắn với thời kỳ cách mạng của Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1941 - 1945. Nổi bật nhất trong khu di tích chính là hang Pác Bó, nơi Bác đã sống và làm việc, mỗi khi du khách lên tham quan khu di tích đều không thể bỏ qua địa điểm này. Đây thực chất là một hang động tự nhiên, được hình thành qua quá trình xói mòn tự nhiên lâu năm của các dòng chảy ngầm trên bề mặt núi đá vôi.

 Theo tiếng Tày, "Pác Bó" có nghĩa là "nơi đầu nguồn", với vị trí đầu nguồn nên hang này đã được đặt tên là "Pác Bó". Khu di tích nằm giữa những cánh rừng già của núi rừng đại ngàn Việt Bắc, xung quanh có những bản làng của người dân tộc thiểu số, Bác Hồ đã chọn lựa nơi đây làm căn cứ hoạt động cách mạng đầu tiên của mình sau khi trở về nước. Hang rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ đủ một người đi qua, hiện trong hang vẫn còn di tích bộ bàn ghế đá mà Bác đã dùng ngồi làm việc, ngoài ra, Bác còn làm việc tại một số hang như Lũng Lạn, Ngườm Vài. Bác Hồ chính là người đặt tên cho con suối trước cửa hang là suối Lê Nin và ngọn núi có hang Pác Bó là núi Các Mác. Trong khoảng thời gian sống và làm việc tại hang, Bác thường ra sông câu cá, đến nay cảnh quan vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn dân tộc, nằm trên dãy núi Linh Sơn, ngoài ra, còn có các công trình nhà trưng bày lưu niệm, nhà tiếp đón khách tham quan và du lịch.

 Cụm di tích Kim Đồng bao gồm mộ Kim Đồng nằm dưới chân núi Tèo Lài, bên cạnh là mộ mẹ của Kim Đồng, phía sau có tượng đài Kim Đồng và bức tượng thể hiện 14 mùa xuân của Kim Đồng. Cụm di tích Khuổi Nặm có lán Khuổi Nặm là nơi Bác ở lâu nhất, nơi đây nằm ngay cửa rừng, được che kín từ ngoài nhìn không phát hiện ra. Khu di tích Pác Bó - Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa du lịch tham quan mà chính những giá trị lịch sử đã mang lại giá trị tham quan cho địa danh này. Đến với khu di tích, mọi người được tìm hiểu về cuộc đời và hoạt động của Bác Hồ những năm đầu cách mạng, cảm nhận được khí thế kháng chiến, tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Chính từ nơi đây đã khởi nguồn cho Bác con đường cách mạng lý tưởng và đúng đắn, khơi dựng lên phong trào cách mạng đầy lớn mạnh và từng bước đánh đuổi thực dân Pháp. Sự tồn tại của khu di tích là minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất cho những năm tháng gian khổ, khẳng định truyền thống cách mạng của dân tộc ta.

 Đúng ko z bn? Sai mk sửa vì mk ko hiểu rõ đề bài cho lắm