Thuyết minh bài Giới thiệu về hoa ngày tết ở việt nam Mong anh chị giải giùm

2 câu trả lời

                                                      Bài làm

Hằng năm khi sắc vàng tươi của hoa mai rực rỡ khắp Nam Bộ, trong tiết trời se lạnh của mùa xuân những cành hoa đào cũng bắt đầu nở rộ. Hoa đào từ lâu đã trở thành loài hoa không thể thiếu với mùa xuân ở Bắc Bộ.
Hoa đào có nhiều ở vùng ôn đới khí hậu ôn hoà. Đào xuất hiện ở Việt Nam đó từ rất lâu đời. Mùa xuân khi đến thăm làng hoa Nhật Tân, Ngọc Hà ở Hà Nội...bạn sẽ thấy ngút ngàn những hàng đào nở rộ. Ở nhiều vùng núi phía bắc có những rừng đào mọc tự nhiên với những gốc đào nở rộ. Tên khoa học của đào là Prunus Persica. Có bốn giống đào chính. Giống đẹp nhất có lẽ là bích đào. Hoa đào bích có nhiều cánh xếp chồng lên nhau màu hồng thẫm. Bích đào được trồng để lấy hoa. Giống thứ hai là giống đào phai, hoa có năm cánh, cánh màu phớt hồng. Đào phai sai hoa sai quả được trồng để lấy quả. Giống đào bạch hiếm thấy, cây nhỏ ít hoa có màu trắng tinh khiết. Đào thất thốn có hoa màu đỏ thẫm, khó trồng, khó chăm sóc. Hoa đào nở vào cuối mùa đông, đầu xuân khi cái rét mướt đã nhường chỗ cho tiết trời ấm áp. Trong làn mưa phùn lất phất, hoa đào xoè cánh đón lấy cái tinh tuý của trời đất. Cánh đào mỏng mềm và mịn như nhung. Đào mọc thành từng bông riêng lẻ chứ không mọc thành chùm. Hoa đào thường nở 4 - 5 ngày rồi tàn. Hoa đào rất đẹp nhưng để có được cành đào đẹp trong ngày tết thì không phải dễ dàng. Đào trồng lấy quả không cần chăm sóc nhiều nhưng đối với đào lấy cành người ta phải chăm bón rất công phu. Từ việc đốn cành tỉa lá uốn cây theo các thế khác nhau đều phải rất tỉ mỉ và khéo léo. Hoa đào góp phần tôn lên vẻ đẹp của khu vườn núi rừng và căn nhà nhỏ của bạn trong dịp tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm cỗ tất niên là cành đào nhỏ đem lại sự ấm cúng cho mỗi gia đình. Đào cũng đem lại thu nhập cao trong ngày tết cho người trồng đào, mỗi một cành đào thường có giá từ 30 - 45 nghìn đồng, còn ở các làng hoa mỗi cây có khoảng từ một trăm nghìn đến một triệu đồng tuỳ từng loại. Hoa đào cũng gắn với thú chơi đào ngày tết của những người chuộng cây cảnh. Họ tự tay uốn tỉa cành theo óc thẩm mĩ của riêng mình. Đào là loài hoa thiêng liêng cùng với bánh chưng xanh không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Khách du lịch đến Việt Nam thường chọn cành đào về làm quà. Những người con xa xứ khi ngắm cành đào lại nhớ về quê hương của mình.
Từ xa xưa, đào đã được coi như một thi đề quen thuộc trong thơ ca. Những tác phẩm tiêu biểu như truyện Kiều của nguyễn Du, Ông Đồ của Vũ Đình Liên....đều có sắc thắm đào đỏ
Ngoài ra, đào được sử dụng để chế thuốc rất hiệu quả. Hoa đào được chế làm thuốc đắp mặt, giúp làn da mịn màng, hồng hào cho người phụ nữ. Danh y Tuệ Tĩnh đã nhắc nhiều về công dụng của hoa đào trong cuốn sách y học nổi tiếng của mình.
Mùa xuân tiếp nối mùa xuân, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, cuộc sống có vô vàn sự thay đổi nhưng hoa đào vẵn là loài hoa không thể thiếu trong mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc ta.

Mùa xuân về, trăm hoa đua nở, thi nhau khoe sắc. Mỗi loại cây đều có vẻ đẹp riêng, lôi cuốn mọi người. Tuy vậy, đối với người dân Việt Nam, nhất là cư dân đất Bắc, hoa đào đã trở thành một thứ không thể thiếu được mỗi độ Tết đến xuân về.

     Cây đào không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở một số nước trên thế giới. Các nhà khoa học đặt tên cho đào là prunus persia, một loài cây thân gỗ nhỏ, có thể cao từ 5 đến 10 m và nổi tiếng là loại cây rụng lá sớm. Nguồn gốc chính thức của hoa đào là ở Trung Quốc. Đào thường được trồng trên các miền núi cao, thời tiết khô lạnh. Sau này, theo con đường tơ lụa nổi tiếng, đào đã theo chân những thương gia Trung Quốc sang tận vùng đất Ba Tư giàu có. Và từ Ba Tư, đào theo Địa Trung Hải sang châu Âu rồi tiếp tục lan toả sang châu Mĩ, châu Phi và cả châu Úc. Ở Việt Nam, đào đã được du nhập từ rất lâu. Cách đây vài nghìn năm, từ thời Bắc thuộc, đào đã được vận chuyển từ đất Bắc sang và từ đó, đào dần dần phát triển và sau này trở thành một loại cây nổi tiếng của miền Bắc.

      Đào là loại cây dễ trồng nên đã được nông dân nhiều nơi nuôi trồng và nhân giống. Trước đây, đào chỉ tập trung ở miền Bắc với những làng đào nổi tiếng: Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thuỵ,… Ngày nay, nhờ kĩ thuật tiên tiến, người ta còn trồng đào trên các rnịền núi cao. Tuy vậy, nổi tiếng nhất vẫn là đào Nhật Tân. Tương truyền, nghề trồng đào bắt đầu hình thành và phát triển ở Nhật Tân từ năm 1789. Năm ấy, khi Quang Trung đại phá quân Thanh, ông đã lệnh cho quân lính mang một cành đào từ Nhật Chiêu (Nhật Tân ngày nay) vào Phú Xuân tặng hoàng hậu Ngọc Hân để báo tin chiến thắng. Từ đó, Nhật Tân trở thành làng đào nức tiếng cả nước.

      Đào gồm ba loại chính: đào phai, đào bích và đào đại phát. Đào phại cành nhỏ, cánh đơn, màu hồng nhạt. Đào bích cánh kép, màu hồng đậm, hoa to và dày hơn đào phai. Tuy vậy, đào bích vẫn chưa phải là loại đào đẹp nhất. Ngôi vị độc tôn trong làng đào chỉ có thể là đào đại phát. Đào này cành lá xum xuê, cánh to và đậm, tán lá dày, nhiều lớp, rễ chùm và to. Đào đại phát có tuổi thọ lâu nhất trong các loại đào, được chăm sóc tỉ mỉ nên giá cả cũng không hề rẻ.

     Như đá nói, đào là loại cây dễ trồng và rất thích hợp với khí hậu miền Bắc, tuy nhiên để đào có thể ra hoa vào đúng dịp Tết âm lịch thì không phải là việc dễ. Điều này cần đến bàn tay tỉ mỉ và kinh nghiệm dày dặn của các nghệ nhân trồng đào. Đào là loại cây ưa khô vì vậy, nếu đất trồng quá ẩm và tích nước thì đào sẽ rất dễ bị thối gốc. Nếu ta trồng đào ở nơi râm mát, thiếu ánh nắng, đất ẩm thì đào sẽ ra lá quanh năm, đến mùa xuân lại ra rất ít hoa. Vì vậy mà người nông dân thường trồng đào trên luống cao, ở nơi thoáng đãng, mát mẻ, các luống cách nhau từ 1 đến 1,5 m để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cây. Ở làng đào Nhật Tân hay Quảng Bá, việc chăm sóc cho đào bắt đầu từ đầu tháng giêng. Trước đó, ở vụ thu hoạch năm trước, người ta đã phải bón lót cho đào bằng phân chuồng và phân NPK. Vì đào là loại cây cần nhiều nitơ nên nếu ta bón đủ đạm, đào sẽ xanh tốt và ra nhiều cành. Đến tháng năm, tháng sáu âm lịch là thời điểm đảo gốc đào. Một năm cần đảo từ hai đến ba lần để cho đào thích nghi với môi trường mới, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho đào. Để đào kịp ra hoa vào dịp tết, từ tháng mười người ta phải bón thúc cho đào. Mỗi nơi bón thúc một cách khác nhau nhưng ở Nhật Tân, người ta bón thúc bằng vỏ ốc. Chưa hết, đến tháng 11 âm lịch, người trồng phải tuốt lá cho đào để đào dồn chất dinh dưỡng cho nụ, cho hoa. Đến trung tuần tháng 11, nếu nắng nóng thì cần làm giàn che, hằng ngày tưới nước lạnh để hãm cho đào không ra hoa. Nếu trời lạnh cũng phải làm giàn che và cũng cần tưới nước ấm để đào ra hoa đúng hạn. Để có được một cành đào đẹp ngày Tết, người trồng đào không chỉ tuân theo những quy trình kĩ thuật mà còn phải dựa nhiều vào kinh nghiệm bản thân.

      Cùng với bánh chưng, dưa hành thịt mỡ, đào đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong ngày Tết dân tộc. Cành đào sẽ đem lại niềm vui, sự sang trọng, lịch lãm cũng như không khí tết cho gia đình bạn. Mong sao chúng ta sẽ mãi gìn giừ, bảo tồn những giá trị đẹp đẽ của cành đào trong ngày Tết cho những thế hệ mai sau.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm