Theo cảm nhận của anh chị về nhân vật của bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân
2 câu trả lời
Kim Lân là đại diện cho những nhà văn viết về nông dân và cuộc đời của họ. Phải hiểu sâu sắc và chứng kiến tường tận như thế nào thì nhà văn mới có thể viết được lên những trang văn như thế.
Câu chuyện diễn ra ở một vùng quê nghèo đói, những năm mà thực dân Pháp và phát xít nhật gây ra. Cảnh đói vô cùng thê lương, khuôn mặt ai cũng hốc hác u tối, những gia đình ở những vùng khác bồng bế nhau xuống miền duois mong kiếm được chút cơm ăn như những bóng ma phật phờ. Trong không gian người chết nhiều, và cái chết luôn thường trực ở khắp mọi nơi, tiếng quạ kêu, mùi xác người chết chưa kịp dọn. Một khung cảnh rùng rợn đến kinh hoàng, chẳng có một chút gì là hi vọng sống, mọi người chỉ ngồi để chờ chết mà thôi.
Tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân sáng tác những năm sau khi cách mạng tháng Tám nước ta diễn ra thành công. Nhưng tác giả Kim Lân muốn mượn bối cảnh nạn đói năm 1945 để làm nổi bật lên tấm lòng lương thiện của những con người lao động, khốn khổ lúc bấy giờ. Đồng thời qua tác phẩm Vợ nhặt ông muốn tố cáo tội ác dã man của chế độ phong kiến thực dân phát xít, đã bóc lột người nông dân lao động nước ta tới tận xương tủy, khiến cho con người sống không bằng chết.
Chính vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm được tác giả Kim Lân xây dựng vô cùng thành công thông qua nhân vật bà cụ Tứ mẹ anh cu Tràng.
Nhân vật bà cụ Tứ là một người mẹ nông dân lam lũ, kham khổ, hai con mắt đã "lèm nhèm", cái lưng còn xuống càng ngày càng gần đất hơn, khuôn mặt bà với những nếp nhăn nheo xô lại với nhau, hai con mắt nhấp nháy, bước đi lập cập…Thể hiện một bà cụ đã ngoài 60 tuổi nhưng già hơn so với tuổi rất nhiều bởi bà kham khổ, làm lụm, một mình vò võ nuôi con nhiều năm. Nhưng nay tuổi già sức khỏe khém hơn con trai cũng đã trưởng thành nên bà cũng bớt phải làm những công việc quá nặng nhọc.
Bà cụ Tứ được tác giả đặt trong hoàn cảnh sống vô cùng nghèo khó, đói khổ, cuộc đời bà cơ cực từ khi còn trẻ, những nỗi đau cứ kéo dài đằng đẵng nối tiếp nhau.
Trong tác phẩm "Vợ nhặt" bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân để cho xuất hiện khi mà anh cu Tràng nhặt được vợ, rồi dẫn vợ mình về nhà cho mẹ. Bà cụ Tứ xuất hiện trong bóng chiều chạng vạng sâm sẩm tối, bà đi giữa bóng tối, hai bên những ngôi nhà lụp xụp không một ánh đèn nào, tiếng quạ kêu, tiếng người khóc, mùi xác người chết thối chưa kịp chôn cất…tất cả hiện lên thật thê lương, ai oán.
Trong khi bà đi từ ngoài nhìn vào nhà, thấy có một người phụ nữ lạ đang ngồi trong nhà. Bà chợt chột dạ như lại nghĩ mình già rồi nên nhìn gà hóa cuốc cũng nên. Nhưng khi bà bước vào nhà nhìn thật rõ lại thấy người phụ nữ đó "chào mình bằng u", thì bà không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là vợ anh cu Tràng thật rồi.
Trong lòng người mẹ già nua, kham khổ đó tình yêu thương dành cho con trai của mình vô cùng mãnh liệt sâu sắc, bà thương cho con trai, rồi chợt tủi cho phận mình. Người ta lấy vợ trong lúc ăn nên làm ra, còn mình thì…không biết chúng có nuôi nổi nhau sống qua cái đận này không? Nhưng rồi bà lại chợt nghĩ "có gặp hoàn cảnh khốn khó như lúc này thì người ta mới lấy tới con mình, mà con mình mới có vợ".
Tấm lòng của bà cụ Tứ là tấm lòng bao dung đồng cảm với những số phận hoàn cảnh khó khăn, bà hiểu cho nỗi khổ của người con gái sẽ làm con dâu mình, không coi thường sự dễ dãi của cô ấy, không tìm hiểu xuất xứ, lý lịch, mà chấp nhận cô ấy luôn như một sự may mắn với con trai của bà. Bà cụ Tứ là người tuy đã cao tuổi già cả nhưng trí tuệ và suy nghĩ vẫn còn vô cùng minh tuệ, sâu sắc. Bà biết mình, biết người, biết cảm thông với người khác.
Tình yêu của bà cụ Tứ còn thể hiện qua những lời động viên bà dành cho con trai và con dâu "Giá mà có thì nên làm dăm ba mâm mời hàng xóm nhưng gặp lúc khốn khó này chắc người ta cũng chẳng trách mình" Rồi bà lại nói "Chúng bay liệu bảo ban nhau làm ăn, may ra trời thương cho khấm khá…Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời'. Bà luôn tìm cách động viên con trai và con dâu của mình có lối suy nghĩ tích cực, chịu thương chịu khó cần cù lao động để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. Bà luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Bà cũng vô cùng lo lắng cho số phận của các con mình, bởi bà biết trong bối cảnh đói kém, người chết như ngả rạ ngày nào người dân đi làm đồng chẳng gặp vài xác người mới chết nằm cạnh những người sống không nhà không cửa. Chính vì vậy bà lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng các con thương yêu nhau quyết định tới với nhau bà cũng mừng cho chúng nó.
Rồi bà nhanh nhẹn quét tước lại nhà cửa, dọn dẹp lại mảnh vườn cho nó khang trang hơn. Sau đêm tân hôn, buổi sáng hôm sau khung cảnh nhà bà cụ Tứ có nhiều sự thay đổi, ai cũng có vẻ phởn phơ hơn bình thường, nhà cửa cũng gọn gàng sạch sẽ hơn dù chẳng có gì mới mẻ cả.
Bữa ăn đầu tiên sau đêm tân hôn, bà cụ Tứ bê nhà một nồi cháo cám, hình ảnh người mẹ già với cái nồi lớn cười đon đả "Chè khoán đây, ngon đáo để" đó chính là nồi cháo cám, nhưng bà không muốn các con phải suy nghĩ nhiều nên nói lảng, nói tránh đi. Bà còn thêm "Xóm ta khối nhà còn không có mà ăn" thể hiện niềm tin vào cuộc sống của người mẹ già.
Chính cái tinh thần lạc quan của người mẹ già đó đã làm cho các con của bà cũng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống nhiều khó khăn thử thách này. Trong bữa cơm đầu tiên đó, miếng cháo cám chứ chát xít, tắc nghẹn cổ họng nhưng trái tim của mỗi người đều lấp lánh những niềm vui. Ba con người bên nồi cháo cám, đĩa hoa chuối thái vội chấm với muối trắng, họ nói với nhau về Việt Minh phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, rồi nhiều nơi người dân không phải nộp thuế. Họ mơ ước về một cuộc sống mới.
Bằng tấm lòng nhân văn sâu sắc thể hiện sự đồng cảm của mình với những số phận của người nông dân lao động nghèo khổ. Nhà văn Kim Lân đã khắc họa vô cùng thành công nhân vật bà cụ Tứ một người mẹ nông dân lam lũ, cùng cực nhưng có tấm lòng nhân hậu thương con vô bờ bến, biết đồng cảm với người khác trong hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua nhân vật bà cụ Tứ tác giả muốn thể hiện rằng con người dù sống trong hoàn cảnh nào thì cũng cần phải có tinh thần kiên cường, nhân ái, có sự đồng cảm với người khác thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.