Tại sao nước ta hiện nảyz có hiện Tượng mất cân bằng giới tính khi sinh
1 câu trả lời
Mất cân bằng giới tính khi sinh - Nguy cơ đe doạ nòi giống
Thực tế cho thấy, mất cân bằng giới tính vẫn đang là vấn đề “nóng”, giành được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều người dân đã có nhận thức và hiểu biết đúng về công tác dân số nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” muốn sinh nhiều con trai vẫn tồn tại trong suy nghĩ của không ít các bậc cha, mẹ.
Nhiều nam giới có nguy cơ “ế” vợ
Thông thường, theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai, trước đây, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, đến năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra. Tình trạng này được chính thức xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh và con số bé trai được sinh ra đã và đang liên tục tăng lên trong những năm qua.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nhận định: Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở trên mức báo động. Nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; kéo theo đó là hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai.
Với quan niệm chỉ có con trai mới được coi là lao động chính trong gia đình, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường… rất nhiều gia đình chỉ muốn sinh con trai và không hề thích bé gái.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) - cho biết: Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới - nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. “Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện” - Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho hay.
Không chỉ vậy, việc mong muốn có con trai lại nhận được sự trợ giúp đắc lực bởi chính một số người làm công tác y tế, đặc biệt là những bác sĩ sản khoa với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại như siêu âm xuất hiện ở khắp các bệnh viện và phòng khám công lẫn tư đã tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho việc lựa chọn giới tính thai nhi của các bậc làm cha mẹ. Từ đó xuất hiện hành vi phá thai lựa chọn giới tính tại một số cơ sở y tế.
Thống kê của Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho thấy: Tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ trong những năm trở lại đây liên tục tăng nhanh. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/ 100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - cho hay: Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa nam giới (2,3-4,3 triệu nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình. Nếu dư thừa nam giới, phụ nữ sẽ có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,…
Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình luôn có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Các chiến lược dân số trong giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2011-2020 đều tập trung giải quyết vấn đề về quy mô dân số. Một trong những thành công lớn nhất của công tác dân số là kiểm soát được mức sinh, duy trì được mức sinh thay thế trong hơn 10 năm.
Thời gian qua, ngành Dân số đã quyết liệt giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua các giải pháp đồng bộ như: truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bất bình đẳng giới, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn trong xã hội.
Hiện nay, với mức sinh giảm, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc. Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng và các địa phương. Tình trạng biết trước giới tính thai nhi đang ngày càng phổ biến, mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tuy nhiên, chất lượng dân số có tăng những chưa cao.
Báo động “già hoá” dân số
Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.
GS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ: Trong năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi đạt 10% - Việt Nam đã bước vào quá trình già hoá dân số. Năm 2038, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, Việt Nam có dân số già. Thực tế, quá trình già hoá dân số của nước ta chỉ diễn ra trong 27 năm (2011-2038), dân số đã đạt đến ngưỡng “dân số già”. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thuỵ Điển 85 năm, Austraylia 73 năm và Mỹ 69 năm.
Không chỉ vậy, người cao tuổi ở nước ta số đông là nữ và nữ goá chồng. Số cụ bà trong các nhóm tuổi từ 60-85 tuổi là 140 cụ bà/ 100 cụ ông (1999) và 147 cụ bà/100 cụ ông (2009).
Đặc điểm chung của người cao tuổi Việt Nam là đời sống vật chất và tinh thần còn khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần vì sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và người cao tuổi là rất lớn. Cùng với đó, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, hầu hết đều sống với con cái. Tại Hà Nội, có 55% người về hưu muốn ở cùng với con đã có gia đình và 20,9% cho là “tuỳ hoàn cảnh”, chỉ có 22,7% thực sự mong muốn sống riêng. Thực tế, chỉ có 2,7% các cụ sống riêng.
Đáng chú ý, sức khoẻ người cao tuổi được cải thiện nhưng chậm. Mặc dù tuổi thọ người cao tuổi ở nước ta cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp. Khi tuổi thọ tăng cao thì nhu cầu làm việc của người cao tuổi cũng tăng lên.
GS. Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh: Để thích ứng với già hoá dân số, chúng ta cần xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, mỗi đối tượng lại có vị trí và vai trò riêng của mình.
Người cao tuổi cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình; nêu cao tinh thần “tự phục vụ”; hợp tác, đón nhận sự hỗ trợ của môi trường xã hội, đồng thời hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng.
Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hoá và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.
Gia đình cần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Bởi hiện nay vai trò này đang bị thách thức, tuy vẫn còn giữ ở mức hỗ trợ. Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, huy động cộng đồng hỗ trợ người cao tuổi. Từ đó, Nhà nước sẽ tạo dựng khung luật pháp, chính sách; bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật.
Trước những thách thức về già hoá dân số, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thực hiện các đề án để đạt được các mục tiêu dân số theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn bộ các vấn đề về dân số, quy mô, cơ cấu phân bổ dân số và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” (2016–2025), đã phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng qua hệ thống tình nguyện viên và các cộng tác viên.