Sự ra đời, phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa và những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực
1 câu trả lời
* Sự ra đời và phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời bao gồm các nước Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Ba Lan, Hunggari, Rumani, Tiệp Khắc, Anbani, Mông cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba.
- Năm 1960, tại Mátxcơva, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân của các nước trên thế giới đã ra tuyên bố và khẳng định: “Đặc điểm chủ yếu của thời đại chúng ta là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người".
* Những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực
- Chế độ xã hội chủ nghĩa đã từng bước đưa nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho quyền tự do dân chủ trên toàn thế giới.
- Trong hơn bảy mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
+ Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười so với nước phát triển khác bị lạc hậu từ 50 đến 100 năm. Khi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ bằng 1/22 của Mỹ cùng thời.
+ Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Liên Xô đã trở thành một trong hai siêu cường của thế giới. Năm 1985, thu nhập quốc dân của Liên Xô bằng 66% của Mỹ, sản lượng công nghiệp bằng 85% của Mỹ.
+ Với công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, Liên Xô đã trở thành một nước có trình độ học vấn cao, thu được những thành tựu đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe, phát triển y tế và bảo đảm phúc lợi xã hội cho nhân dân lao động. Trước Cách mạng Tháng Mười, 3/4 nhân dân Nga mù chữ, chỉ sau 20 năm, nạn mù chữ đã bị xóa bỏ. Vào cuối năm 1980, Liên Xô là một trong những nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới (164 triệu nguời có trình độ trung học và đại học, số lượng các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực cũng đứng vào hàng đầu thế giới).
+ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác trước đây đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.
+ Trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học và công nghệ cũng có những thành tựu rất to lớn.
- Với sự lớn mạnh toàn diện, chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quyết định đối với sự sụp đố hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập không chỉ mở ra một xu thế phát triển tất yếu cho các dân tộc là con đường xã hội chủ nghĩa, mà bằng sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả về nhiều mặt, các nước xã hội chủ nghĩa đã góp phân phát triển mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1919, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa chiếm 72% diện tích và 70% dân số thế giới, tới nay chỉ còn 0,7% diện tích và 5,3% dân số thế giới. Tính đến nay, hàng trăm nước đã giành đuợc độc lập, trên một trăm nước tham gia vào Phong trào Không liên kết.
- Sức mạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực đóng vai trò quyết định đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; hủy diệt, bảo vệ hòa bình thế giới.
- Ngay tại các nước phương Tây, nhân dân lao động được sức hấp dẫn thực tế của chủ nghĩa xã hội đã đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, các phúc lợi xã hội...Với sức ép của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước phương Tây đã phải nhượng bộ và chấp nhận thực tế rất nhiều yêu sách đó.
=> Tóm lại, từ tháng 11-1917 cho đến sự kiện tháng 8-1991, chủ nghĩa xã hội đã tồn tại hơn 70 năm ở Liên Xô, hơn 40 năm ở các nước Đông Âu (kể từ năm 1945). Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã trải qua một thời kỳ phát triển rực rỡ, có những thành tựu to lớn và đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong tiến trình phát triển lịch sử của loài người.
Sự phát triển như vũ bão của ba dòng thác cách mạng trong suốt mấy thập kỷ đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực, với hệ thống xã hội chủ nghĩa.