Sự kiện nào cho thấy pháp đã không thi hành đầy đủ ,nghiêm chỉnh các điều khoản của hiệp định giơnevơ
1 câu trả lời
Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi quan trọng của nhân dân Việt Nam và Cao Miên, Lào, là một thắng lợi của phong trào hòa bình dân chủ toàn thế giới. Nhưng đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng thì Hiệp định Giơnevơ là một thất bại rất nặng, một thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, phá hoại hòa bình ở Đông Nam Á.
Cho nên, trong khi Chính phủ ta triệt để thi hành hiệp định, thì bọn đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại nhiều điều khoản quan trọng của hiệp định, phá hoại những kết quả lớn lao của Hội nghị Giơnevơ.
- Đế quốc Mỹ hiện đang lôi kéo miền Nam Việt Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, can thiệp trắng trợn vào miền Nam, mưu biến miền Nam thành một căn cứ quân sự của Mỹ.
Như trên đã nói, Hiệp định Giơnevơ, ngoài những điều khoản quy định việc chấm dứt chiến tranh trước mắt, lại có những điều khoản rất quan trọng nhằm ngăn ngừa việc chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới và nhằm giải quyết các vấn đề chính trị căn bản như vấn đề thống nhất, độc lập.
Những điều khoản quan trọng đó cấm chỉ hai bên "không được gia nhập một liên minh quân sự nào", và "không để vùng thuộc về họ bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược"; cấm chỉ hai bên "không được để lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của mình", cấm chỉ "không được tăng viện mọi bộ đội và nhân viên quân sự mới… mọi thứ vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh mới". Những điều khoản đó quy định rõ ràng giới tuyến giữa hai miền chỉ là "một giới tuyến quân sự tạm thời, và quy định thời hạn phải đi đến thống nhất nước Việt Nam bằng tổng tuyển cử". Những điều khoản đó cố nhiên không làm vừa lòng bọn đế quốc Mỹ gây chiến.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ mới được ký kết, ngoại trưởng Mỹ là Đalét đã tuyên bố rằng: "Hiệp định Giơnevơ không ngăn cấm việc thành lập một đường phòng thủ bao gồm các nước liên kết ở Đông Dương". Và chỉ một tháng rưỡi sau thì không đếm xỉa gì đến những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã triệu tập Hội nghị Manila có 8 nước tham dự, để thành lập một khối quân sự gọi là "khối phòng thủ Đông Nam Á".
Chính phủ Pháp là kẻ đã cùng với Chính phủ ta ký kết đình chiến tại Hội nghị Giơnevơ cũng tham dự hội nghị đó.
Mặc dù những danh từ lừa bịp, nào là "phòng thủ chung", nào là "bảo vệ an ninh chung", nào là "chống lại sự xâm lược của cộng sản", nhân dân các nước Đông Nam Á đều nhận rõ rằng "khối phòng thủ Đông Nam Á" thật ra là một khối liên minh quân sự xâm lược. Trong số 8 nước tham dự, chỉ có ba nước Thái Lan, Đại Hồi4 và Phi Luật Tân5 là ở Đông Nam Á mà lại là những nước nhỏ bị đế quốc Mỹ chi phối, còn các nước đề xướng hoặc đóng vai trò trọng yếu thì lại là ba nước đế quốc Mỹ, Anh và Pháp. Hiệp ước Đông Nam Á ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào "khu vực bảo hộ" của hiệp định. Thật không có một chứng cứ nào rõ rệt hơn của chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, tự mình quyết định "bảo hộ", - nghĩa là xâm lược - nước người, không kể gì đến độc lập và chủ quyền của các nước khác.
Đúng như lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hiệp ước Manila "là một sự vi phạm trắng trợn vào Hiệp định Giơnevơ, một sự xâm phạm vào độc lập và chủ quyền của Việt Nam, Lào và Cao Miên, một sự đe dọa cho an ninh và hòa bình Đông Nam Á". Hiệp ước đó không những không mang lại lợi ích gì cho nhân dân Đông Nam Á, mà chỉ theo đuổi một mục đích xâm lược các nước ở vùng này, buộc các nước đó tham gia vào một liên minh quân sự xâm lược đặt dưới quyền chỉ huy của Mỹ. Hiệp ước đó là một lợi khí cho đế quốc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Nam Á, để thực hiện âm mưu dùng người châu Á đánh người châu Á, chuẩn bị những điều kiện để tấn công nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp ước đó là một bộ phận trong kế hoạch chuẩn bị chiến tranh thế giới của đế quốc Mỹ.
Thế mà người đại diện của Chính phủ Pháp tại Hội nghị Giơnevơ là GuylaSăm, Bộ trưởng bộ các "quốc gia liên kết" lại dám tuyên bố rằng chính sách Manila chẳng qua là một sự kế tục của chính sách Giơnevơ. Thật là một sự kế tục kỳ lạ, một sự kế tục theo một con đường trái ngược!
Liền sau khi Hiệp định Manila được ký kết, Chính phủ Pháp bắt đầu mở cuộc thương thuyết với Hoa Thịnh Đốn về vấn đề viện trợ quân sự cho quân đội viễn chinh Pháp và cho ba "nước liên kết" ở Đông Dương. Chính tướng Êly, tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương, là người thay mặt Chính phủ Pháp để thi hành hiệp định đình chiến ở Đông Dương đã đi sang dự các cuộc thương thuyết phản hiệp định đó.
Tiếp theo đó, thì Măngđét Phơrăngxơ, Thủ tướng Pháp, lại sang Mỹ để thảo luận vấn đề tăng cường các lực lượng quân sự ở miền Nam Việt Nam và Cao Miên, Lào. Dưới áp lực của Mỹ, Chính phủ Pháp đã phải công nhận cho Mỹ quyền trực tiếp viện trợ cho các "quốc gia liên kết" và quyền trực tiếp huấn luyện quân đội của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, những điều mà trong mấy năm chiến tranh Mỹ luôn luôn yêu sách và Pháp không chịu nhượng bộ. Chính phủ Pháp lại bị ép buộc phải ủng hộ Ngô Đình Diệm, chống lại Nguyễn Văn Hinh.
Nhưng, Chính phủ Mỹ không cần chờ đợi sự thoả thuận của Pháp. Mỹ đã cử phái đoàn Côlin sang trước ở Sài Gòn vào đầu tháng 11 năm 1954 với nhiệm vụ đặc biệt là "mang lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ", "mang lại cho chính phủ đó tất cả những sự giúp đỡ có thể làm được của chính phủ Mỹ". Sự "giúp đỡ" đó chủ yếu là trực tiếp nắm lấy việc huấn luyện các lực lượng của quân đội Bảo Đại mà gần 90% trang bị sẽ là của Mỹ". Chương trình của Mỹ là chấn chỉnh lại quân đội chính quy hiện nay của Bảo Đại, bề ngoài mượn tiếng là giảm quân số để loại những phần tử thân Pháp ra ngoài, đồng thời tiến hành việc huấn luyện theo những phương pháp đã áp dụng ở Hy Lạp, và ở Triều Tiên. Chúng lại dự định tổ chức riêng các đơn vị "bảo an" của Ngô Đình Diệm, lúc đầu gồm những "đại đội cơ động cao độ", những đội bảo an phát xít, có nhiệm vụ đàn áp tàn khốc phong trào đòi hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân miền Nam. Tất cả công việc tổ chức và huấn luyện quân đội của Ngô Đình Diệm nói trên đều ở trong tay phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ do tướng Ô Đanien đứng đầu và hiện gồm có 371 huấn luyện viên, chưa kể những nhân viên chuyên môn do Mỹ đưa từ Phi Luật Tân sang. Sự viện trợ tài chính của Mỹ cho chính phủ Ngô Đình Diệm trong năm 1955 lên đến 300 triệu đô la, trong đó có 200 triệu dùng vào việc xây dựng quân đội.
Trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức và huấn luyện quân đội, tăng cường nhân viên và vũ khí từ ngoài vào, công khai tiến hành việc viện trợ quân sự, đó là những chứng cớ không thể chối cãi của một liên minh quân sự. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ.
Tháng 2 năm 1955, trong khi tình hình châu Âu trở nên khẩn trương với Hiệp định Pari, tình hình Á Đông cũng trở nên căng thẳng do Mỹ can thiệp ở Đài Loan, đế quốc Mỹ lại tiến thêm một bước trong âm mưu phá hoại hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Khối xâm lược Đông Nam Á họp hội nghị ở Băng Cốc, có phái đoàn của Chính phủ Pháp tham dự. Hội nghị đó đã bàn định nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự để tăng cường việc chuẩn bị chiến tranh và đặc biệt chú trọng đến kế hoạch chống những hoạt động mà chúng gọi là "hoạt động phiến loạn", nghĩa là kế hoạch đàn áp các phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Hội nghị đó đã quyết định thành lập cơ quan thường trực của khối xâm lược Đông Nam Á, lập cơ quan cố vấn quân sự có đại biểu quân sự của 8 nước. Hội nghị đó đặt kế hoạch tăng cường binh bị cho Thái Lan, Phi Luật Tân và một số nước khác, dự định thành lập những lực lượng cơ động và đẩy mạnh việc hoạt động gián điệp dưới danh nghĩa "ngành bảo an và thông tin chống những hoạt động phiến loạn bên trong và bên ngoài". Chúng công nhiên tiến hành việc chuẩn bị chiến tranh. Sau hội nghị này, Đalét đã vội vã đi sang Lào, Cao Miên và miền Nam Việt Nam để đôn đốc thực hiện kế hoạch của hội nghị Băng Cốc, xúc tiến việc lôi kéo các nước này vào khối xâm lược Đông Nam Á. Hội nghị Băng Cốc đã làm cho tình hình Đông Nam Á càng thêm căng thẳng.
Gần đây, Chính phủ ba nước Mỹ, Pháp, Anh đang dự định mở một cuộc hội nghị “Các đại biểu tối cao” để bàn về vấn đề Đông Dương. Mục đích của hội nghị tay ba này không ngoài việc bàn bạc kế hoạch xúc tiến âm mưu xâm lược, tạo nên cục diện căng thẳng, phá hoại cuộc tổng tuyển cử tự do sắp tới, phá hoại hiệp định đình chiến ở Việt Nam và Cao Miên, Lào, mở đường cho đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn hơn nữa vào nội trị của ba nước đó. Hội nghị đó, nếu tiến hành thì sẽ là một hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, vì bản tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã nói rõ rằng: “Trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của các nước đó, và không can thiệp vào nội trị của các nước đó”.
- Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ, với sự dung túng của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm hiện đang tăng cường chính sách khủng bố nhân dân miền Nam.
Song song với sự can thiệp ngày càng trắng trợn của đế quốc Mỹ vào miền Nam, bọn Ngô Đình Diệm, tay sai của chúng, được phái thực dân Pháp phản hiệp định đồng tình và dung túng, hiện đang thi hành một chính sách khủng bố tàn khốc, phân biệt đối xử và trả thù đối với những người trước đây đã tham gia kháng chiến.
Điều 14c của Hiệp định Giơnevơ quy định: “Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong thời kỳ chiến tranh và cam kết đảm bảo những quyền tự do dân chủ của họ”.
Điều 15d nói:
“Hai bên không dung thứ bất cứ hành động nào… xâm phạm đến tính mệnh và tài sản của thường dân”.
Điều 9 trong bản tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ nói:
“Những người đương cục có thẩm quyền ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam cũng như ở Lào, Cao Miên không được để có những hành động báo thù cá nhân hay tập thể với những người hoặc gia đình người đã hợp tác bất kỳ dưới hình thức nào với một trong hai bên trong thời kỳ chiến tranh”.
Nhưng, ở miền Nam, tất cả những điều khoản đó đã không được đối phương tôn trọng. Những vụ khủng bố và bắt bớ liên tiếp xảy ra trong vùng đóng quân tạm thời của quân đội liên hiệp Pháp. Chúng ta không khỏi đau lòng khi nhắc lại vụ thảm sát Kim Đôi (Thừa Thiên) xảy ra ngày 2-8-1954, một ngày sau khi tiếng súng ngừng nổ trên chiến trường Trung bộ, làm cho 84 người trong đó có nhiều cụ già và em thiếu nhi đang hoan hô hòa bình bị bắn chết và bị thương. Nhân dân ta không bao giờ quên được những vụ thảm sát ở Cam Lộ (Quảng Trị), Chợ Được (Quảng Nam), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), Mỏ Cày (Bến Tre), Vĩnh Xuân (Cần Thơ), Bình Thành (Long Xuyên) làm cho hàng trăm đồng bào ta bị bắn giết, hàng nghìn người bị bắt bớ và giam giữ.
Đồng thời với những vụ khủng bố lớn nói trên, rất nhiều vụ bắt bớ những người trước đây đã tham gia kháng chiến đã xảy ra liên tiếp và khắp nơi, hầu hết những người bị bắt đều bị tra tấn dã man.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau ngày ngừng bắn cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1955, đối phương đã gây ra 2.321 vụ khủng bố và tàn sát, làm cho 822 người bị giết chết, 3.742 người bị thương và trên 1 vạn 3.000 bị bắt.
Uỷ ban Quốc tế đã mở cuộc điều tra về một số vụ đã xảy ra như những vụ Ngân Sơn, Chí Thạnh, Vĩnh Xuân, Mỏ Cày, Bình Thành… trong những vụ đó Uỷ ban đã kết luận rằng các lực lượng liên hiệp Pháp đã vi phạm Điều 14c và 15d hoặc đã dùng binh lính bắn vào đám đông người không có vũ khí, hoặc đã dùng vũ lực một cách quá đáng làm thiệt hại đến tính mệnh của nhân dân.
Những quyền tự do cá nhân tối thiểu của con người cũng không được đảm bảo, còn nói gì đến các quyền tự do dân chủ khác. Quyền tự do ngôn luận hoàn toàn không có, chế độ kiểm duyệt hết sức nghiêm ngặt, từ ngày đình chiến đến nay ở Sài Gòn đã có đến 12 tờ báo vì có xu hướng độc lập, hoặc tán thành ít nhiều hòa bình, thống nhất đều lần lượt bị đóng cửa.
Ngày 7 tháng 11 năm 1954, bọn Ngô Đình Diệm hạ lệnh bắt 7 nhân sĩ trong Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó lại bắt thêm gần 30 chiến sĩ hòa bình. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhân dân thuộc tất cả các giới và các tầng lớp trong nước, bọn Ngô Đình Diệm không dám đem những người bị bắt ra xét xử trước toà án, và đã đưa một số ra “quản chế ” một cách trái phép ở Hải Phòng.
- Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ với sự dung túng và giúp đỡ của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm ra sức dụ dỗ và cưỡng ép hàng chục vạn đồng bào ta di cư vào Nam.
Trong mấy tháng vừa qua, một âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm là lợi dụng những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về tự do lựa chọn chỗ ở giữa hai vùng để tổ chức những cuộc ép buộc và dụ dỗ đồng bào ta di cư vào Nam.
Mục đích của chúng là tìm đủ mọi cách lôi kéo một số đồng bào ta, nhất là đồng bào công giáo vào Nam để tăng thêm thế lực cho Ngô Đình Diệm, để tiện việc bắt lính cho các đơn vị bộ đội mới thành lập, bắt phu cho các đồn điền cao su. Chúng mong quấy rối hậu phương ta, gây khó khăn cho việc khôi phục sản xuất của ta ở miền Bắc. Chúng mong gây ra một không khí chia rẽ Nam- Bắc, phá hoại việc lập lại những quan hệ bình thường giữa hai miền. Chúng mong gây ảnh hưởng chính trị không tốt cho chúng ta, tạo ra những chứng cớ để vu khống ta không thi hành hiệp định, để chúng có thể mượn cớ mà phản tuyên truyền, mà phá hoại những điều khoản nào đó của hiệp định, ngăn trở việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất của nước nhà.
Ngay trong khi Pháp chuẩn bị rút quân ở một số tỉnh miền Bắc, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, bọn phản động tay chân của Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền lừa bịp xuyên tạc các chính sách của ta, đồng thời dùng vũ lực tổ chức những cuộc vây bắt, để dụ dỗ và cưỡng ép đồng bào ta đi Nam.
Sau khi các lực lượng liên hiệp Pháp rút khỏi Hà Nội, thì âm mưu của đối phương chuyển sang cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào công giáo ở vùng duyên hải Bắc bộ và ở Thanh Hoá, Nghệ An. Bọn phản động đưa ra những luận điệu tuyên truyền lừa gạt như: Chúa đã vào Nam, ở lại miền Bắc thì sẽ mất linh hồn; vào Nam sẽ được cấp ruộng đất, trâu bò, được sinh sống đầy đủ; ở lại miền Bắc thì Mỹ sẽ ném bom nguyên tử chết hết. Chúng làm cho một bộ phận trong đồng bào công giáo hoang mang lo sợ, rồi nhân đó mà tổ chức những cuộc tập trung dân trái phép, có nơi dùng hành động vũ trang công khai chống lại chính quyền, gây ra những hành động khiêu khích, mong tạo ra những chứng cớ cho rằng ta vi phạm hiệp định.
Gần đây, trong khu chu vi Hải Phòng, chúng cũng đang ráo riết cưỡng ép và dụ dỗ di cư. Các nhà đương cục quân sự Pháp ở đó đã công nhiên ra những chỉ thị nói rằng sau ngày 1 tháng 2 năm 1955, đối với những người không chịu di cư, thì nhà chức trách không thể đảm bảo an toàn cho họ, đồng thời tổ chức những phiên di cư trong những trường hợp mà chúng gọi là “tình hình căng thẳng” hay “trường hợp báo động”.
Do những mưu mô nói trên, mà hiện nay có hàng chục vạn đồng bào ta di cư vào Nam, và đang sống trong những điều kiện hết sức khổ sở, đói không có ăn, ốm không có thuốc ở các đồn điền hoặc trong các trại di cư. Chính nhiều tờ báo Mỹ cũng phải thú nhận rằng “những người Việt Nam di cư thấy rõ rằng họ bị giam hãm trong một miếng đất hoang” hoặc “những người di cư đã sa chân vào một bãi lầy. Người ta không phát cho họ cuốc xẻng, cũng không phát cho họ tiền nong, lương thực như đã hứa trước đây”. Nhiều người trong số đã di cư vào Nam hiện muốn trở về với nhà cửa, ruộng nương, nhưng họ bị ngăn cản và khủng bố, chỉ có một số rất ít trở về được.
Những hành động trên đây là những mưu mô thâm độc, lợi dụng Điều khoản 14d và Điều 8 trong bản tuyên ngôn cuối cùng về quyền tự do lựa chọn chỗ ở để làm trái hẳn với những điều khoản đó.
Thế mà chúng dám tuyên truyền vu khống rằng ta ngăn cản di cư, hòng che giấu những âm mưu đen tối của chúng.
Một thí dụ điển hình của lối tuyên truyền vu khống đó là vụ Ba Làng ở Thanh Hoá. Chúng cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào đi Nam, hành hung bộ đội, chống lại chính quyền, liên lạc với tầu chiến của đối phương một cách bất hợp pháp. Chúng rêu rao rằng bộ đội ta tấn công vào một đám giáo dân tập trung ở Ba Làng, gây ra một dư luận ầm ĩ ở Pháp và ở Mỹ. Sự thật thì như thế nào? Uỷ ban Quốc tế đã đến điều tra tận nơi và đã kết luận rằng: ở Ba Làng không hề có giáo dân tập trung, và các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở đó không hề dùng đến vũ lực đối với dân; rằng các nhà chức trách của quân đội liên hiệp Pháp đã quan tâm một cách không được tự nhiên lắm đến vùng này.
Trong khi đó thì mỗi người đều biết rằng chính sách của Chính phủ ta là tôn trọng tín ngưỡng, đảm bảo quyền tự do dân chủ, tự do đi lại của nhân dân. Chính sách của ta là đồng bào ta ai muốn lựa chọn chỗ thì đều được tự do lựa chọn, nếu gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc đi lại thì chính quyền sẽ cố gắng giúp đỡ trong điều kiện có thể; không những thế, tài sản, ruộng nương của những người bị dụ dỗ, cưỡng ép đi Nam đều được chính quyền địa phương trông nom giúp, khi nào về thì sẽ trao trả lại.
Tuy nhiên, chúng ta nhất định không dung túng những hành động phi pháp của bọn phản động, như tuyên truyền bom nguyên tử, như tập trung dân trái phép, như công khai chống lại chính quyền.
Từ nay đến ngày quân đội liên hiệp Pháp rút hết khỏi chu vi Hải Phòng, chúng còn ráo riết cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào ta di cư. Và sau đó, âm mưu nói trên cũng vẫn tiếp tục, vì vậy, chúng ta phải tỉnh táo đề phòng thật sự, kiên quyết đấu tranh để phá tan những âm mưu đó và đảm bảo cho đồng bào ta ai muốn đi thì được đi, ai không muốn đi thì không bị lừa gạt, cưỡng ép.
Nhìn chung lại, đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm hiện đang đi sâu vào con đường phá hoại hiệp định một cách có hệ thống. Một mặt, thì đế quốc Mỹ đang can thiệp trắng trợn vào miền Nam, tăng cường binh bị, nắm lấy nội chính, cho thi hành những điều cải cách lừa dối, ra sức củng cố địa vị của Ngô Đình Diệm, tên tay sai trung thành của chúng. Một mặt khác thì chính quyền Ngô Đình Diệm đang thi hành một chính sách khủng bố hết sức tàn khốc, nhằm đàn áp tinh thần đấu tranh vì hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của đồng bào miền Nam. Chúng ra sức đàn áp ý chí đấu tranh của nhân dân, tạo điều kiện để có thể phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình, ngăn cản cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước Việt Nam, tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ.
Mỹ càng can thiệp vào miền Nam thì càng giành giật địa vị và quyền lợi của Pháp. Về mặt quân sự, thì Mỹ đã thay chân Pháp trong việc trực tiếp huấn luyện bộ đội của Ngô Đình Diệm. Về kinh tế, thì chính sách viện trợ và đầu tư của Mỹ hiện đang chèn ép các xí nghiệp kinh doanh Pháp, cướp lấy các nguồn lợi chính ở miền Nam, giành lấy địa vị kinh tế trước đây của Pháp. Không những thế, Mỹ lại không muốn cho Pháp duy trì quyền lợi kinh tế của Pháp ở miền Bắc. Về chính trị, thì Mỹ và Ngô Đình Diệm đang ra sức gạt bỏ các phần tử thân Pháp ra khỏi những địa vị quan trọng trong chính quyền và quân đội, thậm chí mượn tiếng “thanh trừ tham quan, ô lại” để trừng trị những tay chân đắc lực của Pháp trước đây.
Vì vậy, mà sự can thiệp của Mỹ đã làm cho tình hình miền Nam ngày càng thêm rối ren. Tình hình làm ăn và sinh sống của nhân dân ngày càng khó khăn. Quân đội của Diệm và quân đội của các đảng phái, tôn giáo luôn luôn có những cuộc xung đột, gần đây đã gây ra những cuộc đánh nhau tương đối lớn. Đời sống hòa bình của đồng bào miền Nam bị đe dọa nghiêm trọng. Nhân dân ta càng thấy rõ ràng đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hiểm của chúng ta.
Sự can thiệp của đế quốc Mỹ và chính sách phá hoại Hiệp định Giơnevơ của chúng không những đi ngược lại lợi ích căn bản của nhân dân ta mà đi ngược lại lợi ích căn bản của nhân dân Pháp. Vì vậy mà nhân dân Pháp chống lại sự can thiệp đó, chống lại chính sách đó. Ngay cả một số chính khách Pháp thuộc giai cấp tư sản cũng hết sức lo ngại và lên tiếng chống lại mưu mô của Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, phái thực dân Pháp phản hiệp định vẫn tiếp tục đi vào con đường câu kết với Mỹ, vi phạm và phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Đối với những hành động vi phạm nói trên, đế quốc Mỹ phải chịu trách nhiệm chính, nhưng các nhà đương cục Pháp là người đã ký kết hiệp định nhất định phải chịu phần trách nhiệm của mình.
Con đường vi phạm Hiệp định Giơnevơ quyết không phải là con đường tốt cho nước Pháp