“…Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. (….) Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...” (Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn lớp 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.30 - 32) Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm so với các tác phẩm văn học hiện thực trước Cách mạng.

1 câu trả lời

Tác giả Kim Lân (1920-2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn. 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim). Tác phẩm chính của ông bao gồm: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962). Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê- những thú chơi và sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là những "thú đồng quê", "phong lưu đồng ruộng" như: chơi núi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,... Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ- những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người của làng quê VN thiếu thốn, nghèo khổ mà yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. 2001, Kim Lân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Truyện ngắn Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962). Trong đó đoạn trích từ "Sáng sớm hôm sau" cho đến hết đã cho thấy những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân và hoàn cảnh khó khăn của họ, cùng với đó là giá trị nhân đạo mới mẻ của nhà văn Kim Lân. 

Đầu tiên, nhân vật Tràng cho ta thấy được vẻ đẹp của người nông dân đó là khao khát hạnh phúc, no ấm và tình cảm gia đình. Sau khi có vợ, sáng hôm sau cuộc sống của Tràng đã trở nên đổi khác. Từ ngày có Thị về, nhà cửa gọn gàng hơn, cuộc sống của Tràng đổi khác và trong chính tâm hồn của Tràng cũng đổi khác. Tràng ý thức được bổn phận của mình đó là chăm lo cho gia đình. Từ đó, hắn mới "nên người" và "hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này", "hắn cũng muốn làm một việc gì đó để dự phần tu sửa lại căn nhà". Gia đình họ cũng êm ấm, hạnh phúc vô cùng. Dù bữa cơm đạm bạc và hoàn cảnh gia đình nghèo đói nhưng đó là khung cảnh gia đình êm ấm, hòa thuận của những con người nghèo khổ khát khao hạnh phúc bình dị, đơn sơ. Đó chính là tia sáng xuất hiên trong cuộc đời đen tối của họ. Về phía nhân vật Thị, Thị đã thay đổi tâm tính, không còn chao chát, đanh đá như lần đầu gặp hắn nữa. Thị đã trở thành người phụ nữ đảm đang, chu toàn và chu đáo với gia đình. Bản tính tốt bụng, chăm lo cho gia đình của Thị hàng ngày đã bị che lấp bởi cái đói nghèo. Bây giờ, bản chất tốt đẹp ấy lại được thể hiện ra. Mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng thu xếp nhà cửa. Vì trong họ có hy vọng sẽ vượt qua giai đoạn tăm tối ấy. Vẻ đẹp của những người nông dân chính là vẻ đẹp của sự hy vọng, của niềm tin sáng ngời trong cuộc sống khó khăn. Từng câu từng chữ miêu tả khung cảnh cuộc sống của những người nông dân trong đoạn trích đều diễn tả cuộc sống êm ấm, bình dị và hạnh phúc. Tuy cuộc sống ấy có nghèo nhưng ta vẫn thấy được cuộc sống ấy tươi đẹp và hạnh phúc trong mắt những người nông dân ấy đến nhường nào. Đồng thời, ta cũng thấy được sự tài tình của nhà văn trong việc miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật và phát triển mạch truyện tự nhiên. Những người nông dân trong các tác phẩm của Kim Lân luôn mang vẻ đẹp giản dị và thông điệp nhân văn về cuộc sống hạnh phúc mà tác giả muốn gửi gắm qua họ. Cùng với đó, hoàn cảnh khó khăn của họ được tái hiện qua bữa cơm sáng hôm đó. Một bữa cơm không thể thảm thương hơn, cùng đó là hình ảnh của nồi cháo cám. Nồi cháo cám thể hiện cho sự nghèo khó đến tột cùng của gia đình những người nông dân lúc bấy giờ. Thế nhưng, sau đó, sự nghèo đói đã đưa đến kết thúc mở cho truyện đó là hình ảnh của lá cờ phấp phới, mở đường cho những người nông dân nghèo khó lúc bấy giờ phá kho thóc của Nhật để có thể sống sót khỏi nạn đói. Đây chính là giá trị nhân đạo vô cùng mới mẻ và tràn ngập giá trị nhân văn mà nhà văn mang đến cho tác phẩm của mình. 

Tóm lại, phẩm chất của những người nông dân trong đoạn trích đó là niềm tin, hy vọng cho cuộc sống khó khăn, tăm tối. Bản chất của họ đều lương thiện, tốt bụng nhưng bị cái đói nghèo che lấp đi mất. Những người nông dân trong truyện ngắn của Kim Lân luôn mang màu sắc chân thực của bản chất lương thiện hiện lên trong cái đói, cái khổ. Từ đó, ta thấy được giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc đã làm nên giá trị của tác phẩm Vợ nhặt - một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực trước cách mạng.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm