phân tích tình huống truyện của vợ nhặt mn giúp với ạ mình cần gấp ạ k có trên mạng càng tốt ạ
1 câu trả lời
phân tích tình huống truyện của vợ nhặt
Giá trị của một tác phẩm truyện không chỉ được thể hiện qua cốt truyện, đối tượng phản ánh, nghệ thuật xây dựng truyện mà còn được thể hiện qua tình huống truyện độc đáo. Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, qua đó không chỉ góp phần làm nổi bật chủ đề truyện mà còn tạo ra sự hấp dẫn, kích thích đam mê khám phá nơi người đọc.
Ngày từ tên nhan đề, ta đã thấy có chút gì đó phi lý. Vợ vốn là người phụ nữ của gia đình, là người mà muốn lấy phải cưới xin, lễ hỏi đàng hoàng. Nhưng ở đây tác giả lại gọi với cái tên "Vợ Nhặt" thì chắc chắn là có uẩn khúc gì đây?
Sự độc đáo trong câu chuyện là tình huống Tràng nhặt được vợ. Tình huống này trong câu chuyện nó vừa thật lạ lại thật éo le.
Trong tình huống này, điều đầu tiên mà ta cảm nhận được đó là sự bất ngờ, quá khác thường khi Tràng lấy được vợ ngay trong nạn đói. Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí với :" hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung...". Không chỉ thô kệch, xấu xí, Tràng còn có gia cảnh nghèo khó, sống cùng mẹ già ở xóm ngụ cư. Có thể nói Tràng khó có thể lấy được vợ trong hoàn cảnh thường, càng trở nên xa xỉ khi nạn đói xảy ra, thế mà trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Tràng lại dẫn về một người vợ.
Cái lạ thứ hai là giữa cơn hoạn nạn, khi mà cái đói đang rình rập, chực chờ lấy mạng sống của bất kỳ ai trong xã hội lúc bấy giờ, đến thân Tràng, mẹ Tràng còn không biết sống chết khi nào thì Tràng lại lấy Thị về làm vợ. Người ta xưa nay dựng vợ gả chồng cho con cũng là khi gia đình sung túc, có của ăn của để hay ít ra cũng có chút vốn mà làm ăn. Tràng lại khác, lấy vợ lúc khốn cùng của sự đói, chẳng biết tương lai sẽ ra sao, cũng chẳng tính toán lo toan, đùng ngày lại lấy vợ. Cái lạ nhất có lẽ là khi câu nói bông đùa của Tràng lại trở thành lời "cầu hôn" đối với Thị. Chỉ cuộc gặp tình cờ, buông lời đùa giỡn mà Tràng lại có được vợ. Việc lấy vợ là việc hệ trọng, lấy được vợ cũng đâu phải dễ dàng gì, vậy mà với Tràng thì lại rất dễ dàng.
Trong tình huống truyện ấy, sự lạ đã khiến không ít người đọc phải bật cười, nhưng có lẽ, đó là những nụ cười chua xót. Bởi làm sao có thể thôi nghĩ suy khi tình huống Tràng nhặt được vợ cũng đầy éo le lúc ấy. Năm đó là những năm mòn mỏi, cái đói ghì sát mặt, Tràng lấy thị về trong cảnh cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy không thể thắng nổi cơn cuồng phong của đói khát đang hả hê nhấn chìm từng chút, từng chút một trên mảnh đất của làng Ngụ Cư ấy. Những xác chết vật vờ, mạng sống mong manh, hạnh phúc cũng mong manh, nỗi lo lắng nhất lúc này là làm sao chạy trốn được sự đói khổ. Thị đã nhận Tràng là chồng, theo Tràng về nhưng thiết nghĩ nếu không có mấy bát bánh đúc, không vì quá đói khát thì Thị liệu có thể theo Tràng về không?
Trước hình ảnh Tràng dắt Thị về, ai cũng đều tỏ ra thích thú, tò mò và lạ lẫm. Người ta vừa mừng cho anh, lại vừa cay đắng, xót xa cho anh. Bởi có lẽ trong lòng ai cũng hiểu được rằng, cái thời thế đảo điên này rước nhau về chỉ thêm nợ, thêm bồng mà thôi. Mẹ Tràng- bà cụ Tứ cũng vậy, cũng mừng mừng tủi tủi vì con mình cũng có vợ, rồi cũng lo lắng bất an và thương xót cho con mình. Dù bứt rứt, bồn chồn, dù tủi thân xót phận, người mẹ ấy cũng mừng lòng chấp thuận cho con, bà dặn con cùng nhau cố gắng, khuyên nhủ con phải gắng sức làm ăn. Bát cháo cám đắng chát trong bữa cơm ngày đầu chứa chan bao thương cảm, đằng sau ấy là cả tấm lòng người mẹ, mang cả niềm tin và hy vọng của người mẹ gửi gắm nơi con. Và trong tình huống ấy, bản thân Tràng cũng đầy lạ lẫm, sự việc đến với Tràng quá nhanh khiến Tràng cũng bất ngờ trong sự ngạc nhiên khó tả. Tràng cũng thấy sung sướng vô bờ trong thứ hạnh phúc mong manh mà có lẽ bấy lâu hắn vẫn từng mong có được, niềm vui ấy khiến Tràng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với tương lai, với gia đình của mình.
Qua tình huống nhặt vợ của anh Tràng, ta không khỏi xót xa trước cảnh ngộ khốn khổ của những con người trong nạn đói, thế nhưng vượt qua bóng tối của cái tàn tạ, thê thảm ta thấy sáng lên ánh sáng của tình người. Đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, Tràng và bà cụ Tứ vẫn quyết định cưu mang người vợ nhặt, đối đãi với thị bằng cả tấm lòng. Cũng trong ám ảnh đói khát ấy, Tràng và người vợ nhặt vẫn quyết định sống cùng nhau, xây dựng hạnh phúc gia đình và mong ước đến những điều tốt đẹp.
Nhà văn Kim Lân, một nhà thơ thấu hiểu sâu sắc và đồng cảm với cuộc sống của những người nông dân đã viết nên một tác phẩm truyện vô cùng có giá trị. Tình huống truyện "có một không hai" ấy đã góp phần thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm, quá đó tố cáo đanh thép xã hội thực dân tàn bạo đã đẩy con người tới sự khốn khổ tận cùng. Đồng thời, bộc lộ niềm xót thương tới số kiếp của những kiếp người nghèo khổ.