2 câu trả lời
Từ bao đời nay, người Ê-đê đã cùng quây quần bên bếp lửa, nghe không biết chán từ đêm này sang đêm khác sử thi Đăm Săn, bài ca về người tù trưởng anh hùng của dân tộc mình với những chiến công hiển hách trong xây dựng phát triển buôn làng và bảo vệ cộng đồng chống lại bao kẻ thù hung hãn. Trong những chiến công lẫy lừng ấy, ngất ngây lòng người vẫn là đoạn Chiến thắng Mtao Mxây, chứng tỏ tài năng, bản lĩnh, lòng dũng cảm phi thường và sức mạnh vô địch của Đăm Săn.
Sở dĩ xảy ra cuộc chiến này là do Mtao Mxây (tù trưởng sắt) đã cướp Hơ Nhị - vợ của Đăm Săn. Đối với người Ê-đê theo chế độ mẫu hệ, việc bị kẻ thù cướp mất vợ là một nỗi sỉ nhục của cả cộng đồng. Chiến thắng Mtao Mxây là lần thứ hai Đăm Săn phải chiến đấu với kẻ thù để giành lại người vợ, chứng tỏ sự hùng mạnh của Đăm Săn, Chàng phải đối mặt với kẻ thù hung bạo và cũng có sức mạnh phi thường không kém. Hàng loạt những hình ảnh so sánh trong đoạn trích cho thấy rõ sự tương phản giữa Đăm Săn với kẻ thù, làm nổi bật lên sự hào hùng của chàng và sự thảm hại của Mtao Mxây. Đó chính là nét đặc sắc trong nghệ thuật đoạn trích này, tôn vinh vẻ đẹp người anh hùng Đăm Săn.
Vẻ đẹp Đăm Săn hiện rõ ngay từ khi chàng bước chân vào lãnh địa của Mtao Mxây. Tù trưởng Sắt hung bạo dù kiêu căng ngạo mạn cũng luôn phải dè chừng sự hiện diện của chàng. Hình ảnh Đăm Săn cùng những bạn bè đồng minh của chàng hiện lên dưới mắt kẻ thù thật dũng mãnh với khố màu sặc sỡ, đầu đội khăn đẹp cùng khí thế hừng hực Gươm sáng như mặt trời. Thân mình ở trần như quả dưa, ở thế chờ sẵn như con sóc. Mắt sáng gấp đôi gấp ba mắt thường. Hình ảnh so sánh thật đặc trưng đã làm đậm nét phi thường của người anh hùng. Tư thế ấy lại gắn liền hành động thách thức chặt ống tre thành ba khúc, xô đổ hàng rào hàm chứa sức mạnh tuyệt luân của chàng. Khi giáp chiến cùng Đăm Săn, dù ngôn ngữ sử thi miêu tả Mtao Mxây cũng rất đẹp, rất dũng mãnh nhưng vẫn lộ ra sự khiếp nhược trước Đăm Săn. Lời nói của hắn với chàng lộ ra sự hèn nhát: Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe. Đáp lại Đăm Săn đã bộc lộ sự khinh bỉ kẻ thù bằng tư thế đàng hoàng của mình: Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta củng không thèm đâm nữa là.
Cuộc đối đầu của Đăm Săn với Mtao Mxây là cuộc đối đầu giữa hai tù trưởng dũng mãnh. Phẩm chất anh hùng theo cách nhìn sử thi là ở sự chiến thắng bằng sức mạnh và sự can đảm. Cuộc đối đầu sinh tử ấy không có chỗ dung thân cho kẻ nào hèn nhát hơn. Trong tình cảm tôn vinh người anh hùng của buôn làng, mọi cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của Đăm Săn đều nổi bật, vượt trội hơn kẻ thù. Chúng ta cùng được chứng kiến màn thi tài mùa khiên thú vị: Mtao Mxây thể hiện rõ sự khoác lác khi lời nói của hắn được minh chứng bằng tiếng khiên kêu lộc cộc, lạch xạch như tiếng những quả mướp khô, còn Đăm Săn đã dập tắt nhuệ khí của hắn bằng sức mạnh phi thường trong màn múa khiên độc đáo. Ngôn ngữ sử thi khoa trương sức mạnh ấy ngang sức mạnh tự nhiên: Một bước nhảy, chàng vượt qua mấy đồi tranh. Một bước lùi, vượt qua mấy đồi mía. Tiếng gió khiển rít vù vù như dông bão, cây cối nhà cửa ở xung quanh củng nghiêng ngả. Lần múa khiên thứ hai của chàng còn ghê gớm hơn bởi dồn chứa sức mạnh trừng phạt Mtao Mxây. Sức mạnh Đăm Săn có được còn nhờ sự trợ lực của người vợ Hơ Nhị khi nàng ném trâu và thuốc cho chàng để sức lực tăng lên gấp bội.
Đăm Săn không hề đơn độc trong cuộc chiến vì danh dự này. Chính nghĩa thuộc về chàng khi các tù trưởng bạn hùng mạnh giúp chàng giành lại người vợ yêu quý. Đồng thời, chàng còn được sự trợ giúp của ông trời. Người anh hùng sử thi luôn có mối quan hệ với lực lượng siêu nhiên. Trời đã giúp chàng đánh rơi áo giáp của Mtao Mxây. Khi không còn áo sắt, hắn thật thảm hại và hèn nhát khi lần lượt chạy trốn vào chuồng heo, chuồng trâu, khi sắp chết lại buông ra những lời hèn nhát, ông Trời chỉ đóng vai trò hỗ trợ Đăm Săn, còn chính chàng mới là người kết liễu kẻ thù, đòi lại danh dự, cướp lại người vợ được trời tác thành. Giết Mtao Mxây, chính nghĩa thuộc về Đăm Săn. Chiến thắng được tôn vinh cùng với việc Đăm Săn được sở hữu tất cả tài sản, dân làng, tôi tớ của hắn. Quyền sở hữu này là đặc trưng gắn với thời kì chuyển từ công xã thị tộc sang chiếm hữu nô lệ, làm nên vinh quang của người anh hùng. Bởi thế hình ảnh trong sử thi được mô tả với quy mô hoành tráng: mọi người tình nguyện theo Đăm Săn đông như bầy hươu nai, lố nhố như đàn kiến cánh, như bầy kiến đen, như đàn mối trắng. Chàng thêm quyền uy, thêm nhiều chiêng núm, chiêng bằng - của cải trở thành biểu tượng sức mạnh tuyệt đối của người anh hùng.
Phân tích nhân vật Đăm Săn.
Văn học dân gian Việt Nam là kho tri thức vô cùng phong phú của nhân dân lao động, phản ánh mọi mặt đời sống vật chất cũng như thế giới tâm hồn của con người. Trong đó, nổi bật và gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc mọi thế hệ chính là những tác phẩm sử thi. Đó là những tác phẩm tự sự có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố xảy ra trong đời sống cộng đồng của cư dân cổ đại. Một trong những bộ sử thi nổi tiếng còn lại cho đến ngày nay chính là sử thi “Đăm Săn” của đồng bào Ê đê (Tây Nguyên). Tác phẩm đã kể về quá khứ hào hùng và những chiến công oanh liệt của người anh hùng Đăm Săn để bảo vệ sự bình yên và giàu có cho buôn làng. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao – Mxây” đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Đăm Săn với những vẻ đẹp lí tưởng.
Đoạn trích “Chiến thắng MTMX” thuộc phần giữa của tác phẩm: Sau khi về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn trở thành một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy. Các tù trưởng Kên Kền (Mtao Grư) và tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) lừa lúc ĐS cùng nô lệ lên rẫy, ra sông lao động đã kéo người đến cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần, ĐS đều tổ chức đánh trả và giành được chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai, của cải của kẻ địch khiến cho oai danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn.
Vẻ đẹp của Đăm Săn hiện rõ ngay từ khi chàng bước vào lãnh địa của MTMX. Tù trưởng Sắt hung bạo dù kiêu căng, ngạo mạn cũng phải luôn dè chừng trước sự hiện diện của chàng. Nếu như MTMX hèn hạ, lừa lúc ĐS và tôi tớ đi vắng đã đến cướp phá buôn làng chàng, bắt vợ của chàng thì ngược lại, ĐS rất dũng cảm, đường hoàng đến tận chân cầu thang nhà kẻ thù để khiêu chiến. Trước lời nói giễu cợt của MTMX “Ta không xuống đâu. Tay ta còn đang bận ôm vợ của hai chúng ta trên nhà này cơ mà” thì thái độ của ĐS càng tỏ ra quyết liệt hơn, vẻ đẹp phi thường của chàng lại được gắn liền với hành động thách thức đối thủ sẽ bổ đôi cái sàn hiên của đối thủ, chặt cái cầu thang của đối thủ để đốt lửa, những hành động mang sức mạnh tuyệt luân của chàng.
Khi giáp chiến cùng ĐS, dù ngôn ngữ sử thi miêu tả MTMX cũng rất đẹp, rất dũng mãnh “khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng, trông hắn dữ tợn như một vị thần ” nhưng vẫn lộ ra sự khiếp nhược trước ĐS. Lời nói của hắn với chàng lại bộc lộ sự hèn nhát, không đáng mặt anh hùng “nhưng ngươi không được đâm ta khi ta đang xuống đó nghe” , rồi lại “ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm” . Đáp lại, ĐS đã bộc lộ sự khinh bỉ kẻ thù bằng tư thế đàng hoàng của mình : “ Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi trong chuồng ta cũng không thèm đâm nữa là.”. Cho dù ĐS đã khẳng định chắc chắn như vậy nhưng MTMX vẫn không thôi sợ hãi, hắn cứ tần ngần, do dự, mỗi bước mỗi đắn đo. Miêu tả sự đối lập giữa ĐS với MTMX, sự sợ hãi, khiếp đảm của MTMX trước sự xuất hiện của ĐS chính là cách để tác giả dân gian làm nổi bật sức mạnh phi thường, lòng quả cảm anh dũng của người anh hùng ĐS.
Cuộc đối đầu giữa ĐS với MTMX là cuộc đối đầu giữa hai tù trưởng dũng mãnh. Phẩm chất anh hùng theo cách nhìn sử thi là sự chiến thắng bằng sức mạnh và lòng can đảm, cuộc đối đầu sinh tử ấy không có chỗ dung thân cho kẻ nào hèn nhát hơn. Trong tình cảm tôn vinh người anh hùng, mọi hành động, ngôn ngữ, cử chỉ của ĐS đều nổi bật và vượt trội hơn hẳn so với kẻ thù. ĐS yêu cầu MTMX múa khiên trước cũng có nghĩa là chàng cho đối thủ ra tay trước, điều này đã chứng tỏ phẩm chất của người anh hùng. Nếu như ở đoạn trên, chàng đã không thèm tấn công khi đối thủ chưa sẵn sàng thì đến đây, khi đối thủ đã sẵn sàng thì chàng vẫn dũng cảm cho đối thủ ra tay trước và ép đối thủ thực hiện hành động phô bày sức mạnh. Đối lập với sự yếu ớt, hèn kém của MTMX với đường khiên “kêu lạch xach như quả mướp khô”, ĐS đã dập tắt nhuệ khí của hắn trong màn múa khiên độc đáo mang sức mạnh phi thường của mình. Ngôn ngữ sử thi khoa trương sức mạnh của chàng ngang sức mạnh của tự nhiên : “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới chàng vượt một đồi lồ ô”. Tài múa của chàng khiến MTMX sợ hãi, hốt hoảng, chạy hết bãi đông sang bãi tây và không giữ được bình tĩnh, vung dao tấn công chàng nhưng không trúng mà chỉ chúng cái chão cột trâu. Lần múa khiên thứ hai của ĐS còn ghê gớm hơn bởi dồn chứa sức mạnh trừng phạt MTMX “Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Chòi lẫm đổ lăn lóc, cây cối chết rụi…”. Sức mạnh ĐS có được còn nhờ sự trợ giúp của Hơ Nhị khi nàng ném miếng trầu cho chàng và sức mạnh của chàng tăng lên gấp bội.
ĐS không hề đơn độc trong cuộc chiến vì danh dự này. Chàng đã được Ông Trời – thần linh trợ giúp. Người anh hùng sử thi luôn có mối quan hệ với lực lượng siêu nhiên, Trời đã giúp chàng đánh rơi áo giáp sắt của MTMX . Khi không còn áo giáp, trông hắn thật thảm hại khi chạy trốn quanh chuồng lợn, chuồng trâu và khi sắp chết lại buông ra những lời cầu khẩn thật hèn nhát. Ông Trời chỉ đóng vai trò hỗ trợ ĐS còn chính chàng mới là người kết liễu kẻ thù, giành được chiến thắng, đòi lại được danh dự.
Trong suốt thời gian hai tù trưởng giao đấu với nhau, dân làng, tôi tớ của hai tù trưởng không tham dự. Nhưng khi MTMX chết thì dân làng của hắn lại hồ hởi đi theo ĐS. Chàng thiết tha kêu gọi mọi người dân trong buôn làng của MTMX đi theo mình để xây dựng một cộng đồng lớn mạnh. Lời kêu gọi của chàng hướng tới từng gia đình để mong nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía họ. Đáp lại lời kêu gọi thấu tình đạt lí của ĐS, dân làng tôi tớ của MTMX nô nức kéo về buôn làng của ĐS, mọi người tình nguyện đi theo ĐS “đông như bầy cà toong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”. Phép so sánh rất giàu giá trị gợi hình mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật sử thi đã diễn tả thật thành công sự đồng tình, ủng hộ, sự ngưỡng mộ của người dân đối với người tù trưởng ĐS. Từ nay, chàng càng thêm quyền uy, càng nhiều chiêng núm, chiêng bằng – của cải trở thành biểu tượng cho sức mạnh tuyệt đối của người anh hùng.
Chính vì thế, để xứng đáng với chiến công, cũng phải có một lễ ăn mừng chiến thắng thật kì vĩ. Lời kêu gọi của ĐS có sức mạnh hiệu triệu muôn người như một bởi chàng lại vinh quang chiến thắng, đem lại sự bình yên cho bến nước buôn làng . ĐS ra lệnh cho tôi tớ đánh lên nhiều loại cồng chiêng là biểu tượng cho sự giàu có, uy danh, bình yên và hạnh phúc. Chàng ra lệnh cho tôi tớ giết lợn, bắt trâu để cúng thần, dâng tổ tiên , cầu cho bộ tộc tai qua nạn khỏi, bình yên vô sự. Chàng chính là người đã giữ gìn và xây đắp truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người Tây Nguyên. Nhà ĐS tưng bừng rộn rã, khách đến đông nghịt, các tù trưởng gần xa đều thán phục, tiếng tăm của chàng vang lừng khắp núi.
Sức mạnh và vẻ đẹp của ĐS trong cảnh ăn mừng chiến thắng được thể hiện qua cái nhìn đầy ngưỡng mộ của nhân dân. Đó là cái nhìn từ dưới lên, thể hiện sự sùng kính, tự hào. Giữa đám đông, chàng ĐS nổi bật với mái tóc dài, chằng nằm trên võng, hứng tóc chàng là một cái nong hoa. Chàng ăn không biết no, uống không biết say, chuyện trò không biết chán. Vẻ đẹp của chàng lại được mô tả qua qua sự ngợi ca của cả buôn làng: ngực cuốn chéo một tấm mền chiến, đôi mắt long lanh đầy sức trai, tiếng tăm vang lừng khắp chốn. ĐS hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, dũng mãnh của người anh hùng thị tộc: bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở ầm ầm tựa sấm dậy,…
Tác giả dân gian đã sử dụng nghệ thuật phóng đại để miêu tả vẻ đẹp của ĐS. Đó chính là vẻ đẹp thô sơ, hoang dã, ẩn chứa sức mạnh của người Ê đê. Giọng văn trang trọng, hào hùng đã làm nổi bật vẻ đẹp của ĐS, vị anh hùng đại diện cho cộng đồng thị tộc.
Tóm lại, đoạn trích đã đem lại cho ta những cách nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong chiến công bảo vệ buôn làng, đem lại bình yên cho bến nước. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng ngôn ngữ miêu tả khoa trương tạo được dấu ấn đặc sắc, chứa đựng những giá trị nhân văn đặc trưng của sử thi. Sử thi anh hùng Đam Săn quả thật đã hình thành ý thức và tình cảm cộng đồng vững bền của dân tộc Ê-Đê, thành di sản quí báu của Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời đại sử thi rực rỡ với vẻ đẹp “một đi không trở lại”.