Phân tích nhân vật bà lão cụ tứ trong tác phẩm vợ nhặt trong đoạn trích sau ( bà lão cúi đầu nín lặng... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau)
2 câu trả lời
Dàn ý số :
1. Mở bài
- Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Kim Lân (đặc điểm về con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật,...)
- Giới thiệu những nét khái quát về truyện ngắn “Vợ nhặt” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của tác phẩm, những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,...)
- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt”.
2. Thân bài
a. Giới thiệu những nét khái quát về nhân vật bà cụ Tứ
- Tuy không xuất hiện nhiều trong tác phẩm như nhân vật Tràng song nhân vật bà cụ Tứ vẫn để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
- Ngoại hình của nhân vật bà cụ Tứ hiện lên thật nghèo khổ, lam lũ, cơ cực: “dáng người lọng khọng”, “vừa đi vừa húng hắng ho, vừa lẩm bẩm tính toán”.
b. Diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ
- Khi trở về nhà, nhìn thấy Tràng cùng người vợ nhặt ở nhà, trong lòng bà cụ Tứ hiện lên một nỗi ngạc nhiên đến khôn cùng, hàng loạt câu hỏi hiện lên trong bà.
→ Bà cụ Tứ không hiểu, không biết người đàn bà kia là ai không phải vì bà không hiểu mà bởi bà lão ngạc nhiên, không ngờ và không dám tin rằng con trai mình lại có vợ trong những ngày nạn đói diễn ra khủng khiếp.
- Bà lão hiểu và bà hiểu ra bao nhiêu điều khác nữa:
+ Bà đã tin rằng Tràng đã có vợ
+ Ai oán, xót thương cho con, cho thị và cho cả chính bà.
+ Bà lão khóc, bà khóc vì thương con, vì lo cho con và vì bà chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ nhưng có lẽ đó còn là những giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc khi con trai bà có vợ.
+ Bà mở lòng đón nhận nàng dâu mới
→ Bà cụ Tứ không chỉ là một người giàu lòng yêu thương con mà còn rất giàu tình yêu thương con người.
- Sáng hôm sau:
+ Gương mặt rạng rỡ hẳn lên, nó “nhẹ nhõm, tươi tỉnh hơn ngày thường”.
→ Gương mặt ấy của bà đã toát lên bao niềm vui mừng, phấn khởi và hạnh phúc.
+ Trong bữa cơm sớm hôm ấy, dù thật thiếu thốn nhưng bà nói toàn “chuyện vui, chuyện sung sướng” về sau.
→ Những câu chuyện ấy cùng với niềm vui, niềm tin đang len lỏi trong tâm trí bà như đã thắp sáng lên trong lòng Tràng và người vợ nhặt niềm lạc quan, yêu đời
3. Kết bài
Khái quát những nét đặc sắc về nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” và nêu cảm nghĩ của bản thân.
bài làm
Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về người nông dân của nhà văn Kim Lân. Bằng ngòi bút nhân đạo của mình, người nghệ sĩ ấy không chỉ khắc họa những hình ảnh chân thực đến mức xót xa về người nông dân mà qua đó còn nói lên niềm cảm thương sâu sắc trước số phận bấp bênh, khốn cùng của họ. Trong tác phẩm, cả ba nhân vật Tràng, Thị và mẹ Tràng đều có những nỗi niềm riêng, những khổ tâm riêng, song sau tất thảy trong tâm hồn họ vẫn ánh lên những vẻ đẹp đáng được trân trọng. Nhân vật bà cụ Tứ- mẹ Tràng là nhân vật có tâm lí diễn biến khá phức tạp được nhà văn diễn tả rất thành công.
Bà cụ Tứ trước hết là một người đàn bà, nghèo khổ, góa chồng, sống cùng con trai ở xóm Ngụ Cư, cậu con trai tên Tràng, dù đã lớn những anh cu khá ngờ nghệch, lại xấu xí, thô kệch. Hai mẹ con sống với nhau, cùng nhau trải qua những gian khổ của cuộc sống thiếu thốn xã hội những năm 1945. Bà chưa bao giờ dám nghĩ anh cu Tràng con mình sẽ có vợ dù lòng bà rất muốn có một người con dâu bởi bà biết con mình thế nào, hoàn cảnh của gia đình ra sao.
Khi anh cu Tràng dắt vợ về chờ đợi mẹ trong căn nhà rách nát ấy, lúc về tới nhà, thấy một người đàn bà đang ngồi ở đầu giường của cậu con trai, bà rất ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên hơn khi nghe tiếng chào mẹ từ miệng người đàn bà ấy. Anh cu Tràng biết mẹ chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra bền cất tiếng “ Kìa nhà tôi nó chào u….Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”. Tiếng nói ấy, lời khẳng định ấy được cậu con trai của bà thốt ra, bà vẫn chưa thể tin được đây là sự thật, cố nhìn cho kĩ người đàn bà vẫn đang ngồi nơi đầu giường: “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con tỏ ý không hiểu”. Hóa ra con bà đã có vợ, một đứa vừa xấu, vừa nghèo như cu Tràng lại có kẻ nhận theo về ư? Lòng bà vẫn chưa hết ngạc nhiên, còn đong đầy những câu hỏi thắc mắc pha lẫn tò mò.
Khi dần hiểu ra mọi chuyện, biết Tràng nhặt được người đàn bà kia về làm vợ, bà chỉ biết “cúi đầu nín lặng” mà thôi. Xót thương biết bao cho số kiếp của con trai bà, bà nhớ về người chồng năm xưa của mình, nhớ về người con gái bà từng có những đã qua đời, bà càng thương, càng tủi, càng xót xa. Là một người mẹ, bà thương con vô bờ, bà biết con trai mình từ nay cũng đã yên bề gia thất, có mừng đấy chứ, nhưng mừng thì ít mà lắng lo thì nhiều. Bà trách phận mình làm mẹ lại chẳng thể cho con lấy một ngày ấm êm, cũng chẳng có gì lo cho con khi con lấy vợ. Bà cũng nặng lòng biết bao khi người chết vì đói thì nhiều, mạng sống mỏng manh như sợi tóc treo ngàn cân, nhà thì thiếu thốn, khốn khó mà con trai lại lấy vợ lúc này. Rồi bà khóc vì thương con, thương cô con dâu mới , hai đứa rồi sẽ ra sao, có chăng vượt qua được kiếp nạn đọa đày này. “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”. “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!...” “ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”. “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Làm sao có thể nói hết những yêu thương mà tấm lòng bà cụ dành cho con, những lời dịu dàng, chân thành được thốt lên từ trái tim ấm áp và sâu tận tâm can của người mẹ khiến ta không khỏi nghẹn lòng. “Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.
Là một người từng trải, bà hiểu được rằng nếu không có nạn đói xảy ra, chắc gì con mình đa có vợ, đói khát thế, người ta mới tìm đến con mình. Dẫu vậy, thứ hạnh phúc nhỏ bé mà anh Tràng có được vẫn mang đến cho bà, cho gia đình nhỏ sự ấm áp. Dù biết phía trước còn những gập ghềnh, bà vẫn động viên con, khuyên lơn con. Bà dặn con phải sống yêu thương, thuận hòa, đùm bọc san sẻ nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Trong lời dặn dò ấy, chứa chan cả một niềm tin rồi mai sẽ khác, rồi tương lai sẽ lại bình yên: “Rồi ra may mà ông giời cho khá…” ai giàu ba họ ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau. Bà cụ “nói toàn: chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này".
Trong buổi sáng sau ngày cô con dâu về, bà cố gắng dậy thật sớm, nhổ sạch vườn cỏ trước nhà, quét dọn lại nhà cửa, vườn tược. Hơn ai hết, bà xem công việc ấy như một sự yêu quý và trân trọng của mình dành cho người con dâu mới đến, bà đón con trong niềm vui để con đỡ tủi phận mà an lòng. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”. Bữa sáng đầu tiên đã con dâu là một nồi cháo cám, dù là một món ăn chát đắng những bà vẫn cố mỉm cười vui vẻ để động viên con. Đu nghèo khó đến thế, nhưng trong bữa ăn của buổi sáng hôm ấy ta vẫn cảm nhận được không khí gia đình đầy ấm áp, tình cảm mẹ con vẫn dạt dào.
Nhân vật bà cụ Tứ lấp lánh trong tác phẩm những đức tính cao đẹp của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam. Đó là sự đảm đang, lòng nhân hậu, vị tha, tình thương yêu con vô bờ bên và sự kiên cường trong ý chí. Trong gian nan, giữa ngàn sự chết chóc, trăm vạn mối lo toan, bà vẫn lạc quan, vẫn không nuôi hy vọng và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp.
Bằng cách kể chuyện hấp dẫn, sự thấu hiểu tâm lý, lòng người đã giúp nhà văn đi sâu vào từng ngõ ngách tâm hồn của nhân vật, để khi đọc những trang văn viết nên từ ngòi bút ấy, ta được sống với những cảm xúc cùng nhân vật để cùng hạnh phúc, cùng lo lắng, cùng khóc, cùng cười. Thật cảm ơn Kim Lân đã dành cho những người nông dân lam lũ một tình yêu thương vô bờ và bền chặt đến vậy.
I,MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Nêu giới hạn đoạn trích và VĐNL
Kim Lân là 1 trong những cây bút truyện ngắn xuất ắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, Hầu hết những trang viết của ông có giá trị về đề tài nông thôn và người nông dân. Kim Lân đã mở cho mình 1 lối đi riêng khi khai thác mảng đề tài quen thuộc này. 'Vợ nhặt" là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân. Trong truyện, Kim Lân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, đặc biệt là qua đoạn ''bà lão cúi đầu nín lặng... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau''.
II, TB
1. Giới thiệu chung
- HCST "Vợ nhặt": VN là sáng tác xuất sắc nhất của KL in trong tập "Con chó xấu xí"-1962. Tiền thân của truyện ngắn là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết ngay sau CMT8 nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, ông dựa vào 1 phần cốt truỵen cũ để viết truyện ngắn này.
2, Phân tích
a, Nhân vật bà cụ Tứ
*Khái quát: Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo, lam lũ nhưng có tấm lòng nhân hậu. Điều này được thể hiện thông qua việc nhà văn Kim Lân đặt nhân vật vào một tình huống: trong nạn đói bỗng dưng Tràng đưa một người phụ nữ lạ mặt về nhà.
Phân tích:
* Khi hiểu ra: Lòng bà mẹ buồn vui lẫn lộn.
- Buồn , tủi vì xót thương cho số kiếp con trai mình, thương con dâu.
+ Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn lên làm nổi , những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này.
+ Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u lo quá “ bà cụ nghẹn lời nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng
-> Tấm lòng bà mẹ bao la như biển cả.
- Mừng vì con mình đã có được vợ.
+ “ ừ, thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau , u cũng mừng lòng” -> Nàng dâu mới được bà đón nhận trong niềm vui: đến bước này, con mình mới có được vợ.
+ khuyên con những điều đôn hậu : “ Chúng mày bảo nhau mà làm ăn, cốt sao chúng mày hoà thuận-> Đó là những lời khuyên bày tỏ tấm lòng nhân hậu của bà mẹ.
-> Không hề phản đối cuộc hôn nhân chớp nhoáng của Tràng, thậm chí bà đã ngầm chấp nhận thị làm con dâu, cái khiến bà trăn trở chỉ là gia cảnh khốn khó, bà sợ con khổ, rồi làm khổ cả người khác nữa. Bà biết ơn thị, thấu hiểu cho hoàn cảnh của thị, cũng ý thức rõ được hoàn cảnh của con mình, thế nên bà chọn cách tác hợp, với hy vọng về một mối lương duyên tốt đẹp cho con trai
3, Đánh giá chung
-Nghệ thuật
III,KB: Khẳng định lại vấn đề
*bài viết
Kim Lân là 1 trong những cây bút truyện ngắn xuất ắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, Hầu hết những trang viết của ông có giá trị về đề tài nông thôn và người nông dân. Kim Lân đã mở cho mình 1 lối đi riêng khi khai thác mảng đề tài quen thuộc này. 'Vợ nhặt" là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân. Trong truyện, Kim Lân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, đặc biệt là qua đoạn ''bà lão cúi đầu nín lặng... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau''.
VN là sáng tác xuất sắc nhất của KL in trong tập "Con chó xấu xí"-1962. Tiền thân của truyện ngắn là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết ngay sau CMT8 nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, ông dựa vào 1 phần cốt truỵen cũ để viết truyện ngắn này.
Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo, lam lũ nhưng có tấm lòng nhân hậu. Điều này được thể hiện thông qua việc nhà văn Kim Lân đặt nhân vật vào một tình huống: trong nạn đói bỗng dưng Tràng đưa một người phụ nữ lạ mặt về nhà.
Khi Tràng đưa thị về ra mắt, bà cụ Tứ đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng chỉ sau một câu nói của Tràng: “Nhà tôi nó về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau . . . chẳng qua nó cũng là cái số . . . ” thì tâm trạng bà cụ đã thay đổi.
Dòng diễn biến tâm trạng bà cụ tứ được nhà văn Kim Lân miêu tả chỉ trong một đoạn văn ngắn ngủi nhưng ở đó, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của ông đã đạt đến độ tinh tế, tự nhiên như nó vốn có là như vậy. Đầu tiên trong đoạn trích là sự thấu hiểu của bà lão, sau đó là sự xót xa, thương thân tủi phận, từ sự yêu thương đến đồng cảm và trân trọng. Đối mặt với tại khó khăn, mặc dù lo lắng nhưng bà vẫn lạc quan động viên, an ủi các con hướng về tương lai bởi vì bà cũng đang vui với niềm vui của các con. Qua dòng diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ, Kim lân đã làm cho vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật được tỏa sáng.
Theo truyền thống của người Việt, chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện trọng đại, phải được sự cho phép, chấp nhận của những người lớn tuổi trong gia tộc thì đôi uyên ương mới được phép nên vợ nên chồng. Thế nhưng hôm nay Tràng lại bất ngờ đặt bà cụ Tứ vào tình huống đã rồi, Tràng dẫn thị về ra mắt mẹ nhưng thực chất là đưa vợ về ra mắt mẹ. Bà cụ tứ hoàn toàn có thể nổi giận, gắt gỏng, bà có quyền không đồng ý, thậm chí là có thể xua đuổi, nhưng trong tình huống này bà lại hoàn toàn không làm như vậy. Chỉ sau một câu nói của con trai, bà lão hoàn toàn cúi đầu nín lặng, một cái cúi đầu, một sự nín lặng để che giấu đi một cơn bão tố đang diễn ra trong lòng người mẹ già nghèo khổ. Cơn bão của sự đấu tranh giữa hiện thực khốn khó, đói khát với khát vọng hạnh phúc của đứa con trai và cũng là của bà. Bà hiểu ra biết bao cơ sự, bà hiểu hiện thực bi đát mà bà và còn đang phải đối mặt nhưng bà cũng hiểu khát vọng hạnh phúc trong lòng đứa con trai đang trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết.
Hơn ai hết bà cụ Tứ hiểu được: “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này” nghĩa là được tận hưởng niềm vui, sự tươm tất nhưng trong hoàn cảnh này bà hoàn toàn không thể lo được gì cho con. Bà nghẹn ngào không nói lên lời và bà đã khóc, giọt nước mắt hiếm hoi của người mẹ già thể vừa thể hiện sự đau đớn, xót xa vừa thể hiện sự thương thân, trách phận. Vượt qua nỗi đau đớn để dành tình yêu thương cho con trai mình và đặc biệt là “nàng dâu mới”. “Nàng dâu mới” nghe thiêng liêng trang trọng nhưng thực chất là người đàn bà theo không con trai bà, không cưới hỏi, không lễ nghi nhưng bà hoàn toàn không có sự rẻ khinh hay coi thường thị, ngược lại bà còn rất đề cao thị: :Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được . . . ” Rõ ràng giữa người ta và con mình bà đã đề cao người ta hơn, đây hoàn toàn không phải là sự tự hạ thấp mình mà nó xuất phát từ tình cảm chân thành của sự đồng cảm, trân trọng. Hơn ai hết bà thấu hiểu được hoàn cảnh của thị lúc này bởi vì bà cũng đang là nạn nhân của cơn bão táp đói khát, bà cũng đang bị nó quăng quật cho nghiêng ngả. Tình cảm của bà dành cho thị là tình cảm của những người đồng cảnh ngộ.
Trước hiện thực, bà cụ không tránh khỏi sự lo lắng, nỗi lo lắng của bà cũng đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Nếu người dân xóm ngụ cư lo cho Tràng rằng: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không” thì bà lo cho Tràng và thị rằng: “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Thế nhưng nỗi lo lắng của bà lập tức được lắng xuống bởi niềm hạnh phúc của con trai bà đang có là quá lớn và đó cũng là niềm hạnh phúc của bà. Bà đồng ý cho Tràng và thị nên vợ nên chồng: “Các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Đến đây ta cũng thấy được sự khéo léo, tinh tế của nhà văn trong việc sử dụng ngôn từ. Nhà văn khéo léo chọn từ “mừng lòng” chứ không phải “bằng lòng” bởi “mừng lòng là đồng ý trong sự mãn nguyện, vui mừng, đồng ý bởi niềm vui thực sự chứ hoàn toàn không có sự miễn cưỡng, gượng gạo.
Trước niềm hạnh phúc củ con, trước khi hai con bắt đầu bước đi trên con đường đời mới, bổn phận bà là mẹ nhưng bà không thể trang bị cho con được một chút hành trang vật chất nào bởi vì bà quá nghèo. Thế nhưng các con của bà thật may mắn khi được bà trang bị cho một hành trang tinh thần vô cùng quý giá đó là niềm lạc quan, tin tưởng để bước đến tương lai. Bà dặn các con: ”Vợ chồng chúng mày liệu bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá . . . Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”Một câu thành ngữ tưởng như bà thuận miệng nói ra nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Không bao giờ sự khó khăn đeo bám con người đến đời thứ ba, trong khi đời bà và đời Tràng đã khó thì đến đời con của Tràng sẽ không còn khó nữa. Một câu thành ngữ được được đúc rút từ kinh nghiệm của cha ông không phải lúc nào cũng đúng nhưng trong hoàn cảnh này thì nó chính là một ánh sáng le lói được bà cụ Tứ thắp lên để soi rọi cho các con mình khi chúng bước đi trên con đường đầy tăm tối. Một đốm lửa nhưng có thể thắp lên một niềm tin về một tương ai tươi sáng.
Bà cụ Tứ bị đặt trong hoàn cảnh rất éo le, bà đang phải đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng bà dễ dàng chấp nhận, dễ dàng thấu hiểu khát vọng của con. bà để lại đằng sau tất cả những đói khát, những chết chóc. Bà dằn lòng chịu đựng vì niềm hạnh phúc của con. Bà cụ Tứ không chỉ là một người mẹ thương con hết mực mà còn là người phụ nữ giàu đức hi sinh. Hơn thế bà là một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang những người đồng cảnh ngộ. Bà cụ Tứ đã nhận được sự trân trọng không chỉ của người đọc mà còn của chính tác giả Kim Lân. Bà đã được nhà văn trân trọng gọi là ”bà cụ Tứ”.
Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích, Kim Lân hoàn toàn chứng minh thuyết phục cho ta thấy nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của nhà văn đã đạt đến trình độ tinh tế, tự nhiên như nó vốn có là như vậy.Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào tình huống éo le để thử thách tâm lí nhân vật, từ đó là sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật. Dòng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật được Kim Lân miêu tả hết sức tự nhiên, hết sức chân chân thành qua từng lời nói, từng hành động đến từng thái độ của nhân vật.
Qua đoạn trích, tác giả tập trung khắc hoạ hình tượng bà cụ Tứ- người mẹ nghèo nhưng giàu lòng nhân hậu, bao dung. Đoạn trích đã làm nổi bật lên tài năng của Kim Lân, thành công của đoạn trích đóng góp một phần không nhỏ vào thành công chung cho toàn bộ tác phẩm “Vợ nhặt” và sự thành công của tác phẩm đã góp phần làm sáng lên tên tuổi của Kim Lân văn đàn.