Phân tích mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh với kinh tế ? GDQP12
1 câu trả lời
Quan hệ giữa kinh tế và QP-AN là mối quan hệ cơ bản, được hình thành từ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, mối quan hệ này có vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh nước ta xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và QP-AN là đòi hỏi tất yếu khách quan trong suốt quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức coi trọng thực hiện tốt mối quan hệ này và đã thu được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện cả về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Về mặt nhận thức, chúng ta đã nhận thức rõ những vấn đề cơ bản trên phương diện lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa kinh tế với QP-AN; khẳng định đó là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố, lĩnh vực trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấy rõ bản chất của mối quan hệ này là hoạt động kết hợp hữu cơ giữa kinh tế và QP-AN trong một chỉnh thể thống nhất, được thể hiện trong giải quyết các mối quan hệ cụ thể: xây dựng phải luôn gắn chặt với bảo vệ; chủ động mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế phải bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; phát triển kinh tế phải tạo cơ sở để tăng cường QP-AN của đất nước, tăng cường QP-AN phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH)... Về tổ chức thực hiện, đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về kết hợp giữa kinh tế với QP-AN, được thể hiện bằng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước và vận dụng đúng đắn, sáng tạo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong tổ chức thực hiện sự kết hợp này. Trong quá trình thực hiện, đã có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng các bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế; đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau, chủ động hiệp đồng, tạo sự gắn kết, đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, sự kết hợp này được thực hiện trên từng vùng lãnh thổ, các lĩnh vực và ngành KT-XH; trong đó, đã chú trọng gắn chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, đảo; gắn xây dựng các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế mở, khu chế xuất tập trung với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên phạm vi cả nước. Chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình KT-XH ở vùng sâu, vùng xa trên cơ sở xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP), quốc phòng-kinh tế do Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện làm nền tảng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế và QP-AN, quy chế bảo vệ các công trình quốc phòng, quân sự được xây dựng và từng bước hoàn thiện, đã tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện kết hợp kinh tế với QP-AN của đất nước.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, nhận thức về mối quan hệ giữa kinh tế với QP-AN ở một số vấn đề còn chưa rõ, chưa đúng và chưa đầy đủ, nhất là nhận thức về vai trò của các yếu tố lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp; về mối quan hệ giữa tự bảo vệ và được bảo vệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với QP-AN; về vị trí, vai trò của QP-AN trong quan hệ với kinh tế... Trong đó, có không ít ý kiến chỉ nhấn mạnh về kinh tế, cho rằng kinh tế là lĩnh vực chủ đạo, quyết định tới QP-AN; QP-AN tuy quan trọng nhưng phụ thuộc vào kinh tế, chịu sự chi phối của kinh tế; từ đó, tuyệt đối hoá về kinh tế, đề cao lợi ích kinh tế, để lợi ích kinh tế lấn át lợi ích QP-AN; điều này đã ảnh hưởng không nhỏ trong giải quyết mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế với bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia. Cùng với đó, việc tổ chức triển khai thực hiện mối quan hệ này ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương còn chưa chủ động, thiếu tích cực và đồng bộ; cơ chế hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành thiếu chặt chẽ, vận hành còn lúng túng; nội dung, phương thức kết hợp chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường. Sự phối hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm QP-AN trong phê duyệt, ký kết các dự án đầu tư nước ngoài chưa có cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, nên một số chương trình, dự án sau khi xây dựng xong đã ảnh hưởng không nhỏ đến thế trận QP-AN và lợi ích quốc gia.