Phân tích hình ảnh con sông Đà qua đoạn văn sau : “Con sông Đà gợi cảm ….. như một nỗi niềm cổ tích xưa” tks mn nhiều !mik đang cần gấp ạ
2 câu trả lời
Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo và tài hoa trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong số những nhà văn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể loại tùy bút và tiếng Việt. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” in trong tập “Tùy bút sông Đà” là một trong số những sáng tác tiêu biểu và xuất sắc nhất của ông. Là kết quả của chuyến đi thực tế lên miền Tây Bắc của Tổ quốc, với cảm hứng ngợi ca, yêu mến quê hương, đất nước, tùy bút “Người lái đò sông Đà” đã xây dựng thành công hình tượng con sông Đà – một sinh thể có hồn với những tính cách trái ngược, đầy mâu thuẫn.
Trước hết, hình tượng con sông Đà hiện lên với tính cách hung bạo, dữ dội. Có lẽ, sự hung bạo, dữ dội chính là đặc điểm nổi bật của thiên nhiên Tây Bắc và với sông Đà, sự hung bạo, dữ dội của nó hiện lên ở nhiều phương diện khác nhau. Nếu mọi dòng sông đều chảy về hướng đông thì chỉ có duy nhất sống Đà chảy về hướng bắc và có lẽ chỉ với dòng chảy này thôi cũng đã phần nào thể hiện được cái hung bạo, ngạo nghễ khác thường của sông Đà. Không dừng lại ở đó, bằng trí tưởng tượng phong phú, độc đáo và nghệ thuật nhân hóa đặc sắc, nhà văn Nguyễn Tuân đã cho người đọc cảm nhận rõ nét sự hiểm nguy của sông Đà qua hàng loạt hình ảnh, từ ngữ, câu văn miêu tả chi tiết những vách đá dựng đứng nơi sông Đà, “hẹp đến mức có quãng con nai con hổ nhảy vọt từ bờ này sang bờ kia hoặc nhẹ tay ném hòn đá cũng qua hoặc chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời.
Cùng với những vách đá, cái dữ dội của sông Đà còn được Nguyễn Tuân lột tả qua hình ảnh mặt ghềnh Hát Loong, “dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”. Với điệp từ “xô” được lặp lại nhiều lần đã diễn tả cuộc truy đuổi quyết liệt của sông Đà hòng cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu con người, bao con thuyền và bè gỗ đi qua nơi đây. Thêm vào đó, mặt ghềnh nói riêng, dòng sông nói chung cũng mang trong mình một tâm trạng. Tâm trạng ấy được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng từ láy “gùn ghè” đầy sáng tạo, qua đó bộc lộ thái độ hậm hực, tức tối, dọa dẫm. Những cơn gió vốn vô hình cũng được hữu hình hóa với dáng vẻ giận dữ, đầy dữ dội qua việc sử dụng từ láy “cuồn cuộn”. Dòng sông giống như kẻ thù, mang tâm địa ác độc, luôn tìm cách cướp đi tính mạng của con người.
Không chỉ dừng lại ở mặt ghềnh Hát Loong, sự dữ dội của sông Đà còn được tác giả Nguyễn Tuân làm rõ qua những thác nước với âm thanh vang dội đến rợn người của chúng. Dòng thác cuồn cuộn như đang mở hết âm lượng tiếng thét của thiên nhiên bừng bừng phấn khích, mạn rợn và hoang dại. Từ âm thanh của tiếng thác, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được tâm trạng, tính cách hung dữ của sông Đà – sông Đà thực sự như một con thủy quái, đang khiêu khích, thách thức điên loạn, thù hận con người.
Đặc biệt, sự độc dữ của sông Đà được tác giả Nguyễn Tuân tập trung làm nổi bật qua việc miêu tả cụ thể, rõ nét những cái hút nước. Nguyễn Tuân đã miêu tả những cái hút nước với hàng loạt chi tiết nghệ thuật đặc sắc và để lại ấn tượng sâu sắc. Tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh “hút nước như những cái giếng bê tông” kết hợp liên tưởng “trên mặt cái hút nước xoáy tít đáy đang lừ lừ những cánh quạ đàn” với cách dùng từ độc đáo “xoáy tít đáy” đã gợi tả một cách cụ thể, ấn tượng những hút nước sâu và nguy hiểm, mặt sông có những dòng xoáy nhanh và mạnh. Đồng thời, tác giả còn miêu tả âm thanh của những cái hút nước bằng biện pháp so sánh và nhân hóa “nước ở đây thở và kêu như cửa sông cái bị sặc”, “giếng sâu”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào” giúp người đọc cảm nhận được sự dữ dội và nguy hiểm của xoáy nước. Cùng với đó, sự nguy hiểm của sông Đà còn được miêu tả qua hình ảnh liên tưởng, so sánh độc đáo “những con thuyền đi qua quãng đó phải chèo thật nhanh y như ô tô sang số ấn ga để hút qua”. Hơn thế nữa, tác giả còn mượn góc nhìn của điện ảnh để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả để người đọc có thể cảm nhận rõ nét về dòng sông. Như vậy, hình ảnh những cái hút nước được miêu tả tỉ mỉ từ hình dáng, màu sắc, âm thanh. Tác giả đã sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh, nhân hóa, liên tưởng để làm bật nổi hình ảnh những cái hút nước nguy hiểm, truyền đến người đọc cảm giác sợ hãi, rợn ngợp.
Cuối cùng, tính cách hung bạo của sông Đà được thể hiện qua thạch trận. Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa để làm rõ chân dung, hình dáng, tính cách của từng hòn đá – “mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Có thể thấy, thủ pháp nhân hóa đã phát huy tột cùng tác dụng của nó để làm nổi bật tính cách hung bạo, hiếu chiến của sông Đà. Mỗi hòn đá như một chiến binh đã được dòng sông giao cho những nhiệm vụ khác nhau để tiêu diệt con người. Sông Đà đã giao nhiệm vụ cho chúng bày binh bố trận thành ba tuyến: có hàng tiền vệ, tuyến giữa, boong ke chìm, pháo đài nổi. Và để rồi chúng đã huy động sức mạnh tổng lực của mình để uy hiếp tinh thần con người với những binh pháp đầy bí hiểm. Thạch trận đã được bố trí thành ba trùng vi, mỗi trùng vi được bố trí cửa tử nhiều mà cửa sinh thì ít và đặc biệt thường xuyên thay đổi vị trí của cửa sinh. Như vậy, có thể thấy, tác giả Nguyễn Tuân đã làm nổi bật tính cách hung bạo, dữ dội của sông Đà qua việc miêu tả chi tiết dòng chảy, những vách đá, thác nước, thạch trận,…
Không chỉ có tính cách hung bạo, sông Đà còn mang trong mình tính cách trữ tình. Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà trước hết được tác giả thể hiện qua hình dáng của nó. Từ trên máy bay nhìn xuống, dòng sông Đà uốn lượn mềm mại, duyên dáng , điều đó thể hiện rõ qua nhiều hình ảnh so sánh, gợi cảm như “dây thừng ngoằn ngoèo”, “áng tóc vạn sải” và đặc biệt, hình ảnh so sánh vẻ đẹp trữ tình của dòng sông được ví với “áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc, bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Đồng thời, tác giả cũng miêu tả màu sắc của sông Đà để làm bật nổi tính cách trữ tình của nó. Sắc nước sông Đà thay đổi, biến ảo kì diệu và tác giả Nguyễn Tuân đã miêu tả sắc nước sông Đà qua bốn mùa – mùa xuân nước xanh ngọc bích, còn mùa thu lại lừ lừ chín đỏ. Có thể thấy, sông Đà luôn biết tự làm mới , làm đẹp cho chính mình. nó là một sinh thể sống động và đầy cá tính.
Thêm vào đó, dưới điểm nhìn của một cố nhân, dòng sông mang vẻ đẹp cổ kính “mặt sông loang loáng nước’, “sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi”. Dường như, dòng sông đang chảy về từ quá khứ, mang vẻ đẹp cổ kính như những câu thơ của tiền nhân, đó là vẻ đẹp “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”.
Cuối cùng, tác giả đã chuyển sang điểm nhìn của một du khách để cảm nhận toàn diện và sâu sắc hơn về sông Đà. Dưới điểm nhìn này, sông Đà hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng và hoang sơ qua hai hình ảnh so sánh gợi cảm “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi thơ”. Với cách so sánh giữa cái cụ thể với cái trừu tượng, tác giả không chỉ cho thấy vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ của dòng sông mà còn thể hiện niềm trìu mến của tác giả trước vẻ đẹp ấy. Và hơn thế nữa, dưới điểm nhìn của một du khách, sông Đà còn hiện lên với một vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt các hình ảnh sinh động, gợi cảm, những nương ngô đang nhú lên những lá non đầu mùa, những khóm cỏ gianh đang ra những búp nõn và đó còn là hình ảnh của “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”.
Tóm lại, tùy bút “Người lái đò sông Đà” với việc sử dụng những câu văn giàu nhạc điệu, cách dùng từ mới lạ, độc đáo cùng những so sánh, liên tưởng độc đáo, thú vị đã miêu tả thật sinh động và ấn tượng hình tượng con sông Đà với những đặc điểm, tính cách đối nghịch – vừa hùng vĩ, hung bạo, dữ dội vừa thơ mộng, trữ tình. Sông Đà là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc.