Nhận xét về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: “Qua việc miêu tả cuộc đời, số phận của Mị, nhà văn đã làm sống lại quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất phong kiến, đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt không gì huỷ diệt được của kiếp nô lệ. Đó chính là giá trị hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo lớn lao, tiến bộ của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Những giá trị này đã giúp cho Tô Hoài, tác phẩm của Tô Hoài đứng vững trước thử thách của thời gian và được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.” Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn ” Vợ chồng A Phủ” qua hai đoạn trích sau để làm sáng tỏ ý kiến: …”Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày…” Và: …”Bây giờ Mị cũng không nói. Mỵ đến góc nhà, lấy ống mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách…”

1 câu trả lời

I, Dàn ý tham khảo

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Tô Hoài

+ Năm sinh - năm mất

+ Quê quán

+ Phong cách

+ Tác phẩm tiêu biểu

- Giới thiệu tác phẩm: Vợ chồng A Phủ

+ Nội dung

+ Nghệ thuật

- Giới thiệu ý kiến trên

2, Thân bài

- Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đoạn văn 1

+ Mị là cô gái xinh đẹp, trẻ trung

+ Nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà Thống Lí Pá Tra.

=> Vì vậy, Mị phải từ bỏ tuổi thanh xuân, phải sống một cuộc sống bị đọa đày về cả thể xác và tinh thần. Mị đã từng muốn tìm đến cái chết với nắm lá ngón trong tay nhưng Mị không thể chết. Nếu Mị chết, cha Mị sẽ khổ, sẽ không thể trả được món nợ cho nhà Thống Lí. Mị đành chấp nhận quay trở lại nhà Thống Lí để làm con dâu gạt nợ, sống kiếp đời nô lệ, tủi nhục, bất hạnh.

- Đoạn văn 1: Đoạn văn đã tập trung khắc họa nỗi thống khổ đọa đầy về thể xác lẫn tinh thần của Mị ở nhà thống lí. 

- Đoạn văn 2: Đoạn văn thứ hai đã cho người đọc thấy rõ sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của Mị. 

=> Rút ra điểm giống và khác nhau

+ Giống nhau:

Cả hai đoạn văn đều góp phần khắc họa rõ nét thân phận cũng như vẻ đẹp tâm hồn Mị. Bên cạnh đó, hai đoạn văn đều thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với nỗi đau, thân phận và khát vọng sống của Mị. Đồng thời, hai đoạn văn trên đều được viết bằng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh giàu giá trị tạo hình, giàu sức truyền cảm.

+ Khác nhau: nội dung và nghệ thuật

3, Kết bài

- Tình cảm của em dành cho bài văn

II, Bài văn tham khảo

Tô Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám. Ông là một người có vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba tác phẩm được in trong tập truyện Tây Bắc – tác phẩm được giải Nhất giải thưởng hội Văn nghệ Việt Nam từ 1954 – 1955. Đó là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào Tây Bắc năm 1952. Trong truyện ngắn này, có ý kiến cho rằng: "Qua việc miêu tả cuộc đời, số phận của Mị, nhà văn đã làm sống lại quãng đời tăm tối, cơ cực của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất phong kiến, đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt không gì huỷ diệt được của kiếp nô lệ. Đó chính là giá trị hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo lớn lao, tiến bộ của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai đoạn văn sau "Lần lần..." và "Bây giờ,..."

Mị vốn là một cô gái vùng cao trẻ trung, xinh đẹp và tài hoa nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà Thống Lí Pá Tra. Vì vậy, Mị phải từ bỏ tuổi thanh xuân, phải sống một cuộc sống bị đọa đày về cả thể xác và tinh thần. Mị đã từng muốn tìm đến cái chết với nắm lá ngón trong tay nhưng Mị không thể chết. Nếu Mị chết, cha Mị sẽ khổ, sẽ không thể trả được món nợ cho nhà Thống Lí. Mị đành chấp nhận quay trở lại nhà Thống Lí để làm con dâu gạt nợ, sống kiếp đời nô lệ, tủi nhục, bất hạnh.

Đoạn văn đã tập trung khắc họa nỗi thống khổ đọa đầy về thể xác lẫn tinh thần của Mị ở nhà thống lí. Trước hết là những đọa đầy về tinh thần. Những đau khổ đã bao mòn tâm hồn của Mị, cô trở thành người đàn bà nhẫn nhục, chịu đựng, buông xuôi, bỏ mặc cuộc đời “Lần lần…tự tử nữa”. Mị không còn khả năng đấu tranh nữa, với Mị, cuộc sống chỉ còn là sự tồn tại. Mị định sống cuộc sống như vậy cho đến chết. Mới đầu, làm dâu nhà thống lí, Mị không khuất phục, Mị cũng đã từng nuôi ý định tự vẫn. Còn giờ đây, Mị không buồn nghĩ đến cái chết nữa. Đây là một tình tiết khám phá xuất sắc về nội tâm nhân vật của tác giả. Bởi vì khi con người nghĩ về cái chết, tức là họ còn tha thiết được sống, được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khi không còn buồn nghĩ đến nó nữa thì đây là sự buông thả số phận cho định mệnh mà không còn ý niệm về sự tồn tại của mình. Hơn thế nữa, Mị còn tưởng mình là con trâu con ngựa. Hai từ “trâu ngựa” không phải chỉ là nói theo nghĩa bóng, mà là theo nghĩa đen. Mị về làm dâu chỉ có vùi vào việc cả đêm lẫn ngày. Như một linh hồn chết, “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa”. Dần dần, Mị sống như thế cũng thành quen với cái khổ, cái nhục, thích nghi với đời sống nô lệ. Mị sống như cái máy, như một thực thể không ý thức về mình. Với cô, cuộc sống không còn ý nghĩa nữa, tất cả chỉ còn là màn sương mờ đục. Cụm từ chỉ thời gian “lần lần”, “mấy năm qua”, “mấy năm sau” đã nhấn mạnh trình tự luân hồi của thời gian chậm rãi, đều đặn. Lý giải cho thái độ này của cô là “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Chữ “quen” mang đến cho người đọc biết bao chua xót, đắng cay, thương cảm. Thậm chí, Mị chỉ nhớ đi nhớ lại, làm đi làm lại những việc nối tiếp nhau. Nói là Mị nhớ nhưng không phải là những rung cảm, cảm xúc bình thường ở một con người bình thường. Mị chỉ nhớ một cách máy móc những gì diễn ra theo một thói quen với sự lặp lại quẩn quanh. Mị nhớ một cách vô hồn vô cảm tựa như một vòng tròn tù túng không lối thoát.

 Hơn thế nữa, Mị còn bị đày đọa về thể xác. Cô phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng, không một ngày nghỉ ngơi “Tết xong thì lên…”. Mị làm việc quần quật suốt ngày suốt tháng suốt năm suốt đời như thế. Dù làm dâu nhà giàu nhưng đó chỉ là danh nghĩa chứ thực chất Mị là một nô lệ, lao động khổ sai. Mị như bị cướp đoạt công sức một cách tàn nhẫn: con ngựa con trâu có lúc, đêm đến nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ còn đàn bà con gái trong nhà này thì vùi vào làm việc. Cuộc sống của Mị giờ đây chỉ “mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng đi làm đi làm lại” cực khổ và vất vả, thậm chí còn chẳng bằng con trâu con ngựa. Con trâu con ngựa còn được nghỉ ngơi, đằng này đàn bà con gái phải làm việc cả đêm lẫn ngày. Việc so sánh con người với con vật của tác giả đã thể hiện sự tủi cực cùng nỗi đau của một kiếp người. Với đoạn văn trên (chi tiết “Mị không muốn chết”) là bằng chứng để tố cáo tội ác của giai cấp thống trị miền núi đã bào mòn tâm hồn con người.

Với ngòi bút hiện thực, lối kể chuyện nhẹ nhàng mà tinh tế, hấp dẫn, Tô Hoài đã khắc họa nổi bật bi kịch đau khổ, bất hạnh của Mị. Đây cũng là số phận tiêu biểu cho những người phụ nữ, những người lao động trên miền núi Tây Bắc. Tô Hoài đã vén màn bí ẩn để giúp cho bạn đọc miền xuôi vừa am hiểu, vừa thêm gần gũi, gắn bó với cuộc sống, con người Tây Bắc. Ta nhận ra số phận, cuộc đời của Mị rất gần gũi, quen thuộc như biết bao những số phận cảnh đời trên văn đàn miền xuôi. Qua số phận đau khổ, bất hạnh của Mị, Tô Hoài đã khẳng định sự đồng cảm, quan tâm sâu sắc đến số phận đau thương của những người lao động vùng cao Tây Bắc. Đồng thời, tác giả cũng tố cáo, lên án đanh thép tội ác dã man của chế độ phong kiến miền núi Tây Bắc. Chúng đã chà đạp, áp bức bóc lột những người phụ nữ, những người lao động vùng cao. Phản ánh về hiện thực này, Tô Hoài còn muốn kêu gọi phong trào du kích, phong trào cách mạng cần mau chóng giải phóng cho những con người lao động vùng cao Tây Bắc. Đây là thiên chức cao cả, sứ mệnh cao đẹp trong sáng tác của Tô Hoài.

Đoạn văn thứ hai đã cho người đọc thấy rõ sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của Mị. Khi A Sử trở về từ những cuộc vui, khi hắn còn muốn bắt thêm mấy người con gái nữa về làm vợ, “Mị cũng không nói gì”. Mị im lặng. Nhưng sự im lặng trong ngôn ngữ ấy không phải là sự nhẫn nhục, chịu đựng của một người đàn bà với một tâm hồn đã hao mòn. Trái lại, sự im lặng ấy như một phương thức thể hiện sự phản kháng của Mị trước kẻ trực tiếp chà đạp lên số phận của mình. Sự im lặng của Mị chính là một minh chứng cho khát vọng sống, khát vọng tự do của Mị, Mị không chấp nhận cái kiếp sống con trâu, con ngựa, Mị phản kháng, đấu tranh chống lại sự áp bức, chà đạp. Để rồi từ sự im lặng trong lời nói ấy đã dẫn đến một loạt hành động: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, sắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng”. Nhà văn đã sử dụng một loạt câu văn ngắn để diễn tả một chuỗi hành động xảy ra liên tiếp đồng thời cho thấy thái độ của Mị trước người chồng trên danh nghĩa - không buồn để ý cũng chẳng quan tâm. Hành động Mị sắn miếng mỡ “bỏ vào đĩa đèn cho sáng” có thể nói mang nhiều ý nghĩa. Dường như Mị muốn nương nhờ vào cái ánh sáng của đĩa đèn để thắp sáng cho cuộc đời chính mình, để thắp sáng thế giới xung quanh. Ánh sáng nơi đĩa đèn tuy có thể nhó bé những cũng đủ để Mị có thể nhìn rõ cảnh tượng quanh mình, đủ để nhìn nhận cuộc đời cho rõ. Nó hoàn toàn đối lập với cái sự tăm tối, âm u của căn buồng kín mít mà Mị ở. Nếu trước kia, ở trong một căn buồng tối đen với chỉ một chút ánh sáng len lỏi từ cái ô cửa số bé bằng bàn tay, Mị cũng chẳng nghĩ ngợi, cũng chẳng quan tâm đến thế giới ngoài kia thậm chí Mị từng nghĩ cứ ở trong cái cái lồng giam chật hẹp, tù túng ấy sống một cuộc đời bế tắc cho đến chết; nhưng giờ đây chính Mị lại dùng ánh sáng ấy để soi rọi mọi vật, soi rọi cuộc đời của mình. Hành động này sắn miếng mỡ “bỏ vào đĩa đèn cho sáng” đã cho thấy rõ sự thay đổi trong ý thức, nhận thức, tình cảm của Mị.

Đến đây, trong đầu Mị vẫn “rập rờn tiếng sáo”. Chính cái tiếng sáo đã đánh thức được sự sống đang ngủ say trong Mị; cái tiếng sáo đã giúp Mị sống lại những kí ức thời thanh xuân tươi đẹp tưởng như đã tiêu biến; cái tiếng sáo đã đem đến sự hồi sinh trong tâm hồn của người con gái Mèo đã chịu bao đau đớn, tủi nhục về thể xác và tâm hồn. Nó vẫn quẩn quanh, miên man trong tâm trí Mị. Và cái âm thanh đầy mê hoặc ấy đã thôi thúc khao khát được đi chơi trong Mị “Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi”. Mị muốn giải thoát mình khỏi cuộc sống đầy tủi nhục, đắng cay ấy. Mị muốn được bước ra khỏi căn buồng tăm tối, muốn tháo cũi sổ lồng, để được tự do, tự quyết. Mị muốn được ngắm nhìn cái thế giới đầy hương sắc, cỏ cây mà Mị đã lâu chưa được nhìn, được nghe. Để rồi từ ý thức đến hành động. Mị bắt đầu sửa soạn đi chơi với khao khát mãnh liệt của tuổi trẻ, với sự náo nức của người đã tìm ra ánh sáng sau đêm dài “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Chi tiết Mị quấn tóc, với tay lấy cái váy hoa không chỉ là hành động bản năng của người phụ nữ là thích làm đẹp mà còn thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ. Bao rạo rực mê say trong tâm hồn người con gái trẻ gửi trong hành động ấy. Hành động ngỡ như đột ngột, nhưng nó là kết quả tất yếu của sự tác động qua lại giữa hoàn cảnh và tâm lí nhân vật. Lời văn không còn đượm buồn hiu hắt mà như được sưởi ấm bằng chính tấm lòng đồng cảm mà nhà văn dành cho nhân vật của mình. Tất cả những hành động trên tưởng như rất đơn sơ, thường nhật nhưng với Mị nó vô cùng đặc biệt. Hành động chuẩn bị đi chơi chính là hành động giải phóng chính mình ra khỏi những trói buộc vô hình ở nhà thống lí Pá Tra để có thể bước qua những giới hạn để khẳng định quyền sống, tự do của con người. Không chỉ vậy, tất cả những hành động này đều diễn ra trước mặt A Sử, nó cho thấy rõ sự phản kháng, sự thách thức của Mị trước kẻ đã tước đi quyền sống của mình.

Song chưa kịp bước ra khỏi căn buồng tăm tối ấy, Mị đã bị A Sử trói lại. Hắn trói Mị một cách đầy tàn nhẫn, dã man: “lấy thắt lưng trói hai tay Mị”, xách “một thúng sợi đay trói đứng Mị vào cột nhà”, quấn tóc Mị lên cột khiến “Mị không thể cúi, không thể nghiêng được đầu”. Tô Hoài đã sử dụng bút pháp tả thực cùng những câu văn dài với hệ thống dấu câu để diễn tả cảnh Mị bị trói đầy thương tâm. Mị bị đối xử một cách độc ác, tàn nhẫn. A Sử trói Mị như muốn chặt đứt đi sức sống mới hồi sinh trong người con gái ấy. Cảnh Mị bị trói đã nhấn mạnh cái hiện thực nghiệt ngã, nhấn mạnh những đọa đày về mặt thể xác mà cha con thông lí đã gây ra.

Cả hai đoạn văn đều góp phần khắc họa rõ nét thân phận cũng như vẻ đẹp tâm hồn Mị. Bên cạnh đó, hai đoạn văn đều thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với nỗi đau, thân phận và khát vọng sống của Mị. Đồng thời, hai đoạn văn trên đều được viết bằng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh giàu giá trị tạo hình, giàu sức truyền cảm. Tuy nhiên, cả hai đoạn văn cũng có điểm khác nhau. Trước hết là về nội dung. Nếu như đoạn văn một nhà văn đi sâu khắc họa thân phận nô lệ bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, vì thế đoạn văn giàu giá trị hiện thực. Qua đó, tác giả thể hiện tiếng nói tố cáo đối với xã hội phong kiến miền núi. Thì đoạn văn hai lại đi sâu khắc họa sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật, qua đó thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ khi ngợi ca trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người. Hơn thế nữa, hai đoạn văn còn khác nhau về nghệ thuật. Nếu như đoạn văn một sử dụng những câu văn dài nhiều về liên tiếp cùng nghệ thuật so sánh ẩn dụ nhằm khắc họa nỗi cùng cực của nhân vật thì đoạn văn hai lại tành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo cùng lời văn giàu chất trữ tình.

Thông qua hình tượng nhân vật Mị, Tô Hoài đã khắc họa rất thành công hình ảnh người phụ nữ vùng cao. Hiền lành, chất phác, yêu lao động và đặc biệt cũng rất mạnh mẽ biết vùng lên chống lại ách áp bức bóc lột tìm lại cuộc sống tự do của chính mình.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm