ngắn thôi nha Mở bài là giới thiệu về nón là Việt Nam Thân bài là sự ra đời các kiểu rồi cấu tạo hình dáng ra sao kích thước thế nào nguyên liệu gồm có những thứ gì cách làm thế nào rồi những địa điểm làm nón lá nổi tiếng rồi nêu công dụng rồi nêu ý nghĩa của nón lá Kết bài là nêu cảm nghĩ về chiếc nón lá

1 câu trả lời

Chào em, em tham khảo gợi ý:

Từ xưa đến nay, chiếc nón đã trở thành một hình ảnh đẹp đẽ, gắn liền với vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Và nghề làm nón cũng là một nghề truyền thống của nhiều nơi nổi tiếng như làng Chuông (Hà Tây), Ba Đồn (Quảng Bình), Phú Cam (Huế),...

Ta đến làng Chuông, chỗ nào trong làng ta cũng thấy chiếc nón. Nhà nhà làm nón, người người làm nón. Và chiếc nón đã trở thành một kế sinh nhai của họ. Nón có từ rất lâu đời, không ai biết được chính xác nó có từ lúc nào và hoàn cảnh ra đời của nó ra sao. Chỉ biết rằng nón làng Chuông xưa kia đã từng là một lễ vật quý tiến vào cung vua phủ chúa cho hoàng hậu và công chúa dùng. Khắp mọi nơi, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy chiếc nón lá dân tộc. Mỗi ngày, có hàng ngàn chiếc nón được tỏa đi mọi nơi và trở thành mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguyên liệu là ra chiếc nón đều là những thứ rất gần gũi, thân thuộc với những người dân. Chúng bao gồm: tre, nứa, lá, móc,... Hầu hết nguyên liệu có thể lấy từ các nơi khác nhau như Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Thọ, Sơn La,... Để tạo nên chiếc nón với vô vàn những thao tác tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn và khéo léo. Những chiếc lá cọ được mang về phơi khô khoảng dăm ba ngày, khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng rồi là cho phẳng phiu. Là cũng không phải như bình thường, ta phải lấy một miếng sắt mỏng, nhẵn nhụi, hơ trên lửa với nhiệt độ vừa phải, nếu nóng quá chẳng những chiếc lá không thẳng mà cong hơn lúc trước. Để cho nón có màu trắng đẹp mà không bị mốc, người ta còn cho lá được qua một phản ứng hóa học (hơ lá trên lửa diêm sinh). Coi như là xong công đoạn làm lá.

Tiếp theo, người ta làm vòng nón. Vòng nón làm bằng tre nứa vót đều, gồm có mười sáu vòng cả thảy. Thường đây là công việc nặng nhọc nên do những người đàn ông trong làng đảm nhiệm. Rồi những chiếc vòng đó được đặt lên khuôn có sẵn. Khi xếp lá lên khuôn phải biết chọn những chiếc lá to và trắng ở ngoài, lá mảnh nhỏ được đặt ở trong. Sau đó, những người phụ nữ là người làm công việc khâu nón vì họ thường khéo léo hơn đàn ông. Nón được khâu bằng sợi móc hoặc sợi tơ dứa, mũi khâu phải đều nhau, các nút nối phải dấu khéo để nón mịn màng. Còn quai nón người ta thường làm bằng vải lụa nhiều màu sắc.

Về chủng loại cũng không phải là ít. Nón có rất nhiều loại, gồm: nón ba tầm hay còn gọi là nón quai thao, nón nhỏ, nón dấu, nón mũi chảo (trông giống chiếc chảo, to, thường đồng bào xứ Đoài dùng khi đi làm ruộng).

Chiếc nón có nhiều công dụng: che nắng, che mưa, lúc nghỉ ngơi, nón thành chiếc quạt phe phẩy tạo ra làn gió mát, khi đi chợ mua thức ăn, nón thay thế chiếc làn, chiếc rổ để đựng đồ. Ngoài ra, chiếc nón còn là một món quà biểu hiện tình cảm lứa đôi của những thanh niên nam nữ. Cha ông ta xưa có câu:

“Nón này che nắng che mưa

Nón này để đội cho vừa đôi ta

Nón này chung mẹ chung cha…”

Mỗi khi đi xa, chiếc nón là quà cho người thân. Nghề làm nón từ lâu đã được nâng thành một nghề thủ công mĩ nghệ. Bây giờ nón không những có chất lượng tốt mà còn đẹp và tinh xảo. Nó cũng là một vật trang sức với các cô gái, nó còn dùng để trang trí mĩ thuật, tạo không gian cho các phòng khách, phòng trà hoặc sân khấu.

Hiện nay, người ta ưa dùng mũ vì nó tiện lợi hơn, song chiếc nón lá vẫn là một vật dụng quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam, nó cũng góp phần tôn vinh cho nét đẹp văn hóa của phụ nữ và con người đất Việt chúng ta.