Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp hình tượng người lính trong hai đoạnh thơ trên Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau trờ giặc tới Đầu súng trăng treo Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật bom rung kính vở đi rồi Ung dung buồng lái ta ngồi Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng

1 câu trả lời

 Đề tài về người lính là một mảnh đất màu mỡ được nhiều nhà thơ, nhà văn khám phá, tìm hiểu với nhiều tác phẩm hấp dẫn, độc đáo. Hình ảnh người lính dưới ngòi bút của mỗi nhà văn hiện lên với những nét riêng và Chính Hữu, Phạm Tiến Duật cũng góp phần làm phong phú thêm mảng đề tài ấy qua hai tác phẩm tiêu biểu - bài thơ “Đồng chí” và bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hình tượng người lính trong hai bài thơ hiện lên vừa có những điểm giống nhau nhưng đồng thời cũng có những điểm khác biệt.

      Trước hết có thể thấy, hình tượng người lính trong hai bài thơ hiện lên giống nhau ở những phẩm chất, vẻ đẹp đáng trân quý. Hình ảnh người lính trong cả hai bài thơ đều là những người giàu nghị lực, không ngại khó khăn, gian khổ và sẵn sàng vượt lên trên tất cả bằng ý chí, niềm tin và tinh thần lạc quan. Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chắc hẳn chúng ta sẽ không thể nào quên được những câu thơ:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày.

      Bằng những hình ảnh chân thực, rõ nét, Chính Hữu dường như đã làm hiện lên tất cả mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mà những người lính đã phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Là những cơn sốt rét rừng đến run người, là thiếu thốn về vật chất - “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”. Nhưng có lẽ những khó khăn, thiếu thốn ấy không thể làm cho các anh nao núng, những người lính ấy đã vượt lên trên tất cả bằng một nụ cười, hình ảnh “miệng cười buốt giá” đã cho chúng ta thấy rõ được tinh thần lạc quan, ý chí, nghị lực trong các anh. 

      Không chỉ trong bài thơ “Đồng chí”, bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng đã khắc họa vẻ đẹp này của những người lính:

Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

      Trên con đường hành quân ra trận, trên tuyến đường Trường Sơn với biết bao mưa bom, bão đạn và hiểm nguy nhưng những người lính lái xe đã nỗ lực vượt lên trên tất cả. Có thể thấy, những hình ảnh “bụi”, “mưa” vừa là những hình ảnh mang ý nghĩa tả thực nhưng hơn hết đó còn là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho những khó khăn, vất vả mà những người lính gặp phải trên đường ra trận. Nhưng những người lính đã vượt qua tất cả, ý chí, nghị lực và niềm tin của những người lính được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng điệp từ “không có...ừ thì….” cùng việc lặp lại cấu trúc “chưa cần…” và hàng loạt các hình ảnh chân thực thể hiện rõ ý chí, tinh thần lạc quan của các anh như “phì phèo châm điếu thuốc”, “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, “chưa cần thay lái trăm cây số nữa”,...

      Thêm vào đó, những người lính trong cả hai bài thơ đều có tình đồng chí, đồng đội gắn bó bền chặt, keo sơn, thắm thiết. Trong bài thơ “Đồng chí”, tình đồng đội hiện lên thật đẹp và thể hiện rõ nét trong toàn bộ bài thơ. Ở đó, những người lính thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, cùng sát cánh bên nhau sẻ chia tất cả:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

      Những người lính ấy, họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng chung lí tưởng, chung mục đích phấn đấu và trở thành những người đồng chí, đồng đội, cùng chung chăn. Và để rồi, họ thấu hiểu hết mọi nỗi niềm của nhau, thấu hiểu cảnh ngộ, thấu hiểu mục đích lí tưởng và tình yêu quê hương, đất nước thiết tha. Đồng thời, những người lính ấy họ đã cùng nhau vượt qua bao vất vả, thiếu thốn và cả những bệnh tật nơi chiến trường hiểm ác với cái thiên nhiên hoang dã, dữ dội và để rồi, những tình cảm thiêng liêng, đáng trân quý ấy ở họ đã kết tinh thật sắc nét qua câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” là một hình ảnh thơ độc đáo và giàu ý nghĩa, đó là cái bắt tay để gắn chặt thêm tình đồng chí, đồng đội, là cái bắt tay trao cho nhau hơi ấm của tình yêu thương, trao cho nhau động lực, niềm tin để chiến đấu và chiến thắng.

      Đọc bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật chúng ta cũng thấy hiện lên tình đồng chí, đồng đội cao đẹp, đáng trân quý:

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi

      Trên chặng đường hành quân ra trận gian nan, vất vả, những người lính gặp nhau trong thoáng chốc, qua những ô cửa kính đã vỡ vì bom đạn của chiến trường, họ trao nhau những cái bắt tay ấm nồng tình cảm. Cái bắt tay ấy đã trao đi biết bao niềm tin, bao động lực để các anh cùng nhau phấn đấu, cố gắng trên chặng đường ra trận hiểm nguy. Và đồng thời, với những người lính lái xe, tình cảm đồng đội, tình anh em của họ cũng thật giản dị mà đơn sơ, với họ, những người cùng chung bát đũa chính là anh em, là gia đình của nhau, họ sẵn sàng cùng nhau yêu thương, gánh vác và san sẻ mọi nỗi niềm.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy. 

      Cùng với đó, người lính trong cả hai bài thơ đều hiện lên với tư thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu. Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chắc hẳn người đọc sẽ không thể nào quên những câu thơ:

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

      Trên cái nền của thiên nhiên, giữa màn đêm nơi chốn núi rừng hoang sơ, khi sương muối đã bủa vây lấy tất thảy mọi thứ, ấy vậy mà những người lính ấy vẫn không nao núng, vẫn ung dung, hiên ngang đứng “chờ giặc tới”. Hình ảnh đừng “chờ giặc tới” như đã vẽ lên trước mắt chúng ta hình ảnh người lính hiên ngang đứng chờ giặc, không chút lo lắng, sợ hãi.

      Cùng với đó, tư thế hiên ngang, bất khuất của những người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng hiện lên thật rõ nét:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

      Trên con đường ra trận, giữa những trận mưa bom, bão đạn, khiến những chiếc xe vỡ cửa kính, nhưng tất cả những điều đó chẳng thể nào ngăn được bước chân của các anh. Những người lái xe ấy vẫn “ung dung” giữ vững tay lái của mình, vẫn hiên ngang nơi buồng lái để ra trận, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, tư thế hiên ngang của họ càng được nhấn mạnh và làm bật nổi qua việc sử dụng điệp ngữ “nhìn đất”, “nhìn trời”, “nhìn thẳng”,... Những người lính lái xe ấy không những không sợ mà họ còn sẵn sàng đối diện với tất cả, để nỗ lực vượt qua.

      Như vậy, có thể thấy hình ảnh người lính trong cả hai bài thơ hiện lên có những nét giống nhau, sự giống nhau ấy chính là vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn đáng trân quý. Nhưng ở họ cũng có những điểm khác biệt. Sự khác nhau ấy trước hết thể hiện ở hoàn cảnh xuất thân. Những người lính trong bài thơ “Đồng chí” là những người xuất thân là những người nông dân, từ những miền quê khác nhau của Tổ quốc còn những người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại xuất thân là những chàng trai thành phố, những thanh niên tri thức trẻ. Thêm vào đó, hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” hiện lên với nét mộc mạc, chân chất bởi họ xuất thân là những người nông dân còn những người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại hiện lên với nét trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch, tếu táo.

      Có thể thấy, hình ảnh người lính trong cả hai bài thơ hiện lên vừa có những điểm chung nhưng đồng thời cũng có điểm khác biệt. Sự giống nhau ấy chính bởi cả hai nhà thơ đều tái hiện hình ảnh người lính với những vẻ đẹp vốn có của họ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Còn sự khác nhau bắt nguồn trước hết từ đặc trưng của văn học - văn học là lĩnh vực của cái mới, cái sáng tạo, bởi vậy nó không cho phép sự sao chép hay lặp lại. Đồng thời, sự khác nhau ấy còn xuất phát từ hoàn cảnh ra đời của hai tác phẩm. Bài thơ “Đồng chí” ra đời vào năm 1948, đây chính là thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp còn “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại ra đời vào năm 1969, trong quãng thời gian cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra khốc liệt và tàn ác nhất.

      Tóm lại, có thể thấy hình tượng người lính trong cả hai bài thơ hiện lên vừa có những điểm giống vừa có những điểm khác nhau nhưng xét đến cùng cả hai bài thơ đã góp phần làm phong phú, đặc sắc thêm cho mảng đề tài viết về những người lính.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

ĐỀ 1: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu cho dưới: Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh,…ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là “căn bệnh” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay. Trao đổi vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại Học California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kì 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay (…), anh Hiếu chỉ ra. Theo anh Hiếu sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng. (…) Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần hai yếu tố là phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong. Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lí thời gian,…việc không quản lí quỹ thời gian của mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cũng cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này qua ngày khác. (…) Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân. (…)Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm? (Lần lữa -“căn bệnh” khó chữa của người trẻ - Hoa Nữ) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính. Câu 2: Theo bài viết, nguyên nhân chủ yếu nào đã khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa? Câu 3: Vì sao Lê Đình Hiếu cho rằng việc chưa “sẵn sàng nghiêm túc với bản thân” và “nuông chiều cảm xúc” sẽ khiến giới trẻ “tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá”?

2 lượt xem
2 đáp án
8 giờ trước