1 câu trả lời
I, MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
II, TB:
1. Giới thiệu chung
- Hoàn cảnh sáng tác:
- Cảm xúc chung: Vội vàng là những dòng cảm xúc mãnh liệt , trào dâng cuốn thoe biết bao cảnh sắc như gấm như hoa của đất trời.
2. Phân tích
a, 4 câu đầu: ƯỚc muốn của tác giả:
+ Tắt nắng để màu đừng nhạt
+ Buộc gió để hương đừng bay -> Ước muốn kì lạ, mơ uứơc vô lí nhưng mục đích và ước muốn rất thực.
- tâm lí sợ thời gian trôi, muốn núi kéo thời gian, muốn giữ niềm vui được tận hưởng mãi mãi sắc màu, hương vị của cuộc sống.
- Nghệ thuật: + Điệp ngữ (tôi muốn) -> bộc lộ trực tiếp cái tôi cá nhân tự tin và tự tôn
+ Thể thơ: ngũ ngôn, ngắn gọn như lời giãi bày cô nén cảm xúc và ý tưởng của nghệ sĩ -> khẳng định ước muốn của tác giả
b. 9 câu thơ tiếp: Cảm nhận của tcs giả về vẻ đpẹ của bức tranh thiên nhiên mùa xuân
* 7 câu đầu
- Nghệ thuật:
+ Điệp từ "này đây": như trình bày, mới gọi người quan sát thưởng thức
+ So sánh: "tháng giêng ngon như một cặp môi gần" - dùng hình ảnh cụ thể của cơ thể con người so với đơn vị thời gian trừu tượng -> gợi cảm giác liên tưởng rất mạnh về tình yêu lứa đôi, hạnh phúc tuổi trẻ -> so sánh mới lạ độc đáo.
- Hình ảnh: Ong bướm, Đồng nội xanh rì, Cành tơ phơ phất, Yến anh, ánh sáng, thần Vui
-> hình ảnh đẹp đẽ, tươi non, trẻ trung. Cảnh thật, cuộc sống thiên nhiên thật, quen thuộc hàng ngày nhưng qua cảm xúc của tác giả: cảnh vật và cuộc sống thần tiên thiên đường.
* 2 câu cuối
- Tâm trạng: sung sướng - vội vàng -> muốn sống nhanh, sống gấp, tranh thủ thời gian. Tâm trạng đầy mâu thuẫn những vẫn thống nhất
-> Đoạn thơ: nhịp thơ nhanh, câu thơ kéo dài mở rộng (8 chữ) tác giả đã vẽ ra bức tranh cuộc sống thần tiên chính ngay cuộc sống hiện tại qua tâm trạng yêu đời và gắn bó sâu sắc.
c. 16 câu thơ tiếp: Lí lẽ về thời gian, tuổi trẻ,mùa xuân
- Nghệ thuật: điệp từ "nghĩa là" - tạo thành câu định nghĩa giải thích để tìm ra bản chất, quy luật của cuộc sống, mang tính chất khẳng định, phát hiện như chân lí
- Quan niệm: gắn tuổi trẻ với mùa xuân - mùa tình yêu, tác giả đưa ra quan niệm mới mẻ: thời gian, tuổi trẻ, mùa xuân của đời người thật hạn hẹp, nó chỉ đến với mỗi con người 1 lần và trôi qua rất nhanh -> tác giả nuối tiếc mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc
- Nghệ thuật:
+ Kết cấu lập luận: nói làm chinếu, cònnhưng chẳng cònnên
+ Điệp từ phải chẳng - hỏi -> nối kết ý thơ, lí lẽ biện minh như đang tranh luận giãi bày về chân lí mới mẻ.
+ Hình ảnh đối lập: Lượng trời chật >< lòng tôi rộng Xuân tuần hoàn >< tuổi trẻ không trở lại. Còn trời đất >< chẳng còn tôi.
+ Điệp từ, giọng thơ u uất não nuột à tâm trạng tiếc nuối, lo sợ ngậm ngùi khi mùa xuân qua mau, tuổi trẻ chóng tàn, sự tàn phai không thể nào tránh khỏi à tâm trạng vội vàng, cuống quýt.
d. Đoạn cuối : lời giục giã sống vội vàng
- Nghệ thuật: + Điệp từ "ta muốn" "cho" "và"
+ Động từ: ôm riết, thâu, say, cắn: chỉ cảm xúc tình cảm mạnh
+ Các từ chỉ mức độ: chếnh choáng, đầy, no nê -> diễn tả cảm xúc ào ạt, dâng trào
=> Đoạnt thơ: lời giục giã hãy sống vội vàng, hãy ra sức tận hưởng niềm lạc thú của tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu.
3, Đánh giá chung
-ND
- NT
III, KB: Khẳng định lại giá trị của tác phẩm
* bài viết tham khảo
Thế Lữ đã từng nhận xét về hồn thơ Xuân Diệu rằng "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian, ông đã không trốn tránh mà còn quyến luyến cõi đời”. Phải khẳng định rằng ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã mang đến cho văn học Việt Nam "một cách nhìn mới,một bút pháp mới,một cảm xúc mới". Điều này được thể hiện rất rõ qua thi phẩm 'Vội vàng". Bài thơ là một bức tranh tâm trạng với biết bao cung bậc cảm xúc của thi nhân.
Trước hết, bài thơ “Vội vàng” đã thể hiện ý nguyện, tâm thế và mong muốn hành động của tác giả trước bước đi của thời gian. Đó là tâm trạng muốn níu giữ tất thảy những gì đpẹ nhất của thiên nhiên:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Trước vòng quay “một đi không trở lại” của dòng thời gian, tác giả Xuân Diệu muốn nắm bắt và giữ lấy từng khoảnh khắc qua việc muốn “tắt nắng” để sắc màu không phôi pha, muốn “buộc gió” không cho hương sắc bay đi. Điệp ngữ “Tôi muốn” được nhắc lại hai lần đã khẳng định ý nguyện của cái “tôi” tha thiết muốn giữ lấy vẻ đẹp chóng tàn phai của thiên nhiên; đồng thời làm nổi bật tâm hồn của một thi sĩ yêu đời, say mê thiên nhiên và trân trọng, nâng niu cuộc sống.
Đến những câu thơ tiếp, ta bắt gặp một tình yêu tha thiết, mãnh liệt này đã được phác họa rõ nét hơn. Tình yêu cuộc sống được thể hiện qua cách mà nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mới mơn mởn làm sao:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Bằng biện pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp nhịp điệu thơ nhanh và dồn dập, mọi thanh âm, mọi sắc màu, hình ảnh của bức tranh thiên nhiên đều hiện hữu sinh động trước mắt người đọc. Điệp từ “Này đây” vang lên đầy say mê, thể hiện mọi giác quan của người thi sĩ đều rung lên để đón nhận, để tận hưởng vẻ đẹp của tạo hóa, của đất trời trong sức xuân và sắc xuân. Đó là những vẻ đẹp hữu hình như “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ phất”. Đó còn là vẻ đẹp vô hình như khúc ca tình yêu mang âm điệu say mê cuồng nhiệt của cặp “yến anh”, là nguồn sáng vội vã chớp qua hàng mi,.... Đặc biệt, Xuân Diệu đã so sánh “tháng giêng” - khái niệm thời gian vô hình như “cặp môi” – sự vật cụ thể trong mối quan hệ “ngon” – “gần” để đem đến một cảm nhận vô cùng độc đáo, mới mẻ, khiến cho bức tranh thiên nhiên nơi trần gian hiện lên đẹp đẽ, tươi mới, căng tràn sức sống như “một thiên đường trên mặt đất”. Thi nhân vận dụng mọi giác quan để tận hưởng vẻ đẹp của tạo vật, thiên nhiên nhưng vẫn không quên đi ý thức về sự trôi chảy của thời gian: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Bởi vậy, ông đắm say, cuồng nhiệt cùng cảnh sắc đất trời nhưng vẫn không ngừng chiêm nghiệm về dòng thời gian trôi, về tình yêu và tuổi trẻ. Ở đây, ta thấy được tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ về sự chảy trôi của:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Là một nhà thơ với thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, Xuân Diệu không chỉ thấy được quy luật tuần hoàn của dòng thời gian: “Xuân tàn, hạ tới, thu hết, đông sang” mà còn nắm rõ “phép biện chứng” mang tính tuyến tính, “một đi không bao giờ trở lại” của từng phút giây. Qua cách cảm nhận: “xuân đương tới” – “xuân đương qua”, “xuân còn non” – “xuân sẽ già”, dòng chảy vô hình của thời gian đã được khắc họa rõ nét, khiến cho dù thi nhân đang cảm nhận mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống cũng chính là mùa xuân đang ở viễn cảnh “sẽ già”, sẽ tàn phai, sẽ héo úa. Nhưng điều đặc biệt nhất trong quan niệm của Xuân Diệu chính là thời gian vũ trụ không đồng nhất với thời gian của đời người, nghĩa là “xuân qua” rồi xuân sẽ lại “tới” trong sự tuần hoàn của đất trời, nhưng tuổi trẻ, đời người thì “chẳng hai lần thắm lại”. Bởi vậy, ông cho rằng điều đẹp nhất của con người chính là tuổi trẻ và tình yêu.
Cuối cùng, “ông hoàng thơ tình” mang trong mình tâm trạng nuối tiếc mùa xuân, nuối tiếc tuổi trẻ bằng lòng ham sống, lòng yêu đời mãnh liệt cùng quan niệm sống “vội vàng” nên đã chủ động chạy đua với thời gian:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây thâu và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”
Điệp từ “Ta muốn” được đặt ở đầu câu vang lên đầy dõng dạc, kết hợp với hàng loạt động từ theo cấp độ tăng tiến: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” đã làm nổi bật tư thế chủ động tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống ở độ tươi mới nhất, căng tràn nhất của cái “tôi” trữ tình. Lòng ham sống cùng niềm say mê cuồng nhiệt đó chính là động lực để thôi thúc Xuân Diệu “sống vội vàng, sống cuống quýt” (theo cách nói của nhà phê bình văn học Hoài Thanh), nhưng sự vội vàng đó không hề tiêu cực bởi nhịp sống đó luôn gắn bó mật thiết với niềm vui sống và tinh thần lạc quan của tác giả. Đây là một quan điểm sống tích cực, tiến bộ và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mỗi một con người.
Vội vàng là minh chứng rõ nét nhất cho tấm lòng sâu nặng, tha thiết với mùa xuân tình yêu và tuổi trẻ của Xuân Diệu, người đến với đời bằng một giọng thơ yêu đời, yêu sống đầy thấm thía, khiến các thi nhân cùng thời không khỏi cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ về một hồn thơ quá đỗi sôi nổi, cuồng nhiệt. Nhưng mãi rồi người ta cũng thấy quen và người ta dần thấu hiểu cái chất thơ Pháp lãng mạn nhưng luôn dáng dấp mềm mại của văn chương Việt Nam. Xuân Diệu khi buồn cũng vậy, khi vui cũng vậy, thơ người lúc nào cũng nồng nàn, rạo rực, một hồn thơ trẻ mãi không già, tình tứ tận trăm năm.