Nêu 1 vài vấn đề trong đời sống gia đình (Khoảng 3-5 vấn đề nha) Vd như vấn đề : Những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương Đại loại chung chung vậy á, nhma vấn đề khác nhau nhaa Cái này cô bắt chọn vấn đề để làm văn á, giúp mình vứi nhaa ^^
1 câu trả lời
1. Trước khi nói
a. Chuẩn bị nội dung nói
- Dựa vào chính trải nghiệm của em để chọn một đề tài phù hợp. Ví dụ:
+ quan hệ giữa các thành viên trong gia đình;
+ việc chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu của cha mẹ đối với con cái;
+ thái độ cư xử của con cái đối với cha mẹ;
+ những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương;
+ sự tôn trọng sở thích và mong muốn của từng người,...
- Có thể đọc lại các văn bản đã học trong bài để được gợi ý thêm về ý tưởng.
Ví dụ:
+ hình ảnh em bé và sự chăm sóc của người thân trong “Chuyện cổ tích về loài người”,
+ tình cảm gắn bó của con đối với mẹ trong “Mây và sóng”,
+ tình yêu thương của anh chị em trong “Bức tranh của em gái tôi”,...
- Tìm thêm thông tin liên quan từ sách báo hoặc các phương tiện nghe nhìn để có được cái nhìn toàn diện hơn về đề tài muốn nói.
- Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát,... về gia đình để minh họa cho bài nói (nếu có).
- Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát,... về gia đình để minh họa cho bài nói (nếu có).
- Ghi ra giấy những ý chính cần nói và sắp xếp theo trật tự phù hợp.
Ví dụ:
+ nêu vấn đề và các biểu hiện cụ thể của vấn đề;
+ nêu tác động của vấn đề đối với các thành viên trong gia đình;
+ trình bày mong muốn của em và cách em đã làm để giải quyết vấn đề;...
b. Tập luyện
- Để trình bày tốt, em hãy tập luyện trước.
+ tập luyện một mình,
+ trình bày trước bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.
- Chọn cách nói tự nhiên, gần gũi, gần với kiểu tâm tình, chia sẻ, giãi bày.
2. Trình bày bài nói
- Trình bày bài nói theo các ý chính đã chuẩn bị.
+ Mở đầu, nên cho người nghe cảm nhận được điều em sắp nói là điều em đã thực sự chứng kiến, có nhiều cảm xúc và suy nghĩ.
+ Ở phần nội dung chính, cần chú ý để không sa vào việc liệt kê bằng chứng hay kể chuyện; tập trung nêu được nội dung cốt lõi, mang tính tiêu biểu cho vấn đề đang bàn.
+ Kết thúc bài nói cần nhấn mạnh vào cách ứng xử thích hợp mà em đã lựa chọn.
- Trong khi nói, cần tập trung vào vấn đề mà em đã chọn. Những liên hệ với trải nghiệm của bản thân em sẽ làm cho nội dung bài nói thêm sinh động.
- Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát để làm tăng sức hấp dẫn cho bài nói.
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là......................, học lớp......., trường .............
Gia đình Việt Nam từ nghìn năm nay đã xây dựng được những truyền thống tốt đẹp bền vững với những chuẩn mực về gia phong, gia đạo, với phương châm cư xử: kính trên nhường dưới, đặc biệt đề cao nề nếp và sự hòa thuận. Tuy vậy, giữa các thế hệ trong gia đình vẫn có những khoảng cách về nhận thức, về nếp sống và tâm lí từ đó tạo ra những xung đột không thể tránh khỏi nhất là lứa tuổi vị thành niên với cha mẹ. Đó là một vấn đề bức xúc cần phải tháo gỡ để tạo sự hòa thuận, êm ấm trong một gia đình. Tuy nhiên, đây là một vấn đề vô cùng phức tạp với quy mô khá lớn nên ở bài nói này, tôi sẽ chỉ đề cập những xung đột thường gặp và đề xuất những giải pháp có thể khắc phục những xung đột trên.
1. Sự khác biệt về nhận thức và tâm lí tạo nên những xung đột giữa con cái và cha mẹ
1.1. Sự khác biệt trong cách nhìn nhận về hình thức bề ngoài của con cái
Ở lứa tuổi dậy thì (như chúng ta hiện nay), học sinh bắt đầu có ý thức và chú ý đến vóc dáng và hình thức của mình về chiều cao, cân nặng, nước da… Học sinh có thể đứng trước gương hàng giờ để tự ngắm mình với tâm lí vừa thích thú, vừa lo âu với những dự định của mình về cách để tóc, mua sắm quần áo, cách tạo dáng, đi đứng... để chứng tỏ mình đã trưởng thành, là người model, hiện đại nhằm tạo nên sự chú ý với mọi người nhất là bạn khác giới. Hình thức bề ngoài là một yếu tố khá quan trọng ở lứa tuổi vị thành niên, vì thế học sinh thường có những phản ứng “không muốn chấp nhận” những yêu cầu của cha mẹ trong việc để kiểu tóc, mua sắm quần áo, cách trang điểm… như cha mẹ thường làm khi chúng ta còn ở tuổi thơ ấu. Trong khi đó cha mẹ vẫn giữ quan niệm cũ nên đôi khi không theo kịp với nhận thức của con về các mốt mới trong thời hiện đại. Cha mẹ vẫn nghĩ: “con còn nhỏ, cha mẹ cho gì mặc nấy không được đòi hỏi”, vì vậy cha mẹ thực sự bất ngờ có khi “bị sốc” về cuộc “cách mạng” trong trang phục, quần áo... hình thức bề ngoài của con. Một mặt, con cái không muốn phụ thuộc về hình thức bề ngoài của mình theo ý cha mẹ, mặt khác cha mẹ không đồng tình với sự thay đổi của con thậm chí còn trách móc, chê bai con cái. Sự khác biệt này đã dẫn đến xung đột khó hòa hợp trong quan niệm về hình thức bề ngoài của người con.
1.2. Sự khác biệt trong nhận thức về vấn đề học tập của con
Khi bước vào trường THCS học sinh đã có mức độ trưởng thành đáng kể trong hoạt động học tập. Chúng ta đã có thể phân biệt được những kiến thức “cần thiết” và kiến thức “không cần thiết”, vì vậy đã có ý thức hình thành những ý định nghề nghiệp trong tương lai. Giai đoạn này chúng ta đã biết dành thời gian tập trung vào đọc sách báo, tập san ... , tập trung học nhiều các môn mà mình cho là quan trọng. Trong khi đó khái niệm về việc lựa chọn nghề nghiệp chưa rõ ràng, việc lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu là theo cảm tính, có bạn thích chạy theo bạn bè và tâm lí đám đông nên thiếu tính thiết thực, đôi khi không phù hợp với năng lực và điều kiện của mình. Về phía cha mẹ lại quan niệm: Việc học là công việc được ưu tiên số một nên cha mẹ quan tâm và tạo mọi điều kiện để đạt mục đích của mình. Cha mẹ có trách nhiệm chọn nghề nghiệp cho con theo sự từng trải, với suy nghĩ, tính toán của mình mặc dù không phù hợp với khả năng, sở thích của con.. Nếu con không nghe lời, không theo yêu cầu trên con cái sẽ bị ép buộc hoặc chịu sự trách phạt. Từ đó dẫn đến những xung đột về học tập và lựa chon nghề nghiệp giữa cha mẹ và con cái.
1.3. Nhận thức về quan hệ bạn bè của con
Ở tuổi dậy thì, khi cơ thể đã phát triển thì tâm lí cũng có nhiều thay đổi. Học sinh ham hiểu biết khám phá, thích mở rộng quan hệ kết bạn với những bạn bè cùng trang lứa được dựa trên nền tảng “đạo đức bình đẳng”. Giao tiếp với bạn bè là cần thiết đem lại sự thỏa mãn về nhu cầu giao tiếp giúp chúng ta phát triển nhân cách. Các hoạt động kết bạn, đi chơi, mời bạn đến nhà, kết bạn khác giới đã đánh dấu sự phát triển và hình thành đạo đức xã hội không thể thiếu.
Về phía cha mẹ, nền tảng của quan hệ người lớn là “đạo đức vâng lời”, quan niệm về cách chọn bạn, nhất là quan hệ với bạn bè khác giới là những vấn đề “cấm kỵ” đối với con. Đôi khi cha mẹ cho là những hành vi không phù hợp với quy tắc sống của trẻ em. Sự xung đột về quan hệ bạn bè chính là mâu thuẫn giữa nền tảng “đạo đức bình đẳng” của con và “đạo đức vâng lời” của cha mẹ. Cha mẹ muốn con kết bạn theo tiêu chuẩn của cha mẹ, trong khi đó con lại không chịu từ bỏ những bạn bè theo tiêu chuẩn của mình.
1.4. Xung đột về sở thích, hứng thú của con
Sở thích hứng thú ở tuổi vị thành niên là một nhu cầu có khuynh hướng phát triển mạnh. Chúng ta say mê tìm hiểu, khám phá các loại hình: sách báo, tập san, âm nhạc, thể thao, thời trang, phim ảnh, điện tử… Nhu cầu này giúp học sinh nâng cao nhận thức, hứng thú và tự tìm thấy năng khiếu của mình, bước đầu tiếp xúc và trải nghiệm với đời sống của người lớn. Sự hiểu biết, khám phá, sự yêu thích một loại hình nào đó cũng là một giá trị để phấn đấu. Tuy nhiên, vì khả năng tự kiềm chế chưa tốt, khi say sưa quá nên không điều chỉnh được thời gian, không biết dành thời gian cho học tập và các công việc khác một cách phù hợp.
Ngược lại, trong nhận thức của cha mẹ, học tập vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của con. Việc con dành nhiều thời gian vào những sở thích, hứng thú khác đã đi ngược lại quan niệm của cha mẹ. Thế là cha mẹ tìm mọi cách đưa con vào “nề nếp” bằng cách nhắc nhở, giám sát, kiểm tra, đôi khi còn la mắng và áp dụng những hình phạt.
Về tâm lí, tuổi vị thành niên có xu hướng che giấu những bí mật riêng tư (viết nhật ký, viết thư, trao đổi tình cảm...), chúng ta cảm thấy xấu hổ khi người khác vô tình phát hiện, khám phá ra vì bản thân rất coi trọng quyền riêng tư của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ chưa ý thức được nhu cầu độc lập của con trong lĩnh vực này và yêu cầu con không được giấu diếm cha mẹ bất cứ điều gì. Cha mẹ có quyền được biết tất cả những gì xảy ra với con và được tự do can thiệp vào công việc của con. Sự khác biệt trong nhận thức này đã làm cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên nặng nề, căng thẳng.
1.5 Nhận thức về việc sử dụng thời gian và sử dụng tiền của con
- Việc sử dụng thời gian:
Thời thơ ấu cha mẹ thường dạy bảo con cái tuân thủ những quy định, khuôn phép sinh hoạt của gia đình. Thời gian (ăn, ngủ, vui chơi, học tập...) do cha mẹ quy định. Cha mẹ hy vọng khi con đã lớn, có nhận thức thì chúng ta sẽ thực hiện tốt hơn nề nếp sinh hoạt của gia đình đã được giáo dục từ nhỏ. Nhưng đến tuổi dậy thì tình hình sẽ ngược lại. Cha mẹ thấy thất vọng và hụt hẫng vì chúng ta bắt đầu làm ngược lại những điều cha mẹ mong muốn (cha mẹ thấy con chậm chạp lề mề hơn...). Học sinh ý thức được quyền của mình về nhu cầu riêng tư, ví dụ: dành thời gian để tự khám phá bản thân như soi gương, chải tóc, viết nhật ký, gọi điện thoại, đi chơi với bạn bè, dự sinh nhật... Đến lúc này những quy định cứng nhắc của cha mẹ từ khi còn nhỏ trở nên gò bó, mệt mỏi. Học sinh không muốn thực hiện những quy định của cha mẹ về giờ giấc nữa. Nhiều khi do cha mẹ thúc ép về thời gian đã xuất hiện tình trạng không nghe lời, đôi khi vô lễ với cha mẹ. Từ đó những xung đột có cơ hội bùng phát.
- Việc sử dụng tiền :
Khi con còn nhỏ, ít có nhu cầu sử dụng tiền, con chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ về chi tiêu, mua sắm, khi cần cái gì các em đều xin cha mẹ. Đến tuổi dậy thì nhu cầu sử dụng tiền cao hơn. Học sinh cần một khoản tiền riêng và muốn được sử dụng tự do vào những việc: Chơi điện tử, xem phim, mua truyện, uống nước hoặc chiêu đãi bạn bè… Trong khi đó cha mẹ chưa hiểu hết nhu cầu cần thiết của con nên có cách ứng xử chủ yếu theo những khuynh hướng sau:
+ Khuynh hướng thứ nhất: cha mẹ rất khắt khe về việc cho con tiền và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của con vì sợ con cầm tiền nhiều, tự do chi tiêu không đúng mục đích thì sẽ hư hỏng. Nỗi lo này rất chính đáng nhưng nếu khắt khe quá con không đủ số tiền tối thiểu để sinh hoạt hay tham gia giải trí sẽ dẫn đến tình trạng xung đột giữa cha mẹ và con cái, lúc ấy con sẽ tìm mọi cách để có tiền (đi làm thêm, thậm chí lấy tiền của cha mẹ hoặc của người khác ..) từ đó phát sinh những tính xấu mà trước đây không có.
+ Khuynh hướng thứ hai: đối với những gia đình khá giả, cha mẹ quá nuông chiều con, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của con về tiền bạc, thái độ này dẫn đến tình trạng, người con không biết quý trọng đồng tiền và sức lao động của cha mẹ và người khác, chi tiêu phung phí vào những chuyện giải trí, vui chơi không lành mạnh, cờ bạc, nghiện ngập… những chuyện không thể chấp nhận với lứa tuổi vị thành niên dẫn đến hư hỏng. Như vậy, cha mẹ đã vô tình làm hại con mình mà không hay biết. Khuynh hướng này thường gây ra những bi kịch cho gia đình.
2. Những nguyên nhân dẫn đến xung đột trên
Sự khác biệt về nhận thức, quan niệm, suy nghĩ và cách sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc diểm nổi bật mang tính quy luật. Vấn đề cơ bản ở đây là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.
2.1. Về phía cha mẹ
- Do ảnh hưởng của tính gia trưởng với ý muốn con cái phải tuân theo quyền hành và những quy định mình đặt ra từ khi con còn bé.
- Với suy nghĩ các em vẫn còn bé, ngây thơ nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình.
- Do chưa thích ứng và ý thức đầy đủ đối với sự thay đổi nhanh chóng về cơ thể, về tâm sinh lý của các em nên chưa cảm nhận đầy đủ, kịp thời nhu cầu độc lập, sự ý thức về bản thân và sự lựa chọn riêng của các em.
- Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy cha mẹ có những suy nghĩ rằng những đòi hỏi về sự độc lập, quyền riêng tư của các em không phù hợp, vượt qua khuôn khổ cho phép.
2.2. Về phía chúng ta, những đứa con
- Ở tuổi dậy thì cơ thể phát triển, tâm sinh lý thay đổi nên chúng ta cảm nhận được “về sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Mặt khác, ở độ tuổi này nhận thức đã được nâng lên rõ rệt, đó là những nhận biết về cuộc sống, bạn bè, ý thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư” với những nhu cầu độc lập của bản thân.
- Từ sự thay đổi trên dẫn đến chúng ta có nhu cầu thoát khỏi sự phụ thuộc và kiểm soát của cha mẹ, muốn thoát khỏi trật tự, khuôn phép, quy định mà cha mẹ áp đặt từ lúc còn bé. Chúng ta cho rằng mình có quyền thỏa mãn nhu cầu độc lập, tự quyết định những sinh hoạt riêng tư là phù hợp với lứa tuổi và cuộc sống hiện đại. Đó chính là nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa cha mẹ và con cái ở tuổi dậy thì.
3. Một số định hướng nhằm tháo gỡ những xung đột trên
- Về cách ứng xử trong gia đình: Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nếu cảm thấy không còn phù hợp nữa cần phải điều chỉnh để đáp ứng với cuộc sống ở thời điểm mà con cái đang sống.
- Cha mẹ chủ động san lấp khoảng cách về tâm lý giữa các thế hệ trong gia đình, không nên bảo thủ áp đặt bằng những điều đã lỗi thời, biết cách hòa nhập vào cuộc sống hiện tại, tiếp thu và điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống.
- Nhận ra sự phát triển của cơ thể, tâm sinh lý của con mình ở tuổi dậy thì về nhu cầu độc lập, nhu cầu tự khẳng định, quyền riêng tư và những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống để có những ứng xử kịp thời phù hợp.
- Luôn tìm hiểu, tâm sự với để nắm bắt những thay đổi, tâm tư nguyện vọng, sở thích và những nhu cầu của con. Một mặt tôn trọng và đáp ứng hợp lý những nhu cầu chính đáng, đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn những suy nghĩ hành động tự do mất phương hướng, những tiêu cực, những cám dỗ, cạm bẫy có thể mắc phải. Giúp học sinh tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng, lúng túng những khủng hoảng về tâm lý trong gia đoạn này.
- Cần trao đổi tìm ra tiếng nói chung phù hợp giữa các thế hệ, cha mẹ cần có nhận thức đúng, biết định hướng cho con bằng những phân tích có cơ sở sâu sắc, có sức thuyết phục cao, không nên áp đặt cứng nhắc theo kiểu gia trưởng để tạo sự tin yêu cảm thông sẻ chia của con đối với cha mẹ.
- Cha mẹ liên hệ chặt chẽ với nhà trường, Đoàn Thanh niên và các tổ chức xã hội liên quan để hướng con vào những hoạt động tích cực, phù hợp vừa nâng cao nhận thức xã hội vừa thể hiện sự quan tâm, tạo sự đồng thuận cao giữa các thế hệ nhằm xây dựng gia đình tiến bộ hạnh phúc.
Trên đây là ý kiến của tôi về việc cải tạo mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi xảy ra những bất đồng trong cuộc sống. Tôi mong rằng qua bài nói này, các bạn sẽ hiểu hơn về nỗi lòng của cha mẹ và có thể tạo ra cuộc nói chuyện thẳng thắn về vấn đề này, thuyết phục cha mẹ hài hòa giữa sở thích của các bạn và nguyện vọng của cha mẹ, giúp gia đình luôn là nơi lắng nghe, yêu thương, chia sẻ. Nếu các bạn có bất cứ điều gì đồng cảm, cần chia sẻ thì tôi sẵn sàng lắng nghe. Xin chân thành cảm ơn!
3. Sau khi nói
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe
Người nói
Thể hiện sự chia sẻ và nêu nhận xét về phần trình bày của bạn với thái độ chân thành, tôn trọng. Có thể trao đổi về:
+ Nội dung bài nói: Bài nói đã trình bày được ý kiến về vấn đề trong đời sống gia đình hay chưa?
+ Cách trình bày: Ngữ điệu, cách diễn đạt, cách tương tác với người nghe như thế nào?
Phản hồi những nhận xét, góp ý của người nghe với tinh thần cầu thị:
+ Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.
+ Trao đổi về những điều người nghe cần nắm rõ thêm.