một dân tộc gan góc chống ách nô lệ...độc lập ấy . cảm nhận của anh chị về đoạn văn trên trong tác phẩm tuyên ngôn độc lập lớp 12
1 câu trả lời
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam mới. Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn trong việc khẳng định quyền tự chủ, bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới và đánh dấu mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta.
Kết thúc bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đoạn văn trên đã làm rõ những tư tưởng lớn của Người trong toàn bộ bản tuyên ngôn. Đồng thời đây cũng là lời tuyên bố độc lập được rút ra từ những chân lý rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đưa ra lời tuyên bố tự do, độc lập thể hiện được tinh thần, ý chí chí của toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp để giữ vững quyền tự do, độc lập. Người trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân trên thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Bởi Việt Nam cũng như bao quốc gia khác, có quyền bình đẳng và quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.Cho nên, bản tuyên ngôn độc lập đã “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
“Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Sau khoảng thời gian hơn 80 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp thì lời tuyên ngôn này đã phần nào thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, sự đoàn kết đồng lòng của quân và dân ta đã mang lại nền độc lập ấy. Để có được điều đó, nhân dân ta đã phải chịu đựng chế độ cai trị hà khắc, dã man của chúng. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở ba miền để ngăn tình đoàn kết và ngăn việc thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thi hành chính sách ngu dân, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, trong 5 năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật…Và dân tộc ta đã “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. “Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.
Không chỉ khẳng định nước Việt Nam là một nước độc lập, Hồ Chí Minh còn khẳng định quyết tâm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó như một lời thề thiêng liêng, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu thì dân tộc Việt Nam sẽ đoàn kết, tạo nên sức mạnh để chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, dân chủ.
Lời tuyên ngôn đã khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết ở mỗi người con đất Việt. “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó còn thể hiện lòng quyết tâm mạnh mẽ, chiến đấu đến cùng để bảo vệ bờ cõi đất nước, chiến đấu đến cùng để chống lại mọi âm mưu xâm chiếm của các thế lực thù địch trên thế giới có dã tâm xâm lược nước ta.
Tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực, là văn kiện chính trị lớn tổng kết cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc, chứa đựng nhiều chân lí lớn, sức thuyết phục cao, ngắn gọn mà lời lẽ hết sức giản dị. Đoạn kết của bản tuyên ngôn đã khẳng định lại Việt Nam là một nước độc lập và “toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.