lập kịch bản về bảo vệ hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc

1 câu trả lời

CHUNG TAY BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

 

Cả bản ai cũng khen nhà A Páo có 2 con trâu khỏe, khen A Páo chăm sóc trâu tốt, mà không chăm sóc sao được khi đó là cả cơ nghiệp của nhà A Páo. Hôm qua, lúc lên nương, nhìn sang bên kia biên giới, chỗ gần cột mốc, A Páo thấy cả một vạt cỏ xanh non mơm mởn. Cỏ này mà cho trâu nhà mình ăn thì phải biết!”. Nghĩ là làm. Sáng nay, mặt trời mới lấp ló sau dãy núi trước nhà, A Páo đã dậy, lùa hai con trâu ra khỏi chuồng, cho chúng đi theo con đường mòn sau nhà, chỉ cần qua khe suối nhỏ là sang bên kia biên giới rồi, chúng tha hồ gặm cỏ.

Đang lững thững đi theo hai con trâu, A Páo chợt nghe thấy tiếng gọi. Nhìn lại, thì ra là bộ đội Hùng.

A Páo: Ồ, chào bộ đội Hùng! Bộ đội đi đâu vậy?

Bộ đội Hùng: Chúng tôi vừa đi tuần tra về. Anh em về đồn rồi, còn tôi tranh thủ đầu giờ xuống gặp các anh ở Ủy ban xã bàn một số việc. Thế A Páo lùa trâu đi đâu vậy? Nương nhà A Páo ở phía kia cơ mà.

A Páo: Bộ đội Hùng nhớ thật đấy, nhưng hôm nay, tôi không lên nương, tôi đang cho trâu sang bên kia ăn cỏ. Cỏ bên đó tốt lắm. Tôi đi đường này cho gần.

Anh Hùng nhìn A Páo thoáng chút đắn đo, rồi nói:

Bộ đội Hùng: Bây giờ vẫn còn sớm, A Páo buộc trâu vào gốc cây kia rồi ngồi đây ta nói chuyện. Tôi có thuốc lá thơm lắm, mời A Páo.

A Páo: Có thuốc ngon à, cho tôi một điếu. Ừ, thôi lát nữa tôi cho trâu đi ăn cũng được.

Bộ đội Hùng: Nương ngô nhà A Páo năm nay có tốt không?

A Páo: Tốt lắm. Từ ngày được bộ đội trên đồn chỉ cho bà con ta cách làm mới, lại có giống tốt nên mấy năm nay được mùa, ngô chắc hạt lắm. Bà con trong bản vẫn bảo nhau phải cảm ơn các bộ đội nhiều.

Bộ đội Hùng: Thế nương ngô nhà A Páo đang tốt như vậy, bỗng có ai đó vào bẻ ngô chẳng hỏi gì A Páo cả thì A Páo thấy sao?

A Páo: Thì tôi chẳng lậy gậy mà quật cho nó chừa cái tội bẻ trộm ngô nhà người ta.

Bộ đội Hùng: Thế có ai đó đến nhà A Páo mà chẳng hỏi, chẳng gọi A Páo; cửa chính không đi lại nhảy qua hàng rào vào nhà; thấy vườn nhà A Páo có rau ngon, họ cho gà, cho lợn nhà họ vào ăn thì A Páo thấy sao?

A Páo: Nếu thế thì tôi không chỉ quật nó đâu nhá, tôi còn bắt nó giải lên Ủy ban hoặc Công an xã để cho chính quyền xử lý ấy chứ. Này, hôm nay bộ đội Hùng làm sao thế, hỏi gì mà lạ vậy?

Bộ đội Hùng (cười): Nương của A Páo, nhà của A Páo thì A Páo giữ như vậy, thế sao A Páo lại định cho trâu sang bên kia biên giới ăn cỏ. A Páo cũng biết đó là đất của nước bạn rồi mà.

 A Páo (lúng túng gãi đầu): Ơ... thì...  Bộ đội Hùng không biết đấy, trước kia bên này với bên ấy còn chung một bản mà, bà con hai bên vẫn thường qua lại mà. Nhiều gia đình trong bản còn có dâu, rể là người bên nước bạn. Rồi trâu bên nọ còn lạc sang bên kia ấy chứ, chủ trâu lại sang tìm về, có sao đâu.

Bộ đội Hùng: Tôi biết là nhiều hộ dân ở bản của ta và bản bên nước bạn có quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời với nhau. Việc lấy vợ, lấy chồng của các gia đình hai bên biên giới cũng nhiều. Chính vì mối quan hệ thân thiết đó, mà bà con hai bên coi việc đi lại tự do qua biên giới thăm thân hay tự cho trâu, bò sang ăn cỏ như A Páo định làm là việc rất đơn giản, thông thường như ”cơm ăn, nước uống hàng ngày”, do đó, những khái niệm về đường biên, mốc giới vẫn chưa ăn sâu trong tiềm thức của bà con mình đó A Páo à. Tuy nhiên từ ngày hai nước phân định mốc giới rồi, bà con ta không thể tùy tiện như trước được nữa.

A Páo: Bộ đội nói thế chẳng lẽ từ nay tôi không được sang bên đó thăm bạn tôi à?

Bộ đội Hùng: A Páo chưa hiểu ý tôi. Bà con hai bản vẫn được thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau nhưng phải chấp hành theo quy định của nước ta và của nước bạn.

A Páo: Bộ đội Hùng nói cho A Páo hiểu rõ hơn được không?

Bộ đội Hùng: Thế này A Páo à, pháp luật của nhà nước ta đã quy định việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới[1], tức là A Páo muốn sang bên kia thăm bạn phải đến đúng nơi quy định chứ không phải cứ tùy tiện theo đường tắt, lối mòn mà sang đâu.

A Páo: Cũng như khi khách đến nhà A Páo thì phải hỏi A Páo, phải được A Páo đồng ý và vào bằng cổng chính, chứ không được trèo tường, vượt rào như bộ đội nói khi nãy, đúng không?.

Bộ đội Hùng: Thế là A Páo đã hiểu ra rồi đấy. Mỗi đất nước đều có chủ quyền. Đường biên giới chính là ”phên dậu” xác định không gian của mỗi quốc gia. Việc qua lại giữa người dân hai nước không chỉ phải đúng địa điểm quy định mà khi sang khu vực biên giới nước bạn, A Páo hoặc bà con dân bản còn phải có một trong các giấy tờ như: giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; rồi còn phải tuân theo những quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới đã ký kết giữa nước ta với nước láng giềng trên từng tuyến biên giới nữa[2].

A Páo: Nghe bộ đội nói như vậy thì việc tôi định cho trâu sang bên kia ăn cỏ cũng là sai rồi!

Bộ đội Hùng: Đúng đó A Páo à. Chính vì do chưa ý thức được về biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ lại không nắm được các quy định pháp luật nên vẫn còn việc bà con hai bên biên giới tự do qua lại hoặc xâm canh, xâm cư hay chăn thả gia súc qua biên giới. Bà con chưa hiểu được việc mình làm chính là vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và có thể bị xử phạt. Ví dụ như việc qua lại biên giới không có giấy tờ theo quy định hoặc qua lại biên giới không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới, chăn thả gia súc, gia cầm qua biên giới có thể bị xử phạt đến 300.000 đồng; hoặc việc chăn thả gia súc qua biên giới có thể bị phạt đến 500.000 đồng[3].

A Páo: May mà gặp bộ đội Hùng chứ không thì tôi đã vi phạm pháp luật rồi. Lâu nay tôi cứ nghĩ đơn giản bộ đội à!

Bộ đội Hùng: Bộ đội biên phòng chúng tôi đang phối hợp cùng Ủy ban xã và các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho bà con ta hiểu rõ các quy định pháp luật về biên giới quốc gia. Bà con mình chấp hành đúng các quy định đó không chỉ thể hiện ý thức của người công dân về chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước bạn. Sắp tới, lễ kết nghĩa giữa hai bản giáp biên sẽ được tổ chức, vừa góp phần làm tình cảm của bà con sống ở hai bên biên giới thêm son sắt vừa trên tinh thần giữ vững lãnh thổ, tôn trọng chủ quyền, pháp luật, phong tục, tập quán mỗi nước.

Nhìn A Páo, anh Hùng nói tiếp: Chúng tôi đang triển khai phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Nhà A Páo là một trong hơn 20 hộ gia đình có nương, rẫy sát đường biên sẽ ký nhận đường biên, mốc giới để phối hợp với Đồn biên phòng quản lý, bảo vệ. A Páo và bà con tích cực tham gia nhé.

A Páo: Bộ đội Hùng cứ yên tâm, ngày nào tôi cũng lên nương, có chuyện gì xảy ra với đường biên, cột mốc là tôi biết ngay thôi, sẽ báo ngay cho bộ đội, cho chính quyền. 

Bộ đội Hùng: Bộ đội biên phòng chúng tôi làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc là nhờ rất nhiều vào sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là dân bản nơi đây, những người trực tiếp sống và có quyền lợi với từng mảnh đất, hòn đá, gốc cây trên biên giới này. Chúng tôi tin tưởng mỗi người dân biên giới thực sự là những ”cột mốc biên cương” vững chắc. 

A Páo: Đất của mình thì mình phải giữ. Đường biên, cột mốc mà bị xâm hại thì nương, rẫy nhà mình cũng đâu có còn. Bảo vệ đường biên cũng chính là bảo vệ đất đai của tổ tiên để lại (lấy tay chỉ lên đầu mình A Páo nói tiếp) Cái đầu tôi giờ đã sáng ra rồi. Dân bản chúng tôi sẽ chung tay cùng bộ đội bảo vệ biên giới.

Nắng sớm đã trải rộng trên cả một dải biên cương Tổ quốc xanh ngút ngàn, đẹp hùng vĩ

[1] Khoản 1 Điều 15 Luật Biên giới quốc gia.

[2] Điểm b Khoản 1, Điều 8 Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý của khẩu biên giới đất liền

[3]  Điều 8 Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

ĐỀ 1: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu cho dưới: Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh,…ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là “căn bệnh” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay. Trao đổi vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại Học California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kì 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay (…), anh Hiếu chỉ ra. Theo anh Hiếu sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng. (…) Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần hai yếu tố là phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong. Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lí thời gian,…việc không quản lí quỹ thời gian của mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cũng cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này qua ngày khác. (…) Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân. (…)Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm? (Lần lữa -“căn bệnh” khó chữa của người trẻ - Hoa Nữ) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính. Câu 2: Theo bài viết, nguyên nhân chủ yếu nào đã khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa? Câu 3: Vì sao Lê Đình Hiếu cho rằng việc chưa “sẵn sàng nghiêm túc với bản thân” và “nuông chiều cảm xúc” sẽ khiến giới trẻ “tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá”?

1 lượt xem
2 đáp án
2 giờ trước