kể về 1 kỉ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo (ko chép trên mạng )

2 câu trả lời

* Em tham khảo dàn ý này nhé

A. Mở bài

- Giới thiệu kỉ niệm đó.

B. Thân bài

- Kỉ niệm đó diễn ra khi nào? Ở đâu?

- Có những ai xuất hiện trong kỉ niệm đó?

- Kể lại các sự việc đã diễn ra.

- Tại sao kỉ niệm đó lại đáng nhớ?

C. Kết bài

- Suy nghĩ của bản thân.

 

* Bài viết tham khảo

" Tạm biết gấu misa nhé, tạm biệt thỏ trắng xinh, mai tôi vào lớp 1 rồi", những câu hát đó vẫn mãi vang vọng trong lòng chúng ta. Kỉ niệm về những năm học đầu đời thật sự khó quên. Đặc biệt là kỉ niệm năm lớp một của em. Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết. Đến cuối buổi học, cô Nhung trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: "Bạn Trang hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều." Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: "Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?" Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: "Tuy vậy, bạn Trang vẫn quên. Cô phê bình Trang trong buổi học ngày hôm nay." Rồi cô nhìn thẳng em và nói: "Cô hi vọng Trang sẽ nhớ lời cô dặn." Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. "Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn." - Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng. Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

 

Thầy cô giáo là những người lái chuyến đò sang sông, đưa chúng ta cập bến của tri thức, nuôi dưỡng ở chúng ta, những người học sinh những hiểu biết, những bài học, rèn luyện cho chúng ta những kĩ năng sống, kĩ năng ứng xử. Hơn thế nữa, thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai luôn yêu thương chăm sóc, dưỡng dục ở chúng ta những nhân cách, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, giúp chúng ta trở thành những con người có ích cho xã hội. Ngày 20/11 chính là ngày để học sinh chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô, tri ân công lao dưỡng dục cũng như thể hiện tình thương yêu đối với thầy cô.

Ngày 20/11 năm nào trường em cũng tổ chức mitting kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, là một dịp để học sinh toàn trường tri ân đối với công lao của các thầy cô giáo. Công lao của các thầy cô giáo với chúng ta là vô bờ bến, là người truyền đạt những tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ và là người luôn định hướng cho chúng ta những con đường đi đúng đắn, phù hợp nhất với khả năng cũng như sở thích của bản thân. Nhân ngày 20/11 em cũng muốn kể về một kỉ niệm sâu sắc giữa em và cô giáo dạy môn lịch sử của mình, đó là những kí ức mà em sẽ không bao giờ quên, bởi nó là những tình cảm kính yêu chân thành nhất của em với cô giáo của mình.

Đó là khoảng thời gian khi em còn là học sinh lớp chín, giai đoạn cuối của lứa tuổi học sinh trung học. Cũng như bao bạn học sinh khác, thời điểm cuối cấp luôn là những lúc chúng em vui chơi, đùa nghịch thỏa thích, vui vẻ nhất bởi chẳng lâu sau đó chúng em sẽ phải chia tay, mỗi đứa một nơi nên những khoảnh khắc của thực tại chúng em đều vô cùng trân trọng. Trải qua thời gian bốn năm học cùng, chúng em không còn những bỡ ngỡ, xa lạ về nhau nữa mà dần trở nên thân thuộc, gắn bó như những người trong gia đình, bởi vậy mà khi nhận ra thời gian bên nhau không còn nhiều thì chúng em đã chơi hết mình, hay nói cách khác thì chúng em quậy phá như những đứa trẻ mới lớn.

Nhưng vô hình chung, sự vui chơi mà chúng em cho là hết mình, là tận dụng khoảng thời gian quý giá để bên nhau lại làm ảnh hưởng lớn đến việc học hành của chúng em. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như chúng em kết hợp vừa chơi, vừa học nhưng chúng em vui chơi mà xao lãng việc học tập, khiến cho thầy cô vô cùng lo lắng và có nhiều lần lên lớp nhắc nhở, bảo ban chúng em. Giai đoạn cuối cấp vô cùng quan trọng, bởi nó đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi người, nhưng khi ấy chúng em đã không thể nhận thức được điều ấy, mặc dù được thầy cô nhắc nhở nhưng chúng em vẫn chứng nào tật ấy, liên tục đứng chót về xếp loại học tập. Em thấy những điều đó là bình thường bởi nếu không tạo ra những dấu ấn khó quên thì thật lãng phí cho một tuổi học trò.

Những suy nghĩ sai lầm ấy của em đến khi gặp và tiếp xúc với cô giáo dạy lịch sử của chúng em thì em mới có thể nhận thức và từ đó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Em còn nhớ rất rõ đó là kì hai của năm học lớp chín, cô giáo dạy môn lịch sử của chúng em mới về hưu, bởi vậy mà sẽ có một giáo viên trẻ khác thay cô phụ trách môn lịch sử ở lớp em. Môn lịch sử là một trong những môn em không thích học nhất, bởi nó nhiều lí thuyết, nhiều sự kiện khó nhớ và em cũng không thê hiểu được học lịch sử thì có thể áp dụng gì cho cuộc sống hiện tại hay không. Lấy lí do không thích học nên em đã không học bài cũ, vả lại em nghĩ cô giáo mới đến thì sẽ không kiểm tra bài cũ đâu.

Cô giáo dạy lịch sử mới của chúng em là một cô giáo trẻ khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, cô vô cùng xinh đẹp, dịu dàng. Nhưng trái ngược với vẻ bề ngoài của mình, cô là một người vô cùng nghiêm khắc trong việc dạy học của mình. Ngay buổi học đầu tiên, sau khi giới thiệu với cả lớp, và kiểm tra bài cũ ngay sau đó, câu hỏi mà cô đặt ra là lên bảng viết ra tên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, lúc ấy em là người nói chuyện rôm nhất nhóm nên cô đã gọi em lên bảng. Em lên bảng loay hoay quay qua quay lại vì em không học bài, em hi vọng các bạn ở dưới có thể nhắc bài cho mình.

Nhưng cô giáo đã thẳng thắn hỏi em “Em đã chuẩn bị bài cũ ở nhà chưa?”, em ấp úng nói “Dạ chưa” thì cô đã nói với em “Học bài về nhà rất quan trọng, nó giúp các em hiểu hơn về bài học cũng như có nền tảng để nắm bài mới. Môn lịch sử không phải môn học chính nhưng nó vô cùng có ích trong cuộc sống. Vì vậy cô hi vọng lần sau em sẽ nghiêm túc hơn trong việc học bài về nhà”. Cô giáo nói tuy rất nhẹ nhàng nhưng em cảm thấy vô cùng xấu hổ với cả lớp, cũng từ đó mà em không có mấy thiện cảm với cô giáo của mình. Em thường xuyên tỏ ra chống đối khi không hăng hái phát biểu như những môn học khác, cũng thường xuyên không học bài về nhà.

Hôm ấy có tiết kiểm tra môn lịch sử bốn mươi lăm phút, lần này cô giáo làm rất chặt, tất cả sách vở đều phải đặt lên mặt bàn, cả lớp đều trật tự làm bài, nhưng em vốn không học gì và cũng không có chút kiến thức nào về môn lịch sử. Bởi vậy mà em cố gắng lấy quyển vở ở đầu bàn lén lút coi. Em cẩn thận mở từng trang vở rất khẽ khàng, cố gắng không phát ra tiếng để tránh sự chú ý của cô giáo. Việc quay cóp của em ngỡ như sẽ thành công như bao lần, bởi vị trí mà em ngồi là cuối lớp, lại bị khuất bóng của bạn Minh lớp trưởng, cô giáo không thể nhìn thấy được. Hí hửng với ý tưởng của mình, em vô tư coi bài mà không để ý xung quanh.

Nhưng lúc đang mải miết coi và chép bài thì cô giáo đã đến chỗ em tự lúc nào, cô không lớn tiếng phát giác em trước cả lớp mà chỉ khẽ gõ nhẹ nhón tay lên mặt bàn để em chú ý. Em giật mình sợ hãi ngước lên nhìn cô, sợ cô sẽ trách phạt và nêu gương xấu cho cả lớp, nhưng trái với suy nghĩ của em, cô giáo không hề làm vậy, cô chỉ nói rất nhẹ “Cuối giờ hãy gặp cô một chút nhé”. Em mang tâm trạng nặng nề và sợ hãi suốt bốn tiết học sau đó, trong đầu em mường tượng ra bao hình phạt mà cô sẽ làm với em, mà đáng sợ nhất chính là mời bố mẹ lên để làm việc. Em không sợ bị cô giáo trừ điểm hay trách phạt mà em sợ hãi nhất chính là việc khiến bố mẹ thất vọng, đau lòng.

Cuối tiết học thứ năm, em xuống phòng chờ giáo viên để gặp cô giáo, nhưng không hề có sự trách phạt nào cả, cô chỉ nhẹ nhàng nói với em “Chỉ có những thứ làm ra mới thực sự có giá trị, điểm số không quan trọng, quan trọng là em nhận được gì sau những bài học ấy”. Nghe cô nói đến đây, em cảm thấy vô cùng hối hận, em cúi sát đầu xuống mặt bàn và nói lời xin lỗi với cô “Em xin lỗi cô”. Cô nắm lấy bàn tay em làm em vô cùng bất ngờ, cô ôn tồn nói “Cô biết em là một học sinh ngoan, hãy cố gắng để tiến bộ hơn nữa, đừng để một môn học em không thích làm ảnh hưởng đến sự tiến bộ ấy. Môn lịch sử khó nhưng cũng không phải không có cách học, có khó khăn gì thì cô có thể giúp em giải đáp”.

Lời nói của cô đầy chân thành khiến cho khóe mắt của em cay cay, em vô cùng cảm động trước tấm lòng nhân hậu đầy yêu thương của cô. Vì không muốn em xấu hổ với lớp mà cô đề nghị gặp riêng, rồi cô không những không trách phạt mà còn hứa giúp em học tốt. Trong lòng em lúc ấy tràn ngập cảm giác hối hận cùng sự biết ơn. Em đã tự hứa với chính mình phải cố gắng, không phụ tấm lòng của cô. Và kết quả cuối kì học em đạt tám phẩy năm điểm môn sử, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn cô vô cùng, vì cô không chỉ cho em động lực học môn lịch sử- là môn mà em vốn rất ghét mà còn cho em một bài học sâu sắc, đó là cách nỗ lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống, đó là đối mặt và tìm cách vượt qua.

cái này mik ghi rồi lưu vào máy chứ ko phải là chép mạng nha