Hãy đặt mình vào nhân vật ông hai kể lại đời sống và tâm trạng khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
2 câu trả lời
Nếu được thì cho mình ctlhn nhé, cảm ơn ạ!
Là một người nông dân gắn bó sâu nặng với làng quê nên tôi vô cùng yêu quý và tự hào về cái làng Chợ Dầu quê tôi. Có một việc xảy ra đã cho tôi hiểu tình yêu tôi dành cho làng sâu đậm đến nhường nào. Đó là ở nơi tản cư tôi đột ngột nghe tin làng Chợ Dầu mà tôi vẫn tự hào là làng kháng chiến đã Việt gian theo Tây phản bội Tổ quốc.
Nghe theo lời kêu gọi của Cụ Hồ xây dựng làng kháng chiến, tôi cùng gia đình rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư tôi vẫn luôn nhớ về làng và lúc nào cũng tự hào khoe làng tôi là làng kháng chiến. Ngày nào tôi cũng lên phòng thông tin nghe tin tức về kháng chiến và làng Chợ Dầu quê tôi.
Hôm ấy, sau khi làm xong việc nhà, tôi đến phòng thông tin để nghe đọc báo. Tôi nghe được bao nhiêu là tin hay về chiến thắng của quân ta. Ruột gan tôi cứ múa cả lên, vui quá! Rời phòng thông tin, tôi ghé vào một quán nước, hút điếu thuốc lào, uống bát chè xanh. Bỗng tôi giật mình nghe thấy một người đàn bà nói oang oang:
- Nó rút qua Bắc Ninh, về Chợ Dầu nó khủng bố ông ạ.
Nghe thấy hai tiếng “Chợ Dầu”, tôi quay phắt lại lắp bắp hỏi:
- Nó ...nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?
Người đàn bà cong môi lên đỏng đảnh:
- Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây rồi, còn giết gì nữa.
Nghe người đàn bà nói thế, cổ họng tôi nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Tôi lặng đi, tưởng như không thở được. Một lúc sau tôi mởi hỏi lại, giọng lạc hẳn đi:
- Có thật thế không hở bác? Hay là chỉ lại...
Tôi hỏi lại để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng có một sự nhầm lẫn và đó chỉ là tin đồn vô căn cứ. Nhưng trước sự khẳng định chắc chắn của người đàn bà tản cư thì tôi không thể không tin. Bà ta lại còn kể cả chuyện thằng chánh Bệu làng tôi đưa vợ con lên vị trí với giặc thì tôi còn nghi ngờ gì nữa. Không còn mặt mũi nào ngồi đấy, tôi đứng dậy lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng. Song tôi có cảm giác tiếng cười nói xôn xao của đám người tản cư vẫn cứ dõi theo tôi. Bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng người đàn bà tản cư chửi bọn Việt gian bán nước :
- Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp, ăn trộm bắt được người ta còn thương chứ cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!
Tôi có cảm giác tiếng chửi của người đàn bà tản cư là nhằm vào tôi. Tôi thấy mình như có lỗi, có tội, có một phần trách nhiệm trong việc làng tôi phản quốc. Đau đớn quá! Xấu hổ, nhục nhã quá! Tôi chỉ còn biết cắm mặt xuống mà đi.
Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi thương con vì chúng nó là trẻ con làng Việt gian. Nghĩ đến việc chúng nó sẽ bị người ta hắt hủi, xua đuổi, tôi lại càng thêm đau đớn và căm hận cái lũ Việt gian bán nước. Tôi nắm chặt hai tay lại mà rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.
Tôi bỗng ngờ ngợ lời mình nói không được đúng lắm. Tôi kiểm điểm lại từng người trong óc và thấy ai cũng có tinh thần cả. Tôi tin người dân làng Chợ Dầu quê tôi dù có chết cũng không ai cam tâm làm điều nhục nhã đấy. Nhưng rồi tôi lại phân vân. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Chao ôi! Cực nhục quá, cả làng Việt gian theo Tây! Tôi lại càng lo sợ hơn khi nghĩ đến việc không ai làm ăn buôn bán với người làng Việt gian. Bởi suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước. Gia đình tôi rồi biết đi đâu về đâu? Biết làm ăn buôn bán ra sao bây giờ? Bao nhiêu ngươi làng Chợ Dầu tan tác ở nơi khác không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? Nỗi đau đớn , tủi nhục lại dâng trào trong lòng tôi, như bóp nát trái tim tôi.
Sự việc này đã giúp tôi nhận ra tình yêu tôi dành cho làng Chợ Dầu lớn lao, sâu đậm như thế nào. Với tôi, làng Chợ Dầu không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn đi về mà còn là danh dự, là lẽ làm người. Làng Chợ Dầu là nơi chân tôi có thể rời đi nhưng trái tim tôi thì sẽ mãi mãi thuộc về nơi đó.
THAM KHẢO
Đã mấy chục năm rồi, có lẽ chừng ấy năm ròng cũng đủ để tôi thấu hiểu hầu hết những người dân trong làng. Họ và tôi, chúng tôi đều là người Việt Nam, chúng tôi đều mang trong mình dòng máu lạc hồng luôn đỏ mãi trong lòng mỗi người. Người trong làng tôi hầu hết đều là những người nông dân một nắng hai sương tần tảo sớm hôm vất vả ra đồng. Chúng tôi sống cho bản thân mình nhưng chưa giây phút nào chúng tôi quên được lòng yêu Tổ Quốc, yêu nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Thế mà không hiểu vì lí do gì mà mọi người lại tung tin đồn xấu cho làng tôi.
Hôm ấy trời nắng đẹp và trong, như mọi hôm tôi lại đến phòng thông tin để đọc báo. Tôi rất thích đến đây nghe người khác đọc báo. Tuy là nông dân nghèo, cuộc sống cực khổ, làm nhiều việc tôi vẫn có cái thú vui đọc tin tức thường xuyên để nắm bắt thông tin mọi nơi. Khi vừa bước ra khỏi phòng thông tin, rẽ vào quán dặn vợ mấy việc rồi đi ra lối huyện cũ, tôi bắt gặp tốp người tản cư bàn tán rất náo nhiệt.
Tính tôi cũng hay tò mò không biết có việc gì nên liền lại tán gẫu cùng. Được biết có làng nào ấy Việt gian theo Tây. Tôi nào ngờ ấy lại là làng Chợ Dầu – chính ngôi làng tôi sống. Họ bảo làng tôi Việt gian, người làng tôi theo giặc. Như không tin được vào tai mình. Tôi thầm nghĩ đủ điều. Chẳng nhỡ làng mình theo Tây thật rồi sao. Sao lại có chuyện đấy được. Người làng ta đều là những con người yêu nước hết cả mà. Không nhẫn nhịn được nỗi nhục nhã đến tận cùng, tôi đành đánh trống lảng bỏ đi: “Hà, nắng gớm, về nào…”
Kể từ cái ngày tin đồn ấy được truyền lây lan rộng khắp nơi, tôi chẳng dám bén lẻn ra đường nữa. Tâm trí tôi như dần triệt quệ, tôi không thèm màng đến việc gì nữa. Cả vợ tôi cũng chán nản không thiết làm việc nhà. Được sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến tranh, từ bé tôi đã phải sống với bom đạn. Thấy thế tôi luôn nhủ với lòng mình rằng sau này phải gắng sức làm việc gì đấy giúp ích cho đất nước.
Trong đầu tôi cũng như gia đình, làng xóm tôi đều hứa với lòng sẽ luôn ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm. Thế mà giờ đây chúng tôi còn chưa làm được điều gì đã làm tổn hại đến đất nước rồi. Tôi cũng yêu làng tôi lắm, cái làng Chợ Dầu ấy đã gắn bó với tôi khá lâu rồi. Nhưng sâu thẳm trong trái tim mộc mạc , bình dị của người nông dân nghèo này vẫn luôn dành một phần quan trọng đối với Tổ quốc. “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
Thời điểm ấy, khắp nơi mọi người đều xua đuổi dân làng Chợ Dầu. Bà chủ nhà của tôi rồi cũng phải từ chối gia đình tôi sinh sống tại nhà bà. Trong vài ba hôm ngắn ngủi, không biết làm gì, đi về đâu, đầu óc tôi như trống rỗng bởi sự nhục nhã không cam chịu nổi.
Thế mà nỗi buồn ấy lại bỗng chốc chuyển sang nụ cười vui hồn nhiên nở dần trên gương mặt tôi. Tôi vui sướng khi được nghe tin mừng rằng tin làng Chợ Dầu Việt gian đã được cải chính lại. Đúng thật là, toàn là sai sự mục đích cả. Tôi đi đến khắp nơi báo tin mừng dây cho mọi người. Ngay cả bà chủ nhà cũng vui và đành cho tôi tiếp tục ở nhà bà. Thế là cuộc sống tôi lại trở nên vui vẻ như trước.
Mọi con sông đều chảy ra biển, tình yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương trở thành tình yêu Tổ Quốc. Đối với người nông dân một nắng hai sương, làng có một vị trí rất quan trọng. Đấy là nơi tôi sinh ra, lớn lên và làm việc. Quan trọng hơn làng đã trở thành cội nguồn quê hương, là một phần không thể thiếu trong tâm hồn của người nông dân. Riêng bản thân tôi, tôi sẽ không bao giờ quên đi được bóng dáng cái làng Chợ Dầu thân thuộc ấy và sẽ luôn tin tưởng, chẳng bao giờ rời xa làng mình.